Đấu tranh chống một vài biểu hiện sai trái, lệch lạc trong văn học nghệ thuật

Thứ Tư, 11/05/2022 09:26

. PGS.TS NGUYỄN THỊ TUYẾT THU


Xin đưa ra một vài quan sát, cảm nhận, trên cơ sở đó xin có một vài giải pháp tham khảo về vấn đề này.

1. Thị hiếu thẩm mỹ trong nghiên cứu thiếu sự chọn lọc dẫn đến sự dung tục

Từ khi Đảng ta tiến hành đổi mới, nhất là hòa vào tiến trình hội nhập chung với toàn cầu, là lĩnh vực nhạy cảm, văn học nghệ thuật nhanh chóng tiếp thu văn hóa thế giới, có cả cái hay, cả cái dở. Xin nói ngắn về sự tiếp thu “diễn ngôn tính dục”.

Có “tác phẩm” văn học, nghệ thuật (nhất là ca nhạc) lấy cảm hứng từ những câu chuyện làm tình thì được một số nhà “nghiên cứu” tung hô gọi là diễn ngôn tính dục), tung hô cách miêu tả một cách cặn kẽ, chi tiết những cảnh sex khêu gợi sự thấp hèn xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Có “tác phẩm” lại tràn ngập những ngôn từ tục tĩu, chợ búa (được núp dưới tên gọi diễn ngôn thế tục)…

Trong sáng tác của một số ít người viết trẻ (sinh viên) xuất hiện những hình ảnh không đẹp, tiếc thay lại được sự cổ vũ quá mức cần thiết. Có những câu như:“Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ À nhiều màu lắm vặt đi vẫn còn” nhưng lại được một vài giảng viên học hàm học vị cao khen là có “tố chất thi tài, hiền triết trong mỗi câu chữ”…!!!

Một số sinh viên thuộc lời bài hát tục tĩu hơn thuộc bài hát cách mạng. Họ hát cho nhau nghe những lời chẳng đẹp, chẳng trong sáng, dĩ nhiên cũng chẳng tình tứ nữa: ...Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người… Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa(?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao.../ Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ... Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất rồi... Thậm chí quảng bá không công cho lời hát tục tĩu: Bẹn ơi, mông ơi, háng ơi, nọn nường ơi...

2. Đó là xu hướng “giải thiêng” sai lệch

Gần đây người ta hay nhắc đến hai chữ “giải thiêng” như là một thứ mốt thời thượng, thực ra khái niệm này ra đời trong khuynh hướng hậu hiện đại phương Tây đã lâu nhưng ở ta đang có hiện tượng lạm dụng. Dịp Tết Canh Dần 2022 vừa qua cũng một tác giả gốc Việt có bài viết gây chú ý về “bánh chưng”. Là món ăn quen thuộc của người Việt trong những ngày Tết, có người thích hay không thích bánh chưng là chuyện thường tình, chả có gì đáng nói. Nhưng thâm ý của tác giả không phải là viết về “món ăn” mà là hạ thấp một biểu tượng văn hóa, sâu xa hơn là “giải thiêng” biểu tượng Vua Hùng. Nếu một hình tượng văn hóa vốn bị hiểu sai mà được xây dựng thành biểu tượng thì sự “giải thiêng” là một đóng góp đưa vấn đề về với chân lý sự thật. Nhưng một biểu tượng đã trở thành “cổ mẫu” vững bền hàng ngàn năm hầu như được mọi người dân tôn sùng (là cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết) mà có người “giải thiêng” thì là nói ngược, thậm chí là sự xúc phạm cộng đồng!

Nói ngược đã là “chiêu pháp” không mới của những kẻ rỗng tuếch nhưng thích nổi danh. Nhân loại đã xây dựng điều này thành điển cố kẻ đốt đền để nhắc nhở muôn đời rằng thế gian không thiếu những kẻ như vậy. Cái đáng nói là có một số ít người – đáng trách là có những người có học, cũng a dua, tung hô là “mới”, là “dũng cảm”, là “khuấy cái ao văn hóa tù đọng” để “tạo ra cách hiểu mới gây tranh luận”...

Mới nhất là nhân chuyện bình luận về xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra, một số ít fabooker “ví von” với việc Việt Nam “xâm lược” Campuchia (năm 1978) làm tổn hại biết bao sinh linh. Đây là vấn đề “giải thiêng lịch sử” thực sự nguy hiểm vì nó xuyên tạc, bóp méo sự thật. Cuộc chiến tranh giúp dân tộc Campuchia của Việt Nam là cuộc chiến chính nghĩa, cuộc chiến chống lại bè lũ diệt chủng bị cả loài người lên án. Cuộc chiến này đã giúp hồi sinh cả một dân tộc. Thế nên nhân dân Campuchia gọi những người giải phóng họ là “bộ đội nhà Phật”!...

Đó là những chuyện nhỏ nhưng nguy hiểm, như những tế bào “tiền ung thư” nếu không có biện pháp loại bỏ triệt để sẽ tiềm tàng gây nên những khối u ác tính. “Giải thiêng” gắn liền với nhu cầu nhận thức lại, nghĩa là đánh giá lại một hiện tượng nào đó trên cơ sở phân tích, bàn luận một cách khoa học, nghiêm túc. Nếu đáng “giải thiêng” thì phải “giải thiêng” chứ không thể nói ngược, xóa bỏ tính thiêng của thần tượng đã được lịch sử khẳng định. Đã có một vài văn nghệ sĩ có dụng ý không hay là “hạ bệ” (cũng là giải thiêng) Anh hùng Võ Thị Sáu, một thần tượng của ngay kẻ thù là thực dân Pháp và tay sai. Thế là “nói ngược” để gây chú ý. Có luận văn lại ca ngợi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã “giải thiêng” Hoàng đế Quang Trung là táo bạo, là “đổi mới”. Có học viên cao học nghiên cứu về nhóm “Mở miệng” với quan niệm ngôn ngữ “rác rưởi”, “bên lề”... Có luận án ủng hộ việc hình tượng Anh hùng Nguyễn Trãi cùng vụ án Lệ Chi viên đi theo môtip “giải thiêng”…

Phần lớn nguyên nhân những sai sót trên là thuộc về quan niệm chứ không phải kỹ thuật hay tri thức. Sẽ là khoa học, là chân lý và công lý như chỉ “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất là xấu nhưng lại được đánh giá là tốt, rồi vạch ra công tội rõ ràng. Hẳn nhiên văn học khác sử học, một là nghệ thuật hình tượng, một là số liệu, dữ liệu. Nhưng giữa văn và sử có một nét chung, văn học là khoa học về con người, mà lịch sử, xét đến cùng cũng là con người. Chân lý nghệ thuật không đồng nhất nhưng thống nhất với chân lý lịch sử, thống nhất ở chỗ đều lấy con người làm mẫu số chung. Làm méo mó lịch sử, tức là làm méo mó con người, và ngược lại! Trung thực với lịch sử là trung thực với con người, nhất là với các vĩ nhân thì thật đáng kính, đáng trọng vì họ đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Làm tổn thương biểu tượng cũng là làm tổn thương bạn đọc!

3. Xin thử đưa ra một vài giải pháp khắc phục

3.1. Trước hết xin giới thiệu một hướng nghiên cứu mới của thế giới hiện nay

Khái niệm hệ hình/mô hình (paradigm) đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, nhất là trong phê bình văn chương, văn hóa. Được nâng lên thành lý thuyết, nó quan niệm tác phẩm văn học là sự sáng tạo ra một thế giới mới, một cuộc sống mới tức kiến tạo những mô hình mới về đời sống. Thoát thai từ hiện thực nhưng chỉ là mô hình về hiện thực chứ không phải bản thân hiện thực, có thể nó tương đồng nhưng cũng có thể đối ngược hẳn với hiện thực. Mô hình này vừa mang bóng dáng hiện thực vừa mang quan niệm, tính cách, tài năng tác giả. Nhà văn vừa là kiến trúc sư, vừa là người thi công. Tầm cỡ mô hình tác phẩm là tầm cỡ nhà văn. Nếu truyện ngắn là mô hình về một “lát cắt” đời sống thì tiểu thuyết là mô hình về cả một thế giới, vì lẽ này khái niệm hệ hình/mô hình được phát huy trong nghiên cứu, phê bình tiểu thuyết và cho những kiến giải thú vị.

Vì là mô hình chứ không phải bản thân đời sống nên dù có viết về người thật, việc thật cũng không là và không nên nô lệ cho sự thật ngoài đời. Tài năng nhà văn là biết chắt lấy tinh hoa đời sống để xây dựng mô hình, chất liệu, sức sống cho tác phẩm. Do vậy anh ta phải hiểu đời, phải giỏi về văn chương và nắm vững về tâm lý tiếp nhận của độc giả. Đương nhiên phải hiểu sử, cơ bản hơn, anh ta phải dùng chất liệu đời sống để kiến tạo một mô hình mới về đời sống để đối thoại với bạn đọc hôm nay.

Có nghĩa là chủ thể nhà văn/nhà nghiên cứu là cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định hướng đi của nền văn học.

Văn học là quá trình kiến tạo mã và giải mã. Có những hạt cổ mẫu từ cây văn hóa ngàn xưa rơi vào miền văn chương đương đại rồi “nở” ra mã mới. Nhiều giải Nobel thế giới cho thấy rất rõ điều này. Như một quy luật, văn học là một dòng chảy, những phù sa tinh hoa ở mạch nguồn lịch sử nếu không được chào đón sẽ không lắng đọng nơi hạ nguồn đương đại. Không riêng ở ta mà nhiều nước hiện nay hay nhắc lại những danh ngôn như của cổ nhân Hy Lạp: “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống, là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”; của Victor Huygo: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai lên quá khứ”; của Rasul Gamzatop, nhà văn Xô Viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”… Một hướng đi mới của triết học văn hóa trên thế giới là ngược về lịch sử tìm về các nguồn mạch văn hóa. Như những trái cây đủ dinh dưỡng để vào độ chín mà trĩu mình về phía gốc, mấy thập kỷ gần đây hầu hết các loại hình nghệ thuật: văn học, điện ảnh, sân khấu,..., ở nhiều nước đề tài lịch sử được quan tâm khai thác khá triệt để. Các phim truyện lịch sử hoặc có yếu tố lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc chinh phục cả thế giới, đóng góp cho ngân khố quốc gia một số tiền khổng lồ. Lịch sử như là ngọn núi vĩ đại từ đó chảy ra các dòng suối tri thức văn hóa để các loại hình với đặc trưng và thế mạnh riêng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần bạn đọc. Đó là quá trình kiến tạo mã và giải mã trong quy luật tiếp nhận và sáng tạo của nghệ thuật. Như một dòng chảy, những phù sa tinh hoa ở mạch nguồn lịch sử sẽ tạo ra các đồng bằng phì nhiêu mời gọi các văn nghệ sỹ khai phá, gieo trồng các cây tác phẩm mới đặng làm tươi tốt, giàu có hơn gia tài văn hóa dân tộc. Như vậy lịch sử là cái gốc, là nền móng của hình thái ý thức xã hội được cả thế giới quan tâm chứ không riêng ở ta.

3.2. Các giải pháp cụ thể

Về phía sáng tác:

Chúng ta rất cần tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sỹ. Văn học nghệ thuật là vấn đề tư tưởng. Lá cành của cây xanh nhà văn phải luôn quang hợp ánh sáng lý tưởng cách mạng, nếu không cây sẽ bị héo và quả sẽ sài đẹn. Lịch sử nghệ thuật cho thấy các nghệ sỹ lớn luôn tự do sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Sáng tạo theo tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm của nghệ thuật. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo vì mục đích vì nước vì dân, vì chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ, giàu mạnh. Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (tình cảm) vào hình tượng rồi truyền cảm (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận. Do vậy không chỉ làm hình thức, qua loa. Nếu đọc các bản thu hoạch cá nhân ở mỗi cơ quan văn nghệ sẽ thấy gần như giống nhau (?), trong khi đó tình cảm là lĩnh vực tinh thần tế vi, cá nhân, riêng biệt, làm gì có chuyện ai giống ai!?

Nhà nước nên tổ chức các chuyến đi sâu, dài ngày vào thực tế, người nghệ sỹ sẽ được hiểu kỹ hơn một mảng đời sống, sẽ có những vui buồn thật sự, cảm thông và chia sẻ với người lao động. Nghệ sỹ chỉ có thể kiến trúc mô hình và xây dựng tác phẩm từ mô hình và chất liệu ngoài cuộc sống. Vai trò lãnh đạo của Hội chuyên ngành rất quan trọng, ngoài uy tín tài năng thì còn là tài tổ chức. Không chỉ là tổ chức trao đổi gặp gỡ, thăm hỏi, cơ bản hơn là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển, từ đó tạo ra các tranh luận học thuật để nảy ra các tư tưởng nghệ thuật mới. Các nền văn học lớn đều có các trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa vừa tranh biện, bổ sung, loại trừ để cùng phát triển. Văn hay dở là do người viết. Hiện nay các triết học trên thế giới đang rất đề cao chủ thể, vấn đề “mỹ học chủ thể” được nói đến nhiều. Nghĩa là coi tác giả mang tính quyết định chất lượng tác phẩm. Nghệ thuật là cái riêng, đơn nhất nên luôn cần đến tài năng. Phát hiện, bồi dưỡng, nuôi dưỡng tài năng thế nào chưa được quan tâm đúng mức. Rồi vốn sống, vốn tri thức văn hóa của nhà văn luôn được coi là vấn đề gốc để cây nhà văn cường tráng khỏe mạnh mà kết thành quả tác phẩm giàu chất bổ dưỡng? Vốn sống không chỉ loanh quanh trong một địa phương, ngành nghề mà phải vươn ra khắp miền Tổ quốc, nơi Trường Sa sóng vỗ, nơi biên giới ngàn trùng. “Sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao). Có cách tổ chức nào để các văn nghệ sĩ được sống, hít thở, đập cũng nhịp đập trái tim của Tổ quốc mọi nơi, mọi lúc…?!

Về phía quản lý nhà nước:

Cần có luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh đăng tải những văn hóa phẩm kém chất lượng.

Tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý (vụ, hội đồng) và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao (viện, trường đại học). Những nơi đó đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sỹ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng.

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)