Dòng chảy

Bế mạc Trại sáng tác VNQĐ: Khép lại để mở ra những trang viết mới

Thứ Tư, 21/09/2022 09:48

Sau 15 ngày diễn ra (từ ngày mùng 7 đến ngày 21/9/2022) Trại Sáng tác văn học do Tạp chí Văn nghệ Quân đội kết hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã khép lại. 22 trại viên là các nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình trên khắp cả nước đã có những trải nghiệm quý giá, những cảm xúc thăng hoa về vùng đất Ninh Bình để đưa vào tác phẩm của mình.

Trại Sáng tác văn học đề tài Chiến tranh cách mạng do Tạp chí Văn nghệ Quân đội kết hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo bản báo cáo tổng kết trại sáng tác do Đại tá, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng - Trại trưởng trình bày tại lễ bế mạc, với việc tập trung vào đề tài “Chiến tranh cách mạng, người lính, đất và người Ninh Bình” trong thời gian diễn ra trại viết Ban tổ chức đã thu nhận gần 100 tác phẩm, trong đó phần văn xuôi có 17 truyện ngắn, 16 bút kí, ghi chép, tản văn. Tiêu biểu như các tác phẩm bút kí Những người đàn bà ở làng tôi; truyện ngắn Chợ Âm Dương của nhà văn Sương Nguyệt Minh; truyện ngắn: Bích họa trần gian; Chuyện vặt trên xe và ghi chép Trại viết chiến trường của nhà văn Trung Sỹ truyện ngắn Di nguyện mô tả sinh động về một góc khuất khác của người lính khi trở về đời thường của nhà văn Phan Ngọc Chính... Tham gia trại viết có một người khá đặc biệt, đó là nhà văn Vũ Thanh Lịch, một người con của mảnh đất Ninh Bình. Chị vừa dự với vai trò là đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình vừa là trại viên. Truyện ngắn Lúa Dự sáng tác trong thời gian ở trại viết của Vũ Thanh Lịch viết về một người phụ nữ nông thôn Việt Nam cố gắng giữ gìn giống lúa gia bảo và mảnh ruộng thân thuộc của tổ tiên để lại. Câu chuyện như một tiếng thở nghẹn của người mẹ già chân quê, cũng là mong muốn gìn giữ nếp nhà của người phụ nữ Việt trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại.

Nhà thơ Cầm Thị Đào mang đến trại viết truyện ngắn Ba vợ; hà văn Mai Thị Hồng Quế có truyện ngắn Khách của rừng; nhà văn Nguyệt Chu là 2 truyện ngắn: Đóa hoa của linh giácHồng Hoàng; nhà văn Trần Nguyên Mỹ mang đến trại viết những trang bản thảo phảng phất hơi thở của núi rừng với các truyện Người sưởi nắng; Bên kia chùa tháp; Nhãn cười; nhà văn Thái Chí Thanh là các truyện mang hơi thở kí ức tuổi thơ Công chúa chăn trâu; Dâng hiến; nhà thơ Lê Na có các truyện Chè chốt viết về những người lính trong chiến tranh biên giới phía bắc và Chị Lẳn. Mặc dù làm nghiên cứu phê bình, nhưng tản văn Một mình giữa mênh mông của Nguyên Phương giống một bài thơ đầy suy tư về đời sống của cây ở các vùng đất khác nhau.

Bên cạnh các nhà văn, nhà thơ đến từ mọi miền đất nước còn có các tác giả của Ninh Bình tham dự trại viết.

Thế mạnh của thể loại giúp cho bút kí trở nên đắc dụng trong việc khắc họa chân thực giá trị của mỗi vùng đất. Ninh Bình địa linh nhân kiệt, thiên nhiên sơn thủy hữu tình, giúp cảm xúc của các tác giả thăng hoa. Nhà văn Thương Hà là khách mời của Trại sáng tác nhưng lại là người rất hiểu về vùng văn hiến cố đô, đồng thời không khí sáng tác của trại đã lôi cuốn, thúc giục chị viết và đã kịp hoàn thành bút kí Miền đất hình bàn chân Giao Chỉ. Nhà thơ Lê Na có bút kí về những người thợ đá tài hoa của làng đá Ninh Vân. Nhà văn Trần Ngọc Phú là những ghi chép: Campuchia, Campuchia, Chuyện ở tiểu ban xăng xe trung đoàn; Trái khế tình yêu; Xứng danh trai cố đô.

Với các nhà thơ, những ngày ở trại sáng tác VNQĐ tại Ninh Bình cho họ những trải nghiệm quý giá. Bằng sự tinh nhạy của người làm thơ, mỗi người cảm nhận Ninh Bình theo một cách khác nhau. Vẻ đẹp Ninh Bình trong đôi mắt thơ mê đắm, ám ảnh. Tám nhà thơ trong những ngày ở trại viết đã có 40 tác phẩm, điều này cho thấy, thơ không chỉ đến trong sự ngẫu hứng mà còn là những lao động nghệ thuật say mê, nghiêm túc và hết mình của các thi sĩ.

Với các tác giả viết phê bình, trong thời gian ở trại sáng tác Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã hoàn thành 4 bài viết. Nhà phê bình Nguyên Phương có tiểu luận Người lính trong một số tiểu thuyết Việt Nam sau 1975; Nghệ sĩ của rừng. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam đã hoàn thành xong 2 tiểu luận: Sóng độc, một biên bản về lòng độc, và hơn thế; Lửa từ những cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ. Tác giả Đức Anh với tiểu luận Cuộc trở về bản địa của văn chương 9x nhìn từ tiểu thuyết giải trí và tác phẩmTừ lục bát đến không gian hát xẩm nhìn từ lí thuyết tiếp nhận. Nhà phê bình Đỗ Anh Vũ với các bài viết Một góc nhìn khác về cuộc chiến; Cánh chim lửa Trường Sơn và những bài thơ hậu chiến...

Từ trái qua: Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở VH&TT Ninh Bình; Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ; ông Vũ Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở VH&TT Ninh Bình; ông Trần Việt Phương - Phó Giám đốc Sở VH&TT Ninh Bình, Trưởng ban tổ chức trại viết tại Lễ bế mạc.

Phát biểu tại buổi bế mạc ông Trần Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban tổ chức cho hay, cá nhân và tập thể của Sở Văn hóa và Thể thao cũng như UBND tỉnh Ninh Bình rất vinh dự được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tin tưởng phối hợp tổ chức trại viết lần này. "15 ngày qua tuy ngắn ngủi nhưng những tình cảm chân tình của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình dành cho vùng đất cố đô được chứng minh bằng gần 100 tác phẩm sáng tác tại đây khiến chúng tôi vô cùng hành phúc. Chúng tôi mong muốn và hi vọng sẽ được đón tiếp các nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình trở lại vùng đất này nhiều hơn nữa để có thể kết nối cùng nhau cho ra đời nhiều tác phẩm hơn trong tương lai", ông Trần Việt Phương nói.

Hi vọng gần 100 tác phẩm của 22 trại viên Ban tổ chức nhận được tính cho đến giờ phút này mới chỉ là những khởi đầu, sẽ còn những ý tưởng đang nung nấu, những cảm xúc đang ủ men để trải ra trên những trang bản thảo trong những ngày tháng tới. Và bạn đọc sẽ còn "gặp lại" Ninh Bình trong những sáng tác đăng tải trên Văn nghệ Quân đội.

THÀNH DUY

Một số chia sẻ của các tác giả trong Lễ bế mạc Trại viết VNQĐ tại Ninh Bình: 

Nhà văn Phan Ngọc Chính bồi hồi chia sẻ cảm xúc tại buổi bế mạc, anh cho rằng hai tuần ở trại trôi qua quá nhanh, món nợ với Ninh Bình với lịch sử, văn hoá sẽ đi theo trang viết của các nhà văn không chỉ hôm nay mà trong cả chặng đường văn phía trước. Hoa Lư không phải là vùng đất xa lạ nhưng lần đi trại viết này anh mới được thâm nhập sâu sắc để phần nào hiểu biết kĩ lưỡng những vỉa tầng của nó để đưa vào các trang văn.

Nhà thơ Vân Phi là người đến từ Bình Định, là tác giả ở xa nhất trong Trại viết lần này. Lần đầu được tham gia trại viết Văn nghệ Quân đội nên Vân Phi không tránh khỏi bồi hồi. Anh ấn tượng với không khí vui tươi ấm áp của Ban tổ chức và các thành viên trong trại sáng tác. Ninh Bình là một mảnh đất phát triển về văn hoá, kinh tế. Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã mang đến cảm xúc để anh viết lên bài thơ Mắt hồ.
Nhà văn Trung Sỹ, một ngươì lính chiến đã trải qua nhiều trận mạc nơi chiến trường K, về với mảnh đất Ninh Bình anh như được trở về nhà mình bởi ở đây anh có nhiều bạn bè, đồng đội vào sinh ra tử là con dân của đất cố đô xưa. Đó là những cảm xúc thôi thúc để anh cầm bút viết lên những tác phẩm mang hơi thở chiến tranh của mình.

P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)