. NGUYỄN TUYẾT THU
Bài viết xin được vạch rõ thủ đoạn xuyên tạc của những người xấu khi cho rằng những bài báo kí tên Nguyễn Ái Quốc được đăng trên báo Pháp những năm 1919 – 1922 không phải của Nguyễn Ái Quốc mà của một nhóm người yêu nước đã hoạt động ở nước Pháp trước khi Nguyễn Tất Thành sang Pháp. Họ cho rằng những quan điểm, quan niệm mới mẻ, những lập luận, những con số, số liệu đã sử dụng trên báo Pháp không thể một người nào có được, dù tài năng đến mấy (!?).
Qua nghiên cứu cụ thể chúng tôi khẳng định tác giả đó chính là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh!
Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An Nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình. Mục đích các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nói chung là vì con người, sâu đậm một tinh thần văn hóa. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để ngăn chặn, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy phải yêu cầu chế độ thực dân trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là để nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.
Như một lâu đài bề thế, lộng lẫy, cấu trúc nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại. Nhờ vậy Người đã đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để trở thành con người của đối thoại văn hóa. Không ngẫu nhiên ngay sau ngày Nước Việt Nam mới ra đời Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kỳ tốt đẹp vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Người đã trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa. Thế giới hôm nay đồng thanh khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”. Lịch sử Việt Nam và thế giới hiện đại đã chứng minh và khẳng định tư tưởng vàng về đối ngoại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc mà còn là tài sản tinh thần của toàn nhân loại.
Theo khảo sát cụ thể của chúng tôi trên văn bản (Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002) nhìn từ hình thức thể loại cho thấy hầu hết các bài viết của Nguyễn Ái Quốc mang tính chất đối thoại, viết để đối thoại với một đối tượng cụ thể. Khảo sát 450 bài viết của Nguyễn Ái Quốc (cùng nhiều bút danh khác) trong các năm từ 1919 đến 12/1940, thì:
Thư: 210/450, chiếm 46,6%
Báo cáo, Lời phát biểu: 108/450, chiếm 24%
Lời kêu gọi, Lời kiến nghị, Trả lời phỏng vấn: 86/450, chiếm 16,9%
Còn lại là các dạng bài tuy hình thức có thể là ghi chép, bài báo, truyện ngắn nhưng tính đối thoại vẫn nổi lên rất rõ. Xét ở nghĩa phổ quát thì báo chí hay văn chương cũng đều mang tính đối thoại cả nhưng với Nguyễn Ái Quốc thì sự đối thoại khẩn thiết hơn, cấp bách hơn, do vậy cũng cụ thể hơn. Ví dụ, với thực dân Pháp thì Người có khi dùng hình thức Thư ngỏ, như:
Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, báo L’Humanité ngày 25/7/1922.
Thư ngỏ gửi ông Lêông Acsimbô, báo Le Paria số 10 ngày 19/1/1923.
Có trường hợp không nói rõ Thư ngỏ nhưng thực ra cũng là “thư ngỏ” vì được đăng báo, có người nhận (đối thoại) rõ ràng, cụ thể, như Thư gửi ông Utơrây, in trên báo Le Populaire ngày 14/10/1919.
Tác giả cũng mượn hình thức Thư để “đối thoại” với độc giả. Có khi mục đích chính là “đối thoại” với độc giả hơn là với chính người gửi, như trường hợp Thư gửi Khải Định, có lời đề từ trang trọng Kính gửi Hoàng Thượng Khải Định An Nam Hoàng đế, trong khi đó Khải Định không biết tiếng Pháp nhưng “thư” gửi cho ông ta lại in trên báo Pháp Le Journal du Peuple ngày 9/8/1922. Đối thoại của Nguyễn Ái Quốc rất đa dạng, một bài báo không chỉ dành cho một ai đó đọc mà nhiều người đọc, nhiều thành phần đọc. Điều này được tác giả nói rõ trong một bài bào rất quan trọng có tên Tâm địa thực dân: “chúng tôi nói với nhân dân Pháp, cũng là nói cả với ông Đơvila”. Ông Đơvila là đối tượng được đối thoại, nhưng cái đích hướng đến lại chính là “nhân dân Pháp”!
Bài báo công khai đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc có tên Vấn đề dân bản xứ đăng trên Báo Nhân Đạo, ngày 02-8-1919. Bài báo cuối cùng Bác Hồ viết là Thư trả lời Tổng thống Mỹ Risơt M.Nichxơn đăng trên Báo Nhân dân ngày 25-8-1969. Cuộc đời làm báo viết văn đúng nửa thế kỷ Bác viết khoảng hơn 2.000 bài báo, gần 300 bài thơ, hơn 400 trang truyện, ký. Người trực tiếp sáng lập ra 9 tờ báo: Người Cùng khổ (1922); Quốc tế Nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Kách mệnh (1925); Thân ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc lập (1941); Cứu Quốc (1942). Với khoảng 180 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt... Bác Hồ thực sự coi báo chí là “tiếng nói” làm phương tiện đối thoại với thế giới.
Tiếng nói đối thoại sớm nhất mang tính yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí với thực dân Pháp là Yêu sách của nhân dân An Nam được gửi đến Hội nghị Véc-xây đầu tháng 6 năm 1919. Ngay sau đó, ngày 18/6/1919 Nguyễn Ái Quốc có Thư gửi Tổng thống Mỹ và gửi kèm thêm bản Yêu sách đã gửi Hội nghị Véc – xây. Xét trên tinh thần đối thoại văn hóa hiện đại bản Yêu sách này cực kỳ quan trọng, nó nâng vị thế của “nhân dân An Nam” từ thân phận nô lệ lên địa vị ngang hàng với “mẫu quốc”. Chính vì thế mà có ngay bài báo Giờ phút nghiêm trọng (in trên Courrier Conlonial ngày 27/6/1919) của tác giả Camilơ Đơvila gióng tiếng chuông khẩn cấp về “giờ phút nghiêm trọng” đã điểm: sự thức tỉnh của xứ An Nam thuộc địa. Với thái độ kiêu ngạo bài báo có ngôn từ sặc mùi “thực dân”: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được. Phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Lúc bấy giờ ông ta chưa hiểu thế nào là “đối thoại văn hóa”, nhưng chỉ với bản Yêu sách này thì những người viết đã thực sự “ngang hàng với người Pháp” rồi!
Với nhãn quan, phương pháp và bản lĩnh đối thoại cực kỳ linh hoạt, Nguyễn Ái Quốc có ngay bài Tâm địa thực dân “đối thoại” với Đơvila, mà như tiêu đề là vạch ra một cách đích đáng nhất “tâm địa thực dân”. Thật không ngờ, bài báo của Đơvila lại là tiền đề để Nguyễn Ái Quốc trình bày quan điểm của mình về chủ nghĩa thực dân một cách công khai: “Cảm tưởng của chúng tôi tóm lại là: một chàng thực dân đã muốn dùng bản Yêu sách của nhân dân An Nam để mở một cuộc tấn công gián tiếp vào chính sách của ông Anbe Xarô, toàn quyền Đông Dương, một cuộc tấn công mà anh ta đã chú ý tô điểm bằng những lời phản đối có tính chất yêu nước, bằng lòng yêu chuộng chân lý, bằng tinh thần hy sinh và tận tuỵ vì lợi ích chung, vân vân, vân vân...”.
Như vậy từ rất sớm Nguyễn Ái Quốc đã coi báo chí là một thứ vũ khí đấu tranh trực diện với chủ nghĩa thực dân ở ngay trên đất Pháp. Báo chí là một “vũ khí tiếng nói” giúp Nguyễn Ái Quốc và sau này là Hồ Chí Minh trở thành một trong những người đối thoại văn hóa nổi tiếng nhất thế giới. Ngày nay người ta đều thấy các nhà ngoại giao văn hóa thường chú ý trước tiên là công tác đối thoại bằng phương tiện quan trọng, hiệu quả nhất là báo chí. Về mặt này, Hồ Chí Minh là một hình mẫu tiêu biểu đi trước thế giới hàng nửa thế kỷ.
Lần đầu tiên, giữa kinh đô Paris có một người dân xứ nô lệ đối thoại với chủ nghĩa thực dân bằng cách đanh thép tố cáo dã tâm xâm lược thuộc địa và sự bóc lột dã man người lao động bản xứ. Cũng ngay từ bài báo Tâm địa thực dân này Nguyễn Ái Quốc đã “phân loại” đối tượng: “Chúng tôi nhấn mạnh những chữ, tên người trong lũ thực dân gian ác, các viên chức tàn bạo, vì chúng tôi biết rằng có những người thực dân chính trực, những viên chức công bằng, song họ còn lâu mới là đa số, thậm chí còn sợ rằng họ còn là một thiểu số rất nhỏ nữa”. Đây là bài học cho đối thoại văn hóa hôm nay: phân loại để đối thoại với từng đối tượng một cách phù hợp.
Dùng báo chí làm phương tiện đối thoại cơ bản cũng là một phương thức hoạt động cách mạng chủ yếu của Bác Hồ trước 1945. Sau này, một học trò xuất sắc của Người - nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) trên Cờ giải phóng số 4 (18/4/1944) viết bài Là thi sĩ nổi tiếng với tuyên ngôn: “Lấy cây bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Cũng là sự học tập, triển khai cách thức đối thoại trước đó của Nguyễn Ái Quốc.
Hơn nữa, như một lẽ tất nhiên, trên đường tìm đường cứu nước, đang trong thân phận của người dân nô lệ sinh sống trên đất Pháp nên Nguyễn Ái Quốc chỉ có thể dùng báo chí làm thứ vũ khí duy nhất. Và Người đã chọn phương thức tốt nhất, hiệu quả nhất, công khai, hợp pháp là đối thoại văn hóa.
Bản chất của đối thoại văn hóa là khẳng định giá trị văn hóa của con người. Theo ý nghĩa này thì cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là một cuộc đối thoại văn hóa vĩ đại, với chủ nghĩa thực dân đế quốc, với nhân loại tiến bộ, với đồng chí, đồng bào. Với một tâm hồn yêu nước lớn lao, tầm trí tuệ kiệt xuất, hiếm thấy, Bác Hồ đã hy sinh hết thảy cá nhân mình để đi tìm rồi trở thành hiện thân khát vọng hòa bình của dân tộc, của nhân loại. “Đối thoại văn hóa” là một phương pháp cũng là một nguyên tắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng huyền thoại của Người!
N.T.T
---------
Tài liệu tham khảo chính
(1) Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ,văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh (10 tập), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2010.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập (15 tập), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.
(3) J.Brecher (1993), Global visions beyond the new world order, Boston.
(4) Thomas L.Friedman (2005), The world is flat: a brief history of the twenty-first century, http: //www. Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm
VNQD