Dòng chảy

Nhạc kịch 'Alice ở xứ sở diệu kì' - Luồng gió mới cho sân khấu Thủ đô

Thứ Năm, 06/10/2022 21:25

Thời gian qua, xu hướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sân khấu tại Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, không chỉ giúp các nghệ sĩ có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm mà còn giúp công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Mới đây nhất, hai đêm công diễn vở nhạc kịch Alice in wonderland (Alice ở xứ sở diệu kì) tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào các ngày 3 và 4/10 với những màn trình diễn mãn nhãn đã mang đến cho sân khấu Thủ đô một luồng gió mới.

Vở nhạc kịch Alice in wonderland (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Anh Charles Lutwidge Dodgson) là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam với Tập đoàn Pacific Ocean Partners và Viện Âm nhạc quốc gia Australia (Australian Institute of Music- AIM). Đây cũng là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia tổ chức thực hiện. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: đã từ lâu Nhà hát Kịch Việt Nam đã ấp ủ thực hiện một sân chơi nghệ thuật dành cho giới trẻ Việt Nam, giúp các bạn trẻ có cơ hội được giao lưu, mở rộng kết nối cả trong và ngoài nước thông qua nghệ thuật. Tác phẩm này là cơ hội để đưa nhạc kịch phổ cập với khán giả Việt Nam, định hướng nghệ thuật cho khán giả trẻ bằng bữa tiệc âm nhạc kích thích mọi giác quan, đồng thời phát triển tài năng nghệ thuật trẻ.

Dù là dự án nhạc kịch đầu tiên nhưng cách làm của Nhà hát Kịch Việt Nam và các đối tác hết sức bài bản và chuyên nghiệp: tổ chức mua bản quyền vở kịch từ Theater Rights Worldwide (Mĩ) bao gồm: kịch bản, hình ảnh bản quyền, lời hát,..., lựa chọn và xây dựng ekip thực hiện, tuyển chọn diễn viên,… Đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị Việt Nam duy nhất tại Châu Á mua được bản quyền vở nhạc kịch Alice in wonderland vốn rất được ưa chuộng trên thế giới bởi nội dung đặc sắc, truyền tải nhiều giá trị nhân văn, bài học đạo lí, nguyên tắc sống. Và chỉ trong vòng 2 tháng từ lúc tổ chức tuyển chọn diễn viên đến khi công diễn nhưng toàn bộ ekip và các diễn viên Việt Nam cũng như Australia - hầu hết là không chuyên đã trình diễn một tác phẩm thực sự ấn tượng.

Các nghệ sĩ tham gia vở nhạc kịch chào khán giả.

Có thể nói đằng sau thành công vang dội của vở nhạc kịch Alice in wonderland là một quá trình khổ luyện ngày đêm, đổ mồ hôi và nước mắt của tất cả các thành viên tham gia dự án, kể cả những người đứng lên sân khấu cho đến những người lặng lẽ đứng sau cánh gà. Có nghệ sĩ tâm sự, nếu chỉ được nói một câu về ấn tượng đọng lại sau vở diễn thì đó là: “vở diễn đã biến điều không thể thành có thể”. Những cô cậu học sinh, sinh viên, những nhân viên văn phòng,… hồi trung tuần tháng 7/2022 còn dè dặt đến gặp Ban tổ chức để thử vai, khi ấy không thể hình dung được rằng chỉ sau hai tháng mình có thể lột xác thành một con người khác hẳn, tự tin bước lên sâu khấu lớn, biểu diễn như nghệ sĩ đích thực, thăng hoa và tỏa sáng. Cũng cần nói thêm, vở nhạc kịch diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh, cũng như những đòi hỏi cao về diễn xuất, vũ đạo, khả năng thanh nhạc. Vậy bí quyết để biến điều không thể thành có thể là gì? Đó có lẽ là sự quyết tâm, đam mê, nhiệt huyết, dũng cảm vượt qua giới hạn của bản thân của những cá nhân tham gia dự án nhạc kịch Alice in wonderland.

Theo Ban tổ chức, tiêu chuẩn lựa chọn diễn viên tham gia dự án là cá nhân có tố chất và không yêu cầu tất cả mọi người đều phải có tất cả các kĩ năng (hát, diễn, nhảy) mà là những người sẵn sàng học tập rèn luyện và phát triển vượt qua giới hạn của bản thân. Với những người được lựa chọn sẽ trải qua quá trình rèn luyện của chương trình, với hai mục tiêu chính: Phát huy và nâng cao các kĩ năng/ tài năng điểm mạnh của diễn viên; thử sức diễn viên và rèn luyện các kĩ năng mới. Những cá nhân còn yếu phần nào thì sẽ được bổ sung tập với chuyên gia nhiều hơn về nội dung đó. Và thực tế đã cho thấy, qua quá trình tuyển chọn và huấn luyện, họ đã phát huy được khả năng, thể hiện khá nhuần nhuyễn trên sân khấu.

Đạo diễn Lê Diệu My tại buổi họp báo ra mắt vở diễn.

Những nghệ sĩ tham gia đào tạo, hướng dẫn các diễn viên, ngoài các tên tuổi được coi là “gạo cội” như: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Đặng Châu Anh, nghệ sĩ Nicholas Gentile giảng viên của AIM, thì số còn lại hầu hết đều còn rất trẻ và vô cùng tài năng. Tiêu biểu có thể kể đến nữ đạo diễn Lê Diệu My, 21 tuổi, hiện đang du học tại Mĩ, từng trợ lí đạo diễn vở nhạc kịch “bom tấn” Những người khốn khổ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam; Giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Trần Quang Duy, 36 tuổi, người được ví là hoàng tử violin trong làng nhạc Việt Nam; biên đạo múa Lê Minh Anh người Australia gốc Việt, 16 tuổi - người từng tham gia nhiều chương trình thi nhảy múa, diễn xuất các vở nhạc kịch tại Australia…

Bên cạnh kĩ năng diễn xuất, nhập vai của các diễn viên, vở nhạc kịch còn sử dụng nhiều công nghệ sân khấu hiện đại và thiết kế phục trang đẹp, khiến mỗi phân đoạn đều vô cùng sinh động, hấp dẫn và và lôi cuốn khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Thành công của vở nhạc kịch Alice in wonderland đó là đậm tính quốc tế và trẻ trung, sôi động, đồng thời định hướng giá trị văn hóa, giá trị thẩm mĩ cho người xem, đem một luồng gió mới đến với nghệ thuật sân khấu Việt. Mong rằng thời gian tới các đơn vị nghệ thuật của Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, mang lại cho công chúng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, đồng thời mở ra những sân chơi mới, chuyên nghiệp và quy mô dành cho những người trẻ không chuyên nhưng có đam mê với nghệ thuật.

Một số hình ảnh vở nhạc kịch Alice in wonderland:

BẢO ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)