. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Trên một vài “diễn đàn” mạng gần đây xuất hiện sự xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận trắng trợn tấm lòng Bác Hồ dành cho người phụ nữ. Chúng trơ tráo bịa ra những tình tiết hoàn toàn sai sự thật về Bác. Bài viết xin là sự chứng minh khẳng định Bác Hồ - một tấm lòng yêu thương, kính trọng, biết ơn vô ngần người phụ nữ Việt Nam. Bác nâng tầm người phụ nữ thành một biểu tượng văn hóa!
1. Phụ nữ - Biểu tượng cho mạch nguồn sinh sôi, công lao vĩ đại
Ngày 8 tháng 3 năm 1952, trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ, Người viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Bức thư ấy, được đăng tải toàn văn trên báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-1952. Coi cả non sông này là “gấm vóc” do những người phụ nữ “dệt thêu” là vừa ca ngợi non nước quý giá, đẹp đẽ (đẹp như gấm – thành ngữ) vừa ca ngợi những người sáng tạo (phụ nữ ta) nên non nước ấy. Các tính từ làm bổ ngữ được dùng đúng chức năng vừa làm cho câu văn đẹp, bóng bẩy vừa nói đúng được vai trò, thiên chức lớn lao của phụ nữ: sáng tạo ra cả thế giới.
Ghi nhớ công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 19/10/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam – Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước ta”. Câu này tương tự với triết lý đã nổi tiếng thế giới: không có các bà mẹ thì không có những anh hùng và các thi sĩ. Nhưng Bác cụ thể hơn vai trò lớn lao của các bà mẹ: sinh đẻ và nuôi dạy. Vì thế mà bật ra cái ý chính của câu: biết ơn các bà mẹ.
Nhìn dưới góc độ cấu trúc, rất nhiều trường hợp như vậy, câu văn Bác Hồ thường có hai vế cân đối, tương xứng, nhịp nhàng, như cái đòn gánh dẻo dai mà cứng cáp vít hai ý tưởng cùng trĩu nặng.
2. Phụ nữ - Biểu tượng cho tinh thần anh hùng, lòng dũng cảm
Bác Hồ nhiều lần ca ngợi sự vĩ đại của phụ nữ Việt Nam: “Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang, là dũng cảm kháng chiến…Phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ”. Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô ngày 2/12/1965, Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống quý báu ấy tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1966): “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu nước, cứu dân, cho đến ngày hôm nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Trong Lịch sử nước ta Bác đã khẳng định và ngợi ca người phụ nữ Việt Nam đã là biểu tượng (làm gương) cho tinh thần anh dũng trong sự nghiệp cứu nước mà Bà Triệu là tiêu biểu: “Tài năng dũng cảm hơn người/ Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương/ Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời”. Thời kỳ hoạt động ở Liên Xô, trên báo Rabótnhítxa (tiếng Nga) Người cho đăng bài Phụ nữ Phương Đông, với tầm nhìn xa rộng khắp thế giới và sự hiểu biết về chiều sâu lịch sử, Người ca ngợi: “Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ vùng lên chống sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cuộc cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị và v.v.
Trong đời sống kinh tế những “bông hồng” của phương Đông bắt đầu tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa”.
Ở mảnh đoạn sau Người dùng ẩn dụ (cũng là biểu tượng) “bông hồng” chỉ phụ nữ (phái đẹp) và “gai nhọn” chỉ sự đấu tranh vừa nói lên đặc trưng phụ nữ phương Đông (theo quan niệm người Nga tôn trọng phụ nữ) vừa nói được đặc thù lịch sử về phụ nữ phương Đông tuy có ý chí đấu tranh nhưng tham gia vào công cuộc giải phóng muộn hơn phương Tây.
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh nổi tiếng, phần Phụ nữ quốc tế Người đã chỉ ra rằng cách mệnh Pháp dạy cho chúng ta, đàn bà và trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia. Cách mệnh Pháp có những người như cô học trò Sáclốt Coócđây rút dao đâm chết người tể tướng hung bạo, như bà Luy Misen ra giúp tổ chức Pari Công xã. Khi Nga cách mệnh, đàn bà ra tình nguyện đi lính; sau tính lại lính cách mệnh đàn bà chết hết 1854 người. Nay cách mệnh Nga thành công mau như thế, đứng vững như thế, cũng vì đàn bà, con gái hết sức giùm vào. Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà, con gái công nông các nước”. Lời khẳng định của Người vừa mang tính chân lý lịch sử vừa là một nguyên lý cách mạng: “muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước”.
3. Phụ nữ - Biểu tượng cho tình cảm yêu thương, kính trọng
Là vị Chủ tịch Nước nhưng với tấm lòng thương dân, kính trọng dân, nhất là với các bà các mẹ, bằng tấm lòng chân thành, ngày Quốc tế phụ nữ, Người gửi thư: “Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc... Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ”. Người ghi nhận công lao vĩ đại và tình cảm yêu nước vô bờ của các mẹ, các chị: “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh vác một phần quan trọng.
Nhiều cụ bà ngoài bảy tám mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thi đua với các cụ ông và con cháu.
Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ thành một mối yêu thương không bờ bến, mà giúp đỡ chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình”. Người làm ca dao vừa là sự động viên lao động vừa là sự khắc ghi tình cảm gia đình của chị em: “Thi đua tát nước vào đồng/ Tát bao nhiêu nước, em thương chồng bấy nhiêu”.
Theo tác giả Trần Lam, năm 1928 Bác từ châu Âu về tới nước Xiêm. Một tối Bác nghe thấy tiếng một người mẹ ru con bằng Kiều: “Sáng hôm sau, lúc đi đường, với một giọng âu yếm Bác bảo tôi: Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Tối qua nghe giọng mẹ hiền ru con! Mỗi khi đi đường xa, Bác thường bảo chúng tôi ngâm Kiều, đọc Chinh phụ ngâm, hoặc kể chuyện, để cho đỡ mỏi”. Tiếng ru ấy không chỉ còn là âm thanh tiếng người mà trở thành biểu tượng cho tình mẹ thương con, “núi cao như tình mẹ”.
Thấm thía sâu sắc nhất về tình mẹ của người con sớm mất mẹ (Bác mất mẹ lúc 9, 10 tuổi), thấu hiểu tình trạng nô lệ đến hai lần của người phụ nữ xứ thuộc địa, Bác dành tình thương yêu đặc biệt cho phụ nữ. Một tình yêu thương rất mực chân thành, chu đáo. Ai cũng xúc động trước tình cảm này của Người. Năm Bác Tôn gái 78 tuổi thì bị ốm nặng. Tự tay Bác Hồ cầm đến một niêu cá trê kho tiêu: “Chị! Chị ăn đi, ngon lắm. Chính tay tôi kho cho chị đấy!”. Bác Tôn gái thích ăn cá trê. Đau ốm chỉ ăn cá trê”. Đồng chí Nguyễn Thị Định, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kể: “Năm 1968 tôi vô cùng cảm động nhận được món quà quý của Bác: chiếc lược làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Bác gửi lược cho cả hai cháu Châu và Quyên nữa. Chiếc lược đơn sơ mà sáng đẹp làm sao”. Biết Nghệ sỹ Ái Liên ở nhà có bà cụ giúp việc trông nom cháu nhỏ, có lần Bác hỏi: “Cô đi diễn thế, có khi nào mời bà cụ giúp việc đi xem không?”. Ái Liên lúng túng không biết nói sao. Bác lại hỏi: “Bà cụ có biết là trông cháu để cô đi diễn không?” . “Dạ, có ạ!”. “Cho bà cụ biết là cô làm việc gì, làm như thế nào thì bà cụ càng phấn khởi, trông nom cháu tốt hơn chứ...”. Đúng là lòng yêu thương, quan tâm đến người phụ nữ ở những chi tiết nhỏ nhất chỉ có ở Hồ Chí Minh!
Chúng ta nhớ lại câu chuyện khi Bác đến thăm một đơn vị bộ đội, thấy đầu giường một chiến sĩ có dán hình một thiếu nữ, Bác liền hỏi chiến sĩ đó: “Chú có vợ chưa?”. “Dạ có rồi ạ!”. “Thím ấy đây phải không? Bác hỏi và chỉ vào chiếc hình. “Thưa Bác không ạ! Cháu cắt ở họa báo ra đấy ạ!”. “Sao chú không treo hình thím ấy?”. “Dạ.. dạ… - Đồng chí ta đỏ mặt ấp úng. Bác cười và hỏi thêm: “Nếu chú về phép thấy thím ấy treo hình người khác ở đầu giường thì chú nghĩ thế nào?”. “Dạ… thưa Bác… cháu… cháu xin treo hình nhà cháu ạ!”. Với những chi tiết này chúng ta lại thấy hoàn toàn lôgich khi thấy Bác làm thơ để cảm ơn chị em, ví như bài Cảm ơn người tặng cam, cảm ơn nhà thơ Hằng Phương, hay cảm ơn chị em: “Cám ơn các cháu các cô/ Mứt khoai, dưa món, Bác Hồ khen ngon”. Câu thơ giản dị nhưng nặng tình và đậm chất nghệ sỹ.
Tháng 9-1953, gặp và hỏi chuyện bà Tôn Nữ Lệ Minh - vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, Người gửi ba quả táo cho bà: “Bác gửi cô cầm về cho các cháu mừng”. Nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh kể về một kỷ niệm thật hạnh phúc năm 1966, một lần được ăn cơm với Bác. “Thường vào sau các bữa ăn bao giờ Bác cũng cho ăn quả. Hôm ấy, sau khi ăn cơm xong Bác cho tôi thêm một quả táo. Bác nói: “Cháu ăn đi, Bác cho quả này để cháu mang về cho “cái nhà biết đi” của cháu nhé”. Tôi ngượng nhưng trong lòng thì âm ỉ một niềm vui sướng”. Ca sỹ Khánh Vân nhớ mãi về câu chuyện Bác Hồ mời cơm, trong bữa ăn Bác dặn: “Bác làm Chủ tịch Nước, nhưng Bác không dệt được tấm khăn này. Các bà mẹ Thái, chị em phụ nữ Thái biếu Bác một số khăn, Bác chia cho các cháu. Vậy các cháu hãy biết ơn, nhớ ơn các bà mẹ, các chị dệt ra những tấm khăn cho chúng ta dùng!”.
Một trong những mục đích nhân văn tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa là “phải kính trọng phụ nữ”, là tạo ra “bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”, thế nhưng trong xã hội ta vẫn còn những người mang hành vi phản tiến bộ, điều này được Bác Hồ phê bình nghiêm khắc mà thấm thía: “Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ... Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”. Người nhấn mạnh: “Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”.
4. Phụ nữ - Biểu tượng cho cái đẹp
Yêu thương và cảm thông, Bác Hồ rất trân trọng, quý mến những người phụ nữ. Phải đặt vấn đề này trên quan điểm lịch sử là nhà Nho phong kiến xưa rất coi thường phụ nữ. Bác Hồ rất hiểu Nho học, Người tiếp thu cái sâu sắc tinh hoa của Nho giáo và biết vượt lên trên cái hạn chế của Đạo Khổng để tạo ra một cái ứng xử của riêng mình. Đấy là ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh.
Bài thơ “Mộ” là một ứng xử văn hóa của một nhà thơ hướng về cái đẹp tự nhiên của cuộc sống, cái lao động khỏe mạnh, cái ấm áp đời thường: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không/ Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng” (Chiều tối). Trước đó hình tượng “sơn thôn thiếu nữ” đã xuất hiện rất nhiều trong thơ nhưng chỉ đến Hồ Chí Minh hình tượng “sơn thôn thiếu nữ ma bao túc” (Cô em xóm núi xay ngô tối) mới được đưa vào thơ và lại là một hình tượng hay, đột xuất và độc đáo. Nhìn vào văn bản bài thơ ta thấy hai câu đầu đậm đà chất cổ điển, có buồn cũng buồn rất cổ điển. Trên cái nền không gian buồn vắng đột ngột xuất hiện một hình tượng thiếu nữ khỏe khoắn và lò than rực hồng đã lái ý thơ hướng về cuộc sống ấm áp, đầy ánh sáng.
Bác thương và Bác mong chị em phụ nữ càng phải đẹp, là biểu tượng của cái đẹp. Đồng chí Lê Trọng Tấn nhớ lại năm ấy Bộ Chính trị tổ chức bữa cơm thân mật tiễn một số cán bộ cao cấp vào Nam. Bác đến, quan sát rất nhanh và hỏi ngay: “Tại sao hôm nay chỉ có một cô thôi?”. Anh Nguyễn Chí Thanh đáp: “Thưa Bác, nhà tôi bận ạ!”. Đáng lẽ bữa cơm thân mật hôm nay, theo chỉ thị của Bác, phải có cả chị Cúc vợ anh Nguyễn Chí Thanh và nhà tôi. Bác thấy nhà tôi mặc cái áo sơ mi bằng vải thường đã cũ liền nói: “Phụ nữ phải mặc đẹp chứ!”. Như vậy Bác luôn mong người phụ nữ được hưởng thụ cái đẹp. Cuối tháng 8-1969, Bác ốm. Lúc mệt, thấy mấy cô y tá, thoáng nhìn thấy những bông hoa hồng cắm trong lọ, Bác nói với đồng chí phục vụ: “Hoa trong vườn phải không? Nếu còn, chú hái vào tặng các cháu gái!”. Khi đồng chí đó mang hoa vào, Bác nói: “Bác mệt, chú thay mặt Bác tặng mỗi cháu một bông”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
5. Biểu tượng cho nỗi đau, nỗi thống khổ nô lệ cần được giải phóng
Đọc “Nhật ký trong tù” ta cảm nhận được sự thấm thía sâu sắc niềm cảm thông của Bác với những cảnh ngộ đau lòng mà người phụ nữ phải hứng chịu. Một cảnh ngộ “chồng chết”: “Hỡi ôi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!/ Cơ sự vì sao vội lánh đời?/ Để thiếp từ nay đâu thấy được/ Con người tâm ý hợp mười mươi - Ô hô phu quân, hề phu quân!/ Hà cố phu quân cự khí trần?/ Sử thiếp tòng kim hà xứ kiến/ Thập phần tâm hợp ý đầu nhân” (Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng). Tên bài thơ là của tác giả: Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, nhưng lời bài thơ không còn là của Bác nữa mà là lời của người góa phụ. Nửa đêm là thời điểm yên tĩnh nhất, thanh vắng nhất và con người lúc ấy cũng có nhu cầu sinh học chìm sâu vào giấc ngủ để thư giãn sau một ngày lam lũ. Nhưng cũng thời điểm ấy, trong nhà lao Bác bỗng nghe tiếng khóc xót xa, đau đớn của người phụ nữ mất chồng. Mà phụ nữ ngày trước, nhất là phụ nữ sống trong xã hội Trung Quốc cổ hủ lạc hậu thì “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) nên phụ thuộc tuyệt đối vào chồng. Có con thì may ra còn chỗ dựa, chưa có con mà chồng chết thì bơ vơ. Câu mở của bài thơ là tiếng khóc: “Hỡi ôi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!” (Ô hô phu quân, hề phu quân - trong bản phiên âm nỗi đau đớn thể hiện qua tiếng khóc dường như sâu thẳm, xót xa hơn!) đúng là lời, là giọng của người có chồng chết. Câu thơ ngắt ra như tiếng nấc nghẹn ngào. Những từ cảm thán láy lại đẫm nước mắt. Câu thứ hai là sự ngạc nhiên ai oán đến bàng hoàng: “Cơ sự vì sao vội lánh đời?”. Thời điểm khóc (nửa đêm) và câu hỏi đầy ai oán ở câu hai này cho thấy bi kịch người chồng chết trẻ, đột ngột và dĩ nhiên người góa phụ cũng mới cưới chồng. Mới cưới chồng nên mới có câu cuối là một nhận định: “Con người tâm ý hợp mười mươi”. “Tâm ý hợp mười mươi” mà nay kẻ ở cõi trần người xuống cõi âm ngàn trùng xa cách nên càng đau. Thơ hay là thơ người đọc không còn cảm thấy câu chữ mà chỉ thấy tình người. Bài thơ này là như vậy. Bác Hồ đâu có dụng công chữ nghĩa nhưng đã làm nổi lên một hoàn cảnh, một bi kịch, một số phận. Tác giả đã nhập thân vào nhân vật, nhập thân vào hoàn cảnh mới có câu thơ đẫm nước mắt ấy. Bác như đau cùng nỗi đau của nhân vật mà nói ra nỗi đau ấy bằng ngôn ngữ của thơ.
Một cảnh ngộ “đi tù thay”: “Biền biệt chàng đi không trở lại/ Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu/ Quan trên xót nỗi em cô quạnh/ Nên lại mời em tạm ở tù” (Gia quyến người bị bắt lính). Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng tố cáo, tố cáo chính sách bắt lính tàn bạo của chính quyền phản động Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ. Đi lính là một nỗi khiếp sợ vì đi lính là đi vào chỗ chết oan uổng, thế nên người ta phải trốn, trốn biệt “biền biệt chàng đi không trở lại”. Điều ấy gián tiếp tố cáo sự phi nhân của chế độ, sự phi nghĩa của chiến tranh. Không những thế chính quyền lại bắt người vợ có chồng trốn lính đi tù, thì sự vô nhân đạo càng thể hiện gấp bội. Người vợ trong cảnh “Buồng the trơ trọi” là một nỗi sầu, nay phải vào tù, “một ngày tù ngàn thu ở ngoài”, nỗi sầu lại nhân lên gấp bội phần. Bài thơ còn là tiếng cười châm biếm sâu cay sự vô nhân của chế độ đồng thời cũng là tiếng cười xót xa, tiếng cười ra nước mắt về số phận cay đắng của người phụ nữ. Cũng chủ đề “đi tù thay” chúng ta thấy có bài Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, chỉ cần đọc hai bài thơ cùng chủ đề này người đọc cũng thấy được mối quan tâm đặc biệt của Bác, tình yêu thương đặc biệt của Bác tới phụ nữ và trẻ em.
Một cảnh ngộ “vọng phu”: “Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu/ Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu/ Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi/ Lên lầu ai đó ngóng trông nhau” (Người bạn tù thổi sáo). Xa nhà thường nhớ quê. Xa nhà trong hoàn cảnh tù đày thì nỗi nhớ quê càng sâu sắc. Thế cho nên “khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu” là dễ hiểu. Cảm động nhất là hình tượng “khuê nhân” - vợ của người bạn tù bước thêm một tầng lầu để ngóng chồng. Nhưng “thiên lý quan hà vô hạn cảm” (Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi), người vợ ấy đành ngóng chồng trong tưởng tượng, cái nhìn trong không gian vật lý bất lực phải chuyển vào không gian tâm lý, vào cõi lòng của mình. Xót xa thay!
Lại một cảnh ngộ đau đớn khác, gặp mà không gặp: “Anh ở trong song sắt/ Em ở ngoài song sắt/ Gần nhau chỉ tấc gang/ Mà cách nhau trời vực/ Miệng nói chẳng nên lời/ Chỉ còn nhờ khóe mắt/ Chưa nói lệ tuôn trào/ Tình cảnh ái ngại thật” (Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng). Cách chia hai thế giới: bên trong - nhà lao, bên ngoài - ngoài lao; cách chia tình cảm vợ chồng là cái song sắt lạnh lùng. Không nói nên lời, chỉ còn nói bằng khóe mắt. Mắt cũng mờ đi vì những giọt lệ. Một lời bình ở cuối bài: “Tình cảnh ái ngại thật” là tấm lòng cảm thông, xót xa cho hai vợ chồng người bạn tù, trong cảnh huống ấy, nhà thơ hướng tình cảm của mình về phía người vợ khốn khổ nọ. Thật khó có một cái tên khác hay, đúng và thật gợi bằng cái tên Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng!
Tuy được viết theo lối giả tưởng nhưng câu chuyện “Giấc ngủ mười năm” vẫn được đặt trên cái nền của sự thật mất nước với sự tàn bạo, những tội ác man rợ của thực dân Pháp và nỗi tận cùng thống khổ của người dân nô lệ mà trước hết là người phụ nữ và trẻ em: “Người ta nói dân ở gần mặt trận ai cũng hăng. Có gì lạ đâu. Tây nó ác quá. Chúng bắt được đàn bà con gái, thì 7 tuổi đến 70 nó chẳng từ ai. Năm bảy thằng tranh nhau hiếp. Hiếp không chết, thì nó chặt đầu, móc mắt, mổ bụng, rạch trôn. Có khi chúng bắt con trai hiếp mẹ, cha hiếp con gái, cho chúng nó coi và cười. Không nghe thì chúng giết cả nhà.
Có khi bắt được đàn bà có thai, chúng nó trói lại như trói lợn, rồi đánh đố với nhau... Rồi chúng nó mổ bụng người đàn bà chửa, móc đứa con trong bụng ra coi...
Có khi chúng nó bắt đàn bà, trói chân, trói tay lại, lột truồng hết áo quần rồi cho chó con bú cụt cả đầu vú...”.
Đây là lời kể của “tôi” - Nông Văn Minh, người Nùng Cao Bằng, từ một kẻ đi ở phấn đấu trưởng thành là một anh Vệ quốc quân đã trực tiếp chứng kiến những tội ác man rợ ấy nay nhớ lại và viết ra. Lời kể này có ba cấp “bảo hiểm” cho nội dung kể: một là, lời của “tôi”, lời “tôi” kể thì luôn mang đậm yếu tố chủ quan, “tôi” chịu trách nhiệm về lời kể của mình nên lời kể có xu hướng rất thật; hai là, “tôi” - người Nùng Cao Bằng, mà người dân tộc như “tôi” (thời đó) thì không biết nói dối, nói sai sự thật; ba là, “tôi” - một Vệ quốc quân đã tham gia đánh giặc, đã từng giáp mặt kẻ thù nên hiểu thấu lòng lang dạ thú của chúng.
Như vậy ta càng hiểu rõ ràng hơn tâm địa của những kẻ xấu. Lời vu cáo không hề dựa trên sự thật sẽ lại là sự chứng minh cho chân lý sáng tỏ hơn!
N.T.T
VNQD