Báo chí – Vũ khí sắc bén chống chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Bảy, 14/05/2022 09:01

. NGUYỄN THANH TÚ
 

Thời kỳ những năm 1920 Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp, Anh, bằng mọi cách có thể, các hoạt động của Người đều nhằm một mục đích lớn nhất là kết tội chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết giai cấp, kêu gọi nhân loại tiến bộ ủng hộ, giúp đỡ các dân tộc thuộc địa. Báo chí như là một phương tiện hiệu quả được tận dụng một cách tối đa. Người coi các nhà văn, nhà báo, các vị trí thức tiến bộ như là các đồng chí cùng chung mục đích cao cả. Trong những trang viết của Người ở thời kỳ này xuất hiện không ít tên tuổi các nhà văn cùng tư tưởng của họ:

“Bạn Vinhê Đốctông của chúng ta bằng một cuộc khảo sát phong phú về tư liệu, sẽ cho độc giả báo Libertaire thấy dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh "nền dân chủ Pháp", người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương. Nhưng, bên cạnh việc đầu độc tập thể và chính thức đang làm vẻ vang lớn cho đất nước có bản Tuyên ngôn nhân quyền kia, còn có cả những vụ giết hại cá nhân của những kẻ đi khai hoá. Ở đây, chúng tôi nêu lên vài vụ trong những chiến công đó, đã được ghi lại và thẩm tra, hoặc qua nhiều nhân chứng, hoặc qua chính bản thân các tác giả đã kể ra để tự khoe khoang bằng một sở thích quái ác thượng đẳng và đặc biệt của những kẻ thực dân”. Vinhê Đốctông là bút danh của Pôn Echien Vinhê, người Pháp vốn là dược sĩ phục vụ trong ngành hàng hải Pháp từ 1880. Từ 1889 đến 1893 làm việc ở châu Phi, đã xuất bản 10 tiểu thuyết. Vinhê Đốctông từng tham gia phái cấp tiến cực tả, có cuốn Vinh quang của lưỡi gươm được xem là cuốn sách đầu tiên công khai chống chủ nghĩa thực dân. Tuyên ngôn nhân quyền, tên đầy đủ là Tuyên ngôn nhân quyền và công dân quyền, một văn kiện nổi tiếng của Cách mạng tư sản Pháp công bố ngày 26/8/1789 nêu những quyền đương nhiên không thể tước bỏ của con người và công dân. Thế là, không phải Nguyễn Ái Quốc công dân của một xứ thuộc địa mới kết tội thực dân, mà ngay chính một công dân Pháp cũng đã nhìn thấy, thậm chí là làm “một cuộc khảo sát phong phú về tư liệu” để chứng minh “dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh "nền dân chủ Pháp", người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương”. Dựa trên cứ liệu rất đáng tin cậy này Nguyễn Ái Quốc bổ sung để hoàn chỉnh thêm một sự thật đáng mỉa mai: “bên cạnh việc đầu độc tập thể và chính thức đang làm vẻ vang lớn cho đất nước có bản Tuyên ngôn nhân quyền kia, còn có cả những vụ giết hại cá nhân của những kẻ đi khai hoá”!

“Dưới đầu đề “Bọn kẻ cướp ở thuộc địa”, đồng chí Víchto Mêrích đã thuật lại cho chúng ta nghe sự độc ác không thể tưởng tượng được của một viên quan cai trị thuộc địa nọ đã đổ nhựa cao su vào bộ phận sinh dục của một người phụ nữ da đen khốn khổ. Sau đó, hắn bắt chị phải đội một tảng đá lớn đứng phơi nắng cho đến chết.

Tên công chức dâm bạo đó hiện đang tiếp tục những thành tích của hắn trong một tỉnh khác với chức vị cũ.

Khốn thay, những việc bỉ ổi như vậy lại không hiếm gì ở cái nơi mà báo chí của các nhà cầm quyền thường gọi là “nước Pháp hải ngoại”. Víchto Mêrích, tên đầy đủ Víchto Xêlextanh Mêrích, nhà báo Pháp, đảng viên đảng Xã hội, đại biểu quận Xen tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội ở Tua, bỏ phiếu cho Quốc tế thứ ba được bầu vào Ban lãnh đạo của đảng Cộng sản năm 1920-1921và có chân trong Hội đồng quản trị báo L’Humanité. Như vậy lời phanh phui tội ác này đã được “bảo hiểm” bởi các tư cách sau: lãnh tụ một đảng chính trị đang rất có uy tín đối với công luận Pháp, một nhà báo trí thức, một người Pháp tiến bộ.

Trên báo La Vie Ouvrière ngày 19/1/1923 tác giả Nguyễn Ái Quốc có bài viết Sự liêm khiết thực dân mỉa mai tính ăn cắp của các nhân viên và cả “xếp” ngành bưu điện. Dĩ nhiên tác giả không thể tự mình điều tra mà nhường sự “lột mặt nạ ” “liêm khiết” để làm trơ ra bản tính ăn cắp của các nhân viên thực dân: “Tin sau đây chúng tôi trích ở tờ Journal Officiel, nói về buổi họp thứ nhất ngày 22-12-1922:

“Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều lính Phi gửi ngân phiếu cho gia đình với những số tiền nhiều khi rất lớn. Nhưng các ngân phiếu ấy không bao giờ đến tay người nhận cả”...

“Người ta bắt một nhân viên, rồi một nhân viên nữa, rồi đến lượt ông “xếp”, và cuối cùng, khi tất cả nhân viên bị còng tay thì đến phiên ông giám đốc ngành bưu điện cũng theo họ vào tù nốt.

“Mỗi ngày, cuộc điều tra lại đưa ra ánh sáng vài sự việc mới. Số bưu kiện bị đánh cắp trị giá trên 125.000 phrăng. Giấy tờ, kế toán đều làm gian cả. Sổ sách gian lận rối beng đến nỗi phải mất hơn 6 tháng mới gỡ ra được”. Sự thật này không phải được trích từ một tờ báo lá cải tầm thường mà là từ tờ Journal Officiel có tên đầy đủ là Journal Officiel de la Répulique Francaise, nghĩa là Công báo của nước Cộng hoà Pháp. Mũi dùi mỉa mai đả kích không chỉ hướng vào bản chất ăn cắp của nhân viên thực dân, mà còn làm toát lên sự vô nhân tính, ăn cắp không chỉ vật chất đơn thuần là tiền bạc mà còn là niềm tin và nhất là mồ hôi xương máu của những người lính thuộc địa bị thực dân bắt đi lính làm bia đỡ đạn cho chính các quan thực dân.

để nêu lên tình cảnh khốn khổ đáng thương về số phận bi thảm của người dân bản xứ, nếu để cho một người bản xứ lên tiếng thì sức thuyết phục không thể “bảo hiểm” bằng chính những vị chính khách cầm quyền, vì các vị ấy vừa là những kẻ “đầu trò” thảo ra chính sách, vừa là những kẻ được báo cáo một cách đầy đủ nhất, trung thực nhất. Chúng ta hãy nghe một nghị sỹ phát biểu và một Bộ trưởng Bộ thuộc địa “thú nhận” được tác giả ghi lại:

“Tháng 12 năm 1921, nghị sĩ da đen Boanớp đã nói trong một bài diễn văn cảm động như sau:

“Dân số bị lụi đi vì bệnh tật, và nhất là vì chế độ mà họ phải chịu đựng từ khi bị chiếm đóng... Chế độ bắt phu khuân vác, sự bóc lột nặng nề của các công ty khai khẩn đồn điền đã giết những người bản xứ…”.

Ông Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa - đã phải thú nhận rằng dân cư khốn khổ của thuộc địa đã sắp diệt vong. Ông đã ra sức gán cho tình trạng dân cư bị diệt vong dần đi đó, là do thiếu vệ sinh, và ông viết:

“Việc săn sóc vụng về và bẩn thỉu đối với phụ nữ khi sinh nở... làm cho họ không sinh đẻ nữa; còn trẻ con lúc sơ sinh không được chăm nom chu đáo nên đã chết nhiều... Trong số dân cư bản xứ đã bị bệnh ngủ làm cho chết mòn dần đi, thì bệnh cúm lại còn sát hại thêm hàng vạn người nữa”. Tuy là nghị sĩ nhưng vì là người da đen cùng “chủng tộc” với những kiếp nô lệ người châu Phi nên lời của ông Boanớp, về bản chất là nêu lên sự thật nhưng không tránh khỏi có ý kiến cho rằng ông này nói thế vì có cảm tình với dân thuộc địa, nhưng khi là lời của Ông Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa thì chắc ai cũng phải tin. Qua lời “thú nhận” này bạn đọc thấy được hai mặt của một vấn đề “khai hóa”. Một là tình trạng bị diệt vong của dân bản xứ. Hai là sự vô trách nhiệm của các nhà “bảo hộ”, “khai hoá”. Các nhà “khai hoá văn minh” của nước Mẹ Đại Pháp đã làm gì trước tình cảnh nguy cấp đó? Thì lời của nghị sĩ da đen Boanớp ở trên đã trả lời, họ còn mải “bắt phu khuân vác, sự bóc lột nặng nề của các công ty khai khẩn đồn điền đã giết những người bản xứ...”.

Đúng là kẻ cướp còn lương thiện hơn thực dân, vì kẻ cướp có khi chỉ cướp vật chất của người đi đường còn thực dân, ngoài cướp hầm mỏ, nguyên liệu, vàng bạc châu báu, sức lao động… của dân thuộc địa còn là giết họ, cưỡng hiếp họ… Làm rõ điều này tác giả đã mượn lời của ông Vinhê Đốctông, nguyên nghị sĩ Pháp, ông ta nói: “Nếu đem so sánh với bọn viên chức thuộc địa, thì những quân cướp đường còn là những người lương thiện”. Như vậy là những “bọn viên chức thuộc địa” làm nhiệm vụ “bảo hộ”, “khai hóa” còn tàn bạo hơn cả “quân cướp đường”!

Bản án chế độ thực dân Pháp là một sự “lột mặt nạ” đích đáng nhất vào bộ mặt giả dối của chủ nghĩa thực dân, với lòng căm phẫn cái ác cao nhất, một tình thương yêu con người mãnh liệt, thiết tha nhất. Đây thực sự là một tác phẩm mang tầm nhân loại, sẽ sống mãi cùng ký ức nhân loại về một giai đoạn mà loài người phải xấu hổ vì sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân. Tác phẩm viết bằng tiếng Pháp xuất bản lần đầu tại Pari năm 1925, ký tên Nguyễn Ái Quốc, nhưng mãi đến năm 1946 mới được in ở Việt Nam. Xin được trích một vài đoạn tiêu biểu. Đây là thủ đoạn bắt lính:

“Có rất nhiều thủ đoạn bắt lính.

Thủ đoạn sau đây đã tỏ ra nhanh và tiện nhất:

Lấy dây chăng ngang hai đầu con đường chính trong làng lại. Thế là tất cả những người da đen ở vào giữa đều coi như chính thức phải tòng quân.

Một nhân chứng đã viết cho chúng tôi như sau: “Giữa trưa ngày 3 tháng 3 năm 1923, bọn hiến binh vây ráp các bến cảng Ruyphixcơ và Đaca rồi tóm tất cả những người bản xứ làm việc ở đó. Những anh chàng này vì không tỏ vẻ sốt sắng đi bảo vệ văn minh ngay, nên người ta rước họ lên ô tô cam nhông mời về nhà lao. Ở đấy, sau khi họ có đủ thì giờ để thay đổi ý kiến rồi, người ta mới đưa họ sang trại lính.

Ở trại lính, sau những nghi lễ biểu dương tinh thần yêu nước, 29 lính tình nguyện được tuyên dương có thể trở nên anh hùng của cuộc chiến tranh cuối cùng nay mai... Bây giờ thì tất cả đều nóng lòng muốn lấy lại miền Ruya cho nước mẹ. Nhưng theo tướng Mănggianh, người hiểu rõ họ nhất, thì đó chỉ là những đội quân để đem nướng trước mùa đông”. Một cách bắt lính lạ đời, và một “tinh thần yêu nước” còn lạ đời hơn. “Ruyphixcơ và Đaca” là tên những hải cảng ở nước Xênêgan, “miền Ruya” là vùng công nghiệp của Đức, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bị cắt giao cho Pháp từ năm 1921 đến 1925. Người Xênêgan không yêu nước Xênêgan mà lại đi yêu “nước mẹ”. Chúng ta hãy chú ý các từ mỉa, tức nói ngược: “đi bảo vệ văn minh”, “rước”, “mời” và cách nói vòng: “Ở đấy, sau khi họ có đủ thì giờ để thay đổi ý kiến rồi, người ta mới đưa họ sang trại lính”, nghĩa là phải có sự ép buộc, doạ nạt… Nhưng đến khi sự thú nhận của “tướng Mănggianh” thì cái mặt nạ “văn minh”, “tự do”, “bảo hộ”, “nhân đạo” trên khuôn mặt thực dân bị rơi xuống để trơ ra những gì là tàn ác vô nhân: “đó chỉ là những đội quân để đem nướng trước mùa đông”. Tướng Mănggianh vốn không ai còn xa lạ: vị tướng Pháp này đã từng tham gia đánh nhau ở Vécđoong, từng chỉ huy đội quân xâm lược Pháp ở Xuđăng, Bắc kỳ, Marốc… Lời của vị tướng ấy thì chả còn ai nghi ngờ!

Với Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc là người thay mặt nhân dân các nước thuộc địa kết tội chủ nghĩa thực dân, tội lừa dối ăn cắp niềm tin; tội cướp bóc, đốt phá… tóm lại là tội chống lại loài người, tội diệt chủng. Thì ra không cứ ở xứ An Nam tội nghiệp, mà ở bất cứ nơi nào có mặt kẻ xâm lược thì người dân nơi đó cũng đều bị hành hạ, bóc lột. Chủ nghĩa thực dân, dù ở đâu cũng đều chung một đặc điểm là ăn cướp, người dân thuộc địa dù ở đâu cũng chung một đặc điểm là sống kiếp nô lệ. Tác giả mượn lời của một người Đahômây- một xứ thuộc địa, từng là nạn nhân của chế độ “bảo hộ”, “khai hoá”, “văn minh”: “Chúng tôi hiện có trong tay bức thư của một người Đahômây, vốn là cựu binh, đã từng làm "nghĩa vụ" trong cuộc chiến tranh "vì công lý". Một vài đoạn trích trong bức thư sẽ vạch rõ cho các bạn thấy người Batuala đã được bảo vệ như thế nào và các quan cai trị thuộc địa nhà ta đã nặn ra lòng trung thành của người bản xứ như thế nào để tô điểm cho tất cả những bài diễn văn của các nhà cầm quyền và làm đề tài cho tất cả những bài báo của bọn Rêgixmăngxê và Hôde thuộc đủ cỡ.

Bức thư viết: “Năm 1915, khi ông M.Nuphla, thống đốc Đahômây, ra lệnh bắt lính, thì làng tôi bị bọn cảnh sát cùng lính cơ cướp phá và đốt sạch. Tất cả tài sản của tôi đều bị mất hết trong các cuộc đốt phá đó. Tuy thế, tôi vẫn bị cưỡng bách nhập ngũ, và mặc dầu là nạn nhân của việc xúc phạm bỉ ổi đó, tôi đã làm nghĩa vụ của tôi ở mặt trận bên Pháp. Tôi bị thương ở trận Exnơ.

Ngày nay, chiến tranh đã chấm dứt, tôi sắp trở về nước, nhưng không còn nhà cửa, của cải gì cả.

Người ta đã cướp của tôi: ...

Chắc bọn “bôsơ” của vua Ghiôm cũng không làm được hơn thế”.

Batuala là tên một bộ lạc sinh sống ở vùng xích đạo châu Phi, một xứ thuộc địa của thực dân Pháp. Bức thư vạch mặt các quan thực dân phạm tội bắt lính, bắt người dân vô tội rồi đẩy họ vào chỗ chết; lừa dối dư luận, bắt lính mà lại dựng chuyện đó là “lòng trung thành của người bản xứ”, tố cáo bọn bồi bút tay sai, “bọn Rêgixmăngxê và Hôde” (trong bản phiên âm là régismanset et hauser, nghĩa là bọn bồi bút). Nhất là tố cáo sự vô nhân thực dân: đẩy người ta vào chỗ chết rồi cướp hết của cải của họ. Những con số liệt kê không vô tình mà là vạch trần sự bẩn thỉu không còn tính người.

Bài học cho những nhà báo cách mạng chúng ta hôm nay là: lấy điểm tựa tình yêu thương con người, vì lẽ phải, vì chủ nghĩa xã hội mà quyết đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại giá trị con người, giá trị của chủ nghĩa xã hội vì hạnh phúc nhân dân!

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)