Dòng chảy

Triển lãm màu chì trên giấy của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp

Thứ Tư, 05/10/2022 06:49

Kéo dài từ nay đến ngày 9/10, Triển lãm hội hoạ Ngựa. Ngựa - Người. Người - Ngựa đang diễn ra tại Không gian nghệ thuật Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp tại lễ khai mạc

Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp sáng tác 63 tác phẩm triển lãm lần này bằng chất liệu bút chì màu trên giấy, trong thời gian từ năm 2014 đến 2022. Đây được coi là một nhánh nghệ thuật ông đã dày công gây dựng và lần đâu tiên công bố với công chúng yêu nghệ thuật.

Hình tượng ngựa đã từng xuất hiện thấp thoáng trong các chất liệu khác của Nguyễn Xuân Tiệp, nhưng lần này họa sĩ tập trung khai thác cùng hình tượng con người ở nhiều góc nhìn: thuần tính thú, lai tạp, hợp nhất tính người.

Trả lời về hình ảnh ngựa trong tranh đến từ đâu, Nguyễn Xuân Tiệp nói: Ngựa đến từ văn chương phim ảnh, qua bộ lọc cảm tính, được tạo hình bởi cảm quan đặc biệt của tôi khi bắt được những biểu hiện nhân tính của ngựa. Ngựa. Ngựa - Người. Người - Ngựa đến từ ba cảnh giới “thiên giới”, “hạ giới”, “địa phủ”, những cõi tinh thần mà họa sĩ trụ lại bấy lâu nay nhờ việc vẽ.

Một góc triển lãm

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch hội Mỹ Thuật Việt Nam cho rằng những tác phẩm của Nguyễn Xuân Tiệp như một lời bỏ ngỏ: “Vẫn nguyên cốt, nguyên nét của chàng du tử xuyên thế kỉ, Nguyễn Xuân Tiệp nhẹ nhõm cất giọng lạ, tự mở một câu chuyện khác trong cõi nhân gian theo bút chì màu trên giấy. Ngựa rồi người. Rồi lại người và ngựa. Những cơn cớ vu vơ, ngỡ như bâng quơ mà vít chặt, nương níu một chữ tình lẳng lặng khi ông cài nét, tung nét phiêu lãng và buông tự do cho bất kì ai thích mạo hiểm, tự dấn thân vào những kí tự siêu hình nơi bức họa”.

Kích thước của loạt tranh lần này gồm nhiều kích thước: A4, A3, A1, A0 và lớn hơn nữa. Theo Ban tổ chức, khuôn khổ tăng dần theo nhu cầu sáng tạo của họa sĩ cho ta hiểu rõ cách ông phát triển dòng chảy ý tưởng, phương pháp thực hành để vượt thoát sự ghi chép, vượt thoát không gian cũ. Khi vẽ chì trên diện tích giấy lớn, tư thế vẽ phải vững chắc dưới chân, thân trên vận động, cổ tay linh hoạt, trụ bằng ngón út. Đây là một tư thế vẽ không tự nhiên, khó khăn, nếu không có sự luyện tập dày công hoặc cá nhân phù hợp. Ông đã thiết lập được một hệ thống thực hành riêng biệt cho chì trên giấy, rất có thể còn mở ra một hướng khác cho ý tưởng khác.

Họa sĩ Nguyễn Sơn lại cho rằng, trong tranh của mình, Nguyễn Xuân Tiệp đã tạo nên không gian thần quyền ẩn mật. Thần xuất hiện trong tranh Tiệp rõ ràng chi tiết cấu trúc ở góc nhìn hai chiều, cách nhìn của tạo hình cổ điển Đông phương. Thần có thể mang tính nữ, mang tính thú, mang tính người, biểu lộ quyền lực chi phối toàn bộ không gian của tranh. Thần đồng hiện là lí do thỏa đáng để ngựa có thể thành người và ngược lại… Dù mô tả thần ở cõi nào thì Nguyễn Xuân Tiệp luôn bày ra một không gian nảy nở, trong trẻo để người xem có thể nhìn thấy từ lúc khởi đầu cho tới khi kết thúc. Ông tin vào Linh giới để tạo tinh thần mình. Thẳm sâu trong Nguyễn Xuân Tiệp là tâm hồn trẻ thơ đã và đang hiện hữu nhờ nghệ thuật. Điều này giúp ông phân tách, lọc bỏ tạp niệm hoang tưởng, chỉ giữ lại sự trong lành.

“Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp luôn làm cho chúng ta bất ngờ về một đời sống khác của ông. Lần này ông thách thức chính mình bằng bút chì màu trên giấy. Cách của ông làm chúng ta như lạc vào khóc khuất của thân phận, của tâm hồn. Câu chuyện mà ông thầm thì kể trong từng bức họa như làm chúng ta động lòng, cố nương theo để hiểu ông đang trêu đùa, thách đố, đòi hỏi chúng ta điều gì. Thành công lớn trong sáng tạo của người nghệ sĩ chính là để người thưởng thức tự có câu trả lời cho chính mình” - Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

THANH TÙNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)