Nối tiếp Thời nắng lịm viết về gia đình Nga - Đức đã rất nổi tiếng của mình, Khách sạn Metropol của Eugen Ruge (Tao Đàn và Nxb Hội Nhà văn ấn hành, Hoàng Đăng Lãnh dịch) là “lời chứng” tiếp theo cho một thời đoạn tưởng chừng đảo điên, trong sự bất an, lo lắng… của một bộ máy mất quyền kiểm soát, chuyên gieo khiếp đảm trong hai năm 1936 - 1937, khi “mặt trời lớn” tiến hành cuộc đại thanh trừng sát sao từ trong nội bộ. Và khách sạn Metropol sang trọng ấy, là nơi tạm nghỉ của kẻ bức hại và kẻ bị bức hại. Sự sang trọng của nó, vẻ lộng lẫy của nó; dường như không hợp thời.
Đều được viết bởi những nhà văn khai sinh ở Liên Xô cũ sau này trở thành công dân nước Đức, đều được chuyển ngữ bởi cùng dịch giả, đều nhắc đến một địa danh bắt đầu bằng chữ “M” rồi kết thúc với hậu tố “pol”; Khách sạn Metropol của Eugen Ruge và Người đến từ Mariupol của Natascha Wodin có sự giống nhau kì lạ, không chỉ ở những điểm trên, mà còn là việc “phủi bụi” những câu chuyện dường như đã bị lãng quên từ trong lịch sử.
Mở đầu Người đến từ Mariupol, Natascha Wodin viết: “Lúc gõ tên họ mẹ tôi vào công cụ tìm kiếm trên trang web của Nga, tôi cũng chẳng khác nào muốn thử một trò chơi cho vui vậy thôi”. Và trùng hợp thay, Eugen Ruge cũng làm như thế, nhưng không phải qua internet, mà là những kí ức của cha mình, kí ức của các sử gia và của những biên bản giờ đây không còn tuyệt mật. Tìm lại trong cơ quan lưu trữ quốc gia về lịch sử - chính trị ở Nga, giữa tầng tầng lớp lớp biên bản, hóa đơn, lời khai, thư từ… cuối cùng người bà trong sự im lặng của ông cũng hiện lên, nhưng là từ trong những tiếng gào thét.
Tiểu thuyết Khách sạn Metropol của nhà văn Đức Eugen Ruge được dịch giả Hoàng Đăng Lãnh chuyển ngữ.
Khách sạn Metropol là nơi ôm lấy những con người vỡ mộng. Họ sống trong một khoảnh khắc giàu sang, nhưng chưa bao giờ yên ổn. Ở đó có những tiếng động thang máy, tiếng bước chân bắt người lúc 3 giờ sáng. Ở đó ngay cả một buổi vũ hội cuối năm vẫn có người bị đem đi. Và hàng ngày người ta chường mặt nhau ra để không gì khác ngoài việc điểm xem ai đã mất đi, và không còn cuộc sống trước mắt.
Metropol là nỗi ám ảnh, là cái phóng chiếu vào sự mong manh cũng như xám lạnh trong kiếp người mình, mặc cho dáng vẻ sang trọng và rộng lớn của nó. Là đặc trưng của Nga, của Moskva; hay trùng hợp thay lại một lần nữa mà các hình tượng Eugen Ruge đặc tả: tuyết, điện Kreml, tháp Spasski, mái vòm đại giáo đường… tất cả đều to lớn và cũng cô độc. Đó là nhà tù lộng lẫy, là cái chết từ từ về mặt tinh thần, là đặc quyền được hưởng sau cùng, mà châm biếm hơn hết, là cái cuộc sống cuối đời giàu sang.
Phóng chiếu góc nhìn của giới tinh hoa thời đó qua 3 nhân vật, Eugen Ruge đặc tả 3 cá nhân hoàn toàn có thật, nhưng cũng là bộ tam trụ để thông qua đó ta hiểu được những gì ẩn giấu dưới một cuộc sống tưởng như không sống. Đó là Charlotte - người phụ nữ e ngại chỉ biết giấu mình những suy nghĩ riêng. Đó là Hilda - người định “khai sáng” cho vị lãnh tụ với những mưu mô tưởng rằng là ông ta không biết. Và cuối cùng là vị thẩm phán Tòa án tối cao, Vasily Vasilyevich Ulrich, một con rối người, một sản phẩm lỗi đang trên con đường tha hóa từ từ. Mỗi cá nhân là một phản ứng khác nhau, nhưng nhìn chung đều cho thấy được cảm giác đi trên lưỡi dao của bàn tay số phận, của những cuộn chỉ đang đứt từ từ.
Charlotte - cựu nhân viên của OMS, cơ quan phản gián vô cùng quyền lực, vì mối quen biết với Moissei Lurie - một người Do Thái bị kết tội thân tín với Đức Quốc xã (?!) đã bị cách chức cùng với chồng mình, Wilhelm, một điệp viên ngầm, và chuyển đến sống ở Metropol. Trong những tháng ngày vẩn vơ giữa những cơn sốt thời đại, trong khi Wilhelm đọc báo và dần mục ruỗng vì sự trống vắng, thì Charlotte khi có cơ hội làm việc ở nhà xuất bản, đã được trải nghiệm một tin thần mới, một cuộc sống mới.
Thực hiện đúng như chỉ thị của vị lãnh tụ vĩ đại, giờ rằng “cuộc sống đã tốt đẹp hơn, cuộc sống đã vui tươi hơn”, chị sớm sa vào lưới tình với Bork - một trưởng phân ban tiếng Đức đẹp trai, tràn đầy nhựa sống. Chị là người lạc quan buông mình thả cửa cho đời sống dục tình, bởi muốn tìm lại sự sống ở người đàn ông không phải chồng chị - một thây ma không hơn không kém. Chị có những nghi ngờ riêng về cuộc thanh trừng vẫn đang diễn ra, nhưng dường như nó nằm dưới sự cống hiến của chị, tình yêu của chị, mùa xuân của chị… khi cơ hội được đem tới cho chị ở lần thứ hai.
Không thể lạc quan như vậy là Hilda - người phụ nữ mạnh mẽ, và cũng là người nhận ra sự việc mà ai cũng rõ. Nếu Charlotte ngây thơ tin vào tương lai của mình, thì Hilda càng thơ ngây hơn nữa, khi tin vào bộ máy ấy và chính quyền ấy có thể thay đổi. Chị nghĩ rằng “mặt trời to lớn” đang bị “mây đen” che phủ, và chị chứ không ai khác, sẽ là người “giải cứu mặt trời”. Nhưng thật ra, tất cả những dự định ấy chỉ là vô ích. May thay cuộc gọi cuối cùng đến điện Kreml vẫn chưa diễn ra, mà nếu nó có thật sự tồn tại, cái chết chắc hẳn sẽ trườn đến gần hơn, nhanh hơn để tìm kiếm cổ họng của sự ngây thơ, và chém một nhát đứt lìa.
Cuối cùng - Thẩm phán tòa án Vasily Vasilyevich Ulrich, người duy nhất đại diện cho bộ máy công quyền, nhưng dường như cũng không thuộc về nơi đó. Ở Metropol cũng những người sắp tới đây mình sẽ triệt hạ, công việc hàng ngày của ông là dự phiên xét xử mở, với các tình tiết thường xuyên bịa đặt, cũng như cố gắng điều chỉnh sao cho thật logic nhất. Người thẩm phán ấy ghen tuông với người bị xử tử, bởi đời sống bản thân chỉ di chuyển qua các địa điểm ngắn, xung quanh cũng không có giấy tờ hay sách vở gì, mà mọi lúc cũng như mọi nơi luôn phải kiềm chế cho ra phong cách một ông chánh án.
Tiểu thuyết gia Eugen Ruge, người nổi tiếng với các tác phẩm bán tự truyện về gia đình Đức-Liên Xô của mình.
Sự tha hóa của một viên chức chính phủ từng bước hiển hiện ra, khi ông “đổi chác” bản án nhẹ hơn bằng lần làm tình với người phụ nữ có chồng bị bắt. Nhưng cơn nhộn nhạo ở vùng hậu môn, sự không nghe lời của những bộ phận sinh ra vì chuyện đó… càng khắc họa thêm những sự mệt mỏi cũng như ê chề ở nơi công lí. Trong vòng một ngày ông có thể kí quyết định xử tử 138 kẻ thù nhân dân, và là kỉ lục cho đến những ngày gần đây không ai so được. Từ án 10 năm cho đến hành hình chỉ cách khỏi nhau vài giây ngắn ngủi, và giây phút đó như một đặc ân, mở ra cánh cửa địa ngục hay là thiên đường chỉ qua một cái chớp mắt. Làn gió thổi bay tờ giấy mà sự đãng trí cho rằng đã kí, hay việc chấm dứt một ngày làm việc để khai “ân sủng” cho một ngày mới thoát xa cái chết… chỉ vì những lí do vô vọng thế thôi, mà một cuộc sống có thể vẫn được bảo toàn.
Viết từ câu chuyện cũng như kí ức và những manh mối mà chính nhà văn đã sưu tập được, Khách sạn Metropol khép lại bằng những câu văn vô cùng bi thảm: “Wilhelm nhón vội mẩu bánh mì cho vào túi áo mình. Lúc sau, khi hai người họ bắt đầu lấy tư thế chờ đợi mà mọi đêm họ vẫn giữ rồi, Wilhelm mới lôi mẩu bánh mì ra, dứt ra một mẩu, vo tròn lại thành viên và đặt nó ra giữa phòng […] Rồi chúng, bọn chuột ấy, kéo đến”. 477 ngày là 477 ngày vỡ mộng, 477 ngày bi thảm, và cũng là 477 ngày mà con người không khác gì hơn loài chuột, chờ bị bắt đi, chờ bị giam cầm, chờ bị xử bắn.
Khách sạn Metropol đứng đó lặng im, nhưng là tiếng dội vào trong gào thét thành lời, không chỉ của riêng một người đàn bà khóc chồng, của từng người một mở cửa lúc 3 giờ sáng, mà còn là nước Nga, là Moskov trong sự bất định của chính con người trong cuộc thanh trừng. Để rồi những thứ còn lại chỉ là trang giấy, viết vội vài dòng đánh máy cặn kẽ: “Tôi xin cam đoan giữ kín các bí mật tôi được phép biết đến trọn đời…mọi thỏa thuận… các nhân vật…”. Một lịch sử từng bị lãng quên, và khơi gợi lại.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD