Dòng chảy

Cách Hàn Quốc quảng bá văn chương ra nước ngoài

Thứ Bảy, 29/10/2022 07:33

Nhiều thập kỉ trước, làn sóng Hallyu (xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc ra nước ngoài) đã rất thành công với phim truyền hình. Cho đến ngày nay, những ảnh hưởng ấy vẫn chưa suy giảm và đang ngày càng mở rộng ra thêm.

NHỮNG BƯỚC TIẾN LỚN

Có thể thấy Hàn Quốc là một trong những quốc gia quảng bá văn hóa một cách liên tục và rất thành công. Ở mảng âm nhạc, BTS và BLACKPINK hiện có chỗ đứng vô cùng vững chắc trong thị trường Âu - Mỹ. Trong khi nửa thập kỉ qua, điện ảnh của đất nước này đã gây được tiếng vang lớn, với những Parasite, Squid Games hay Minari, Pachinko…

Không nằm ngoài làn sóng ấy, văn chương Hàn Quốc trong những năm qua cũng đã có được một sự quan tâm vô cùng mạnh mẽ. Trong năm 2022, có đến hai tác phẩm từ đất nước này góp mặt vào trong danh sách đề cử gồm 13 tác phẩm của giải Booker Quốc tế - một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh cho sách viết bằng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh.

Theo đó cả Cursed Bunny của Bora Chung và Love in the Big City của Sang Young Park đều được đề cử trong danh sách dài gồm những tên tuổi vô cùng sừng sỏ như nhà văn đoạt giải Nobel 2018 Olga Tokarczuk hay các nhà văn đương đại nổi bật khác. Thành công bước đầu cho thấy văn chương Hàn Quốc ngày càng phủ sóng rộng hơn, và đang thoát khỏi “vùng trũng” văn chương như vốn được gọi.

Bà Nguyễn Hà Linh, dịch giả và biên tập viên của thương hiệu sách Nhã Nam - nơi có rất nhiều đầu sách văn chương đương đại Hàn Quốc được cho ra mắt, chia sẻ: “Bằng những hình thức sáng tác có phần mới lạ cùng với góc nhìn ngày càng đa chiều, văn học Hàn Quốc đang dần định hình và nhấn mạnh thêm những nét độc đáo của riêng mình. Sự khác biệt ấy không chỉ so với văn chương châu Á, mà còn là các hình thức đã sớm phổ biến, như phim ảnh, ca nhạc…”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi ra mắt Viết & Đọc số Chuyên đề Văn học Hàn Quốc

Để có được thành công ấy, phía Hàn Quốc đã có rất nhiều chương trình giao lưu, hỗ trợ xuất bản… từ đó góp phần đưa văn chương Hàn Quốc đến gần hơn nữa với độc giả trẻ. Suốt những năm qua, Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (LTI Korea) không ngừng hỗ trợ về mặt tài chính cũng như kết nối các mối quan hệ với giới xuất bản giữa các quốc gia.

Tính đến tháng 10 của năm 2022, hơn 109 đầu sách Hàn đã được hỗ trợ dịch thuật cũng như quảng bá sang hơn 25 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. LTI Korea cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm, các cuộc thi điểm sách văn học Hàn Quốc cũng như tài trợ các thư viện sách cho viện nghiên cứu, thư viện các trường đại học có khoa Hàn Quốc… ở nhiều khu vực.

"ĐÒN BẨY" HỖ TRỢ

Mới đây vào giữa tháng 10, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc - Đại học Văn Lang cũng đã tổ chức thành công cuộc thi “Review tác phẩm văn học Hàn Quốc” do tổ chức LTI Korea tài trợ, hướng đến hoạt động kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn. Được biết đây là 1 trong 9 tổ chức đã có vinh dự được chọn tổ chức với mục đích chính là quảng bá văn học Hàn Quốc.

Ngoài ra hàng năm Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc cũng sẽ dành ra một khoảng ngân sách để tài trợ cho các dự án dịch thuật kết hợp cùng các công ti và nhà xuất bản trong nước. Chi phí tài trợ như được công bố trên trang web chính thức gồm hai khoản chi, là phần hỗ trợ 60% chi phí dịch thuật và tối đa 3 triệu won (khoảng 50 triệu VNĐ) cho ngôn ngữ Việt.

Ở Việt Nam, rất nhiều đơn vị cũng đã tham gia vào chương trình này để được hỗ trợ tài chính, từ đó giá bìa có thể giảm xuống, giúp mang sách đến gần hơn với đông đảo bạn đọc trẻ tuổi. Tính đến tháng 10 năm 2022, có 6 đầu sách đã được hỗ trợ theo diện này đã ra mắt bạn đọc Việt Nam, hứa hẹn còn thêm nhiều đầu sách nữa sẽ được xuất hiện trong tương lai gần.

6 tác phẩm nằm trong chương trình hỗ trợ dịch thuật văn học Hàn Quốc năm 2022

Cũng trong tháng kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đã giới thiệu Tạp chí Viết & Đọc chuyên đề Văn học Hàn Quốc. Với sự xuất hiện của những tên tuổi quen thuộc như Kim Ae Ran, Lee Hyo Seok, cũng như Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Y Ban… số tạp chí này đã kết nối được bạn đọc 2 nước với nhiều tác phẩm cũng như chân dung nhà văn độc đáo và nhiều giá trị.

Ngoài ra vào đầu tháng 9 thì Hội chợ sách Hàn Quốc 2022 tại Hà Nội cũng đã diễn ra với sự tham dự của hơn 20 đơn vị xuất bản đến từ Hàn Quốc. Tổ chức thường niên từ năm 2017 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ở Hội chợ sách này, các đơn vị xuất bản sẽ có cơ hội trao đổi một cách trực tiếp, từ đó có thể giao lưu cũng như tiến hành thương lượng bản quyền một cách nhanh chóng.

Được biết số lượng đơn vị xuất bản của Hàn Quốc ngày nay lên đến hàng trăm và là khá lớn, cho nên 20 đại diện tham gia đã được tuyển chọn một cách gắt gao. Với sự thay đổi mỗi kì hội chợ, đây là dịp quý giá để các nhà làm sách có sự tiếp xúc cũng như trao đổi với những “ông lớn” đầu ngành và rất chuyên nghiệp.

Bà Nguyễn Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc của Tân Việt Books cũng chia sẻ rằng, đây là một cơ hội tốt và rất hiệu quả để nâng cao thêm quan hệ hợp tác, mở rộng cơ hội cho các nhà xuất bản cũng như công ti sách Việt Nam. Bà cũng nói thêm: “Nếu không có hội chợ này, chúng tôi thường gặp gỡ đối tác Hàn Quốc tại các hội chợ quốc tế lớn như Frankfurt, Bologna, Bắc Kinh hay là Seoul... Và tất nhiên ở những hội chợ lớn việc tìm hiểu về ngành xuất bản của một nước khác sẽ không được tập trung như tổ chức tại chính nước mình”.

Nhận định về xu hướng mới, bà cũng nói thêm “tiểu thuyết chữa lành” đang rất thịnh hành tại quốc gia này, và giới xuất bản Việt Nam cũng rất nhanh nhạy theo kịp xu hướng. Gần đây hai cuốn tiểu thuyết Cửa hàng tiện lợi bất tiện (Kim Ho-Yeon) và Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut (Lee Miye) cũng đã nhanh chóng được chuyển ngữ và giới thiệu, để phù hợp hơn với bối cảnh hậu Covid-19.

Như vậy có thể thấy rằng, bằng việc không ngừng quảng bá cũng như hỗ trợ xuất bản, Hàn Quốc đang có rất nhiều những bước tiến lớn trong việc định danh cũng như giới thiệu văn chương từ đất nước mình. Đây là minh chứng cũng như ví dụ đã rất thành công mà quốc gia nào cũng rất có thể dễ dàng học hỏi, để việc “đem chuông đi đánh xứ người” không còn quá xa vời.

NGÔ TUẤN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)