Viết về chiến tranh có rất nhiều cách. Có những kí ức của những cựu binh tham gia cuộc chiến, có những hồi kí để lại dẫu đã trôi qua rất nhiều năm tháng, và cũng có thể thông qua sử liệu. Chuyến bay tháng ba là tập truyện ngắn đầu tay của Lê Khải Việt, thế nhưng nó lại là góc nhìn khác về những vấn đề đã từng xảy ra.
CẢM HỨNG TỪ NHỮNG SỬ LIỆU
Đọc Chuyến bay tháng ba, một trong những điều khiến độc giả quan tâm là các chi tiết sử liệu. Cũng như W.G.Sebald, Lê Khải Việt đôi khi thêm thắt vào các hình ảnh như nguồn cảm hứng cho các câu chuyện của mình. Đôi khi là biểu tượng EE lồng trong chữ C được viết trên các trạm biến điện, mà cũng có thể là những hình ảnh sân bay Tân Sơn Nhất cũ hay chiếc máy bay cuối cùng trên đỉnh “chuồng cu” ngày cuối tháng 4 của năm 1975.
Những hình ảnh ấy, cũng như sử liệu mà anh tham khảo, là mạch sườn chính cho tập truyện này. Như anh chia sẻ, bản thân là thế hệ sau, thế hệ của những người không trực tiếp tham gia cuộc chiến, nên nếu muốn hiểu thì chỉ có cách là qua sử liệu. Anh tiết lộ rằng chính niềm đam mê tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam cũng như công cuộc kháng chiến chống Mĩ là nguồn cảm hứng để mình viết nên tập truyện ngắn này.
Lê Khải Việt và tác phẩm Chuyến bay tháng ba
Anh cũng nói rằng khác với những nhà văn thật sự tham gia cuộc chiến hay những nhà văn tiền bối, bản thân anh đã phải đi theo con đường hoàn toàn riêng biệt. Sử liệu theo đó có một vai trò vô cùng quan trọng, đôi khi nó chỉ chiếm khoảng 5% dung lượng, tuy thế tác giả vẫn cần cẩn trọng để không mắc phải lỗi sai vì tính trung thực của những chi tiết lịch sử. Dù cho sau cùng tác phẩm chính là hư cấu bởi nơi ý chí tác giả, thế nhưng trung thực vẫn là yếu tố phải được đặt lên trên hàng đầu.
Do đó trong tập truyện ngày, độc giả sẽ tìm thấy lại rất nhiều chi tiết ấn tượng, mà rất có thể chúng ta không tìm thấy ở đâu đó khác trong các tác phẩm chính thống. Anh cũng nói rằng “Tôi khởi viết những truyện ngắn trong tập này từ cảm hứng của người viết, chứ không phải từ tư liệu lịch sử. Đương nhiên, khi viết tôi dựa trên những tư liệu lịch sử nhất định chứ không hoàn toàn hư cấu”.
Nói thêm về nguồn cảm hứng, anh cũng bật mí những chi tiết như về người đội trưởng toán biệt kích là dựa theo chuyện có thật của một vị cựu binh Mĩ ở Việt Nam mà vài năm trước người ta bàn tán khá sôi nổi. Ngoài cuốn sách của tác giả Vistica (The Education of Lieutenant Kerrey), anh còn đọc một vài cuốn hồi kí khác của những biệt kích Navy SEAL để hi vọng miêu tả chân thực hơn.
Nói thêm về các khó khăn, thì với công việc tìm lại lịch sử, giữa nhiều tác phẩm được lấy làm nền, mà không chỉ là tác phẩm chính thống của các sử gia, anh cũng lần tìm về những hồi kí từ cả hai phía ở trong lịch sử. Nên nếu không chú ý và đủ tập trung, thì người viết rất dễ lạc lối và khiến tác phẩm trở thành một quyển sách sử.
Tự nhận bản thân là người hâm mộ Franz Kafka cũng như nhiều nhà văn khác như Lydia Davis, Phạm Công Thiện, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Triều Hải... vốn đọc cũng như quá trình tìm tòi trong các “sử liệu” đã tạo ra một Lê Khải Việt như người khoác lên các chất “hư cấu” vào trong lịch sử. Mỗi truyện trong tập sách này đều có phong cách khác nhau, một chút bảng lãng của Một nghiên cứu, một chút Kafkaesque ở Căn phòng hay cả cú twist đậm chất trinh thám trong truyện Nước đen….
Bên cạnh một nghệ thuật viết có phần đặc sắc, thì nội dung của các sử liệu mà anh sử dụng cũng khá ám ảnh. Như thể truyện ngắn cùng tên của tập truyện này, vốn dĩ bản thân của nó là một câu chuyện không qua nổi tiếng, do nữ tiếp viên Jan Wollett kể lại. Anh tìm thấy nó trong một cuốn sách tổng hợp nhiều câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, từ đó “nhào nặn” để biến nó thành một tác phẩm riêng.
Và như anh nói, “Tôi viết những truyện ngắn trong cuốn sách này hoàn toàn dựa vào cảm hứng muốn kể lại cái gì đó, bằng cách nào đó, về một cuộc chiến và một thực tại mà tôi hình dung được”. Do đó Chuyến bay tháng ba là một tập truyện về những câu chuyện mong muốn được kể, có thể kinh hoàng nhưng cũng mở ra những tiết lộ mới, những bất ngờ mới, trong một cách kể linh hoạt và đầy đa dạng.
VIỆT NAM VÀ NHỮNG CHIA CẮT
Mới đây hợp tác cùng với Viện Goethe, Lê Khải Việt cùng 8 nhà văn Việt Nam ở trong và cả ngoài nước sẽ cùng viết nên những vở kịch dài 5 phút về chủ đề: Việt Nam có ý nghĩa gì với họ. Theo đó mỗi vở kịch sẽ được chắp bút dựa trên trải nghiệm cá nhân và những câu hỏi xoay quanh căn cước văn hóa dưới sự nhìn nhận của mỗi tác giả.
Với Lê Khải Việt, vở kịch của anh mang tên Nhà hàng Việt Nam, dựa trên trải nghiệm trong quãng thời gian là một bồi bàn của mình. Anh cũng nói rằng đây là vở kịch đầu tiên mà anh bắt tay vào viết khi chưa từng có kinh nghiệm viết lách nào, nên nó hoàn toàn dựa vào bản năng và kinh nghiệm sống.
Bức ảnh một gia đình di tản trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam vào năm 1972 của nhiếp ảnh gia Nick Ut đã trở thành nguồn cảm hứng trong một sáng tác của Lê Khải Việt
Vở kịch kể về một cặp nam nữ trẻ tuổi đang dần tích cóp để mở nhà hàng Việt Nam tại Melbourne, nước Úc. Trong khi chờ đợi có đủ số tiền, họ đã suy nghĩ về ước mơ và những phức tạp đa văn hoá liên quan đến số phận gia đình, đất nước của mình. Anh cũng nói rằng nếu ở Mĩ thì tiệm nail là thứ nhắc đến người Việt một cách thường trực, thì đặt trong bối cảnh Melbourne, việc mở cửa hàng như là sợi dây kết nối với những người đồng hương li tán.
Với tác phẩm này, quan điểm cũng như góc nhìn về người Việt Nam ở nước ngoài đã được hiện lên. Melbourne là một vùng đất có phần khác lạ, khi nếu cộng đồng người Việt đến từ phía Bắc thường sống phân tán ở các nước khác, thì ở nơi thành phố lớn của nước Úc này, họ sẽ quay quần và sống cùng nhau. Từ hiệp lực đó, những thương tổn mà người Việt đã phải mang theo khắp bốn phương trời sẽ được khắc họa. Đó là đích đến và cũng chính là chủ đề khi viết về Việt Nam, bởi nhẽ ẩn sâu trong mỗi từ ngữ chính là số phận của dân tộc mình.
Với tác phẩm đầu tay và vở kịch mới, Lê Khải Việt đã cho thấy được một góc nhìn lạ để nhìn quá khứ dưới góc nhìn khác. Những truyện ngắn này không chỉ độc đáo trong phương pháp viết, cách xử lí sử liệu… mà đâu đó nó còn cho thấy huệ lụy mà đến ngày nay người Việt vẫn còn phải mang - là sự xa cách và nhiều li tán.
Lê Khải Việt sinh năm 1983 là một cây viết có phần thân quen trên các tạp chí cũng như sách báo ở mảng văn chương. Hiện anh giảng dạy ngành luật kinh doanh tại Đại học Công nghệ Sài Gòn trong chương trình liên kết với Đại học Troy (Alabama). Trong khi công việc chính là làm trưởng phòng bản quyền tại Công ti sách Phương Nam. |
TUẤN ANH
VNQD