Dòng chảy

Tác giả ‘Những vầng thơ của quỷ Satan’ bị đâm trọng thương tại Mĩ

Thứ Bảy, 13/08/2022 14:26

Salman Rushdie - người trước đây đã phải đối mặt với những lời đe dọa mạng sống, đã bị đâm khi chuẩn bị giảng bài tại Học viện Chautauqua ở phía tây New York, Mĩ vào thứ Sáu tuần qua. Cảnh sát vẫn chưa công bố động cơ gây án, tuy nhiên mọi phỏng đoán đều tập trung vào sắc lệnh tôn giáo từ Iran năm 1989 về việc hành quyết Rushdie và những người liên quan, sau khi ông xuất bản tiểu thuyết Những vầng thơ của quỷ Satan năm 1988 bị cho là xúc phạm thế giới Hồi giáo.

Theo nhà chức trách, người đàn ông bị cáo buộc đâm Salman Rushdie là Hadi Matar, 24 tuổi đến từ Fairview, New Jersey. Matar bị cáo buộc đã lao lên sân khấu và đâm Rushdie ít nhất một nhát vào cổ và bụng. Thiếu tá Eugene Staniszewski cho biết thêm, những khán giả và nhân viên của viện Đại học đã lao vào Matar và giữ chặt hắn ta sau vụ đâm. Một quân nhân nhà nước và một phó văn phòng cảnh sát trưởng địa phương sau đó đã đến và bắt hắn ta.

Hình ảnh tại hiện trường vụ Rushdie bị đâm trọng thương.

Một bác sĩ tham dự buổi giảng của Rushdie đã điều trị cho ông cho đến khi một phi hành đoàn trực thăng có thể đưa ông đến bệnh viện, nơi ông được phẫu thuật. Đại diện của Rushdie, Andrew Wylie, cho biết vào tối thứ Sáu rằng ông phải thở máy và đang bị thương nặng: “Mọi dự đoán có vẻ không tốt. Salman có thể bị mất một bên mắt; các dây thần kinh ở cánh tay của ông đã bị cắt đứt; và gan bị đâm tổn thương nặng.”

Staniszewski cho biết cảnh sát chưa xác định được động cơ gây ra vụ tấn công, mặc dù các đặc vụ FBI đã đến để hỗ trợ các quan chức địa phương và tiểu bang điều tra. Các cáo buộc chính xác đối với Matar, người đã mua vé tham dự buổi nói chuyện hôm thứ Sáu, cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng của Rushdie sau vụ đâm. Chủ tịch của Viện Chautauqua, Michael Hill cho biết Viện đã bố trí các nhân viên thực thi pháp luật có mặt trong cuộc nói chuyện của Rushdie.

Tờ New York Post trích dẫn các nguồn thực thi pháp luật nói rằng Matar có thiện cảm với chính phủ Iran. Cảnh sát vẫn chưa công bố động cơ gây án, tuy nhiên mọi phỏng đoán đều tập trung vào sắc lệnh tôn giáo từ Iran được ban bố năm 1989 về việc hành quyết Rushdie và những người liên quan, sau khi ông xuất bản tiểu thuyết Những vầng thơ của quỷ Satan năm 1988 bị cho là xúc phạm thế giới Hồi giáo.

Khi Salman Rushdie viết cuốn tiểu thuyết The Satanic Verses (tạm dịch: Những vầng thơ của quỷ Satan) vào tháng 9 năm 1988, ông đã biết trước việc đề cập đến Hồi giáo trong tác phẩm này của mình có thể gây ra một làn sóng lớn. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn “Tôi dự kiến ​​sẽ có một vài cô gái bị xúc phạm, gọi tên tôi, và sau đó tôi có thể phải tự vệ trước công chúng”. Tác giả gốc Ấn xuất thân từ nghề viết quảng cáo đã không hề biết cơn sóng phẫn nộ rồi sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của cuộc đời mình.

Đến tháng 10 năm 1988, Rushdie bắt đầu cần đến một vệ sĩ khi đối mặt với hàng loạt các mối đe dọa chết chóc, phải hủy bỏ các chuyến giao lưu và có đôi lúc rơi vào suy sụp. Hầu hết các quốc gia Hồi giáo cấm sách của ông. Vào tháng 12 năm đó, hàng ngàn người Hồi đã biểu tình ở Bolton, Greater Manchester và đốt cuốn tiểu thuyết này. Ở Islamabad, sáu người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào trung tâm văn hóa Hoa Kì ở thủ đô Pakistan, để phản đối Những vầng thơ của quỷ Satan.

Nhà văn Salman Rushdie.

Cũng có những cuộc bạo loạn ở Srinagar và Kashmir. Một ngày sau cuộc bạo động đó, ngày 14 tháng 2 năm 1989, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini, đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo, một fatwa, kêu gọi tất cả những người Hồi giáo không chỉ hành quyết Rushdie mà là tất cả những người có liên quan đến việc xuất bản cuốn sách. Fatwa đã khắc vào đá lời “hiệu triệu” đó, khiến nó không thể xóa bỏ. Một tổ chức tôn giáo của Iran đã đề nghị một khoản tiền thưởng từ 1 - 3 triệu USD cho một người Iran nào đó có thể giết chết Rushdie. Iran đã cắt đứt quan hệ với Anh vì vấn đề này.

Trong suốt thời gian đó, Rushdie đã ẩn náu và sống phần lớn thời gian tại một trang trại hẻo lánh ở xứ Wales, với bí danh Joseph Anton, để nhớ về những “thần tượng” của mình là Joseph Conrad và Anton Chekhov. Năm 2012, ông đã xuất bản một cuốn hồi kí về cuộc đời ẩn náu của mình dưới tựa đề này.

Các trí thức phương Tây chủ yếu bênh vực Rushdie, coi vấn đề này như một phép thử cho thấy sự sẵn sàng của phương Tây trong việc đứng lên bảo vệ nguyên tắc tự do ngôn luận, khi phải đối mặt với các mối đe dọa gây chết người. Các hiệu sách ở Anh và Mĩ sớm nhận ra rằng họ phải khẩn trương quyết định xem mình đứng ở đâu trong vấn đề này. Và cuối cùng, các cửa hàng vẫn tiếp tục bán cuốn tiểu thuyết đó.

Vào tháng 2 năm 1989, Rushdie bày tỏ sự hối hận. Ông nói: ''Tôi thực sự hối tiếc về sự đau khổ mà cuốn sách này đã gây ra cho những người theo đạo Hồi chân chính". Tuy nhiên, những lời nói đó có rất ít tác động. Vào tháng 6 năm 1989, Khomeini qua đời, nhưng fatwa vẫn tiếp tục được thi hành dưới thời người kế vị và cũng là nhà lãnh đạo tối cao hiện tại, Ali Khamenei.

Kể từ lúc đó, rất nhiều hành động đã được thực hiện. Cuối tháng 2 năm đó, một người đàn ông Lebanon gốc Guinea, tự xưng là Mustafa Mazeh, đã tự nổ tung bản thân trong một khách sạn ở Paddington phía tây London, nhắm vào Rushdie.

Năm 1990, Rushdie một lần nữa bày tỏ sự hối hận, nói rằng ông theo đuổi đức tin Hồi giáo, không đồng ý với quan điểm của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết và phản đối việc xuất bản cuốn sách dưới dạng bìa mềm. Nhưng Khamenei từ chối lời xin lỗi. Trích lời người tiền nhiệm của mình, ông ta nói: "Ngay cả khi Rushie ăn năn và trở thành người Hồi ngoan đạo nhất trên Trái đất này, thì cũng không có sự thay đổi nào trong sắc lệnh thần thánh đó".

Không thể tự mình tiếp cận Rushdie, những kẻ cực đoan đã tìm cách nhắm vào các cộng tác viên của ông. Vào tháng 7 năm 1991, dịch giả tiếng Nhật Hitoshi Igarashi, một giáo sư về văn hóa Hồi giáo đã bị chém chết tại Đại học Tsukuba nơi ông làm việc ở phía đông bắc Tokyo. Trước đó vài ngày, dịch giả người Ý của cuốn sách cũng bị tấn công và bị thương nặng tại căn hộ ở Milan bởi một kẻ tấn công tự nhận mình là người Iran, giả vờ tìm bản dịch của một cuốn sách. Hai năm sau, người đại diện của nhà xuất bản Na Uy cho cuốn tiểu thuyết, William Nygaard, cũng bị bắn và bị thương nặng.

Năm 1997, tổng thống Iran theo chủ nghĩa cải cách, Sayyid Mohammad Khatami, nhậm chức và bắt đầu cho thấy bản thân sẽ không tìm cách hành quyết Rushdie, hoặc khuyến khích bất cứ ai giết nhà văn, như một phần của việc mở cửa về phía phương Tây và khôi phục quan hệ ngoại giao với Anh.

Một cuộc biểu tình chống Rushdie tại Iran.

Rushdie bày tỏ sự nhẹ nhõm trước sự đảm bảo của chính phủ. Ông nói: Những vầng thơ của quỷ Satan cũng quan trọng như bất kì cuốn sách nào khác”. Ông nhắc lại tuyên bố năm 1990 của mình là chấp nhận Hồi giáo, thừa nhận mình đã nói quá lời. Nhưng khi được hỏi bản thân có phải là người Hồi hay không thì ông đã nói không phải.

Những năm sau đó, ông từ bỏ bí danh và tăng đều đặn tần suất xuất hiện trước công chúng của mình. Nhưng mối đe dọa vẫn chưa tan biến. Bất chấp những lời trấn an từ chính phủ Khatami, fatwa vẫn còn tác dụng, và được các nhà lãnh đạo tối cao của Iran ủng hộ. Một tổ chức tôn giáo của Iran đã tăng tiền thưởng, và hơn một nửa thành viên trong quốc hội của nước này đã kí vào một tuyên bố nói rằng nhà văn đáng chết.

Rất lâu sau khi chính phủ Khatami mãn nhiệm, Khamenei vẫn là nhà lãnh đạo tối cao và đã nói rõ fatwa gắn với Rushdie sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ. Gần đây nhất vào năm 2016, 40 tổ chức truyền thông nhà nước ở Iran đã tập hợp lại để quyên góp được 600.000 USD để nâng tiền thưởng đối với cái chết của Rushdie. Abbas Salehi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa vào thời điểm đó, cho biết:“Fatwa của Imam Khomeini là một sắc lệnh tôn giáo và nó sẽ không bao giờ mất đi sức mạnh hoặc biến mất”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Agence France-Presse ở Paris vào năm 2019, Rushdie vẫn đi cùng với các cảnh sát có vũ trang nhưng ông dường như tin rằng thế giới đã chuyển sang một thời kì mới. “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chủ thể thay đổi rất nhanh. Và đây đã là một chủ đề rất cũ. Bây giờ có nhiều thứ khác để sợ hãi - và có những người khác để giết hơn tôi”.

THUẬN NGÔ Dịch từ The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)