Mới đây Viện Pháp tại Hà Nội và Công ti sách Nhã Nam đã đồng tổ chức Buổi ra mắt tiểu thuyết Không ai sống giống ai trong cuộc đời này của tác giả Jean-Paul Dubois. Được biết đây là tác phẩm đã giành được giải Goncourt danh giá vào năm 2019, và được đánh giá là một tiểu thuyết “sáng chói về sự thất bại”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hai diễn giả, gồm nhà văn Gérald Berche-Ngô và Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn. Cả hai diễn giả đã nói sâu hơn về lịch sử của giải Goncourt, các yếu tố khiến cuốn tiểu thuyết này xuất sắc đoạt giải, cũng như làm cách nào để các nhà phát hành, các đơn vị xuất bản cũng như cá nhân độc giả không còn e ngại các giải thưởng lớn.
Không ai sống giống ai trong cuộc đời này (Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn liên kết ấn hành, qua bản dịch của Nguyễn Thị Tươi) kể về quá trình hồi tưởng lại cuộc đời mình của nhân vật chính Paul Hansen, trong một buồng giam ở nhà tù Bordeaux. Là kết quả của cuộc hôn phối kì lạ giữa một mục sư Tin Lành người Đan Mạch và nữ chủ rạp chiếu phim người Pháp, Paul chịu nhiều những tổn thương từ ấu thời.
Những tưởng đã tìm được bến đỗ cuộc đời mình với công việc bảo vệ kiêm quản gia ở tòa nhà L’Excelsior bên người vợ Winona bên các vùng hồ Montréal của Canada thế nhưng khi tòa nhà có ban quản trị mới, mọi thứ đột ngột thay đổi và một án tù 2 năm đã rơi xuống ông. Liệu đâu là nguyên nhân của án tù ấy? Và trong buồng giam, Paul đã hoài nhớ về những điều gì?
Tác phẩm Không ai sống giống ai trong cuộc đời này và chân dung nhà văn Jean-Paul Dubois.
Tờ Le Figaro đã ca ngợi đây là tác phẩm “tập hợp tất cả những gì chúng ta yêu mến ở Jean-Paul Dubois. Mọi thứ đều hiện diện: gia đình, Toulouse, Canada, thiên nhiên, nỗi u hoài, sự giễu cợt và khiếu hài hước khôn cưỡng”.
Riêng về tác giả, Jean-Paul Dubois sinh năm 1950 tại Toulouse - miền Nam nước Pháp. Ông theo học ngành xã hội học rồi trở thành nhà báo. Ban đầu ông viết cho mục thể thao cho tờ Sud Ouest, rồi đầu quân cho tờ Martin de Paris, sau đó là phóng viên của tuần san Le Nouvel Observateur. Ông đã xuất bản khoảng 20 tiểu thuyết, một tập tiểu luận, hai tập truyện ngắn và hai tuyển tập các bài báo.
Ông từng giành được rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó Không ai sống giống ai trong cuộc đời này được coi là tác phẩm thành công nhất, khi đã đoạt giải Goncourt vào năm 2019. Rất nhiều tác phẩm của ông cũng đã được chuyển thể thành phim điện ảnh.
GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ NHƯNG… GIÀ CỖI?
Nói về Goncourt, nhà văn Gérald Berche-Ngô đã có những chia sẻ thú vị. Ông cho rằng Goncourt là một trong những giải thưởng thường niên danh giá và uy tín bậc nhất của Pháp, bắt đầu được trao từ năm 1903, và kể cả khi bị Đức Quốc xã chiếm đóng, thì giải thưởng này vẫn được duy trì. Tuy giải thưởng tiền tệ chỉ 10 euro, nhưng thành công về mặt nghệ thuật của nó được rất nhiều nhà văn ao ước sở hữu.
Theo đó, người chiến thắng sẽ được bình chọn bởi Viện khoa học hàn lâm Goncourt, do một hội đồng gồm 10 thành viên được đồng bổ nhiệm bởi nhau. Họ đều là những người lớn tuổi, nằm trong biên độ từ 60 - 75 tuổi, nên có xu hướng trao cho nhiều tác phẩm kinh viện, chứ không phải những tác phẩm cá tính và hiện đại hơn.
Nhà văn Bernard Ngô tại buổi tọa đàm.
Ông cũng nhắc lại một sự kiện đáng tiếc. Đó là vào năm 1932, khi Hành trình đến tận cùng đêm tối của nhà văn Celiné ra mắt và gây được tiếng vang lớn. Tuy khi đó ông đã 38 tuổi, nhưng ruốt cuộc tác phẩm cũng không được ghi nhận. Với cuốn sách này, ông đã tạo ra cuộc cách mạng trong văn chương Pháp với các đặc trưng văn phong điện tín và dấu ba chấm vô cùng độc đáo. Không chỉ trong văn đàn Pháp, Celiné cũng có ảnh hưởng rất lớn đến cả những nhà văn Mĩ đương đại như Jack Kerouac… sau này
NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN THÀNH CÔNG
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn cho rằng câu chuyện mà Jean-Paul Dubois đang kể là thứ mà ta có thể bắt gặp ở bất kì đâu. Do đó ông đã chứng minh được mệnh đề rằng ngay cả một con người bình thường cũng có thể kể được một cuốn tiểu thuyết hay. Trong khi đó, nhà văn Gérald Berche-Ngô thì nói, với ông, cuốn tiểu thuyết này không phải là kiểu tiểu thuyết "người giàu viết cho người giàu". Tuy chiếm 23% lực lượng lao động ở Pháp, thế nhưng tầng lớp công nhân không phải là những hình tượng vẫn thường xuất hiện trong văn chương của đất nước này.
Ông cũng nói thêm, ở tác phẩm này có thể tìm thấy tình yêu cũng như cái chết. Đó là hai mặt mà ông cho rằng là rất quan trọng ở trong văn chương, mặc cho nó khá cá nhân và hơi cực đoan. Với Paul độc giả có thể cảm nhận tình yêu dành cho cha - mẹ, dành cho người vợ cũng như là chú chó nhỏ. Họ hiện về trong xà lim mặc cho đã thôi tồn tại.
Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn tại buổi tọa đàm.
Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật với các cốt truyện lôi cuốn, được giữ bí mật cho đến cuối cùng cũng là một sức hút khác của cuốn sách này. Có thể thấy rằng các tuyến nhân vật từ chính đến phụ đều có vai trò và nhiệm vụ riêng. Nhà văn Gérald Berche-Ngô cũng đánh giá đoạn kết của cuốn sách này là "một thành công hoàn hảo và vô cùng đẹp", từ đó truyền đi ý nghĩa sâu sắc và cũng đơn sơ của một người con trai dành cho cha mình, bất chấp lỗi lầm và những đứt đoạn.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cũng bổ sung thêm về tính hài hước mà nhà văn Jean-Paul Dubois đã mang đến được. Ông nói tiếng cười trong tác phẩm này "có sự kết hợp giữa nỗi u hoài cũng như niềm vui rất đậm chất Pháp". Cũng bởi điều ấy, nó khiến ta nghĩ về sự mất mát cũng như phân rã, không chỉ về mặt vật lí mà cũng là những sụp đổ về mặt tinh thần.
HƯỚNG TIẾP CẬN CÁC GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ
Nói riêng về cách tiếp cận giải thưởng Goncourt nói riêng và các giải thưởng danh giá khác như Nobel, Pulitzer, Booker… nói chung, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn cho rằng rất nhiều đơn vị xuất bản hiện nay đang dần quan tâm nhiều hơn đến các giải thưởng này. Tuy nhiên đây vẫn là một hành trình dài, cần nhiều thời gian để cho độc giả hình thành thói quen, không thể một sớm một chiều thay đổi một cách nhanh chóng. Tuy thế, đây cũng là tín hiệu vui cho giới xuất bản nước nhà khi đem đến được nhiều tác phẩm giá trị.
Đông đảo độc giả quan tâm theo dõi buổi tọa đàm.
Tại Việt Nam, các tác phẩm đoạt giải Goncourt đã được xuất bản chiếm số lượng lớn. Có thể kể đến Bản đồ và vùng đất, Dưới bóng những cô gái đương hoa, Người tình, Nhẫn thạch, Hẹn gặp lại trên kia, Cuộc sống ở trước mặt, Chương trình nghị sự, Người lạ trong nhà, Rễ trời… Trong đó Romain Gary hay Émile Ajar là người duy nhất từng 2 lần chiến thắng Goncourt với hai bút danh khác nhau. Mới đây tác giả của Người lạ trong nhà, Leila Slimani cũng đã trở thành chủ tịch ban giám khảo giải Booker Quốc tế năm 2023.
Công ti sách Nhã Nam cũng cho biết họ đã mua bản quyền các tác phẩm đoạt giải Goncourt của ba năm liền, từ 2018 - 2020. Tuy nhiên do khâu dịch thuật cũng như biên tập, mà tác phẩm đoạt giải năm 2019 lại xuất hiện trước hai tác phẩm kia. Hai tác phẩm còn lại sẽ kịp đến tay độc giả trong thời gian sớm nhất.
NGÔ MINH
VNQD