Các bé gái Afghanistan đọc sách “chui” để tiếp nối ước mơ

Thứ Hai, 23/05/2022 11:08

Một nhóm sinh viên và những nhà nhân quyền Afghanistan đang điều hành một câu lạc bộ trái phép ở thủ đô Kabul để giúp phụ nữ cũng như bé gái học, đọc và viết những câu chuyện của riêng họ, trong bối cảnh lực lượng Taliban đang dần lớn mạnh.

Ngày 8 tháng 5 năm ngoái, Tahira, 17 tuổi và bạn cùng lớp đang bàn về kế hoạch cho kì nghỉ lễ kết thúc tháng Ramanda, thì một quả bom cực mạnh đã phát nổ tại trường học ở khu phố Dasht-e-Barchi, thủ đô Kabul. Cô bé bị ném sang phía bên kia đường bởi áp lực của vụ nổ.

Sau đó thêm hai vụ nổ nữa được nhắm vào Trường nữ sinh Sayed ul-Shuhada, khiến 90 người thiệt mạng, hầu hết là nữ sinh. Tahira kể lại: “Chỉ vài giây trước em còn nói chuyện với bạn mình, vậy mà giờ đây em đang phải nằm trong viên, và mọi thứ thì rối tung lên”.

Ba mảnh đạn găm vào chân cô bé. “Hai miếng đã được gắp ra, và miếng còn lại sẽ mãi mãi là một phần trong cơ thể em,” Tahira, người không muốn tiết lộ họ tên đầy đủ, nói với trang Al Jazeera.

Không có nhóm nào nhận trách nhiệm về hàng loạt vụ nổ. Khu phố ở ngoại ô phía tây của Kabul - nơi sinh sống của cộng đồng chủ yếu là người Hồi dòng Shia, thuộc cộng đồng thiểu số Hazara - đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công tàn bạo trong những năm gần đây, đặc biệt là nhóm ISIL (ISIS). Vào năm 2020, 24 người đã thiệt mạng, bao gồm sản phụ và trẻ sơ sinh trong một cuộc tấn công vào khu hộ sinh. ISIL đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công đó.

Các chính trị gia và các cơ quan đại diện nước ngoài ở Afghanistan gọi đây là cuộc tấn công vào nền “giáo dục”, nhưng đối với nhiều sinh viên, đó là một cuộc tấn công có lựa chọn hướng vào phụ nữ và người thiểu số Hazara.

MỘT NĂM SAU VỤ ĐÁNH BOM

Một năm sau vụ đánh bom, các gia đình vẫn đang thương tiếc cái chết của con cái mình, và những học sinh sống sót vẫn chưa vượt qua được những cơn sang chấn tâm lí. Tahira cũng chia sẻ rằng trường của cô bé giờ đây đang thiếu nguồn lực, nhưng vẫn có hi vọng phục hồi. Cô bé nói: “Chúng em vẫn còn ước mơ, và điều đó giúp chúng em có thêm niềm tin trong những ngày này”.

Nhưng trong những tháng ngay sau vụ nổ, khi quân đội Hoa Kì bắt đầu rút lui sau 20 năm hiện diện, tình hình an ninh ngày càng trở nên tồi tệ. Nhóm vũ trang Taliban giành lại quyền lực vào tháng 8 năm 2021, sau sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan thân phương Tây do Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo. Hỗn loạn cũng như bạo lực phần nào chấm dứt nền giáo dục tự do của Tahira.

Ngay sau khi nắm quyền, Taliban đã hứa cam kết về việc tôn trọng quyền phụ nữ cũng như tự do báo chí. Thế nhưng đã hơn một năm từ khi tiếp quản, các trường trung học dành cho nữ sinh vẫn bị đóng cửa và không gian công cộng dành cho phụ nữ Afghanistan ngày càng thu hẹp.

Mới đây thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhunzada đã ra lệnh cho phụ nữ xuất hiện ở nơi công cộng phải che kín từ đầu đến chân, gợi lại kí ức về sự cai trị tàn bạo của Taliban từ những năm 1996 đến 2001.

Một loạt vụ nổ trong những tuần gần đây, đặc biệt nhắm vào cộng đồng thiểu số Hazara dòng Shia, đã làm gia tăng thêm sự bất ổn. Nhưng Tahira và 29 học sinh khác từ trường trung học Sayed ul-Shuhada vẫn không sẵn sàng từ bỏ việc học của mình bất chấp các cuộc tấn công không ngừng và các hạn chế mới của Taliban.

Họ đã xoay xở việc bị hạn chế giáo dục cho trẻ em gái của Taliban bằng cách tham gia một câu lạc bộ sách trái phép, nơi sinh viên tụ tập để học, đọc và thậm chí viết câu chuyện của chính họ.

Học sinh từ trường trung học Sayed ul-Shuhada vẫn không muốn từ bỏ việc học của mình bất chấp các cuộc tấn công không ngừng và các hạn chế mới của Taliban.

CÂU LẠC BỘ SÁCH

Câu lạc bộ sách được thành lập bởi một nhóm tám nhà hoạt động dân sự - một số trong đó là sinh viên - tổ chức các buổi đọc sách vào thứ Bảy hàng tuần. Chúng được tổ chức tại một địa điểm kín đáo ở phía tây Kabul để tránh sự dòm ngó của Taliban.

Tareq Qassemi, người đồng sáng lập câu lạc bộ, cho biết sự tập trung của truyền thông toàn cầu đã thay đổi chỉ sau một đêm khi chiến tranh Nga - Ukraine xảy ra. “Afghanistan dường như là một câu chuyện đã chết vì bị quên lãng, nhưng chúng tôi, những người dân Afghanistan, phải sống sót,” Qassemi tin rằng phụ nữ và trẻ em gái là tương lai của đất nước, và phải là người tự kể câu chuyện của mình.

Sống để kể lại, tập hồi kí của nhà văn người Colombia - Gabriel García Márquez, là một trong những cuốn sách đầu tiên mà các cô gái đọc. “Cuốn sách này đã được chọn đọc một cách vô cùng ý nghĩa. Gabriel García Márquez đã bỏ học đại học,” Khalidyar Payman, một thành viên của câu lạc bộ, cho biết.

Theo đó, Márquez tự học bằng những trải nghiệm của mình, dẫn đến việc ông rời khỏi trường luật để theo đuổi sự nghiệp báo chí. Cuối cùng ông đã giành được giải Nobel văn chương.

Những người sáng lập câu lạc bộ sách giải thích tầm quan trọng của việc kể chuyện, ngay cả khi được thực hiện trong bí mật. “Những cô gái này là những người thông minh nhất trong thế hệ của chúng tôi; và họ cần được trui rèn,” Qassemi nói. “Chúng tôi giúp đỡ phần nào trong việc thắp sáng con đường tăm tối của họ, để họ tìm thấy con đường riêng của mình.”

Razia 16 tuổi, một thành viên của câu lạc bộ sách, cảm thấy khó hiểu về lí do Taliban ngăn cản việc học của các bé gái. “Trước hết, em là một con người, không chỉ là mang giới tính nữ”. Razia tin rằng cơ hội bình đẳng nên được cung cấp cho cả nam và nữ. “Sau đó, tất cả phụ thuộc vào mỗi cá nhân trong cách mà họ tỏa sáng với kiến ​​thức mình thu nhặt được,” cô nói.

Razia đã mất 12 người bạn cùng lớp trong vụ nổ tại trường trung học Sayed ul-Shuhada năm ngoái. Cô bé nói rằng mình đã chờ đợi để trở lại trường học, không chỉ để thực hiện ước mơ của mình mà còn để thực hiện ước mơ của các bạn cùng lớp. “Và đọc sách là một con đường để theo đuổi những ước mơ đó,” cô nói với Al Jazeera.

Rủi ro khi điều hành một câu lạc bộ sách là rất lớn trong bối cảnh những hạn chế ngày càng tăng đối với phụ nữ.

Rủi ro của việc điều hành một câu lạc bộ trái phép là vô cùng lớn lớn trong bối cảnh những hạn chế ngày càng siết chặt đối với phụ nữ. Giờ đây các trẻ em gái trên 12 tuổi không còn được đến trường và các trường đại học buộc phải tách lớp riêng biệt theo giới tính. Trong khi những người biểu tình nữ đòi quyền lợi cho phụ nữ đã bị Taliban bắt giữ và thẩm vấn.

Các thành viên câu lạc bộ sách thừa nhận những rủi ro, nhưng lòng dũng cảm của họ đến từ khát khao học hành của các cô gái. Tahira nói rằng bản thân đã rất vất vả để tìm ra những từ thích hợp để mô tả nỗi đau của mình.“Em đã mất những người bạn thân nhất của mình trong vụ đánh bom và Taliban không còn cho em đi học. Hai người bạn thân của em đã chết. Bạn ấy đã được chôn cất, nhưng em sẽ khác”. Tahira nói trong khi cố gắng kìm lại nước mắt.

NGÔ MINH

Dịch theo Al Jazeera.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)