Mới đây tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, buổi tọa đàm mang tên “Trinh thám Pháp - Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh” đã được tổ chức. Buổi nói chuyện có sự góp mặt của nhà văn nổi tiếng Michel Bussi, đại sứ - nhà văn Nicolas Warnery và nhà văn Di Li. Tại đây nền văn học trinh thám của hai quốc gia đã được thảo luận, cạnh đó là sự tương đồng, các khác biệt, cũng như cơ hội và các thách thức trong ngày hiện tại của dòng văn học trinh thám.
TRINH THÁM Ở PHÁP
Michel Bussi khởi đầu là một giảng viên ngành địa lí tại đại học Rouen trước khi trở thành nhà văn. Chia sẻ về nghiệp viết văn, ông nói bản thân không có ý định trở thành tác giả trinh thám. Cuốn sách đầu tay, Vết khắc hằn trên cát, viết về một câu chuyện tình lấy bối cảnh Normandy - nơi quê hương ông, đã mở cho ông vào con đường này. Khi viết cuốn này, ông chỉ nghĩ rằng nếu thêm một vài chi tiết trinh thám thì sẽ thu hút nhiều độc giả hơn. Thế nhưng không ngờ từ đó về sau một văn nghiệp dài đã được bắt đầu.
Michel Bussi tại buổi tọa đàm.
Tại Pháp, ông là nhà văn thường xuyên lọt vào top 3 tiểu thuyết gia được đọc nhiều nhất, cũng như đã nhận rất nhiều giải thưởng văn chương danh giá. Sách của ông đã được dịch ra 33 thứ tiếng. Ở nước ta, khá nhiều tác phẩm của ông đã được giới thiệu, như Xin đừng buông tay, Hoa súng đen, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa, Mẹ đã sai rồi và mới đây nhất là Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?
Nói về trinh thám ở Pháp, ông chia sẻ rằng có rất nhiều nhà văn viết trinh thám hiện nay ở đất nước này. Sinh ra vào thời các tác giả Mĩ chiếm thị phần lớn trong giới xuất bản, tuy thế giờ đây một sự chuyển đổi đã nhìn thấy rõ, khi các tác giả Pháp đang giành lại được ưu thế. Các tiểu thuyết này thường có bối cảnh ở Pháp, và các nhà văn bản địa luôn muốn khai thác những chuyện kỳ bí cũng như cách viết thuần Pháp, khác biệt hoàn toàn so với tiểu thuyết của Mĩ hay là Bắc Âu.
Ông cũng nói rằng nếu trinh thám Mĩ được viết ra để thỏa mãn, đáp ứng mọi yêu cầu của các quốc gia trên khắp thế giới, thì văn chương Pháp lại có đặc thù hơn và độc đáo hơn với các bản sắc địa phương. Ngày nay các nhà văn trinh thám Pháp cũng rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như hệ thống tòa án, tham nhũng, nghèo đói, bất công hay là trả thù… Đó là nguồn nguyên liệu và cơ sở để có thể viết về cuộc sống hằng ngày xung quanh chúng ta.
Nói thêm về tiểu thuyết mới, Bussi chia sẻ Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? là sự tri ân của ông đến tác phẩm gốc và chính tác giả Antoine De Saint-Exupéry, khi tác phẩm này luôn theo sát ông từ tuổi rất nhỏ. Trong quá trình đọc cũng như soi chiếu, Michel Bussi luôn luôn hoài nghi về cái kết mở. Liệu rằng Hoàng tử bé còn sống hay đã chết, và liệu có tương đồng nào giữa cuộc đời của Saint-Exupéry với nhân vật nổi tiếng của ông? Chính từ những điều trên mà cuốn tiểu thuyết đã được ra đời.
NHỮNG KHÓ KHĂN KHI VIẾT TRINH THÁM
Đối với Bussi, trinh thám là một thể loại đòi hỏi người viết phải đầu tư công sức rất nhiều, khi luôn đòi hỏi kết cấu phức tạp cũng như các hệ nhân vật khác nhau. Mặc dù trước đây tiểu thuyết trinh thám thường ngắn, cốt truyện đơn giản, nhanh chóng phát hiện ra các thủ phạm… như trong tác phẩm của Agatha Christine hay George Simenon… thì ngày nay độc giả đã có yêu cầu cao hơn.
6 tác phẩm của nhầ văn đã ra mắt tại Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí bên cạnh sách vở như phim chuyển thể, phim truyền hình… cũng như một thị trường đọc và viết đa dạng, độc giả giờ đây đã quá quen thuộc với dòng sách này, từ đó đòi hỏi những tiểu thuyết mới phải hay hơn, khó đoán hơn, giật gân hơn, đáng tin hơn và hấp dẫn hơn. Giờ đây các thủ phạm cần nhiều đầu óc và cần gắn với cuộc sống đời thường nhiều hơn, thay vì các truyện viễn vông và phi logic.
Nói thêm về phim chuyển thể Mẹ đã sai rồi sẽ được công chiếu 2 tập đầu tiên sau buổi tọa đàm ở cả Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh, Bussi cho rằng công việc chuyển thể tiểu thuyết là điều thiết yếu và không tránh được. Tính đến giờ đây đã có 4 tác phẩm của ông chuyển thể thành phim dài tập, tuy thế không ít lần ông lại cảm thấy như bị “phản bội” khi chúng không được chuyển thể một cách rõ ràng, bám theo bản gốc.
Dù vậy vấn đề buông bỏ nhân vật nào đó, cắt xén lại cốt truyện… tuy không hoàn hảo đối với tác giả, thế nhưng ít nhiều nó sẽ tạo ra một đời sống mới cho các tác phẩm. Tuy thế ông vẫn hài lòng với series phim dài tập chuyển thể từ tiểu thuyết Mẹ đã sai rồi, dù cho các cảnh quay chính có phần quan trọng như rơi máy bay… không thể thực hiện đúng như nguyên tác, do các vấn đề chi phí cũng như môi trường rất được quan tâm ở đất nước này.
Về kế hoạch mới, Bussi sẽ có một tác phẩm được xuất bản vào tháng 3 năm sau đang trong quá trình biên tập với nhà xuất bản, cũng như bộ phim huyền ảo– Neo, dành cho lứa tuổi thiếu niên. Ông cũng dự định phát triển từ các tiểu thuyết của mình sang phim truyền hình cũng như truyện tranh. Ở Pháp truyện tranh là một thị trường vô cùng tiềm năng, và cũng là hướng đi mới giúp cho tác phẩm trung thành với tác phẩm gốc, khi không phải bị chi phối quá nhiều bởi ngôn ngữ điện ảnh.
Nói về chuyến thăm Việt Nam lần này, Michel Bussi tiết lộ bản thân ông vô cùng xúc động khi nhiều tác phẩm của mình đã được chuyển ngữ cũng như xuất bản. Ông chia sẻ rằng bản thân không thể tưởng tượng việc một nhà văn đến từ vùng Normandy xa xôi lại có thể được đọc ở tận… Việt Nam. Và chuyến giao lưu lần này cũng là cơ hội thu thập tư liệu, để lúc nào đó Việt Nam có thể trở thành một bối cảnh mới trong sáng tác tiếp sau của mình.
Chuyến giao lưu của ông cũng sẽ tiếp tục tại địa điểm là Huế (29/10), Đà Nẵng (31/10) và TP. Hồ Chí Minh (3/11). Tại điểm dừng cuối, Tiến sĩ Văn học Trần Lê Bảo Chân – người đã chuyển ngữ tác phẩm Hồi ức thiếu nữ của nhà văn đoạt giải Nobel 2022 Annie Ernaux sẽ cùng Michel Bussi thảo luận về Hoàng tử bé, một nhân vật văn học có nhiều ảnh hưởng đến nhà văn này.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD