Thông tin về sự ra đi của nhà văn Lê Lựu được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đăng tải trên Facebook đã khiến nhiều nhà văn, nhà thơ bày tỏ sự tiếc nhớ nhà văn tài hoa nhưng cuộc đời cũng ẩn chứa những nỗi niềm. Những người viết ghi nhận đóng góp của Lê Lựu với nền văn học Việt Nam cũng như sự tận tình với cộng tác viên, những người viết trẻ của ông.
Bài liên quan:
Phía sau gương mặt đầy sóng gió...
Nhà văn Lê Lựu: Gói trọn cuộc đời trong trang viết
Lê Lựu: Báo chí, văn chương thăm thẳm nỗi người
Nhà văn Lê Lựu: Hoài vọng và cô đơn
GHI NHẬN NHỮNG ĐÓNG GÓP VỚI NỀN VĂN HỌC
Những cảm xúc, những câu chuyện, kỉ niệm và cả những bức ảnh con người và tác phẩm của Lê Lựu đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Bên cạnh những thông tin, bài viết trên báo chí chính thống, mỗi trang facebook cũng là nơi kết nối cộng đồng viết với những tin tức cập nhật nhanh chóng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã dùng những lời lẽ xứng đáng để nói về Lê Lựu khi thông báo về sự ra đi của ông tối 9/11: “Nhà văn Lê Lựu là tác giả của những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam như: Mở rừng, Đại tá không biết đùa, Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng... đã ra đi”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thông báo về sự ra đi của nhà văn Lê Lựu trên facebook cá nhân.
Ảnh chụp màn hình.
Dùng từ “làm rung động đời sống văn học” để nói về những tiểu thuyết của Lê Lựu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đánh giá cao tiểu thuyết Thời xa vắng cũng như những thông điệp mà nó truyền tải: “Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỉ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ năm 1954. Bài chia sẻ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có hơn 800 bình luận của các văn nghệ sĩ và bạn đọc nói lời vĩnh biệt và bày tỏ sự thương tiếc nhà văn Lê Lựu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, người em, người đồng đội thân thiết với nhà văn Lê Lựu là người luôn quan tâm đến tình hình sức khoẻ của nhà văn đàn anh, đã dùng từ "tổn thất lớn" để nói về sự ra đi của tác giả Thời xa vắng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có chuyến về thăm Lê Lựu cách đây mươi ngày. Anh cũng là người nhận tin báo từ gia đình nhà văn Lê Lựu khá sớm và đã thông báo đến Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng như chia sẻ với đồng nghiệp, bạn đọc trên trang cá nhân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết ngắn gọn: “Lê Lựu đã ra đi. Một nhà văn lớn đã ra đi ở tuổi 85 (Lê Lựu sinh năm 1938). Đây là một tổn thất rất lớn cho nền văn học đương đại”.
Là lớp nhà văn đàn em tại Nhà số 4, nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng đã có vài lời tiễn biệt. Nói về sự ra đi của Lê Lựu, nhà văn Sương Nguyệt Minh dùng hình ảnh: “Trái tim lớn của một người suốt đời đau nỗi đau của những phận người yếu đuối và bất hạnh đã ngừng đập”.
Cũng thuộc những người viết lớp sau từng làm việc tại Nhà số 4, nhà phê bình Nguyễn Hoà đã kể lại trên facebook một tình huống Lê Lựu hiểu lầm về anh khi cả hai người còn làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó Lê Lựu đã có lời xin lỗi khiến anh rất nể trọng. Nhà phê bình Nguyễn Hoà cũng trích lại ý kiến đánh giá về tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu trong một bài viết của anh từ những ngày đầu tiên về Văn nghệ Quân đội: “Viên đại bác Thời xa vắng khoan thủng các tấm màn vô hình che giấu nhiều điều lâu nay chúng ta không rõ tới. Quá khứ đâu chỉ là chiếc bánh ngọt ngào mà có cả vị đắng cay… Bi kịch của Giang Minh Sài là bi kịch của một người tốt nhưng thụ động trong thời kì vì sự non nớt ngây thơ, con người có thể làm hại lẫn nhau bằng chính lòng tốt, cái thời cả một số sự ấu trĩ cũng được coi là chân lí… Sai lầm lớn nhất của quá khứ là chúng ta chưa thực sự quan tâm tới con người…”
Nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ những hình ảnh khi ông có mặt tại Hưng Yên viếng nhà văn Lê Lựu. Ảnh chụp màn hình
TẬN TÌNH VỚI CÁC NHÀ VĂN TRẺ
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ chia sẻ rằng, mỗi người sẽ nhớ đến Lê Lựu theo một cách khác nhau. Với chị, những tình cảm của người đi trước, là lớp cha chú, cũng là bạn bè của cha mẹ chị khiến Nguyễn Thị Thu Huệ không bao giờ quên. Khi chị đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội cuộc thi năm 1992 - 1994, nhà văn Lê Lựu cầm tay động viên chị: "Viết tiếp đi nhé, viết được sướng lắm! Sau này viết tiểu thuyết, truyện của mày bác thấy có cái mang bóng dáng tiểu thuyết đấy"… Nhìn nhận về nhà văn lớp trước, Nguyễn Thị Thu Huệ cảm nhận, đằng sau vẻ giản dị, xuề xoà của Lê Lựu là tầm văn hóa, sự hiểu biết, trải nghiệm, sự quan sát thực sự xuất sắc. “Phẩm chất nhà văn của bác không lẫn vào đâu được”, chị chia sẻ.
Với nhà văn Đỗ Bích Thuý, chị là người may mắn khi là số ít người viết trẻ kế cận của Nhà số 4 được làm việc, tiếp xúc với nhà văn Lê Lựu trong những năm cuối ông gắn bó với Nhà số 4. Đỗ Bích Thuý kể lại một kỉ niệm quan trọng với đời văn của chị, cũng là cơ duyên để chị về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vào ngày cuối cùng của năm 1999, đúng thời điểm cuộc thi truyện ngắn hướng tới giao thừa thiên niên kỉ của Văn nghệ Quân đội khép lại hạn nhận tác phẩm, Lê Lựu gọi Đỗ Bích Thuý đến để trao đổi về truyện ngắn Sau những mùa trăng mà chị vừa nộp. “Chú rất thích truyện ngắn này. Rất thích. Cơ bản thì nó ổn rồi. Nhưng có một vài chỗ cháu cần làm rõ hơn, sắc nét hơn, ấn tượng hơn. Rồi ông phân tích tại sao cần làm như vậy bằng cách dẫn chứng cách các ông Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu... chú trọng chi tiết như thế nào”, nhà văn Đỗ Bích Thuý nhớ lại.
Bức ảnh nhà văn Phong Điệp chụp cùng nhà văn Lê Lựu tại Lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2015 được chị chia sẻ trên facebook.
Chừng non một tiếng, Đỗ Bích Thuý gật gật gù gù vâng dạ, cảm thấy có một cánh cửa vừa mở toang đầu óc mình ra. Cuối cùng Lê Lựu bảo: “Giờ cháu về sửa, sau ngày mai, tức là mùng 1 tết dương lịch, cháu mang lên đây cho chú. Chú vẫn ghi vào sổ là cháu nộp hôm nay, tức đúng thể lệ”.
Đỗ Bích Thuý đạp xe về trường Báo chí, leo lên giường tầng và sửa ngay truyện ngắn Sau những mùa trăng theo gợi ý của nhà văn Lê Lựu. Truyện ngắn cuối cùng ấy đã mang lại cho chị giải Nhất cuộc thi và cũng góp phần đưa chị về làm việc tại Nhà số 4.
Câu chuyện của nhà văn Đỗ Bích Thuý đã cho thấy sự tận tuỵ trong việc làm biên tập, góp ý với cộng tác viên của nhà văn Lê Lựu ở thời điểm mà ông đã có thể nghỉ ngơi sau những năm tháng dài làm việc, cống hiến tại Văn nghệ Quân đội. Lê Lựu là vậy, luôn hết mình với từng trang viết, cho dù của mình hay của đồng nghiệp, những người tiếp bước.
Nhà văn Phong Điệp thì chia sẻ một bức ảnh đặc biệt chụp cùng Lê Lựu tại lễ trao giải truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 2015 khi tác phẩm của chị được lựa chọn để trao giải thưởng Chùm truyện ngắn hay nhất về đề tài phụ nữ hậu chiến do Quỹ nhà văn Lê Lựu trao tặng. Khi ấy nhà văn Lê Lựu đã yếu, ông phải ngồi xe lăn nhưng vẫn đến dự lễ trao giải và chụp ảnh cùng tác giả.
“Trong cuộc đời của mỗi người, xét cho cùng phấn đấu làm được những điều có ích, dù nhỏ bé hay vĩ đại, cũng đã đủ hạnh phúc để thong dong bước sang cõi khác. Xin vĩnh biệt ông!”, nhà văn Phong Điệp viết.
THIỆN NGUYỄN tổng hợp
VNQD