Nhà văn Trung Sỹ có lẽ đã quá quen thuộc với bạn đọc trong nước qua các tác phẩm như Chuyện lính Tây Nam, Đội trinh sát và con chó Sara… mô tả kí ức cũng như đồng vọng chiến tranh. Mới đây ông đã cho ra mắt truyện dài thiếu nhi đầu tay mang tên Thung lũng Đồng Vang. Cũng thuộc series Văn học thiếu nhi của Nxb Trẻ, nhà báo Nguyễn Lam Điền cũng đã giới thiệu Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể, về ông “ba mươi” vốn đã thân quen trong tính ngưỡng dân gian người Việt.
“THUNG LŨNG ĐỒNG VANG” - THANH ÂM TƯƠI TRẺ
Đúng như PGS. TS. Phạm Xuân Thạch nhận định “Với Trung Sỹ, chuyện viết cho trẻ em còn khó hơn nhiều nhà văn khác, bởi lẽ […] từ thế giới của cái chết, anh bước thẳng vào thế giới của những đứa trẻ”. Thế nhưng Trung Sỹ đã làm rất tốt bước chuyển hóa này, để Thung lũng Đồng Vang không chỉ là một câu chuyện thiếu nhi bình thường, mà đâu đó nó cũng ẩn chứa kí ức người lính, của sự chuyển giao thế hệ cũng như đặc tả được cuộc sống hài hòa của con người và tự nhiên.
Tác phẩm thiếu nhi đầu tay của nhà văn Trung Sỹ
Thung lũng Đồng Vang kể về những thanh - thiếu niên lớp 7 ở một xóm núi xứ Lạng. Bên dòng sông Khê, những đứa trẻ như Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… đã có hành trình lớn lên cùng nhau. Vừa lém lỉnh, vừa nhanh trí, những đứa trẻ ấy chung sống chan hòa, từ đó “phá” được những vụ án lớn, để cùng với thầy Thức, cô Vi - những thầy cô giáo tình nguyên lên trên vùng cao, làm nên mảnh đất trù phú vang rộng tiếng cười.
Lựa chọn vùng đất có nhiều kì quan, nhiều nền văn hóa thay nhau tụ hội, với Thung lũng Đồng Vang, Trung Sỹ đã có cơ hội tái hiện được những vẻ đẹp quê hương đất nước. Đó là phong tục của người Tày, Nùng trong các đám cưới, trong ngày Pây-tai báo hiếu… Ở đó có những việc lạ như đàn ông vào bếp, tiếng quai búa tạ làm rơi mưa phùn… Ngoài ra còn là chợ nông sản với các sản vật núi rừng. Người dân hiền hậu, vị tha, mỗi khi đi nương ai cũng có đôi có bạn.
Cảnh sắc thiên nhiên ở vùng núi cao cũng được tác giả tái hiện một cách đẹp đẽ, với vô số loài chim từ chim bạc má, chim chào mào… đến những cây ổi, cây sim… Ngoài ra còn là cánh đồng lúa chiêm, với những khung cảnh của ruộng bậc thang viền bởi cỏ may. Từ trong khe suối, những loài cá “lạ” như cá chạch trấu, cá bống, cá đòng đong... thay nhau bơi lội.
Tuy là lần đầu chuyển sang viết truyện thiếu nhi, thế nhưng nhà văn Trung Sỹ hoàn toàn biết cách khiến các em nhỏ chăm chú theo dõi câu chuyện của mình. Bằng việc mô tả một cách sinh động và đầy hấp dẫn, các giai thoại về con “nam nam” nhớt nhèo ở dưới đáy sông, cho đến những trận “đánh giáp lá cà” bọn rốc (dơi) ăn nhãn… hiện lên sáng rõ.
Hành trình “trừng phạt” cô đồng Dụ vì tư lợi tiền công quả, cũng như góp sức bắt gọn bọn “xiệc cá” phá hoại môi sinh… được viết với đầy nút thắt cũng như nhịp văn nhanh gọn. Để thông qua đó, bài học về sự đoàn kết, về bảo vệ môi trường, về việc bảo vệ cá quý, không phá hoại thắng cảnh… được nhắn gửi gần gũi mà không giáo điều.
Kí ức chiến tranh cũng được Trung Sỹ khéo léo đan cài, để từ những sự bạo hành, những sự chết chóc… bài học về sự kiên gang cũng như tôi rèn từ trong khó khăn được truyền lại cho những đứa trẻ. Thung lũng Đồng Vang là cuốn sách nhỏ, thế nhưng chứa đựng rất nhiều bài học cũng như kí ức, để không chỉ những em nhỏ mà bất cứ một ai từng là trẻ nhỏ cũng dễ dàng hòa mình và đắm chìm vào dòng nước mát lạnh của tuổi ấu thơ.
NHỮNG TRUYỆN KỂ MỚI VỀ “ÔNG BA MƯƠI”
Nguyễn Lam Điền là một nhà báo thân quen ở mảng Văn nghệ của báo Tuổi Trẻ. Những truyện kì thú về cọp chưa ai kể bao gồm 5 mẫu truyện mà như anh chia sẻ, là những mẫu chuyện nhỏ mà anh từng được bố kể cho nghe, như là một kiểu lưu truyền ở trong gia tộc.
Đến nay mỗi khi anh kể cho con trai mình, thì thấy các em nhỏ vẫn còn thích thú, làm anh nhớ đến thời gian được nghe qua lời bố mình. Từ đó suy nghĩ “nếu mình viết ra và in được thành sách phát hành cho bọn trẻ thời nay cùng đọc, biết đâu chúng cũng thích, vậy thì cũng hay hay” nảy ra, do đó tập truyện nhỏ này đã được ra mắt.
Những truyện kể mới về cọp nằm trong tủ sách Văn học thiếu nhi của Nxb Trẻ
Từ xưa đến nay, cọp hay hổ đã là hình tượng thân quen đối với tâm hồn người Việt. Thế nhưng đối với dân sơn tràng - những người đi rừng và làm lâm nghiệp, thì họ lại có những sự tiếp xúc và câu chuyện riêng. Tương truyền rằng họ hiếm khi gọi thẳng từ cọp hay hổ, mà thường nói tránh bằng “ông ba mươi” hay “chúa sơn lâm”.
Trong tập truyện này, Nguyễn Lam Điền cũng đồng thời tái hiện lại những tích truyện dân gian ấy, như người nông dân cướp mồi bằng những mưu mô, như người chiến đấu với hổ ba chân, như người đánh hổ không chết mà uống nước chết…
Đậm đặc phong cách châm biếm, giễu nhại cũng như hài hước đậm tính dân gian, các câu chuyện mới này không mang bài học một cách giáo điều hay là gượng ép, thế nhưng đã truyền được những thông điệp riêng.
Anh cũng nói thêm đây đều là các nguyên bản của chuyện dân gian được lưu truyền lại, nên anh nghe sao kể vậy. Do đó bài học sau mỗi câu chuyện là tùy vào mỗi một người. Nhưng quan trọng nhất là các em nhỏ và bậc phụ huynh có thêm những câu chuyện hay và đầy mới mẻ.
Hình ảnh minh họa bắt mắt của họa sĩ Hồ Quốc Cường Với lần xuất bản mới này, Nxb Trẻ cũng đã thêm phần minh họa vô cùng ấn tượng để đến gần hơn với các em nhỏ. Thung lũng Đồng Vang được minh hoa bởi Hồ Quốc Cường với các tranh ảnh hồn nhiên, tròn trịa… được tô hai sắc đen/ trắng và cam vô cùng độc đáo. Trong khi Những truyện kì thú về cọp chưa ai kể lại được minh họa bởi kiến trúc sư Vũ Hà Tuệ, qua các nét vẽ có phần truyền thống và rất gần gũi. |
NGÔ MINH
VNQD