Dòng chảy

Đa diện 8: Mới với chính mình

Chủ Nhật, 25/09/2022 07:03

 Nhóm Đa diện vừa trở lại với lần triển lãm thứ 8. Sự đặc biệt của lần triển lãm này là có sự góp mặt của các hoạ sĩ cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Dù là những cái tên quen thuộc đã gắn bó với Đa diện hay những cái tên mới thì các hoạ sĩ cũng luôn đặt tiêu chí chất lượng tác phẩm lên hàng đầu. Điều này giúp làm nên thương hiệu cho Đa diện và cũng là cách để nhóm đi được dài hơi trên con đường nghệ thuật.

Các hoạ sĩ tại triển lãm Đa diện 8

Chiều 23/9/2022, triển lãm Đa diện 8 đã được khai mạc tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Mỗi hoạ sĩ đến với triển lãm đều có sự mới mẻ - đó là sự mới mẻ so với chính mỗi người, bởi hành trình sáng tạo luôn là những kiếm tìm, khám phá, ở mỗi thời điểm người hoạ sĩ sẽ có những cảm quan riêng với đề tài mà họ đang theo đuổi.

Hoạ sĩ Tào Linh đến với triển lãm bằng những bức tranh vẽ con người. Với anh, mỗi bức tranh đều mang tính tự sự của cảm xúc. Anh vẽ cái mà anh đau đáu nhiều nhất, như ở triển lãm này, anh tiếp tục mạch suy ngẫm về con người. Trong nghệ thuật, thứ mà đời sống gợi ra cho hoạ sĩ cảm xúc gì đó mới là quan trọng, hoạ sĩ sẽ vẽ cảm xúc ấy của chính mình. Tào Linh gây ấn tượng bằng các tác phẩm mang những góc nhìn riêng khác, không gian khác của đời sống và con người.

Hoạ sĩ Doãn Hoàng Lâm vẫn tiếp tục mạch tranh nude với nhiều trăn trở và đột phá. Với anh, nghệ thuật bắt đầu từ đời sống chứ không từ cái vỏ bên ngoài. Sau khi những ve vuốt vẻ đẹp bên ngoài qua đi thì bắt buộc nghệ thuật phải có nội tâm sâu sắc. Anh quan niệm, người hoạ sĩ có vẽ gì cũng là vẽ mình, mình cảm được vẻ đẹp gì thì mình sẽ vẽ vẻ đẹp đó.

Bằng sự nghiêm túc và cá tính, hoạ sĩ Dương Tuấn đã hình thành cho mình một lối đi riêng. Với phong cách vẽ ấn-tượng-thực, hoạ sĩ đã thành công khi tạo được không khí riêng cho những bức tranh của mình. Sự chín muồi trong cả cảm xúc và kĩ thuật giúp anh đi qua những thách thức khi làm nghề. Bởi với cách vẽ công phu, tỉ mỉ, phải sử dụng nhiều lớp sơn thì hoạ sĩ bắt buộc phải nuôi được cảm xúc của mình để đi hết quá trình dài và hoàn thiện tác phẩm. Dường như Dương Tuấn đã vẽ tâm trạng của mình trước một khung cảnh chứ không hẳn vẽ cái mà anh nhìn thấy, bởi nghệ thuật chính là cảm giác mà hoạ sĩ cảm thấy khi vẽ. Điều này khiến tác phẩm của anh trở nên sâu lắng hơn.

Hoạ sĩ Nguyễn Huân đến với triển lãm bằng những bức tranh vẽ tinh thần tâm linh và tư duy nội tâm. Những bức tranh mang hơi thở về gia đình, tình yêu, hạnh phúc, nhân văn gợi nhiều suy ngẫm cho người xem. Tạo hình của Nguyễn Huân mang tính chất biểu hiện nên đây không phải là những tác phẩm dễ nhìn mà đòi hỏi sự cảm thụ sâu về hội hoạ. Bộ tranh Mơ hoang thể hiện rất rõ điều này.

Hoạ sĩ Chu Viết Cường thiên về tranh phong cảnh trên chất liệu sơn mài. Tác phẩm của anh mang đến không khí tĩnh lặng, bình yên nơi làng quê với các tác phẩm theo ngôn ngữ hiện thực. Sự đa dạng đến từ việc anh vẽ phong cảnh ở các vùng miền khác nhau. Bố cục, màu sắc, chất liệu mới cũng làm nên sự thay đổi cho anh. Vẫn là những sắc xanh nhưng không còn dìu dịu mà màu xanh đặc lên trên tác phẩm. Trước đây tranh phong cảnh của anh có nhiều dấn ấn của con người nhưng bây giờ anh đã bớt đi hình ảnh con người để bức tranh lắng đọng hơn.

Hoạ sĩ Nguyễn Minh vẫn theo đuổi vẽ phố, đề tài đã gắn bó với anh suốt mười năm qua. Trải qua thời gian, anh đã có những bứt phá trong đề tài quen thuộc, ở giai đoạn này phố của anh lắng lại trong câu chuyện di sản. Phố của Nguyễn Minh ban đầu thiên về mảng miếng nhiều hơn, khúc chiết, lí trí mạnh để khẳng định sự độc lập. Sau này anh không nặng nề hình thức nữa mà thiên về ý tưởng, ý niệm để người xem thấy mình trong câu chuyện mà hoạ sĩ đang kể. Bằng lối biểu đạt trừu tượng, bán trừu tượng, ý niệm, và biểu hiện, câu chuyện di sản của hoạ sĩ sẽ khiến mọi người thấy bóng dáng mình trong đó.

Nguyễn Công Hoài vẽ trực hoạ ba bức phong cảnh từ chuyến đi thực tế gần đây. Khác với trước đây chuyên vẽ về con người với câu chuyện thân phận, lần này anh vẽ cảnh thiên nhiên. Dù có sự khác biệt về đề tài nhưng chúng ta vẫn thấy một Nguyễn Công Hoài quyết liệt và ấn tượng, góp một diện mạo mới vào sự sinh động của Đa diện. Những phong cảnh anh vẽ không phải là sự cụ thể mà là sự liên tưởng không cùng của hoạ sĩ. Điều này mang đến hiệu quả của thị giác rất mạnh mẽ.

Khổng Đỗ Duy ở mỗi giai đoạn đều cho thấy sự chuyển mình đột phá trong hội hoạ. Nhìn những sắc màu, những đường nét đủ để thấy sự đam mê và miệt mài với những trải nghiệm riêng của hoạ sĩ. Thích thú với những gì gần gũi thân quen quanh mình, Khổng Đỗ Duy không ngừng chắt chiu những xúc cảm để gửi gắm lên từng đường nét. Mỗi chi tiết được khắc hoạ đều cho thấy rất rõ sự ấm áp của tình cảm, kết hợp với sắc màu đã làm nên sự trọn vẹn cho từng tác phẩm.

Nguyễn Đình Hoàng Việt là hoạ sĩ trẻ nhất của nhóm, đây cũng là lần đầu tiên anh góp mặt vào nhóm Đa diện. Nghệ thuật là một hành trình dài đòi hỏi sự chuyên nghiệp, ở anh nổi bật lên là yếu tố kĩ thuật giúp cho những tác phẩm có được sự trọn vẹn trong ý tưởng cũng như hình thức biểu đạt.

Các hoạ sĩ Đa diện luôn mới trong công việc của chính mình. Mỗi người đều tự làm mới mình, tìm tòi khác đi, để mỗi lần xuất hiện là mỗi lần công chúng cảm nhận được một diện mạo khác của mỗi hoạ sĩ. Mặc dù điều này cho thấy sự khắc nghiệt của nghệ thuật nhưng cũng là con đường để nghệ thuật tồn tại và phát triển.

Triển lãm kéo dài đến ngày 27/9/2022 tại Nhà Triển lãm 2 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)