Dòng chảy

Hai tác phẩm gốm sứ Việt nhận kỉ lục Guinness Thế giới

Thứ Sáu, 01/07/2022 08:34

Gốm sứ là sản phẩm gắn liền với nền văn hóa tinh hoa của Việt Nam từ xa xưa. Trong quan niệm của người Việt, gốm như một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ, trong đó có sự kết hợp hài hòa của ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đồ gốm cũng gắn với lịch sử phát triển, lịch sử văn hóa của dân tộc.

Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức Guinness Thế giới trao tặng danh hiệu về gốm sứ nghệ thuật cho “Con Đường gốm sứ dài nhất thế giới” vào năm 2010. Sau 12 năm, Nghệ nhân Nguyễn Hùng ở làng gốm Bát Tràng và công ti gốm Hương Việt tiếp tục được vinh dự nhận hai kỉ lục về gốm sứ nghệ thuật.

Bà Mai McMillan - đại diện tổ chức Kỉ lục Guinness Thế giới trao chứng nhận cho nghệ nhân Nguyễn Hùng.

Tác phẩm đĩa phong thuỷ Phú quý mãn đường có đường kính 1,37m, nặng 400kg được chế tác liên tục trong 2500 giờ (khoảng 1,5 năm), được chế tác thành công vào năm 2018. Tác phẩm đạt kỉ lục Guinness Thế giới: “Tác phẩm đĩa gốm đắp nổi, chạm khắc lớn nhất".

Tác phẩm Thiềm thừ thiên phong ấn nặng 1500kg, với chiều dài 1,735m, rộng 1,1m, cao 0,778 m, được chế tác liên tục trong 6,5 tháng. Tác phẩm đạt kỉ lục Guinness Thế giới: “Tác phẩm Điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất”.

Trong suốt gần 40 năm liên tục đam mê cùng nghề gốm, sau quá trình nghiên cứu và tìm tòi, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã phát triển hoàn thiện các kĩ thuật chế tác như điêu khắc, đắp nổi, phù điêu, khắc âm bản trên gốm.

Vốn dĩ nghề gốm sứ thường hay vẽ trang trí lên các tác phẩm, điêu khắc, đắp nổi rất hiếm người làm, do nó có độ khó nhất định, tuy nhiên, với mong muốn phát triển và kế thừa truyền thống của nghề, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã dày công nghiên cứu thử nghiệm lối chế tác này.

Lối chế tác cách tân này tạo chiều sâu cho các sản phẩm gốm và tăng độ độc đáo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thân thuộc của đồ gốm Việt. Cả hai tác phẩm tâm huyết của nghệ nhân Nguyễn Hùng đạt kỉ lục Guinnes Thế giới ở trên đều dùng lối chế tác đắp nổi, điêu khắc này.

Hai bộ sản phẩm chế tác đặc biệt của nghệ nhân Nguyễn Hùng và gốm Hương Việt là tiêu biểu cho hướng đi mới trong gốm, đưa điêu khắc và phù điêu đắp nổi lên trên gốm. Bên cạnh đó hai bộ sản phẩm này cũng là bộ sản phẩm tiêu biểu sử dụng bài men mới: Hoàng Thổ Liên Hoa được nghệ nhân Nguyễn Hùng cải biến từ bài men tro cổ truyền của nghề gốm.

Tác phẩm đĩa gốm Phú quý mãn đường.

Là một người yêu hoa sen, và cho rằng hoa sen là một loài hoa gắn bó gần gũi với tâm hồn người Việt, hoa sen cũng là một biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết trong phật giáo, do vậy, nghệ nhân Nguyễn Hùng mong muốn có một cái gì đó của sen trong gốm, để được sen hồi sinh trong gốm, mang biểu tượng của tâm hồn người Việt.

Năm 2002, sau 15 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm. Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã phát hiện ra thân cây sen phù hợp để thay thế nguyên liệu vỏ trấu, yếu tố Mộc trong bài Men Tro cổ truyền của ông cha.

Ở bài men mới này, tro của thân sen được trộn với lớp đất trầm tích sông Hồng cùng bột nghiền một số loại khoáng thạch tự nhiên tạo nên một dòng men mới đặt tên là Hoàng Thổ Liên Hoa. Hoàng Thổ ở đây là lớp đất phù sa trầm tích sông Hồng và “Liên Hoa” có nghĩa là hoa sen.

Men Hoàng Thổ Liên Hoa là loại men có nhiều sự khác biệt so với men tro truyền thống, đầu tiên có thể kể đến là men này cho ra dải màu rộng hơn từ sắc nâu cho đến sắc nâu đỏ so với màu trắng ngà đơn thuần của men tro. Kể từ mẻ gốm đầu tiên thành công, nghệ nhân Nguyễn Hùng liên tục nghiên cứu để đa dạng nhiều sắc màu hơn trên gốm để có thể tư do thể hiện được nhiều màu sắc trên gốm hơn như một hoạ sĩ gốm.

Điển hình cho hiệu ứng màu sống động này có thể nhận ra trên tác phẩm tượng Thiềm thừ thiên phong ấn. Cho ra màu sắc rất trầm ấm từ sắc nâu cho đến sắc đỏ, hay hiệu ứng màu sắc chân thực hơn trên tác phẩm Phú quý mãn đường.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã sử dụng kĩ thuật chế tác độc đáo để có thể tạo ra cả gốm và sứ trên cùng một bộ sản phẩm. Sự khác biệt giữa gốm và sứ được phân biệt bằng nhiệt độ nung và cốt gốm sứ, thông thường nhiệt độ nung của gốm thường từ 900 - 1100 độ C và nhiệt độ nung của sứ từ 1200 độ C. Cốt gốm là đất sét màu vàng nâu, còn cốt sứ là đất sét kao lanh trắng.

Tác phẩm Thiềm thừ thiên phong ấn.

Trong đĩa Phú quý mãn đường, đôi chim công, hoa mẫu đơn, mặt trời, núi là sứ, còn cây tùng, nền đĩa là gốm.Trong tượng Thiềm thừ thiên phong ấn vòng âm dương, mắt, dây thừng móng là sứ, còn lại là gốm.

Theo lời tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Hùng thì tác phẩm bộ đĩa Phú quý mãn đường trước khi được thành công như ngày hôm nay anh đã trải qua 5 lần bị hỏng, khi thì bị nứt vỡ đôi, khi thì bị nổ, khi thì bị biến dạng và đến lần thứ 6 mới ra được tác phẩm thành công. Với tượng Thiềm thừ thiên phong ấn thì bị hỏng 4 lần, đến lần thứ 5 mới được. Thế nhưng bằng đam mê nghề và nhiệt huyết, anh vẫn tiếp tục mày mò và thử nghiệm.

Bà Mai McMillan, người đánh giá và ra phán quyết chính thức của tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới chia sẻ tại buổi lễ: “Để đủ điều kiện cho hồ sơ, cả hai sản phẩm đều phải được làm bằng gốm, cả hai đều phải thể hiện được tính mĩ thuật được công nhận và các phép đo phải được thực hiện bởi một chuyên gia đo lường có trình độ với sự chứng kiến ​​của hai nhân chứng độc lập. Mỗi bằng chứng phải được tập hợp lại với nhau và gửi để chúng tôi xem xét. Tôi muốn khen ngợi các kỷ lục gia đã tuân thủ tất cả các hướng dẫn, điều này đã dẫn đến thành tích của hai kỷ lục thế giới này”.

VŨ HÀ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)