Kỉ niệm 80 năm ngày sinh của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, mới đây tập di cảo Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn đã được ra mắt đông đảo bạn đọc bao gồm nhật kí, ghi chép cũng như thư từ chưa từng công bố. Qua tác phẩm này, bạn đọc có thêm cơ hội tiếp xúc với một Xuân Quỳnh trong vai trò là một người mẹ, người vợ và là nhà văn thời chiến vô cùng xông xáo.
Được tuyển chọn bởi PGS.TS, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ - em gái của nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, tác phẩm gồm 3 phần chính. Phần đầu là nhật kí viết trong tháng ngày mang thai người con đầu lòng - Lưu Tuấn Anh. Phần hai là những ghi chép mà rất có thể sẽ là chất liệu cho các tác phẩm về sau của bà trong thời chiến. Cuối cùng là những bức thư qua lại giữa bà và Lưu Quang Vũ cũng như con trai Mí (Lưu Quỳnh Thơ) khi có dịp đi học hơn 3 tháng ở Liên Xô.
NHẬT KÍ CỦA TÌNH MẪU TỬ
Trong chương đoạn này, một Xuân Quỳnh khác của những hiện thực và nỗi trăn trở đã được hiện lên. Khởi viết từ năm 1965 khi mang thai con trai đầu lòng, Xuân Quỳnh cho thấy trạng thái bấp bênh của mình trong giai đoạn này. Chân ướt chân ráo bước vào làng báo, bà bị từ chối ở mọi tòa soạn bởi đang mang thai, cùng như lo sợ về lần đầu tiên có một sinh linh cựa quậy trong mình.
Trong những trang viết đậm tính cá nhân, bà đầy lo lắng khi mình bị cúm, khi phải dùng thuốc kháng sinh… nhưng cũng vui vẻ khi thấy cậu đạp và cứng cáp hơn. Xuân Quỳnh theo sát Tuấn Anh, để nhận thấy hành trình lớn lên của cậu, từ từng cái răng cậu mọc cho đến khi biết lẫy, biết làm nũng, tập đứng lên và cầm nắm đồ vật đầu tiên…
Những trang viết tay của Xuân Quỳnh.
Tuy thế tràn ngập trang viết là nỗi buồn thương. Ở thời điểm đó Xuân Quỳnh dường như cô độc, khi chồng thì ở quá xa, thiếu sự quan tâm, còn mẹ chồng thì không thoát cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Chính những áp lực phải gánh chịu trên, cũng như “cái quan tâm chung chung” không có tình cảm của chồng mà cuộc hôn nhân đầu tiên sau đó đã phải tan vỡ.
Trong giai đoạn này, Xuân Quỳnh gián tiếp cho thấy một sự khó khăn bao trùm lên cả xã hội miền Bắc trên đà giải phóng. Rất nhiều lần trạng thái ngơ ngẩn, tủi thân, lầm lũi… được bà tái hiện trong vô số lần di chuyển giữa Hà Nội và vùng sơ tán. Những năm tháng ấy đất nước eo hẹp vì cảnh chiến tranh, trong khi thiếu nước, thiếu điện, thiếu ăn, thiếu sống… con người “héo hắt chết dần”, “u uất mãi thôi”.
Xuân Quỳnh đau đớn vì cách xa con. Bà thể hiện được sự cô độc khi bất lực không thể mua cho con trai mình dù là một món đồ chơi nhỏ bé nhất, hay là trái quýt, trái chanh… thay nhau lạm phát ở cảnh chợ đen. Mùa đông phát điên vì lạnh, mùa hạ phát cuồng vì nóng… đã khiến tình cảnh lúc đó “sao mà buồn đến thế”.
Dẫu thế tình mẹ bao la vẫn khiến Xuân Quỳnh cố gắng bên cạnh con trai nhiều nhất có thể. Đạp xe mấy mươi cây số từ Hà Nội đến vùng sơ tán, bà “sống chết thì cũng phải về” thăm con dù chỉ là vài ba phút, để rồi sau đó lại tối mắt tối mũi quay lại cơ quan. Ở giai đoạn đó, Xuân Quỳnh gần như đóng băng sự nghiệp sáng tác để lo cho con, và khi con trai cứng cáp hơn một chút xíu, bà phải cố gắng quay lại những nơi chiến trường, tham gia thực địa, và lấy tư liệu dùng cho sau này.
NHÀ VĂN XÔNG XÁO
Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ 1967 -1973, Xuân Quỳnh là một tác giả vô cùng năng động không ngại lăn xả vào những vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Bình, Quảng Trị, Cồn Cỏ… để thật sự sống cũng như trải nghiệm, làm việc với quân và dân đang xả thân cho cuộc kháng chiến. Được viết như những ghi chú về số liệu, chân dung và những mẩu chuyện trong giờ giải lao… Đây không chỉ là những tư liệu cho việc sáng tạo, mà còn cho thấy một sự tươi nguyên và đầy chân thật của bối cảnh thời ấy.
Được viết mở đầu bằng tên nhân vật, ngày tháng, địa điểm và những nơi chốn, Xuân Quỳnh thực hiện một cuộc “khảo sát” thật sự để nắm bắt được những gì nổi cộm và những con người chìm trong khói lửa. Trong những ghi chép của bà có những người lính anh hùng hi sinh đào hầm, có những số liệu chiến đấu với B-52, có những người mẹ Việt Nam anh hùng cầm súng chiến đấu dẫu đã 50 tuổi…
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và nhà thơ Xuân Quỳnh bên dòng Thạch Hãn năm 1972.
Tuy được viết lại dưới dạng liệt kê, thế nhưng bằng sự khốc liệt cũng như đau đớn, người đọc như được sống lại khoảng thời gian đó, với sự thôi thúc, với những nỗi đau và sự mất mát. Chính trong phần này, một Xuân Quỳnh năng động và không đứng im trong dòng lịch sử cũng đã hiện lên một cách sáng rõ và đầy độc đáo.
Cũng như thơ ca, những quan sát của bà phần lớn là rất kín đáo, và được ghi lại vô cùng khác biệt dưới một góc nhìn đầy nữ tính, mà ta ít thấy trong những cuốn khác. Những ghi chép này là nguồn tài liệu vô cùng quý giá về các chân dung anh hùng cũng như những mảnh ghép nhỏ, đan dệt nên một bức tranh về đất nước trong thời lịch sử đã qua.
NGƯỜI VỢ THẤU HIỂU
Cho đến ngày nay, mối tình giữa Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn còn được nhiều độc giả quan tâm chú ý. Trong di cảo này, Lưu Khánh Thơ cũng đã tiết lộ những sự khó khăn mà cặp đôi Vũ - Quỳnh đã từng gặp phải khi định tiến đến hôn nhân.
Đều là những người đã lỡ một bước cũng như có tình trạng con riêng - con chung; nên cả hai người ban đầu không được ủng hộ một cách nhiệt thành. Tuy thế chính bằng tình yêu, sự đồng cảm và những ngưỡng mộ, cả hai đã cùng để lại những bài thơ hay và những trao đổi vô cùng lãng mạn.
Bao gồm thư từ được viết trong 3 tháng Xuân Quỳnh đi học cũng như giao lưu văn hóa tại Liên Xô, có thể thấy được tình cảm chìm đắm của cả hai người thông qua bức thư. Trong một lá thư được viết vào năm 1978, Xuân Quỳnh đã có trải lòng vô cùng phức tạp về tình cảm của mình dành riêng cho Lưu Quang Vũ.
Theo đó, bà viết: “Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu mà về trí tuệ”, và trong một bức thư khác, bà cũng chép lại bài Hoa cúc xanh như một món quà gửi tặng sinh nhật cho chồng, và nhờ ông chữa cho những chỗ chưa chuẩn.
Tập di cảo Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn của Xuân Quỳnh, do PGS.TS. Lưu Khánh Thơ biên soạn, Nhã Nam và Nxb Hội Nhà Văn liên kết ấn hành. Ảnh Ngô Vinh.
Thông qua những dòng chữ này, có thể thấy rằng cả Vũ và Quỳnh đều dành cho nhau một sự trân trọng. Không những là sự đồng cảm của hai con người chịu cảnh bất hạnh chung trong hôn nhân, mà còn là tình nghệ sĩ, là những người bạn, những người sẻ chia chung nhau hoàn cảnh túng thiếu cơm áo gạo tiền, nơi những bữa ăn không được đảm bảo bằng tiền nhuận bút, bởi vì vật giá từng ngày sẽ lại tăng lên. Tình cảm đầm ấm của hai người họ vừa là hi vọng, vừa là ủi an cho người còn lại, với một tình yêu có phần thuần nguyên và đầy đẹp đẽ.
Trong lá thư khác, bà viết: “Hiểu tính tình, công việc của anh lắm lúc thương anh xót cả ruột. Lắm khi em cứ nghĩ: em sẵn sàng sống cuộc đời đạm bạc để anh đỡ phải nhọc nhằn. Đối với em, em chẳng có nhu cầu gì nhiều, chỉ cần lo liệu cho con cái”. Hình bóng của bà hiện lên là người phụ nữ chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con một cách hết mực, nhưng vẫn cảm thấy đời sống còn nhiều khó khăn, còn nhiều chông gai đang ở phía trước.
Nên Vũ cũng đáp lại rằng: “Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta […] Nếu chúng ta là kẻ không có tài chi lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”.
Với hai người họ, chỉ cần có nhau là đủ. Thông qua Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn, một Xuân Quỳnh khác đã được hiện lên trên những khó khăn trong cuộc đời bà. Thế nhưng với tình yêu và sự đồng cảm dành cho gia đình… bà đã mạnh mẽ vượt lên tất cả để dâng cho đời những vầng thơ sống mãi với thời gian.
NGÔ TUẤN ANH
VNQD