Dòng chảy

Dịch giả Nguyễn Nam Trân muốn mang đến chút ngọt cho đời

Thứ Bảy, 13/08/2022 06:41

 Chiều 10/8/2022 tại Hà Nội, nhà sách Tao Đàn đã tổ chức buổi giao lưu “Từ Vạn Diệp tập đến Yukio Mishimanhân dịp dịch giả Nguyễn Nam Trân về nước và cuốn sách Vạn Diệp tập được phát hành trong thời gian qua và đã gây được sự chú ý, yêu thích từ bạn đọc. Dịch giả Nguyễn Nam Trân được biết đến là người đem văn học Nhật Bản đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam qua một loạt các dịch phẩm nổi tiếng như: Vạn Diệp tập, Bách nhân nhất thủ, Truyện tối trăng mưa, Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki, Tuyến tập Mori Ogai, Chết giữa mùa hè, v.v...

Khả năng cảm thụ thơ và nhạy bén với cái đẹp trong từng câu chữ cổ là hai yếu tố quan trọng giúp Nguyễn Nam Trân thành công trong việc cho ra mắt hai cuốn sách dịch thuật và phê bình thơ ca Nhật Bản là Bách nhân nhất thủVạn Diệp tập. Hai cuốn sách là công trình nghiên cứu đồ sộ và dày công, được biên soạn từ rất nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Không chỉ đóng vai trò giải thích nghĩa mà Vạn Diệp tập còn chú giải về tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác và đánh giá nội dung cũng như hình thức của từng bài thơ với mong muốn giúp cho người yêu thơ có cơ hội tiếp cận được tường tận một mảng văn hóa thế giới quý báu.

Các khách mời tại buổi tọa đàm (từ trái qua phải): dịch giả Nam Tử, dịch giả Nguyễn Nam Trân, Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm.

Tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Nam Trân chia sẻ: “Tôi nghĩ mình nên chuyển tải cái gì đó gần gũi với chính tâm hồn mình nên tôi dịch thuật văn học Nhật Bản. Được sống trong môi trường Nhật Bản là một thuận lợi dịch cũng như để học hỏi. Tuy nhiên khó khăn thì rất nhiều, một trong số đó là tôi đã rời khỏi Việt Nam từ năm 1965 nên ngôn ngữ tiếng Việt đã có nhiều đổi khác. Đầu thế kỉ 21 chúng ta cũng chưa có nhiều không gian cho văn học dịch xuất hiện, chưa có nhiều nhà xuất bản, nhà sách phù hợp để gửi những dịch phẩm. Dịch là phản nên dịch thơ khó lắm. Nhưng nếu không làm thì không có bản dịch để bạn đọc Việt Nam được tiếp cận. Mình phải có gan dịch. Tôi chỉ chọn dịch một phần mười Vạn Diệp tập so với bản gốc, dịch phần cho trẻ thơ, cho thiếu niên để có ích cho sự tiếp nhận từ những bạn trẻ Việt Nam”. Cũng tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Nam Trân cho biết, ông dùng bút danh Nam Trân với mong muốn đem lại một chút ngọt cho đời, và họ Nguyễn để ông nhớ nhiều về Việt Nam.

Vạn Diệp tập được viết cách đây hơn mười hai thế kỉ, với ngôn ngữ và tiếng Nhật cổ rất xa lạ với ngay cả người Nhật hiện đại, thế nhưng thi phẩm ấy lại được đánh giá là một trong hai đại thụ và là quốc bảo của văn học Nhật Bản, là một công trình văn học độc nhất vô nhị mà đến nay vẫn chưa có bất cứ công trình nào xếp ở vị trí tương đương. Tác phẩm này là ngọn hải đăng của thơ ca Nhật Bản, và cũng chính là cội nguồn ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Nhật Bản thời đại sau này.

Sức ảnh hưởng của Vạn Diệp tập đối với tiến trình văn học Nhật Bản không chỉ hạn định trong thể loại thơ, mà thi phẩm ấy còn ảnh hưởng đến tân nhạc, tiểu thuyết, kịch... Và chính bản thân chúng ta, bất cứ ai say mê văn học Nhật Bản, yêu thích những áng văn từ trung đại đến hiện đại, cũng dễ dàng cảm nhận được trong văn chương thời kì sau này cũng chứa đựng những nội dung và tinh thần như Vạn Diệp tập.

Có thể kể đến những tên tuổi lừng lẫy ở Nhật Bản đã bị ảnh hưởng và tiếp thu tinh hoa từ Vạn Diệp tập trong tác phẩm của mình như Ueda Akinari với Truyện tối trăng mưa - một tập truyện có vị trí quan trọng trong nền văn học thế kỉ 18. Bên cạnh đó, văn chương của Tanizaki Junichiro hay Yukio Mishima cũng học hỏi tinh thần của Vạn Diệp tập. Đó là tinh thần mĩ cảm và tư duy mĩ cảm, một trong những điểm nổi bật giao thoa giữa văn học truyền thống và những nét hiện đại hiện lên trong những áng văn, cái đẹp thường được gắn với sự hủy diệt, cái đẹp lại chìm trong bóng tối. Nó đúng như tinh thần của Vạn Diệp tập, bởi vì thơ thời Vạn Diệp chính là tấm gương phản chiếu cuộc đời, về cả sự sống và cái chết, về cả cái đẹp và những cái bị hững hờ. Các văn nhân hiện đại đã tóm lấy tinh thần nâng niu cái đẹp như chính những người Nhật xưa, dù theo một cách riêng của mỗi người. Những triết lí sâu xa về cuộc sống dưới ngòi bút thanh nhã của Mori Ogai cũng có phần được tiếp thu từ các thi nhân thời Vạn Diệp. Một tác giả khác trong tam đại trụ của văn học hiện đại Nhật Bản - Akutagawa Ryunosuke cũng không ngoại lệ. Với sự quan sát tinh tế cùng sức sáng tạo trong việc sử dụng những chất liệu cũ, Akutagawa đã dùng lại khá nhiều những điển tích, điển cố, truyện cổ, sự tích…mang nét đặc trưng truyền thống Nhật Bản trong các tác phẩm của mình.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm bày tỏ quan điểm, anh vốn không tin vào thơ dịch vì dịch thuật không đơn giản là chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà phải dịch cả một nền văn hóa sang ngôn ngữ của một nền văn hóa khác. Nhưng khi đọc Vạn Diệp tậpBách nhân nhất thủ Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cảm nhận được cái hồn văn hóa và tinh thần mĩ học Nhật Bản rất rõ nét. Vạn Diệp tập cũng chính là một điểm tựa mĩ học cho thơ ca đương đại trong khi những góc nhìn khác còn chênh vênh.

Chia sẻ sau khi hoàn thành tập thơ, dịch giả Nguyễn Nam Trân đã viết: “Khi dịch Vạn Diệp tập, người dịch không có tham vọng làm một việc quá sức mình là dịch cho được toàn thể thi tập mà chỉ chọn lọc một số bài tiêu biểu để có thể hiểu chúng cặn kẽ hơn. Thi ca thường có nhiều ẩn ý và dư vị là những cái nấp đằng sau văn tự. Bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán thời đại, tiểu sử tác giả, hoàn cảnh và tâm tình khi sáng tác, quy ước về thể loại và từ hoa… đều là những yếu tố bổ sung trong việc thưởng thức một áng thơ."

Rất đông bạn đọc yêu thích văn học Nhật Bản và dịch giả Nguyễn Nam Trân đã đến dự buổi tọa đàm nhân dịp dịch giả về nước.

Dịch giả Nam Tử là người đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch giả Nguyễn Nam Trân. Chị chia sẻ, bản thân mình xúc động trước sự tài hoa của dịch giả Nam Trân. Ông là người giỏi tiếng Việt, biết được rất nhiều từ hay, là tinh hoa của tiếng Việt. Song song với đó, ông hiểu sâu sắc văn hoá lịch sử Nhật Bản nên những bản dịch của ông vì thế mà trở nên cuốn hút, uyên bác và tài hoa.

Có thể nói, việc dịch Vạn Diệp tập với Nguyễn Nam Trân đã trở nên như một cách thức gần gũi nhất để ông giúp cho bạn đọc Việt Nam đào sâu về văn hóa Nhật Bản vốn đa dạng và không phải chỉ hình thành trong một sớm một chiều.

Nguyễn Nam Trân là một tên tuổi vô cùng quen thuộc với bạn đọc văn học Nhật Bản. Tên thật của ông là Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 tại Đà Lạt, nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hiện ông đang sống và làm việc tại Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Todai, Đại học Paris và là Tiến sĩ Khoa học truyền thông. Ông đã giảng dạy nhiều năm trong các trường Đại học ở Pháp và Nhật, và dù chỉ tình cờ bước vào lĩnh vực dịch thuật nhưng với sự am hiểu văn hóa Nhật Bản và niềm say mê văn học, ông đã góp phần đưa những tác phẩm kinh điển Nhật Bản đến gần hơn với độc giả Việt Nam.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)