Tại sao tôi viết?

Thứ Ba, 24/05/2022 16:58

Paul Auster, sinh năm 1947, là nhà văn đương đại nổi tiếng người Mĩ, viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, tiểu luận, hồi kí, kịch bản phim truyện. Ông được đánh giá cao ở phong cách hậu hiện đại với rất nhiều yếu tố hoang đường, giả định, phi lí. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt như Khởi sinh của cô độc, Trần trụi với văn chương, Người trong bóng tối…

*******

1.

Một người bạn người Đức kể về hoàn cảnh trước khi hai đứa con gái của cô ra đời.

Mười chín năm trước, chửa to và đã quá ngày dự sinh một vài tuần, A. ngồi xuống sofa trong phòng khách và bật TV. Tình cờ trên màn hình đang giới thiệu phim. Đó là The Nun’s Story, một bộ phim Hollywood hồi những năm 1950 có Audrey Hepburn thủ vai. Vui mừng trước thú tiêu khiển, A. ngả người xem và lập tức bị cuốn vào nó. Nửa chừng, cô chuyển dạ. Chồng cô đưa cô đến bệnh viện, và cô chưa bao giờ biết bộ phim kết thúc ra sao.

Ba năm sau, mang thai đứa thứ hai, A. ngồi xuống sofa và lại bật TV. Một lần nữa nó đang phát phim, và một lần nữa đó là The Nun’s Story với Audrey Hepburn. Đáng chú ý hơn (và A. rất nhấn mạnh điểm này), cô bật đến đúng đoạn phim chưa xem ba năm trước. Lần này cô có thể xem đến cuối phim. Chưa đầy mười lăm phút sau, cô vỡ ối, và đến bệnh viện sinh con lần thứ hai.

A. chỉ có hai cô con gái ấy. Lần sinh đầu tiên vô cùng khó khăn (bạn tôi suýt thì không vượt qua được và ốm liền mấy tháng trời sau đó), nhưng lần thứ hai diễn ra suôn sẻ, không có bất kì biến chứng nào.

2.

Năm năm trước, tôi nghỉ hè cùng vợ con mình ở Vermont, thuê một trang trại cũ và biệt lập trên một đỉnh núi. Một hôm, một người phụ nữ đến từ thị trấn kế bên ghé thăm cùng hai đứa con, một cô bé bốn tuổi và một cậu bé mười tám tháng. Con gái Sophie của tôi vừa mới lên ba, nó với con bé rất thích chơi với nhau. Vợ chồng tôi ngồi trong bếp với khách, còn đám trẻ ra ngoài nô đùa.

Năm phút sau, có một tiếng vỡ lớn. Thằng bé đã lang thang ra sảnh trước ở đầu kia ngôi nhà, và bởi vợ tôi mới đặt một bình hoa trong sảnh chỉ hai giờ trước, không khó đoán đã xảy chuyện gì. Thậm chí không cần nhìn tôi cũng biết trên sàn đầy kính vỡ và nước - cùng với cuống và cánh của hàng chục bông hoa nằm rải rác.

Tôi bực mình. Bọn trẻ trời đánh, tôi thầm nghĩ. Lũ người trời đánh với bọn trẻ lóng ngóng trời đánh. Ai cho họ cái quyền ghé qua đây mà không gọi điện trước?

Tôi bảo vợ tôi dọn dẹp, và trong khi cô cùng vị khách tiếp tục trò chuyện, tôi lấy chổi, hót rác, mấy cái khăn và bước ra sảnh trước của ngôi nhà.

Vợ tôi đặt hoa vào một cái hộp gỗ nằm ngay dưới lan can cầu thang. Cầu thang này đặc biệt dốc và hẹp, và có một ô cửa sổ lớn nằm không quá một mét cách bậc đầu tiên. Tôi đề cập đến vị trí địa lí này bởi nó quan trọng. Nơi mọi thứ đều có liên quan đến chuyện diễn ra sau đó.

Tôi dọn xong gần một nửa thì con gái tôi lao ra đầu cầu thang tầng hai từ phòng nó. Tôi đứng đủ gần chân đầu thang để nhìn lướt qua được con bé (chỉ một vài bước ở đằng sau thôi thì con bé đã bị chắn khỏi tầm nhìn), và trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy tôi thấy trên khuôn mặt con bé cái biểu cảm hứng khởi và tràn đầy hạnh phúc đã lấp đầy tuổi trung niên của tôi bằng niềm hân hoan vô bờ bến. Rồi một tích tắc sau, trước khi tôi kịp chào, con bé vấp. Mũi giày con bé mắc vào đầu cầu thang, và chỉ như thế, không tiếng thét hay cảnh báo nào, con bé lao ra trên không. Tôi không có ý nói con bé đang ngã hay nhào hay lộn xuống bậc cầu thang. Tôi muốn nói con bé đang bay. Tác động của cú vấp đã phóng con bé vào khoảng không, và từ quỹ đạo bay của con bé tôi có thể thấy nó đang lao thẳng về phía cửa sổ.

Tôi đã làm gì? Tôi không biết mình đã làm gì. Tôi ở phía bên kia lan can khi thấy cú bay của con bé, nhưng lúc nó đến giữa đầu cầu thang và cửa sổ, tôi đã đứng ở bậc cầu thang dưới cùng. Làm sao tôi đến được đó? Chỉ không quá một vài feet, nhưng dường như khó mà qua được khoảng cách ấy trong chừng ấy thời gian - tức là gần như không một chút thời gian nào. Nhưng tôi vẫn ở đó, và khoảnh khắc đến được đó tôi đã nhìn lên, giang tay, và đón lấy con bé.

3.

Tôi mười bốn tuổi. Năm thứ ba trong ba năm liên tiếp, bố mẹ gửi tôi đến một trại hè ở tiểu bang New York. Tôi dành phần lớn thời gian chơi bóng rổ và bóng chày, nhưng vì nó là trại hè dành cho cả nam lẫn nữ nên còn có những hoạt động khác: các buổi “sinh hoạt tập thể” tối, những lần đụng chạm lúng túng đầu tiên với các cô gái, các cuộc cướp quần lót nữ, những trò tai quái thông thường của tuổi thiếu niên. Tôi còn nhớ những lần hút trộm thuốc lá giá rẻ, những chiếc giường “gấp ngắn” và những cuộc đấu bóng nước lớn.

Không chuyện nào trong số những chuyện kể trên quan trọng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh tuổi mười bốn có thể dễ tổn thương như thế nào. Không còn trẻ con, cũng chưa trưởng thành, ta nhảy qua nhảy lại giữa người mà ta từng là và người mà ta sắp trở thành. Với tôi, tôi còn đủ trẻ để nghĩ mình có cơ hội chơi trong Liên đoàn Bóng chày Mĩ, nhưng đủ lớn để nghi ngờ sự tồn tại của Chúa. Tôi đã đọc Tuyên ngôn Cộng sản, nhưng vẫn thích xem hoạt hình sáng thứ bảy. Mỗi lần thấy khuôn mặt mình trong gương, dường như tôi đang nhìn vào một ai khác.

Có mười sáu hay mười tám đứa trong nhóm của tôi. Phần lớn chúng tôi đã ở cùng nhau trong nhiều năm, nhưng cũng có vài đứa mới đến trong mùa hè ấy. Có một đứa tên là Ralph. Một thằng bé trầm tính không nhiệt tình mấy với những cú lừa bóng rổ hay chặn người cắt bóng trong môn bóng chày, và dù không ai gây khó dễ cho nó, nó vẫn gặp rắc rối. Nó thi trượt một vài môn trong năm ấy, và phần lớn thời gian rảnh của nó dành để học với một trong những tư vấn viên. Chuyện ấy hơi buồn, và tôi thấy tiếc cho nó - nhưng không quá tiếc, không đủ tiếc để mất ngủ vì nó.

Các tư vấn viên của chúng tôi đều là sinh viên New York đến từ Brooklyn hoặc Queens. Những cầu thủ bóng rổ hài hước, những nha sĩ tương lai, kế toán, và giáo viên, trẻ con thành phố đến tận xương tủy. Giống như phần lớn người New York gốc, họ kiên trì gọi “ground” là “floor,” ngay cả khi tất cả những gì dưới chân là cỏ, đá cuội, và bùn đất. Những trò đặt bẫy của đời sống trại hè truyền thống với họ xa lạ như lí thuyết ứng đáp câu hỏi (I.R.T.) với một người nông dân Iowa. Ca nô, dây đeo, leo núi, dựng lều, ca hát quanh đống lửa không nằm trong kho đựng mối quan tâm của họ. Họ có thể hơn chúng tôi trong những chuyện phức tạp như đứng kèm người và lấy thế bắt bóng bật bảng, nhưng còn đâu họ chủ yếu chỉ loanh quanh và cười đùa.

Thử hình dung sự ngạc nhiên của chúng tôi khi một buổi chiều tư vấn viên của chúng tôi thông báo chúng tôi sắp đi rừng. Anh ta bị một nguồn cảm hứng nào đó chiếm lấy và không để cho ai bàn lùi. Bóng rổ đủ rồi, anh ta nói. Bao quanh chúng ta là thiên nhiên, đã đến lúc tận dụng nó và bắt đầu hành động như những người cắm trại thực thụ - đại loại thế. Và như thế, sau thời gian nghỉ ngơi sau bữa trưa, cả nhóm mười sáu mười tám đứa chúng tôi cùng với hai ba tư vấn viên bắt đầu vào rừng.

Đó là cuối tháng 7/1961. Mọi người đều có tâm trạng khá hào hứng, tôi nhớ thế, và sau khoảng nửa giờ vào rừng đa phần đều đồng ý chuyến đi là ý tưởng tốt. Dĩ nhiên không ai có la bàn hay chút đầu mối dù nhỏ nhất nào là chúng tôi đang đi đâu, nhưng tất cả đều vui vẻ, và nếu chúng tôi có bị lạc thì cũng có khác gì đâu? Sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ tìm được đường về.

Rồi trời bắt đầu mưa. Ban đầu gần như không đáng kể, chỉ vài giọt nhẹ rơi giữa những tán lá và cành cây, không có gì phải lo lắng. Chúng tôi đi tiếp, không muốn chút nước ít ỏi làm hỏng niềm vui của mình, và một vài phút sau mưa bắt đầu rơi theo đúng nghĩa. Ai nấy đều ướt sũng, và các tư vấn viên quyết định chúng tôi nên quay đầu và trở về. Vấn đề duy nhất là không ai biết trại ở đâu. Khu rừng dày và rậm rạp với những cụm cây và bụi gai, và chúng tôi phải len lỏi khắp lối này lối kia, đột ngột chuyển hướng để đi tiếp. Thêm vào cơn hỗn loạn là trời đang bắt đầu trở nên khó nhìn. Khu rừng vốn đã tối, nhưng với cơn mưa cùng trời chuyển đen, nó giống như đêm hơn là ba bốn giờ chiều.

Rồi sấm nổi lên. Sau sấm là sét. Cơn bão đang ở ngay trên đầu chúng tôi, và hóa ra nó là cơn bão mùa hè cuối cùng để kết thúc mọi cơn bão mùa hè. Tôi chưa từng thấy thời tiết như thế trước đây cũng như sau này. Mưa đổ lên chúng tôi mạnh đến nỗi nó thực sự rát; mỗi lần sấm nổ, chúng tôi có thể cảm thấy tiếng ồn rung lên trong cơ thể mình. Lập tức sau đó, sét sẽ đến, nhảy múa quanh chúng tôi như những ngọn giáo. Cứ như thể vũ khí được vật chất hóa trong bầu không khí loãng: một ánh chớp bất ngờ biến mọi thứ trở nên trắng sáng một cách ma quái. Cây bị đánh trúng, cành bắt đầu cháy âm ỉ. Rồi tất cả lại chìm vào bóng tối trong một lúc, sẽ có một tiếng nổ khác trên bầu trời, và tia sét sẽ trở lại ở một vị trí khác.

Dĩ nhiên, sét là thứ làm chúng tôi sợ. Phải rất ngu mới không sợ, và trong cơn hoảng loạn chúng tôi đã cố gắng trốn chạy nó. Nhưng cơn bão quá lớn, và ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến chúng tôi đều gặp nhiều sét hơn. Đó là một cơn tháo chạy tán loạn, một cuộc chạy đua vội vã trong vòng tròn. Rồi đột nhiên ai đó phát hiện ra một khoảng trống trong rừng. Một cuộc tranh cãi ngắn nổ ra xem đi vào khoảng trống hay ở lại dưới tán cây an toàn hơn. Giọng nói ủng hộ khoảng trống đã giành phần thắng, và tất cả chúng tôi đều chạy về phía nó.

Nó là một bãi cỏ nhỏ, rất có thể là đồng cỏ của một trang trại địa phương, và để đến đó chúng tôi phải bò dưới hàng rào kẽm gai. Từng người một, chúng tôi nằm rạp xuống đất và nhích vào. Tôi ở giữa hàng, ngay sau Ralph. Khi nó vừa bò xuống hàng rào kẽm gai, có một tia sét khác. Tôi ở cách đó chỉ hai ba feet, nhưng vì mưa đập vào mí mắt nên khó mà hiểu chuyện gì xảy ra. Tất cả những gì tôi biết là Ralph đã ngừng di chuyển. Nghĩ nó bị choáng nên tôi bò qua nó bên dưới hàng rào. Khi đã sang được bên kia, tôi nắm cánh tay nó và kéo nó qua.

Tôi không biết chúng tôi ở lại bao lâu trong cánh đồng ấy. Một giờ, tôi đoán thế, và trong toàn bộ quãng thời gian ở đó mưa và sấm sét vẫn tiếp tục đổ xuống chúng tôi. Nó là một cơn bão tách ra từ những trang giấy của Kinh Thánh, và nó cứ tiếp tục tiếp tục mãi, như thể sẽ không bao giờ dừng lại.

Hai hoặc ba đứa bị thứ gì đó đánh trúng - có thể là sét, có thể là cú sốc của sét đánh xuống mặt đất gần đó - và đồng cỏ bắt đầu đầy tiếng rên rỉ. Những đứa khác khóc và cầu nguyện. Cũng có những đứa khác, với nỗi sợ hãi trong giọng nói, cố đưa ra những lời khuyên hợp lí. Tránh xa mọi thứ kim loại, chúng nó nói, kim loại hút sét. Chúng tôi cởi hết thắt lưng và quẳng ra xa.

Tôi không nhớ mình nói gì. Tôi không nhớ mình có khóc hay không. Tôi cùng một đứa khác cố gắng chăm sóc Ralph. Nó vẫn còn bất tỉnh. Chúng tôi chà xát bàn tay và cánh tay nó, chúng tôi kéo lưỡi nó để nó không nuốt vào, chúng tôi bảo nó hãy ở lại. Sau một lúc, da nó bắt đầu có sắc tím tái. Cơ thể nó có vẻ lạnh hơn tay tôi, nhưng bất chấp những bằng chứng ngày càng lớn ấy, tôi đã không nhận ra nó sẽ không quay trở lại. Suy cho cùng, tôi mới mười bốn, và tôi thì biết gì chứ? Tôi chưa thấy người chết bao giờ.

Chính là cái hàng rào kẽm gai, tôi đoán thế. Những đứa khác trúng sét bị tê cứng, chân tay đau nhức trong khoảng một giờ, rồi hồi phục. Nhưng Ralph thì ở dưới hàng rào khi sét đánh, và nó đã bị điện giật chết tại chỗ.

Sau này, khi người ta bảo tôi nó đã chết, tôi mới biết có một vết bỏng rộng bằng gang tay trên lưng nó. Tôi còn nhớ mình cố gắng tiếp thu cái tin ấy và tự nhủ với tôi cuộc sống sẽ không bao giờ có cảm giác như trước. Thật kì lạ, tôi không nghĩ về chuyện làm thế nào tôi đã ở ngay cạnh nó khi chuyện xảy ra. Tôi không nghĩ, chỉ một hai giây sau nó đã có thể là tôi. Cái mà tôi nghĩ là lúc nắm lưỡi và nhìn hàm răng của nó. Miệng nó được đặt trong tư thế hơi nhăn nhó, và với đôi môi hé mở một phần, tôi đã dành cả giờ nhìn đầu răng nó. Ba mươi tư năm sau, tôi vẫn còn nhớ những chiếc răng ấy. Cả đôi mắt nửa nhắm nửa mở của nó. Tôi vẫn còn nhớ chúng.

4.

Cách đây ít năm, tôi nhận được thư từ một phụ nữ sống ở Brussels. Trong thư, bà kể cho tôi câu chuyện của một người bạn của bà, một người đàn ông mà bà biết từ thuở thơ ấu.

Năm 1940, ông gia nhập quân đội Bỉ. Khi đất nước sụp đổ dưới tay người Đức năm ấy, ông bị bắt và đưa vào một trại tù nhân chiến tranh. Ông bị giữ ở đó cho đến khi chiến tranh kết thúc năm 1945.

Tù nhân được phép giao tiếp với nhân viên Chữ thập Đỏ tại Bỉ. Người đàn ông ấy được giao tiếp ngẫu nhiên một người bạn qua thư - một y tá Chữ thập Đỏ từ Brussels - và trong năm năm sau đó ông và người phụ nữ này vẫn viết thư cho nhau mỗi tháng. Qua thời gian họ trở thành bạn thân. Đến một lúc (tôi không chắc chính xác điều này mất bao lâu), họ hiểu rằng giữa hai người đã phát triển một thứ hơn cả tình bạn. Thư từ qua lại, ngày càng thân mật hơn qua mỗi lần trao đổi, và cuối cùng họ tỏ tình với nhau. Có thể có chuyện như thế không? Họ chưa từng gặp nhau, chưa từng có phút nào ở bên nhau.

Sau chiến tranh, ông được trả tự do và trở về Brussels. Ông gặp cô y tá, cô y tá gặp ông, và không ai thất vọng cả. Ít lâu sau, họ kết hôn.

Năm tháng trôi qua. Hai người có con, già đi, thế giới này trở thành một thế giới hơi khác. Con trai họ hoàn thành nghiên cứu ở Bỉ và đến Đức nhận công việc sau đại học. Ở một trường đại học ở đó, anh ta yêu một cô gái trẻ người Đức. Anh viết thư cho bố mẹ và bày tỏ ý định cưới cô gái ấy.

Bố mẹ hai bên vô cùng hạnh phúc cho con cái của họ. Hai gia đình sắp xếp gặp nhau, và vào ngày đã hẹn gia đình người Đức xuất hiện ở nhà của gia đình người Bỉ ở Brussels. Khi người cha Đức bước vào phòng khách và người cha Bỉ đứng dậy đón ông, hai người nhìn vào mắt nhau và nhận ra nhau. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng cả hai đều không nghi ngờ gì người kia là ai. Ở một giai đoạn trong cuộc đời mình, họ đã nhìn thấy nhau mỗi ngày.

Người cha Đức là lính canh trại tù giam người cha Bỉ trong chiến tranh.

Như người phụ nữ viết thư cho tôi đã vội vã thêm vào, giữa hai người không hề có thù hận. Cho dù chế độ Đức có vô nhân đạo đến thế nào thì người cha Đức cũng chưa bao giờ làm điều gì trong suốt năm năm ấy để khiến người cha Bỉ phải chống lại ông.

Dù sao đi nữa, hai người giờ là bạn thân thiết của nhau. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời họ là những đứa cháu chung của hai người.

5.

Tôi tám tuổi. Ở thời điểm ấy trong cuộc đời, với tôi không có gì quan trọng hơn bóng chày. Đội của tôi là New York Giants, và tôi làm theo những việc làm của những chàng trai đội mũ lưỡi trai đen và cam ấy với tất cả sự tận tâm của một tín đồ thực thụ. Thậm chí đến giờ, nhớ lại đội bóng không còn tồn tại ấy, đội bóng từng chơi trong một sân bóng giờ không còn tồn tại ấy, tôi vẫn có thể kể tên của gần như mọi cầu thủ trong danh sách. Nhưng không ai vĩ đại hơn, không ai hoàn hảo hơn hay đáng tôn thờ hơn Willie Mays, “The Say-Hey Kid” sáng chói.

Mùa xuân ấy, tôi được đưa đến xem giải đấu lớn đầu tiên của mình. Bạn bè của bố mẹ tôi có chỗ ngồi đặc biệt ở sân Polo Grounds, và vào một đêm tháng tư nhóm chúng tôi đến xem đội Giants chơi giải Milwaukee Braves. Tôi không biết đội nào thắng, cũng không thể nhớ lại một chi tiết nào của trận đấu, nhưng tôi còn nhớ sau khi trận đấu kết thúc bố mẹ tôi và bạn bè hai người vẫn ngồi nói chuyện cho đến khi toàn bộ những khán giả khác đã ra về. Lúc ấy muộn đến nỗi chúng tôi phải đi bộ qua sân bóng và về bằng lối ra ở sân giữa. Hóa ra lối ra ấy lại nằm ngay bên dưới phòng thay đồ của cầu thủ.

Vừa lúc chúng tôi đến gần bức tường, tôi bắt gặp Willie Mays. Không ngờ gì đấy là ai. Chính là Willie Mays, đã cởi đồng phục và đứng đó trong bộ trang phục thường nhật, cách tôi chưa đến ba mét. Tôi tiếp tục tiến về phía anh ta rồi thu hết từng gam can đảm, tôi bật ra được một vài từ. “Anh Mays,” tôi nói, “em có thể xin chữ kí anh được không?”

Anh ta chắc hẳn không dưới hai mươi tư tuổi, nhưng tôi không thể nào phát âm được tên anh ta.

Câu trả lời của anh ta khô cộc nhưng đầy thiện ý. “O.K., nhóc, O.K.,” anh ta nói. “Nhóc có bút chì chứ?” Anh ta tràn đầy sức sống, tôi nhớ thế, tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ, liên tục bật nhảy tại chỗ trong khi nói.

Tôi không có bút chì, nên tôi hỏi mượn bố. Bố tôi không mang. Mẹ tôi cũng thế. Hóa ra trong nhóm người lớn không ai có cả.

Willie Mays vĩ đại đứng đó nhìn theo trong im lặng. Khi rõ ràng là trong nhóm không ai có gì để viết, anh ta quay sang tôi và nhún vai. “Tiếc quá, nhóc,” anh ta nói. “Không có bút chì thì không kí được.” Rồi anh ta ra khỏi sân bóng chày bước vào bóng đêm.

Tôi không muốn khóc, nhưng nước mắt bắt đầu chảy xuống má, và tôi không thể làm gì để ngăn nó lại. Tệ hơn nữa, tôi khóc suốt đường về nhà trong xe. Đúng thế, tôi đã vụn vỡ với nỗi thất vọng, nhưng tôi cũng khinh bỉ bản thân vì không thể kiểm soát những giọt nước mắt ấy. Tôi không phải trẻ sơ sinh. Tôi đã tám tuổi, và những đứa trẻ đã lớn thì không được khóc vì những chuyện như thế. Không chỉ không có chữ kí của Willie Mays, tôi còn không có thứ gì khác. Cuộc đời đã đặt tôi vào thử thách, và trong mọi khía cạnh tôi đều thấy mình thiếu vắng.

Sau đêm hôm ấy, tôi bắt đầu mang theo mình một cây bút chì đến mọi nơi. Không bao giờ ra khỏi nhà mà không chắc chắn mình đã có một cây bút chì trong túi đã trở thành thói quen của tôi. Không phải tôi đã có kế hoạch cụ thể nào với cây bút ấy, chỉ là tôi không muốn mình không được chuẩn bị. Tôi đã gặp cảnh tay không một lần, và tôi sẽ không để nó diễn ra một lần nào nữa.

Ít nhất, những năm qua đã dạy cho tôi điều này: nếu có một cây bút chì trong túi, rất có thể rồi một ngày ta sẽ cảm thấy muốn bắt đầu dùng nó. Như tôi muốn kể với các con mình, tôi đã trở thành nhà văn như thế.

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)