Dòng chảy

Jeong Ho Seung đề cao cảm xúc và giá trị thuần khiết trong văn chương

Thứ Sáu, 22/07/2022 07:03

Nhân chuỗi chương trình K-Literature Talks, mới đây Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc và Nxb Phụ nữ Việt Nam đã cùng tổ chức buổi tọa đàm với tác giả Jeong Ho Seung nhân dịp tác phẩm Cá trong chuông được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam.
Tác giả Jeong Ho Seung với tác phẩm Cá trong chuông là nhân vật đầu tiên ra mắt chương trình tại Việt Nam. Jeong Ho Seung sinh ra ở Hadong, Gyeongnam vào năm 1950 và lớn lên tại Daegu. Ông đã tốt nghiệp đại học và cao học Khoa Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Trường Đại học Kyunghee. Ông bước vào làng văn với giải thưởng Thơ văn tân xuân của Nhật báo Daehan vào năm 1973 và giải thưởng Truyện ngắn văn học nghệ thuật tân xuân của Nhật báo Choson năm 1982.

Nhà văn Jeong Ho Seung.

Lĩnh vực hoạt động của ông bao gồm thơ ca, tiểu thuyết, tản văn, truyện cổ tích… và đã được dịch cũng như xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Việt, tiếng Gruiza, tiếng Mông Cổ… Tại Việt Nam, hai tác phẩm của ông đã được giới thiệu gồm Tập truyện Chuyện cái chum (Nxb Hội Nhà Văn, Nguyễn Ngọc Quế dịch) và Cá trong chuông mới đây.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể ra như: Lời nói mang lại sức mạnh cho tôi, Dù cô đơn nhưng không cô đơn, Nỗi buồn gửi đến niềm vui, Lá thư buổi sớm mai, Cái ôm, Người tôi yêu, Gửi hoa thuỷ tiên… Những tác phẩm này đã đạt được những giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Văn Thơ Sowol, Giải thưởng Văn học Jeong Jiyong, Giải thưởng Văn học Pyunun, Giải thưởng Văn học Công giáo...

Buổi trao đổi đã lướt qua những điểm ấn tượng trong văn chương đầy tính thơ, hồn nhiên, thuần khiết của ông, cũng như quá trình chuyển ngữ - biên tập - thiết kế ấn phẩm.

Về tác phẩm Cá trong chuông, xoay quanh câu chuyện về chú cá gỗ Mắt Ngọc được treo bên dưới một chiếc chuông trong ngôi chùa Unjusa, bỗng một ngày rời bỏ tổ ấm để tìm kiếm tình yêu. Xuyên suốt tác phẩm, Cá trong chuông mở ra những cuộc đối thoại hướng vào nội tâm, giúp cho độc giả có thêm một cơ hội suy ngẫm về niềm hạnh phúc ở bên trong mình. Qua tác phẩm, tác giả nhắn nhủ với tất cả mọi người rằng hãy dành tình yêu cho mọi người ở xung quanh ta.

Khi được hỏi về lí do lựa chọn đề tài xoay quanh tình yêu và nỗi cô đơn, nhà văn Jeong Ho Seung đã chia sẻ rằng, vì tình yêu là một trong những giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống này, do đó, trong đời mình, chúng ta sẽ yêu thương một ai đó, và đó là điều mà ông nhận ra ở độ tuổi này. Bởi vì con người luôn sống trong một cộng đồng, chúng ta là những cá thể riêng biệt và nỗi cô đơn là không thể tránh khỏi. Văn học luôn mang đến sự an ủi, niềm hi vọng cũng như cảm xúc cho những độc giả khi đọc. Và tình yêu sẽ là chủ đề mãi mãi không chỉ trong văn chương của ông mà còn trong văn học nói chung.

Nói về những câu chuyện cổ tích thời hiện đại như Chiếc lọ cô đơn, Đừng khóc, Hãy ngắm hoa… nhà văn Jeong Ho Seung cũng chia sẻ rằng nguồn cảm hứng của mình bắt nguồn từ mong muốn gìn giữ sự ngây thơ cũng như hồn nhiên ở những đứa trẻ. Từ khi sinh ra đến khi lớn lên, làm cách nào mà con người ta vẫn luôn giữ được tình cảm cũng như sự thuần khiết ban đầu như một đứa trẻ? Sống giữa thiên nhiên, sự hòa hợp là nền tảng mà ông quan tâm. Và dù là cho viết bằng thể loại nào, thì cảm xúc và giá trị thuần khiết trong văn chương ông sẽ không thay đổi.

Nói riêng về tác phẩm mới được chuyển ngữ tiếng Việt, ông cũng chia sẻ về trải nghiệm thật khi đến chùa Unjusa. Trong một lần thăm viếng, ông thấy chuông ở chính diện hai bên tả - hữu có một bên không còn chú cá nằm dưới chiếc chuông. Và ông tự hỏi, liệu nó đã bay lên bầu trời rồi ư? Hay nó là “phi ngư” - cá chuồn? Nó đã bay đi đâu và làm điều gì? Hình ảnh đó đã giúp ông viết nên Cá trong chuông. Theo đó cá ở dưới cái chuông là lời nhắc nhớ về bản chất con người, và ta không thể đánh mất chính mình.

Tác phẩm Cá trong chuông của Jeong Ho Seung mới được chuyển ngữ tại Việt Nam.

Nói về việc tại sao thiên nhiên luôn là trọng tâm trong các tác phẩm của mình, nhà văn - nhà thơ Jeong Ho Seung cũng nói thêm, sống giữa tự nhiên, một chú chim, hòn đá hay bất cứ loài vật nào khác… cũng có một cuộc đời của riêng mình. Và liệu chúng muốn nói gì với chúng ta? Ông luôn muốn trở thành người có thể giao tiếp với tự nhiên, do đó ông đã mở lòng để lắng nghe cũng như “nói chuyện” cùng với thiên nhiên, từ đó viết nên áng văn vô cùng đẹp đẽ này.

Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của dịch giả Trần Hải Dương. Anh hiện đang là một dịch giả năng động, có nhiều đóng góp trong việc chuyển ngữ tác phẩm văn học Hàn. Anh đã theo học chuyên ngành biên - phiên dịch tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Đại học Sangmyung. Các tác phẩm đã dịch của anh có thể kể ra như Ngôi nhà hạnh phúc của tôi (Gong Ji-young), Kẻ cắp xe đạp (Park Wansuh), Anh đã trở về (Kim Young-ha), Hòm thư số 110 (Yi Doo-won)…

Nói về khó khăn trong quá trình chuyển ngữ tác phẩm của Jeong Ho Seung, anh chia sẻ, khó khăn lớn nhất là bởi tác giả không chỉ là một nhà văn, mà ông còn là một nhà thơ nổi tiếng, do đó đây là tác phẩm tràn ngập thi vị. Với những bài thơ xen kẽ với văn xuôi, sau khi chia sẻ với biên tập viên, anh đã lựa chọn thể lục bát cổ truyền. Ngoài ra những triết lí về Đạo Phật với phông nền văn hóa phong phú, đa dạng… cũng khiến anh đắn đo, khi phải làm sao để vừa kể được câu chuyện mà vẫn giữ được phông nền văn hóa của người Việt.

Dịch giả Trần Hải Dương. Ảnh: FBNV

Chia sẻ về cảm nhận của mình, anh nói rằng hình ảnh tiếng chuông vang khắp rừng thông ở đầu cuốn sách đã cuốn hút anh. Ngoài ra đó còn là việc đan xen hư - thực, dù lấy bối cảnh hiện đại, tuy nhiên tác giả lại viết theo kiểu cổ tích mới, từ đó tạo ra những ấn tượng ban đầu độc đáo. Nội dung tác phẩm cũng rất gần gũi với độc giả Việt Nam. Dịch giả Trần Hải Dương hi vọng trong thời gian tới có nhiều tác phẩm hơn nữa của văn học Hàn Quốc sẽ được đón nhận tại Việt Nam, bên cạnh âm nhạc cũng như phim ảnh.

Kết thúc trò chuyện, tác giả Jeong Ho Seung cũng chia sẻ mong muốn được đến Việt Nam, điều mà khi còn trẻ ông chưa làm được. Ngoài ra ông cũng nhắc đến những điều tương đồng trong văn hóa, văn chương hai nước Việt - Hàn. Ông hi vọng trong tương lai gần, nhiều tác phẩm của mình sẽ được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam, không chỉ là tiểu thuyết mà còn là thơ, tản văn và những thể loại khác.

Chuỗi chương trình K-Literature Talks của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc năm 2022 đã quay trở lại. Được biết chuỗi chương trình sẽ được tổ chức từ tháng 7 - tháng 11 năm nay tại nhiều quốc gia như Hoa Kì, Brazil, Nhật Bản, Colombia, Indonesia... Trong chuỗi giao lưu, độc giả các nước sẽ có cơ hội gặp gỡ với các tác giả Hàn Quốc ăn khách và được yêu thích trên toàn thế giới, từ nhiều thể loại khác nhau, kể cả khoa học viễn tưởng, kinh dị...

Sau buổi tọa đàm này, tiếp tục chuỗi chương trình K-Literature Talks, độc giả Việt Nam sẽ được gặp gỡ với nhà văn Pyun Hye-young với cuốn Hố đen sâu thẳm. Sự kiện dự kiến tổ chức vào ngày 19/8/2022.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)