Mới đây Viện Goethe Hà Nội và XplusX Studio đã trình diễn lại vở kịch Terror (tạm dịch: Khủng bố) của nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Ferdinand von Schirach. Sau phần trình diễn, buổi luận đàm về thế lưỡng nan giữa cảm xúc và pháp luật, giữa cảm tính và lí tính cũng được tổ chức, với những ý kiến đóng góp thú vị.
TỪ VỞ KỊCH ĐẶT RA VẤN ĐỀ TỘI LỖI
Theo đó, Khủng bố của Ferdinand von Schirach là một vở kịch kể về một phiên tòa xét xử thiếu tá Lars Koch, người đã bắn hạ chiếc máy bay chở 164 người bị không tặc kiểm soát, đang lao vào sân vận động chứa 70.000 người. Với hành động bắn hạ máy bay, giết hại toàn bộ hành khách và phi hành đoàn; để cứu 70.000 người, cuối cùng anh đã bị truy tố tại phiên tòa, giữa hai song đề là có tội và vô tội. Vở kịch đã đưa ra câu hỏi, liệu hành động đó có thể được chấp nhận trong bối cảnh hay cảnh huống nào đặc biệt không? Và dù cứu được 70.000 người nhưng hành động của Lars Koch có vi phạm pháp luật, khi hiến pháp Đức đã quy định rõ, mạng sống của con người là không thể xâm phạm?
Vở kịch hay sự phán xét cũng sẽ đưa chúng ta đến cuộc thảo luận về đạo đức, danh dự, mạng sống cũng như nhận thức về tội ác. Khác với nguyên tác, vở kịch đã được dựng lại trong cách xóa bỏ các ranh giới vai diễn, mà một người nhận nhiều vai diễn, và nhiều vai diễn được đảm nhận bởi cùng một người… để cho thấy rằng, dù văn chương hay là thực tế có chặt chẽ đến đâu, thì cũng tồn tại những kẽ hở. Và dù là luật sư, thẩm phán hay bồi thẩm đoàn… tất cả rồi sẽ chỉ còn là những biểu tượng.
Vở kịch Khủng bố được dựng lại bởi XplusX Studio.
Khán giả có thể tham gia bỏ phiếu “Có tội” hay “Vô tội” cho ông Lars Koch, để trả lời rằng liệu ta sẽ bị dẫn dắt theo cảm tính hay phán xét theo lí tính? Đối với khán giả Việt Nam, kết quả cho thấy 41% người bình chọn “Có tội” cho Lars Koch và 59% còn lại “Vô tội”.
Trong một vở kịch truyền hình có phần bầu chọn tương tự đã từng diễn ra ở 3 nước Đức, Thụy Sĩ và Áo; trong số 600.000 khán giả truyền hình Đức ở Đức đã có 86,9% bỏ phiếu ủng hộ việc tha bổng và trùng hợp thay, con số này cũng tương tự ở Áo. Trong khi ở Thụy Sĩ 84% khán giả tham gia bỏ phiếu đã chọn trắng án, trong khi lần lượt 13,1% và 16% cho rằng anh ta có tội. Kết quả tuy được công bố sau những trao đổi, thế nhưng câu hỏi về thế lưỡng nan kia vẫn còn mãi và khó để có một câu trả lời thật chính xác cho thế lưỡng nan của việc phải lựa chọn.
Tuy thế, nó cũng khẳng định vị thế là nhà văn, nhà viết kịch nổi bật nhất của Ferdinand von Schirach khi đã lặn sâu vào những vấn đề khó lí giải để làm rõ lựa chọn của con người. Hồi đầu năm nay, tuyển tập truyện ngắn của ông mang tên Tội lỗi cũng đã được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.
ĐẾN TẬP TRUYỆN GIỌNG VĂN LẠNH LÙNG
Là một luật sư viết văn, thế nhưng khác với Bernhard Schlink đầy lãng mạn với các cuộc tình, văn chương của Ferdinand von Schirach chậm rãi, từ tốn và cũng có sức công phá lớn trong việc phơi bày tội ác.
Tội lỗi bao gồm 15 truyện ngắn, từ rất ngắn cho đến vừa phải, xoay quanh những cảnh huống mà một luật sư hình sự có thể gặp phải. Tuy không nói rằng đây bắt nguồn từ các trải nghiệm cá nhân (mà bằng chứng là tên của Schirach xuất hiện trong truyện ngắn cuối, Bí mật), thế nhưng có thể thấy rằng góc nhìn nhất quán trong ngôi kể tựu lại của người kể chuyện là chính nhà văn.
Tập truyện Tội lỗi do Sao Bắc Media và Nxb Hội Nhà văn liên kết ấn hành, Lê Quang dịch.
Phong cách Schirach có thể thấy rõ thông qua tuyển tập truyện này, với sự vừa phải, trung tính cũng như hạn chế cảm xúc đến mức tối đa. Có lẽ ảnh hưởng từ trong nghề nghiệp, nên khi cầm bút, Schirach tự cách li mình cùng với người đọc qua một lăng kính - chính là câu chuyện, mà không khơi gợi cảm xúc hay sự đồng cảm. Những truyện ngắn này lưng lửng, đôi khi có kết thúc mở, và mời gọi độc giả điền vào kết quả.
Cũng như George Saunders lấy cái lạnh lùng của cõi nhân sinh để đả phá đời sống hiện đại, phơi bày tội ác nhưng Schirach là “mặt trời lạnh”. Khác với Saunders luôn hướng về phía ánh sáng, tập truyện Tội lỗi này ủ ê và đầy lạnh lẽo của những tội trạng. Schirach chuyển mạch văn chương vô cùng nhanh gọn. Đồng thời là một tác giả viết kịch bản phim, nên có thể thấy rằng các yếu tố quay phim cũng ảnh hưởng lớn lên phong cách viết văn.
Chẳng hạn như dưới nhãn quan của những độc giả thông thường, các câu chuyện của Schirach như các thước phim montage có độ tương phản vô cùng sống động. Khi mới phút trước còn êm đềm, rộn rã, thì ngay phút sau tội ác đã kịp xuất hiện. Minh chứng rõ nhất là truyện đầu tiên, Lễ hội, mô tả một cô bé 17 tuổi với tương lai tươi sáng, xinh xắn, đáng yêu và ngây thơ không biết nguy hiểm đang cận kề mình. Trong khung cảnh có phần yên bình của “ngày đầu tháng Tám quá nóng nực”, của “mùi hạnh nhân rang và kẹo bông gòn”, Schirach lập tức chuyển sang đường dây kể chuyện lạ hơn, dưới gầm sân khấu, nơi cô nằm trần truồng trong bùn, nước tiểu và đầm đìa máu. Schirach triệt tiêu hết mọi diễn tiến, và chỉ chừa lại nguyên nhân đầu tiên và hậu quả sau cuối. Với ông, quá trình không hề quan trọng, mà tập truyện này tập trung sát hơn vào trước cũng như trong những cơn sang chấn tâm thần.
Tập truyện của Schirach đôi khi giễu nhại và cũng nhẹ tênh với các tội ác được miêu tả vô cùng uyển chuyển cũng như khá linh động. Đó là Lễ hội với bọn đàn ông không rõ danh tính giấu mặt sau khuôn mặt trắng và đám tóc giả, cưỡng hiếp một cô bé 17 tuổi. Là Trẻ ranh với những đứa trẻ tin vào luật trừ tà, phiên xét xử dị giáo, nghi thức Satan, hội kín và tự hành xác… để phán xét bạn đồng trang lứa với mình. Những câu chuyện này được mài nhẵn bóng và được tô màu có phần tươi sáng, nhưng thật ra là khá trống rỗng và vô nghĩa lí như trường phái Rococo “có xác vô hồn”.
Tuy thế Schirach cũng biết neo lại dòng chảy ngôn từ bằng các “con đập” đã được chờ sẵn. Đó là sự im lặng, là người cha chứng kiến bọn đàn ông cưỡng hiếp con mình được thả tự do, là bà giáo già bỗng chết bất đắc kì tử vì quá sửng sốt... Đó là những người nằm ngoài cốt truyện, không có bất cứ mối liên hệ nào, thế nhưng kéo thứ không hề liên quan vào trong mạch chính của những diễn tiến, ít nhiều Schirach để cho những nhân vật phụ vai trò đại diện, nói lên được tiếng nói chung.
Tội lỗi cũng là khảo sát rất hay xoay quanh tội lỗi, về cách mà nó bắt nguồn cũng như những hậu quả để lại. Đó là cú tự sát sau 19 năm tưởng như đã hoàn toàn yên ổn ở phần bề ngoài, nhưng bên trong luôn là dằn vặt của truyện Dấu vết. Là bi kịch giết con như trong Phúc lành của đất, nhưng giờ đây người thiếu phụ ấy dũng cảm bước đi nhưng không thể quên. Đó còn là những tội ác liên tục ám ảnh, vì ghen tuông, tình yêu, đố kị, cũng như tị hiềm.
Ẩn đằng sau đó là một kết cấu gia đình đang kì phân rã, của những người phụ nữ phải ăn cắp đồ (dẫu không cần thiết) để biết rằng mình vẫn đang còn sống khi andrenaline tăng vọt trong Áp lực. Hay người phụ nữ giết chết chồng mình để giành lấy sự tự do trong truyện Đền bù. Ngoài ra Schirach cũng không bỏ qua bản năng tự nhiên, với những con người và sư ám ảnh của riêng chính họ, khiến họ không còn là mình, trong cơn cuồng loạn của những truyện như Khai sáng, Người kia, Tuyết rơi, Chìa khóa và Bí mật.
Nhà văn - nhà viết kịch - luật sư người Đức Ferdinand Von Schirach.
Một chủ đề khác cũng được Schirach dưới cương vị nghề nghiệp đặt ra trong những truyện ngắn là về lỗ hổng pháp luật, đôi khi nó tốt và cũng không tốt. Đó là những án lệ, những ngoại lệ riêng cho các câu chuyện đòi hỏi cảm xúc, nhưng đôi khi cũng là cứng nhắc và đầy quan liêu trong các truyện như Tập ảnh hay Tư pháp. Sự im lặng ở trên công đường cũng làm dày hơn những tội lỗi, khi con người ta giờ đây tin rằng chỉ cần im lặng mọi thứ sẽ khác, có thể đối phó và không phải chịu trách nhiệm.
Bằng sự kết hợp của các yếu tố nghề nghiệp cũng như khả năng “điện ảnh hóa” văn chương, Ferdinand Von Schirach trong tập truyện này đã cho thấy rằng bất cứ tội ác khi nào diễn ra, thì “Sự đời chẳng bao giờ còn đơn giản như trước”. Con người trong các truyện này luôn luôn muốn biết vì sao họ lại gây ra những chuyện mình đã vướng phải, thế nhưng cũng như câu dẫn đầu truyện của Aristoteles: “Sự đời như chúng vẫn thế”, không thể khác được.
Với tuyển tập này, một Schirach với giọng văn vừa đủ, trung tính, lạnh lùng đã kịp hiện ra.
Ferdinand von Schirach sinh năm 1964 tại Munich, Đức, và là một luật sư hình sự viết văn. Tạp chí FOCUS gọi ông là “một may mắn lớn của giới cầm bút Đức”. Các tác phẩm của ông bất kể thể loại đều trở thành best-seller với doanh số bán hàng triệu bản, và đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ. Nhiều nhà phê bình cho rằng Schirach sở hữu giọng văn của Franz Kafka. |
NGÔ MINH
VNQD