Dòng chảy

Tranh chấp hình tượng nữ chính trong tác phẩm 'Bác sĩ Zhivago'

Chủ Nhật, 17/07/2022 06:51

Sau vụ phơi bày “tái sử dụng” các đoạn văn bản của nhà văn người Úc John Hughes, thì mới đây một vụ kiện cáo khác cũng đã xảy ra, xung quanh vấn đề sử dụng hình tượng nhân vật nữ chính của cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago.

Hai nữ tác giả đã gặp nhau tại tòa án tối cao ở London hồi tuần trước trong một vụ “mượn ý tưởng” đang gây xôn xao dư luận, xoay quanh đời sống tình yêu có phần lãng mạn của một trong những “nữ anh hùng” nổi tiếng bậc nhất trong nền văn chương thế giới, Lara Antipova từ cuốn tiểu thuyết sử thi Bác sĩ Zhivago. Tác giả người Anh Anna Pasternak, hậu duệ của tác giả chiến thắng giải Nobel Văn chương (nhưng không nhận giải) người Nga Boris Pasternak, sẽ tranh luận trước tòa về những phần quan trọng trong nghiên cứu của mình, về nguồn cảm hứng thực sự cho nhân vật Lara đã bị sao chép và khai thác như thế nào trong cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt gần đây của một tác giả Mĩ.

Theo đó, vẻ đẹp bí ẩn của Lara là trọng tâm của cuốn tiểu thuyết sử thi nói trên vào năm 1957 của Boris Pasternak, và hình tượng ấy đã được Julie Christie thủ vai một cách đáng chú ý trong bộ phim rất được yêu thích thời đó do David Lean đạo diễn. Vào năm 2016, Pasternak, nhà báo và là cháu gái lớn của Boris, đã cho ra mắt cuốn sách nghiên cứu tham chiếu chính xác con người thực tế đằng sau nhân vật Lara.

Tác phẩm Bác sĩ Zhivago và Anna Pasternak.

Theo đó từ lâu người ta cho rằng đây là nhân vật dựa theo Olga Ivinskaya, người tình bí mật và là nàng thơ của chính tác giả. Nghiên cứu của Anna Pasternak trong cuốn Lara: The Untold Love Story and the Inspiration for Doctor Zhivago (tạm dịch: Lara: Chuyện tình chưa kể và nguồn cảm hứng cho Bác sĩ Zhivago), do Harper Collins xuất bản, đã truy nguồn về các thế hệ trước trong gia đình cô, bao gồm việc tìm và phỏng vấn con gái Irina của bà Ivinskaya.

Nhưng vào năm 2019, nhà xuất bản Penguin Random House đã cho xuất bản tác phẩm “ăn theo” của một nhà văn Mĩ. Lấy bối cảnh Chiến tranh Lạnh, cuốn sách The Secrets We Kept (tạm dịch: Bí mật ta giữ), kể về việc CIA đã bí mật tuồn các bản sao tiểu thuyết lãng mạn của Boris Pasternak vào Liên Xô sau khi chế độ thống trị lúc này ra lệnh cấm sách. Bên cạnh chủ đề chính trị, cuốn tiểu thuyết này cũng có những cảnh quan hệ tình dục liên quan đến Ivinskaya khiến các thành viên trong gia đình Pasternak khó chịu.

Theo Anna Pasternak, những đoạn trong nghiên cứu phi hư cấu của cô đã được sử dụng để làm “điểm tựa” cho cuốn tiểu thuyết Mĩ, mà thật khó hiểu, cũng được viết bởi một người phụ nữ tên Lara - Lara Prescott.

Tác giả người Anh 54 tuổi đã cáo buộc Prescott không thừa nhận đúng mức về việc sử dụng tác phẩm của mình, và ban đầu Prescott đã xin lỗi vì "tái sử dụng" một phần văn bản và đề nghị được "trả tiền tác quyền". Trong bản đệ trình bằng văn bản tại phiên điều trần trước khi xét xử, Pasternak cũng tuyên bố rằng khi gặp Prescott tại Hội chợ Sách London năm 2019, cô đã được người này cảm ơn với những lời như: “Cuốn sách của chị là nguồn cảm hứng vô giá đối với tôi. Tôi không thể viết cuốn sách của mình mà không có tác phẩm của chị. Tôi đã dựa vào câu chuyện giữa Boris và Olga".

Anna Pasternak và người đại diện pháp luật của cô. 

Pasternak hiện đang hi vọng quyết định pháp lí vào mùa hè này tại tòa án tối cao sẽ giúp làm rõ việc một tiểu thuyết gia có thể sử dụng lại bao nhiêu phần trăm nghiên cứu lịch sử trong một văn bản hư cấu, và khi nào có thể bị coi như một hành động đạo văn. Anna cũng gợi ý thêm rất nên thiết lập “đạo luật Lara” từ sự vụ này. Như hiện tại, luật sở hữu trí tuệ cung cấp rất ít hướng dẫn về các quy tắc đối với thể loại đặc thù như tiểu thuyết lịch sử.

Nhưng Prescott, sống ở Texas, đã tuyên bố rằng cuốn sách là những kết quả của một nỗ lực làm việc miệt mài. Trong chia sẻ với tờ Observer, cô nói: “Những cáo buộc này là vô ích và mang tính cơ hội. The Secrets We Kept là tác phẩm gốc của tôi và là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, viết và chỉnh sửa. Tôi rất biết ơn Penguin Random House đã xuất bản nó. Tôi mong sự việc này nhanh chóng qua đi để tôi có thể tập trung vào những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của mình: viết cuốn tiểu thuyết thứ hai và trở thành người mẹ tốt cho cậu con trai hai tuổi của mình”.

Lara Presscort và cuốn sách gây tranh cãi. 

Cuốn tiểu thuyết của Prescott đã được xuất bản trong một hợp đồng gồm hai cuốn sách trị giá 2,5 triệu USD và bản quyền phim đã được bán ra. Nhà xuất bản của cô ấy cũng đã đứng ra bảo vệ tác giả của mình. “Lara Prescott đã tạo ra một tác phẩm hư cấu nguyên bản từ những ý tưởng sáng tạo và nghiên cứu lịch sử của riêng cô ấy,” một tuyên bố từ nhà xuất bản cho biết vào cuối tuần trước. “Yêu cầu chống lại cô ấy theo quan điểm của chúng tôi là không có cơ sở. Penguin Random House chi nhánh Anh Quốc có một lịch sử lâu đời và đáng tự hào trong việc hỗ trợ các tác giả, và chúng tôi không ngần ngại đứng sau hỗ trợ bà Prescott”.

Mặt khác, Anna Pasternak cũng được cho là đã nhận sự hỗ trợ của những người ủng hộ ẩn danh giúp cô theo đuổi vụ án. Cuốn tiểu thuyết gốc và bộ phim được phát hành cách đây 57 năm đã để lại một tác động văn hóa lâu dài, và Lara’s Theme vẫn là một trong những bản nhạc phim nổi tiếng nhất mọi thời đại. Nhưng có lẽ “luật Lara” sẽ là di sản văn học mới của tác phẩm này.

Bác sĩ Zhivago là cuốn tiểu thuyết có bối cảnh kéo dài từ Cách mạng Nga 1905 cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà văn Pasternak hoàn tất tác phẩm vào khoảng năm 1956, nhưng do lập trường "phi chính thống" mà tác phẩm không được xét duyệt xuất bản tại Liên Xô. Năm 1957, một bản thảo được tuồn ra ngoài Liên Xô và in tại Ý (bằng tiếng Nga), sau đó được dịch và xuất bản bằng cả tiếng Ý và tiếng Anh. Năm tiếp theo, Pasternak được trao giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng dưới sức ép của chính quyền đương nhiệm, ông đã từ chối nhận giải. Mãi đến năm 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)