Vạch ra những mâu thuẫn của chế độ thực dân – Một đóng góp lớn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc

Thứ Năm, 05/05/2022 09:06

. NGUYỄN HẢI ANH
 

Ở thời hội nhập toàn cầu hóa hôm nay, lý thuyết đối thoại văn hóa khẳng định miêu tả chân thực trạng thái văn hóa là một đóng góp vì giúp cho cái nhìn, cho sự phân tích mang tính bản chất hơn. Đối chiếu điều này với sự nghiệp báo chí của Nguyễn Ái Quốc thời hoạt động ở Pháp chúng ta sẽ thấy rõ hơn những đóng góp lớn của Người ở phương diện vạch ra những mấu thuẫn mang tính thời đại của chủ nghĩa thực dân.

Nguyễn Ái Quốc vạch ra những mâu thuẫn ấy trước hết bằng cách đặt tiêu đề bài báo theo nguyên tắc nghịch nghĩa, trái nghĩa: Sự quái đản của công cuộc khai hoá, Khai hoá giết người, Công cuộc khai hoá giết người, Sự thảm hoạ của nền văn minh...

1. Mâu thuẫn ngược đời giữa nguyên nhân - kết quả.

Theo lôgich thông thường, cũng là xu hướng phổ biến, để có một kết quả tốt đẹp phải có một nguyên nhân tốt đẹp, và ngược lại. Nhưng trên thực tế, ở một giai đoạn nhất định, các thế lực phản động, đen tối tạm thời chi phối xã hội bằng các thủ đoạn, bằng sự lừa dối thì lôgich ấy bị vi phạm. Giai đoạn đầu thế kỷ XX thế và lực của chủ nghĩa thực dân là sự minh chứng cho kẻ ác tạm thời thắng thế. Mà kẻ ác thì luôn vi phạm và chà đạp lên chân lý, vì thế đối với chúng sự việc có nguyên nhân có kết quả nhưng là nhân quả ngược đời. Nguyên nhân kém cỏi, dốt nát nhưng kết quả lại là người có “quyền hành vô hạn”:

“Như ở tất cả các tỉnh, một tỉnh Bắc Kỳ cũng có một vị công sứ Pháp. Như tất cả các vị công sứ Pháp ở Bắc Kỳ, vị công sứ ở tỉnh mà chúng tôi nói tới, được trao cho một quyền hành vô hạn. Ông ta là chủ tỉnh, đốc lý, chánh án, mõ toà, chủ thầu. Ông kiêm nhiệm tất cả mọi quyền hành: tư pháp, thuế vụ, sinh mệnh và tài sản của người bản xứ, việc bầu cử những người cầm quyền bản xứ, quyền lợi của công chức, vân vân và vân vân.

Vị quan chức cao cấp đó đã dùi mài tất cả khoa học chính trị và hành chính ở khu phố latinh mà ông ta vốn làm nghề... bán cháo. Bị nợ như chúa chổm và không còn một xu dính túi, ông ta may mắn được một chính khách có thế lực "đề bạt" cho làm công sứ phụ trách một tỉnh có hàng nghìn người”. “Làm nghề… bán cháo” thì không có gì xấu nhưng từ một người bán cháo mà lại “được trao cho một quyền hành vô hạn” thì quá mâu thuẫn, vì nghề “bán cháo” không liên quan gì đến công việc “chủ tỉnh, đốc lý, chánh án, mõ toà, chủ thầu” và các quyền hành “tư pháp, thuế vụ, sinh mệnh và tài sản của người bản xứ, việc bầu cử những người cầm quyền bản xứ, quyền lợi của công chức”. Thế mà “Nhà nước” lại trao cái chức “công sứ” một tỉnh cho cái anh “bán cháo” thì quả quá phi lý. Hệ quả tất nhiên là ông ta sẽ… “bán cháo” cả thôi. Đã thế ông ta lại còn “bị nợ như chúa chổm và không còn một xu dính túi”, là rất đúng vì ông ta không có kinh nghiệm quản lý, không biết đến khoa học. Thế mà nay “Nhà nước” lại cho ông “làm công sứ phụ trách một tỉnh có hàng nghìn người” thì càng ngược đời hơn. Chúng ta hãy chú ý mệnh đề: “Như ở tất cả các tỉnh…” có nghĩa là tất cả các vị công sứ đều như thế, đều như ông công sứ nọ!

Nguyên nhân tham lam tàn bạo nhưng kết quả lại được “thưởng những công trạng đáng khen”:

“Khi làm Công sứ tỉnh Thái Nguyên (Bắc Kỳ), vì mục đích tống tiền, Đáclơ đã bắt bớ, giam cầm và kết án vô cớ người bản xứ. Hắn đã giáng những cú đấm và những trận đòn roi vào những người bản xứ bị gọi đi lính “tình nguyện”. Hắn đối xử tàn ác với những người lính lệ bản xứ, nắm tóc họ lôi xềnh xệch, đập đầu họ vào tường nhà của hắn.

Hắn đâm lưỡi kiếm vào những người tù khiến họ bất tỉnh nhân sự.

Viên Công sứ Đáclơ đánh một người bản xứ bằng roi sắt và làm gãy hai ngón tay của người này. Hắn dùng roi đánh túi bụi một viên đội người bản xứ. Hắn chôn đến tận cổ những người lính lệ bản xứ nào không làm vừa lòng và chỉ cho đào họ lên khi họ đã gần chết. Hắn dùng gậy đâm lòi mắt một viên đội người bản xứ khác...

Để thưởng những công trạng đáng khen ấy của viên Công sứ Đáclơ, người ta phong hắn chức chánh giám khảo các trường lớn ở Hà Nội và bổ nhiệm hắn làm đổng lý văn phòng của viên Thống sứ Bắc Kỳ”.

Nguyên nhân là “làm những điều đại gian ác” mà kết quả lại được “thăng chức và thưởng huân chương”. Dưới đây là một đoạn trong Thư ngỏ gửi ông Lêông Acsimbô, Ủy viên Hội đồng thuộc địa tối cao in trên báo Le Paria số 10 ngày 19/1/1923:

“Theo ông, những hành vi và cử chỉ của các quan cai trị thuộc địa của ông đều đã được các phủ toàn quyền và Bộ Thuộc địa thừa biết, nhận xét và kiểm tra rồi. Vậy, ắt phải là một trong hai điều sau đây: hoặc là vì ông đãng trí nên đã quên mất những tên như Bôđoanh, Đáclơ, Luycaxơ và biết bao nhiêu tên khác nữa, hợp thành đám hảo hán đã làm rạng rỡ và vẻ vang cho bộ cai trị thuộc địa của ông; chúng đã làm những điều đại gian ác, thế mà chỉ bị trừng phạt bằng cách thăng chức và thưởng huân chương thôi. Hoặc là ông đã ngang nhiên chế giễu độc giả của ông”.

Xin được giới thiệu tiểu sử vắn tắt, Bôđoanh, Toàn quyền Đông Dương (từ tháng 4 đến 9/1922), Chủ tịch các nhà băng Đông Dương; Đáclơ Công sứ tỉnh Thái Nguyên chủ trương đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của binh lính người Việt do Đội Cấn chỉ huy (8/1917)...”đã làm những điều đại gian ác” với người dân Đông Dương, nhưng oái oăm thay, Nhà nước thực dân lại coi đó là “công lao” nên “trừng phạt” bằng cách “thăng chức và thưởng huân chương”. Cách nói người này làm bật ra cái ngược đời của chế độ thực dân: “đại gian ác” là được thưởng!

Còn nhiều những cặp nguyên nhân – kết quả ngược đời đến vô lý. Vô lý mà vẫn tồn tại ở chế độ thực dân.

Nguyên nhân là đi xâm lược, tàn sát đẫm máu, kết quả lại “được giáo hội cầu chúc phúc lành, được bọn vua chúa và nghị viện phê chuẩn một cách hợp pháp”: “Từ ngày người da trắng đặt chân lên bờ biển lục địa của người da đen thì lục địa đó không lúc nào là không đẫm máu. Ở đó, những cuộc tàn sát hàng loạt được giáo hội cầu chúc phúc lành, được bọn vua chúa và nghị viện phê chuẩn một cách hợp pháp, được bọn buôn người da đen đủ mọi hạng - từ bọn buôn nô lệ xưa kia, cho đến bọn quan cai trị ngày nay ở thuộc địa - chăm chú thi hành”. Bênh vực, đồng lõa, tán dương những kẻ giết người, buôn người thì đó là loại người nào. Không nói thẳng ra nhưng bạn đọc cũng thấy “bọn vua chúa và nghị viện” kia cũng cùng một giuộc mà thôi!

Nguyên nhân vì “có tài nguyên phong phú”, “có những số tiền kếch sù” mà kết quả lại “sống đời sống nghèo nàn nhất”: “Có tài nguyên phong phú trên đất nước mình, có nền đại thương nghiệp tiến hành ở hải cảng của mình, có những số tiền kếch sù luân chuyển quanh mình, ấy thế mà người dân An Nam lại sống đời sống nghèo nàn nhất. Sự phồn thịnh ấy do bàn tay họ làm nên nhưng không phải để cho họ hưởng. Sự áp bức về kinh tế cũng nặng trĩu ê chề trên lưng người bản xứ như sự áp bức về mặt xã hội”. Không nói thẳng ra nhưng ai cũng biết còn “nghèo nàn nhất” là vì còn bị bọn thực dân bóc lột, hành hạ!

Nguyên nhân phải là “một thằng xỏ lá ba que”, phải là “kẻ mưu mô xảo quyệt” thì mới có thể thể được “cử vào giữ những chức vụ cao nhất”: “Ở khắp Đông Dương, những người được cử vào giữ những chức vụ cao nhất thường được lựa chọn trong số những kẻ mưu mô xảo quyệt làm giàu bằng những cách chẳng lương thiện chút nào. Đồng tiền trước hết, dù trong sạch hay dơ dáy, là cái quyết định việc tuyển lựa, cho nên một thằng xỏ lá ba que, coi như cái rơm cái rác ở một nơi khác, lại làm nên một "ngài chủ tịch" đường bệ đáo để ở xứ thuộc địa này”. Chỉ cần đưa ra ví dụ rồi để bạn đọc tự lý giải: những việc như thế chỉ ở chế độ phi nhân tính, lấy cái ngu dốt, cái bạo lực để cai trị dân lành. Chế độ đó sớm muộn sẽ bị đánh đổ!

 

2.Mâu thuẫn trái khoáy giữa hiện tượng và bản chất:

Đối với thực dân Pháp thì hai câu ca Miệng bảo hộ mà tay bóc lột/ Mặt nhân từ mà ruột hiểm sâu đã nói đúng được bản chất tham lam, tàn bạo của kẻ đi xâm lược. Hiện tượng “lòng nhân đạo”, “công cuộc khai hoá”… nhưng bản chất lại là sưu thuế, lao dịch, phu dịch nặng nề: “Buôn bán, tài chính, đó là những cái tượng trưng cho lòng nhân đạo của các ông. Sưu thuế, lao dịch, bóc lột nặng nề, - công cuộc khai hoá của các ông, tóm lại là thế đó!”.

Hiện tượng có một vẻ bề ngoài hào nhoáng bóng bẩy nhưng thực chất bên trong lại là “vô liêm sỉ”:

“Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau, như tự do, công lý, v.v. - được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ”.

Chế độ thực dân có bản chất xỏ lá nhưng lại khéo tạo ra một hiện tượng bề ngoài tốt đẹp. Đó là bản chất đạo đức giả: “Trong cuộc chiến tranh vì công lý để bảo vệ chính nghĩa, văn minh, v.v., người ta đã động viên 10 vạn người Tuynidi đi lính, và 60% trong số đó đã không trở về nữa. Thời đó, người Tuynidi được vuốt ve và trìu mến. Người ta đã ca ngợi rất là thắm thiết tình anh em ruột thịt giữa Pháp và Tuynidi, “mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh”. Người ta đã thực hành cả một chế độ kiểm duyệt để cấm báo chí dù thế nào cũng không được làm phật ý người bản xứ.

Ngày nay, tình anh em đó đã thay hình đổi dạng. Nó không phải chỉ thể hiện bằng những cái vuốt ve hoặc những cử chỉ trìu mến mà thôi, nó còn thể hiện một cách hùng hồn hơn bằng những phát súng lục hoặc những trận roi da kia. Bằng chứng là những việc sau đây. Khi trông thấy ba người bản xứ cho cừu vào ăn cỏ ở vườn cây ôliu của mình, một vị thực dân Pháp liền bảo vợ đi lấy súng và đạn ra. Khi vợ mang súng đạn ra, thì vị đi khai hoá của chúng ta nấp vào một bụi cây, rồi đoàng! đoàng! đoàng! Ba phát bắn ra, thế là ba người bản xứ ngã xuống, bị thương gần chết”. Chủ nghĩa thực dân đế quốc luôn nói về “văn minh”, về “khai hoá” nhưng đó lại là những kẻ mang bản chất dã man nhất, tàn bạo nhất:

“Khi người ta nhớ rằng đã phải tốn xương máu của một triệu rưởi người lao động mới tạo nên được sáu chiếc gậy thống chế, thì cái chết của 29 kẻ khốn khổ chưa đủ để hoan hô bài diễn văn hùng hồn của ngài thống chế - khâm sứ! Nhưng như vậy thì cái quyền dân tộc tự quyết, mà vì nó trong suốt bốn năm trời, người ta đã chém giết lẫn nhau, cái quyền ấy, các ngài để đâu mất rồi? Thật là một cách khai hoá kỳ khôi: để dạy mọi người sống cho ra sống, người ta bắt đầu bằng việc giết họ đi đã!”.

Chúng tôi xin nhấn mạnh câu cuối cùng đã làm bật ra bản chất của chủ nghĩa thực dân: làm gì có chuyện khai hóa. Nếu có “khai hóa” thì đó là kiểu “khai hóa giết người”!

“Người ta đã thấy quan công sứ dùng gậy đánh lòi mắt một viên cai.

Thưa các ngài, các ngài được thấy dưới sự bảo hộ của nước Pháp nhân từ, xứ Đông Dương hạnh phúc biết nhường nào? Và đấy mới chỉ là một hàng mẫu của cái kho văn minh thượng đẳng”.

“Hạnh phúc” của dân bản xứ dưới sự “bảo hộ” của nước Pháp ư? “Văn minh thượng đẳng” của người Pháp thực dân ư? Là gì? Là “dùng gậy đánh lòi mắt” dân bản xứ. Và còn biết bao những hành động tương tự chỉ có quỷ dữ mới dám làm!!

3.Mâu thuẫn trái ngược giữa mục đích và hành vi.

Vì mục đích bóc lột, vơ vét thì chủ nghĩa thực dân dùng mọi thủ đoạn tàn bạo nhất. Nhưng ngoài “mồm” họ phải dùng ngôn từ che đậy sự thật ấy, thế là tạo ra sự mâu thuẫn trái ngược giữa mục đích và hành vi. “Mục đích” là “giáo dục” là “dạy dỗ” nhưng hành vi lại phản nhân tính, hành vi của loài cầm thú:

“Hàng nghìn dân bản xứ bị cưỡng bức đẩy vào quân đội để bảo vệ những két bạc cho những kẻ bóc lột mình.

Chúng ta nhớ rằng, để buộc những người châu Phi thực hiện "nghĩa vụ của mình", người ta đã đốt nhà cướp của của họ và sau đó, những nạn nhân ấy bị bắt đi lính cho đội quân tiên phong của nền văn minh.

“Việc dạy dỗ” người bản xứ bằng những cú đá đít và đánh đập đã trở thành thói quen của những vị trứ danh của chúng ta”.

Chủ nghĩa thực dân mang bản chất vô ơn, bội nghĩa, lừa lọc, khi cần một mục đích có lợi cho chúng, chúng sẵn lòng làm tất cả, hứa mọi điều nhưng mọi việc qua đi cũng là dấu chấm hết: “Trong thời chiến tranh vinh quang, để có được những "tình nguyện quân", người ta đã hứa trời hứa biển với dân bản xứ. Chiến tranh hết, những lời hứa trang trọng ấy cũng được trang trọng quên đi”.

Vì mục đích “để truyền bá văn minh Pháp, bảo vệ danh dự lá quốc kỳ Pháp”, không phải là các nhà trí thức, các nhà giáo dục, các nhà văn hoá… mà người ta, thật ngược đời, lại dùng đến bọn lưu manh: “Để truyền bá văn minh Pháp, bảo vệ danh dự lá quốc kỳ Pháp ở các thuộc địa xa xôi, người ta dùng những đội quân gồm toàn những tên lưu manh, những bọn lười biếng, những tên lọt lưới pháp luật, những tên giết người, nói tóm lại, gồm các tinh hoa của những cặn bã, lượm lặt ở tất cả các nước châu Âu. Đến nước đã bị xâm chiếm hay sắp bị xâm chiếm cũng vậy, người ta thả những tên sát nhân này vào trong đám dân chúng thiếu tự vệ. Và để kích thích chúng, người ta buông lỏng cho bọn côn đồ tha hồ hoành hành theo thú tính tàn bạo của chúng”.

Mục đích của các nhà “khai hoá” thực dân là “nhằm làm cho nòi giống An Nam lành mạnh hơn và đưa họ lên con đường tiến bộ”, họ đã dùng đến những biện pháp phản khai hoá là “cưỡng bức mua rượu ty”, là bắt bớ, tù đày, kể cả trẻ con và phụ nữ đang mang thai: “Nhiều phụ nữ bản xứ khốn khổ, phải mang nặng gông xiềng đi quét đường chỉ vì một tội là không nộp nổi thuế.

Trong tất cả những cố gắng của các nhà khai hoá nhằm làm cho nòi giống An Nam lành mạnh hơn và đưa họ lên con đường tiến bộ (?), phải kể đến việc cưỡng bức mua rượu ty. Không sao kể xiết tất cả sự nhũng lạm chung quanh việc bán rượu, một thứ thuốc độc dùng để pha chế thế nào cho người ta nuốt trôi được cái món “dân chủ”...

Chúng ta hơi lấy làm ngạc nhiên - mà kể cũng đáng ngạc nhiên thật - khi thấy cảnh binh giải về Hà Nội hay Hải Phòng từng đoàn ông già, phụ nữ có mang, trẻ con, cứ hai người trói chung một dây, để trả lời về tội vi phạm luật lệ thương chính”. Đây là sự vi phạm đạo lý trắng trợn: bắt bớ, hành hạ những thân phận đáng thương nhất: ông già, phụ nữ có thai, trẻ con. Như vậy thực dân pháp không chỉ chà đạp lên quyền sống của con người, sâu xa hơn là mắc tội diệt chủng bằng biện pháp ngu dân: bắt người dân phải uống rượu. Không có tiền mua rượu thì bắt họ bỏ tù!?

Nhìn ra vấn đề cần sự sắc sảo của một đầu óc phân tích nhạy bén. Đưa vấn đề ra để đối thoại, nhất là đối thoại với kẻ xảo quyệt, độc ác là chủ nghĩa thực dân đòi một sự thay đổi hoàn cảnh, trạng thái phải cần có sự dũng cảm. Sứ mệnh ấy lịch sử trao cho Nguyễn Ái Quốc và Người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy!

N.H.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)