Nét đẹp đời thường trong trang văn Lê Minh Khuê

Thứ Sáu, 20/05/2022 00:11

. NGUYỄN ĐỨC TOÀN
 

Lê Minh Khuê là một trong số các nhà văn đương đại có bản sắc riêng và có thành tựu nghệ thuật được thừa nhận ở trong và ngoài nước. Hơn 40 năm cầm bút, với mười ba tập truyện ngắn, bà vẫn bền bỉ theo đuổi thể loại này và gặt hái được không ít thành công.

Sinh ra trong thời kháng chiến chống Pháp, trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ và có những trải nghiệm ở thời bình, hiển nhiên, các tác phẩm của Lê Minh Khuê vắt ngang giữa hai thời đại sẽ có những biến đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người. Đây sẽ là điểm tựa để nhà văn xác lập căn cước riêng cho các sáng tác của mình.

Mang đặc trưng giới nữ, trên hành trình khám phá con người cá nhân, Lê Minh Khuê đặc biệt chú ý và thể hiện sâu sắc khát vọng mãnh liệt của con người về hạnh phúc và tình yêu. Chính điều đó giúp nhà văn có được cái nhìn nhân bản, khám phá chiều sâu tâm hồn con người. Mỗi tác phẩm viết về một kiểu số phận, nhưng ta bắt gặp những khát vọng nhân bản, chân chính và những nỗ lực vươn lên kiếm tìm hạnh phúc đích thực của con người. Quả thực, mỗi cá nhân là một thế giới riêng “mỗi người có một bí mật, một nỗi buồn, một kỉ niệm” và “không bao giờ trái tim có thể yên”.

Đặt con người trong hoàn cảnh bề bộn phức tạp của cuộc sống hiện tại, Lê Minh Khuê nhận ra con người luôn chịu sự tác động và chi phối của hoàn cảnh. Ở đó, ta thấy con người cũng nhỏ bé, bình thường thậm chí tầm thường trước sự thay đổi nghiệt ngã của hoàn cảnh sống. Trong sáng tác của mình, Lê Minh Khuê đã khắc phục được cách nhận diện con người theo tiêu chí cũ để nhìn nhận con người một cách toàn diện hơn, gần gũi và chân thực hơn. Dù viết trên cảm hứng nào, ở những khía cạnh nào, đằng sau những trang viết của Lê Minh Khuê, chúng ta vẫn nhận ra những biểu hiện cao đẹp trong tâm hồn con người.

Với thời gian, niềm vui chiến thắng, ánh hào quang của cuộc chiến đấu dần dần lắng xuống nhường chỗ cho những mối quan tâm thường nhật. Hiện thực đời sống sau chiến tranh ngày càng bộc lộ những mặt phức tạp, bộn bề của nó, kéo con người đang lâng lâng bay bổng trong niềm hân hoan chiến thắng và trong niềm tin đơn giản về một tương lai tươi đẹp trở về với hiện thực đời thường đa diện và phức tạp. Con người bắt đầu nhận ra phần không đơn giản và khắc nghiệt của cuộc sống hiện tại. Lê Minh Khuê cũng vậy, song không như một số người kém điềm tĩnh, nhà văn không rơi vào tình trạng đổi thái cực hoàn toàn. Niềm tin vào cuộc sống, vào con người, vào giá trị mà bà cùng đồng đội và bao người đã phải giành giật, phải đổi bằng máu và nước mắt vẫn không lụi tắt. Người đọc thấy qua những trang truyện ngắn của Lê Minh Khuê, tác giả vẫn lặng lẽ chắt chiu cái đẹp từ hiện thực xô bồ, hỗn tạp. Không còn ồn ào, bồng bột như trước mà ngày càng đằm thắm, chín chắn, suy tư.

Cuộc sống thay đổi, hiện thực mới, cái đẹp cũng mang nội dung mới. Trước đây, cái đẹp rực rỡ phi thường, nay hiện thực đời thường nảy sinh những cái đẹp bình dị gắn với cái riêng, cái cá nhân, với từng cuộc đời, số phận. Người đọc bắt gặp hình ảnh bà Tuy trong Một đời, người phụ nữ cả đời hi sinh cho chồng con. Mặc dù đã có lúc phải đối mặt với một sự thật phũ phàng: chồng có một “gia đình vụng trộm” khi “đi công tác biệt phái”, người phụ nữ ấy đã phải khóc bao nhiêu, thương lũ trẻ, thương cho kiếp đàn bà. Cuối cùng, vượt lên tất cả, nghị lực, đức hi sinh, trái tim giàu tình yêu và “tấm lòng nhân hậu vô bờ bến của người mẹ” đã trở thành sợi dây liên kết tình mẫu tử với hai đứa con riêng của chồng.

Viện (Một chiều xa thành phố) là người mẹ hết lòng vì con. Cả ngày cô đầu tắt mặt tối vì con, cô không còn thời gian đâu để nghĩ cho bản thân mình nữa. Trong một chiều đi xa thành phố, Tân đã đến gặp Viện. Tân không ngờ cuộc sống của người bạn cùng chiến đấu năm xưa của mình lại nhếch nhác đến như vậy. Nhưng Tân ngạc nhiên hơn khi nghe Viên nựng con “hơn tất cả những người đàn bà có con mà Tân được biết”. Lúc nào Viện cũng cuống lên, “cũng điên lên vì con”, “hễ cứ nói câu trước câu sau cô ta đã lái sang chuyện con cái”. Đó còn là hình ảnh bà Hòa trong Xóm nhỏ, câu chuyện cuộc đời bà Hòa chứng minh rằng đức hi sinh chính là nguồn sức mạnh giúp người phụ nữ vượt lên hoàn cảnh vượt lên số phận, nó làm nên sự nhạy cảm và tinh tế của tâm hồn.

Những nhân vật với vẻ đẹp rất đời thường còn là những con người thuỷ chung với lẽ sống đạo nghĩa, giàu hi sinh trong truyền thống, không bị thực tại xô bồ nhuộm đen, nhấn chìm. Đó là Na, Thắng trong Làng xi măng vô cùng kính yêu người bà, hiểu sâu sắc nỗi mất mát to lớn trước sự ra đi của bà, đồng thời cũng biết rõ cái gì sẽ đến với gia đình mình khi bà đã khuất bóng. Cả Na và Thắng đều chứng tỏ sự trưởng thành vững vàng của mình bởi họ đã biết trân trọng những nền tảng đạo lí và hiểu sâu sắc giá trị của quá khứ.

Bên cạnh việc đề cao đạo lí sống ngàn đời của dân tộc, Lê Minh Khuê còn quan tâm tới những khát vọng hạnh phúc của con người. Một số nhân vật của bà hiện lên trong những trăn trở, day dứt trên hành trình đi tìm tình yêu đích thực của đời mình và dù thất bại nhân vật vẫn không nguôi khát vọng như chị Hằng trong Một buổi chiều thật muộn, người mẹ trong Mong manh như là tia nắng. Ở một số nhân vật khác của Lê Minh Khuê, vẻ đẹp thoát ra từ sự sám hối, sự thức tỉnh hướng tới điều thiện. Mi trong Cơn mưa cuối mùa nhận thấy mình đang tự mài mòn, trở nên xấu xa, vô vị đã mong muốn ra đi với Bình, tình yêu sét đánh của cô, với hi vọng thoát khỏi cuộc sống vô vị tẻ nhạt, đơn điệu. Canh trong Cuộn dây sau bao năm lăn lóc bụi bặm, hết làm lơ xe đường dài, làm ở bãi vàng rồi đến làm trai bao cho một mụ nạ dòng hơn tuổi, cảm thấy mệt mỏi tìm về với người mẹ già. Được gặp lại hình ảnh đẹp đẽ trong trẻo của cô thiếu nữ bên láng giềng, Canh đã quyết định lập nghiệp tại quê nhà. Quyết định của anh còn được thúc đẩy bởi ý nghĩ muốn đứng ra bảo vệ sự trong trẻo của cô hàng xóm trước nguy cơ tấn công của những kẻ chán ngán cảnh ăn chơi ở chốn phồn hoa muốn nếm thử “của ngon vật lạ” ở chốn quê thanh bình. Trước sự nhẹ dạ, cả tin và tình yêu say đắm đến quên mình của một cô gái, bản chất lương thiện trong Quang và “tôi”(Đồng tiền có màu xanh huyền ảo) đã được đánh thức còn phần xấu xa, đê tiện trong họ đã bị đẩy lùi. Quang bỏ lại tờ đô la mà vì nó anh định lừa gạt tình yêu của cô gái, chạy trốn trái tim mình trong nỗi buồn và niềm hối hận khôn cùng. “Tôi” - từ một kẻ bàng quan đứng ngoài, lạnh lùng chứng kiến cuộc chơi hèn hạ mà bạn mình - Vĩnh bày ra để trả thù cô gái, đã không thể thờ ơ trước nỗi đau của cô và tự nguyện đứng ra bảo vệ cô tránh khỏi tổn thương do sự xúc phạm của Vĩnh và lên án anh ta… Mỗi nhân vật một cảnh ngộ và số phận riêng nhưng đều gieo vào lòng người đọc cảm giác đau đớn và phấn khởi. Đau đớn vì như thấy đang buộc phải nhìn sâu vào những cảnh đời, những bi kịch đã xảy ra đâu đó quanh mình mà do vô tình hay cố tình ta không muốn biết không muốn thấy. Còn phấn khởi vì sau nỗi đau ta lại có thể tin tưởng vào khả năng hướng thiện trong bản chất con người trong vô số những cám dỗ, những cạm bẫy giăng bủa quanh con người của đời sống hôm nay.

Như thế, truyện ngắn Lê Minh Khuê không chỉ phơi bày cái xấu, cái ác, sự tha hoá, xuống cấp về đạo đức của con người mà trong các trang văn của bà chúng ta còn thấy hiện lên những nét đẹp dung dị đời thường khiến độc giả vô cùng cảm động. Sử dụng thủ pháp tương chiếu, nhân vật của Lê Minh Khuê được chiếu sáng từ nhiều mối quan hệ. Nhờ vậy, những bí ẩn trong tâm hồn nhân vật được thấu tỏ và nhân vật hiện lên trọn vẹn hơn.

Mải miết trong những trải nghiệm sống và viết, Lê Minh Khuê luôn trung thành với lối viết truyền thống. Trong hành trình cầm bút, nhà văn trụ hạng và thành danh nhờ truyện ngắn. Cảm hứng thế sự như là căn cốt để nhà văn thiết lập một thực tại mới. Song hành cùng sự thật, với cảm quan đời sống mới mẻ, Lê Minh Khuê đã sáng tạo thế giới nhân vật riêng, góp phần làm nên gương mặt của chính mình trong dòng chảy văn xuôi đương đại.

N.Đ.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)