Dòng chảy

Mong các tác giả sẽ trở thành những người viết chuyên nghiệp

Thứ Hai, 03/10/2022 12:33

Sáng 3/10, Lớp bồi dưỡng viết văn khóa XVI đã khai giảng tại Hà Nội. Lớp học do Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức với sự tham gia của gần 100 học viên từ khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Lễ khai giảng.

Tại lễ khai giảng, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, vùng miền, nghề nghiệp, độ tuổi và quan niệm văn chương khác nhau sẽ không làm ảnh hưởng đến điểm chung của những người đến đây là tình yêu với văn chương và ham mê học hỏi, sáng tác văn học. Ban đầu người viết có thể lúng túng, vụng về, bị cảm xúc dẫn dắt nhưng sau rồi khi quen, thành thục có thể tự do, thành thạo điều chỉnh “yên cương” sáng tác của mình. Bằng quá trình học, có kĩ thuật, kinh nghiệm sáng tác, người viết có thể ung dung tự tại, làm chủ ngòi bút của mình. Muốn làm được như thế, không có cách nào khác là chúng ta phải học.

Diễn giải cho việc học vừa nói, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhắc tới ba con đường học cho mỗi tác giả. Đó chính là học qua các khóa học bài bản; học qua chính các tác phẩm của mình và học qua việc đọc sách. Ý thức được tầm quan trọng của việc cung cấp kiến thức căn bản, Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du đã xây dựng đề cương học bảo đảm vừa khái quát vừa chi tiết. Cùng với đó, đội ngũ giảng viên được lựa chọn là các nhà văn, nhà thơ, nghiên cứu phê bình từng có thành tựu, uy tín, kinh nghiệm, có khả năng truyền thụ kiến thức. Họ đều là những người đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và từng đi giảng dạy về văn học tại các trường đại học.

Bắt đầu từ 4/10, chương trình học của Lớp bồi dưỡng viết văn khoá XVI sẽ diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Gói gọn trong 10 ngày, Ban tổ chức mong muốn, sau khóa học, khi đã nắm vững được kiến thức cơ bản, các tác giả sẽ tự học, tự rút kinh nghiệm qua các sáng tác của chính mình để các tác phẩm sau hoàn thiện hơn tác phẩm trước. Đây là con đường yêu cầu sự bền bỉ, thường xuyên và biến các chặng sáng tác của mình thành con đường tự học hiệu quả.

Nhấn mạnh về cách học qua việc đọc sách, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, việc đọc sách sẽ cho chúng ta kinh nghiệm mà chưa chắc giáo trình hay các giảng viên có thể cung cấp. Có ba cách đọc là: đọc để đặt trọng tâm vào thưởng thức tác phẩm, đọc để đặt trọng tâm vào thưởng thức nghệ thuật của tác phẩm và đọc để hiểu được kĩ thuật sáng tác tác phẩm. Hướng tới tính chuyên nghiệp trong sáng tác, các học viên cần tiến tới đọc kĩ thuật sáng tác tác phẩm để hoàn thiện kĩ năng viết của mình.

“Chúng tôi cố gắng giúp các học viên nắm vững các đặc trưng, nguyên lí cơ bản của văn học cũng như có được nền tảng kiến thức sáng tác các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, thơ và viết nghiên cứu phê bình… Chúng tôi cũng có mong muốn hệ thống lại kiến thức về văn học, cung cấp các khuynh hướng, trường phái và những xu hướng phát triển văn học hôm nay. Cũng như sự lan tỏa của văn học thế giới với văn học việt nam và sự tương tác của chúng ta ra ngoài” - Đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Tâm sự trước các học viên về dự Lớp bồi dưỡng viết văn khoá XVI và cũng là nói về tâm thế giữa người giảng dạy và người học tập, nhà văn Nguyễn Bình Phương bộc bạch: "Nhà văn là kẻ chỉ ra cho đồng loại mình đốm lửa ấm áp của tình người giữa biển băng giá của thú tính, kẻ chỉ ra cho đồng loại mình hòn đảo hi vọng giữa trùng trùng con sóng bế tắc của thời cuộc. Hành động đấy xuất phát từ đạo đức của nghề viết. Đó là sự ủy quyền của cộng đồng và dân tộc cho từng người sáng tác. Đó còn là đạo đức của nhà văn. Vì thế, tất cả các tác phẩm viết ra đều có tác động không ít thì nhiều đến thế giới xung quanh. Văn chương là chốn cho những người thiện tâm quần tụ lại. Văn chương là vụng nước thanh khiết cuối cùng để con người tìm đến, soi mình. Từng người trong chúng ta sẽ nhận ra, dù cuộc đời có chẳng may thất bát thế nào thì chúng ta vẫn tối thiểu có hơi ấm của tình đồng loại. Vì lí do đó, chúng tôi rất mong chúng ta có được mối quan hệ thân mật, thân ái, cởi mở. Chỉ có mối quan hệ cởi mở thì chúng ta mới trò chuyện thoải mái về nghệ thuật để học được của nhau rất nhiều." Ông cũng mong rằng, sau khóa học này, những học viên sẽ trở thành những người viết chuyên nghiệp, không phải theo nghĩa to tát là người chỉ sống và sáng tác hay sáng tác để sống, mà đó là những người viết có kĩ thuật và diễn đạt được chính xác điều mình muốn.

THU OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)