. NGUYỄN TÙNG LÂM
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Lịch sử chứng minh điều ấy là chân lý. Không có cuộc khởi nghĩa toàn dân sẽ không có Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Không có cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chúng ta khó thắng Pháp trong cuộc trường kỳ chín năm… Ngày nay trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không thể không phát huy sức mạnh tổng hợp củ nhân dân.
Hồ Chủ tịch thường căn dặn: “Lực lượng dân chúng nhiều vô cùng... dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Xin chứng minh bằng bài học của chính Bác Hồ khi viết về vai trò các cụ phụ lão trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
1. Cụ già - biểu tượng “của quý vô giá của dân tộc”, “một tượng trưng phúc đức của nước nhà”.
Theo sự khảo sát của chúng tôi (trong chuyên luận Hồ Chí Minh và những mạch nguồn văn hoá), xét dưới góc độ tuổi tác, giới tính ở loại hình ngôn ngữ nhân dân lao động thì ngôn ngữ các cụ già có tần số xuất hiện cao nhất. Điều này thật đúng với văn hoá “trọng xỉ” của người Việt. Tục ngữ có câu: “Ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ”, ý nói các cụ luôn là tấm gương mẫu mực đức độ nghiêm túc trong cách ứng xử. Trong lịch sử có ghi, trước khi quyết định đánh giặc Nguyên, Vua Trần đã mở Hội nghị Diên Hồng xin ý kiến các bô lão Đại Việt. Hồ Chí Minh đã kế thừa nét văn hoá tinh tế này nên luôn lấy những tấm gương các cụ già vừa để khuyến khích động viên các cụ vừa để giáo dục tính học tập kế thừa ở thế hệ trẻ.
Người lấy câu chuyện cổ Trung Quốc để động viên cổ vũ những cụ già “lão đương ích tráng”, tuổi già mà chí khí lại càng mạnh mẽ. Tấm gương ông Tô Lão Tuyền ngày xưa 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm sống mãi với thời gian, thì cụ Nguyễn Ban đã 77 tuổi, tiếng thơm còn hơn thế, “sẽ truyền khắp cả nước”, xứng đáng là “một tượng trưng phúc đức của nước nhà”. Qua đây còn toát lên một quan niệm về “phúc đức” của Hồ Chí Minh: phải có học, có sức khoẻ, có ý chí, có đạo đức, là tấm gương cho người khác. Đầu những năm kháng chiến chống Pháp, Chính phủ phát động phong trào “bình dân học vụ”. Nhiều tấm gương “diệt giặc dốt” cho thấy tính hiệu quả cao của phong trào. Tháng 8-1949 Bác Hồ có thư gửi cụ Nguyễn Ban ở Quảng Nam là tấm gương sáng về tuổi cao mà vẫn quyết học. Thư có đoạn: “Cụ gửi thư cho tôi biết rằng cụ đã học xong chữ quốc ngữ. Đọc bức thư cụ, tôi rất lấy làm vui sướng, cụ đã 77 tuổi mà còn gắng học trong 3 tháng đã được thành công như vậy là cụ chẳng những làm kiểu mẫu siêng năng cho con cháu mà lại còn tỏ cái ý chí hùng mạnh của dân tộc Việt Nam. Noi gương cụ, con cháu cụ, đồng bào Việt Nam từ 7 tuổi đến 70 tuổi ai mà nỡ lòng làm biếng, ai mà chẳng cố gắng học hành. Đời xưa bên Trung Quốc có ông Tô Lão Tuyền 72 tuổi mới bắt đầu học, tiếng thơm còn để đến ngày nay.
Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng bốn chữ “lão đương ích tráng”. Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Đó là một thành công to lớn và ý nghĩa sâu xa”. Hướng phát ngôn của lời văn đi tới hai đích, một là thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ một người cao tuổi nhưng đầy ý chí; hai là giáo dục mọi người gắng noi gương cụ. Tính mục đích ở bài học sau nổi bật hơn nhờ có hai ngụ ngôn, một của thời trước (ông Tô Lão Tuyền) và một của thời nay (cụ Nguyễn Ban) chồng lên nhau.
Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên (Hồ Chí Minh) lấy hình ảnh, lời nói của hai cụ già để chứng minh tinh thần hăng hái tham gia bầu cử của toàn dân ta trong lần bầu cử đầu tiên: “Ngày hôm ấy, có những cảnh tượng thực cảm động. Một ông cụ tám mươi tư tuổi, nhờ người dắt đến phòng tuyển cử và sau khi bỏ phiếu, vuốt bộ râu bạc và nói: “Ngày nay được hưởng quyền dân chủ thì già có nhắm mắt cũng thoả lòng rồi”.
Một ông cụ khác nói rất hiên ngang: “Tuy lão đã bảy mươi tuổi, nhưng là một công dân trẻ vì lần đầu tiên lão đi bỏ phiếu cũng như các chú thanh niên”. Bạn đọc thấy một hình ảnh con người mới mẻ của đất nước: tuổi thì già nhưng tinh thần thì trẻ, từ đấy nhìn ra một tương lai sán lạn, tươi vui của cả dân tộc.
Với các cụ già, theo đúng truyền thống “xưng khiêm hô tôn”, Người gọi cụ, các cụ xưng “tôi”. Ngay tên những bài thơ cũng nói lên tình cảm này: Tặng Bùi Công (Tặng Cụ Bùi), Tặng Võ Công (Tặng Cụ Võ). Có trường hợp Người xưng “cháu” với một cụ tuổi cao: “Thưa cụ. Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà...
Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc”. Đó là lời thư của vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hoà, Hà Đông (cũ). Nhưng qua sự xưng hô ta lại thấy đó còn là lời của một người cháu yêu viết cho người ông đáng kính của mình.
Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải may mắn được nhiều lần chụp ảnh Bác Hồ. Ông kể những lần được gần Bác càng cảm nhận sâu sắc về con người, tính cách, lối sống, những bài học Người dạy dỗ, chỉ bảo, cho đến nay (2020) vẫn in đậm, tươi nguyên trong trí nhớ của người 90 năm tuổi đời, 70 năm làm nghề ảnh chuyên nghiệp. Lần ấy theo Bác về Nghệ An, Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp mặt để các vị lão thành cách mạng được gặp Bác. Trịnh Hải cầm máy ảnh đứng trên bục sau lưng Bác nên quan sát cả hội trường đã chật kín. Bác hướng về phía một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Chú có thấy cụ già đứng thập thò mãi ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi rồi mời cụ ấy vào”. Thế là không chỉ người cán bộ trẻ ấy mà tất cả cán bộ cấp tỉnh đang ngồi hai hàng ghế đầu lặng lẽ xuống phía dưới. Chỉ một hành động nhỏ ấy thôi nhưng có sức giáo dục rất lớn, về đạo lý kính trọng người cao tuổi, về bài học yêu dân, trọng dân, kính dân, về chức phận người lãnh đạo.
2. Cụ già - biểu tượng của chí khí yêu nước chống giặc đòi lại tự do.
Trong Lịch sử nước ta Bác Hồ trân trọng ca ngợi Lý Thường Kiệt là “hiền thần” tiêu biểu cho tuổi già chí lớn: “Lý Thường Kiệt là hiền thần/ Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm thành/ Tuổi già phỉ chí công danh/ Mà lòng yêu nước trung thành không phai...”. Đối với Hồ Chí Minh, các cụ là hình tượng tiêu biểu cho chí khí quật cường của dân tộc này, đất nước này: “Cuối năm ngoái, giặc càn quét ở Hà Nam. Khi chúng đến làng A, nhân dân đã tản cư, bộ đội đã mai phục hết. Chỉ còn các cụ già ở lại.
Giặc bắt các cụ ra hỏi: “Việt Minh ở đâu?”. Cụ nào cũng lắc đầu nói “không biết!”. Giặc tra tấn. Các cụ cũng cứ nói “không biết!”… Giặc giết hết 25 cụ. Một cụ còn lại thét lên “Tao không biết!” rồi chửi vào mặt chúng.
Tuy rất vắn tắt, hai tiếng “không biết” ấy đã tỏ rõ tấm lòng nồng nàn yêu nước và gan vàng dạ sắt của các cụ. Nó là đại biểu cho tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam”. Có lẽ không một lời bình luận nào sâu sắc hơn lời bình luận của chính tác giả, chỉ là hai tiếng “không biết” thôi nhưng trong hoàn cảnh lịch sử ấy “nó là đại biểu cho tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam”.
Lời của cụ già trong dẫn chứng dưới đây không chỉ là tiếng nói tiêu biểu cho khí tiết anh hùng yêu nước của một con người cụ thể, một tầng lớp người cụ thể mà đã trở thành tiếng nói của cả dân tộc, của lịch sử: “Ở Tuyên Quang một cụ già ngoài 70 tuổi bị giặc Pháp bắt, hỏi: Bộ đội V.N. ở đâu? Cụ già ngang nhiên trả lời: Dân Việt Nam ai cũng đánh Pháp, ta đây cũng là một người trong bộ đội Việt Nam. Giặc tức giận đem cụ ra bắn. Trước khi chết cụ già còn hô to: Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”.
Không chỉ là đồng bào trong nước mà còn cả Việt kiều cũng tham gia cách mạng. Lời của cụ già Việt kiều ở Thái Lan là tấm lòng của bà con hướng về Tổ quốc, giúp cách mạng bằng tiền bạc và bằng cả xương máu nữa: “Hồi đó kiều bào rất tin tưởng vào đoàn thể. Ví dụ như cụ L. bán thịt lợn có vốn liếng khá, đã nói với cán bộ: “Vợ chồng tôi xin gửi mấy đứa con nhờ đoàn thể dạy dỗ để mai sau chúng nó tham gia chống Tây cứu nước. Chúng tôi cũng xin giao cả gia tài tuỳ ý đoàn thể sử dụng. Từ nay vợ chồng tôi tự coi mình như người “làm tài chính” cho đoàn thể...”.
3. Cụ già – biểu tượng của niềm tin, lẽ phải, tình nghĩa.
Thời kỳ ở Việt Bắc gian khổ Người luôn chia sẻ cái ấm áp của mình cho bạn bè đồng chí. Ngày 15-1-1948 Người gửi thư cho ông Đinh Công Phủ, người Mường, lang đạo vùng Mai Đà (Mai Sơn, Đà Bắc, Hoà Bình): “Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm, cũng như tôi mặc ấm”. Đúng là không có ranh giới giữa vị Chủ tịch Nước và người dân thường, nói khác đi Bác Hồ đã coi cái ấm lạnh của dân cũng là cái ấm lạnh của mình.
Hồ Chủ tịch còn trích lời các Cụ, coi đó là những phản ánh trung thực nhất, sâu sắc nhất để nhắc nhở, giáo dục cán bộ: “Mỗi đồng chí diễn thuyết mất một giờ. Diễn thuyết xong, đồng bào vỗ tay hoan hô. Lúc đó Bác ở trong quần chúng. Bác mới hỏi một cô: Có hiểu gì không? Cô ta trả lời: Không. Bác lại hỏi một cụ. Cụ ấy trả lời: Các đồng chí nói rất hay, nhưng tôi không hiểu gì cả. Đó là kinh nghiệm tuyên truyền”. Để tạo nên một không khí gần gũi, thân ái, chân tình, ý nhị, vui vẻ, Bác Hồ rất chú ý tới đối tượng tiếp nhận khi dẫn ngữ. Với đối tượng người già thì không có thành ngữ nào thích hợp hơn: “Các cụ phụ lão hãy làm gương mẫu, “lão đương ích tráng”, đôn đốc con cháu thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xứng đáng là người chủ nước nhà mai sau”.
Như vậy chúng ta thấy rất rõ Bác Hồ coi các cụ phụ lão như một đội quân (cả vật chất và tinh thần) mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Các cụ là điểm tựa tinh thần cho cuộc kháng chiến!
4. Ở ngày hôm nay đấu tranh chống diễn biến hòa bình càng cần sự tham gia của các cụ phụ lão.
Vì mấy lẽ sau:
Một là, cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng nên càng phải dựa vào “thế trận lòng dân” để khơi dậy, củng cố, phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết gắn bó, một lòng đi theo Đảng vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Với các cụ phụ lão, nhất là các cựu chiến binh thì hiểu hơn ai hết về chính nghĩa, phi nghĩa, về tổn thất đau thương do chiến tranh mà thủ phạm là chủ nghĩa thực dân, đế quốc gây ra.
Hai là, chiêu bài của kẻ xấu là chĩa mũi nhọn vào tầng lớp thanh niên hòng làm lu mờ tinh thần yêu nước ở họ. Mà với gia đình Việt thì thường là “tam tứ đại đồng đường”, người già sẽ là người dạy dỗ, giáo dục, uốn nắn con cháu mình đi theo lẽ phải, tránh xa cái xấu. Họ cũng là người sớm nhất phát hiện ra tư tưởng lệch lạc ở người trẻ.
Ba là, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chỉ nhờ sự tham gia của toàn thể nhân dân mới có thể tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch phải dựa vào nhân dân, coi nhân dân là chủ thể tích cực, giữ vị trí trung tâm trong cuộc đấu tranh. Mà trong lối sống Việt, tư tưởng “trọng xỉ” (kính trọng người già) vẫn đang sâu đậm trong nhân dân, do vậy tiếng nói của các cụ, nhất là những người có uy tín có tác dụng rất lớn!
N.T.L
VNQD