Dòng chảy

Giới thiệu Văn nghệ Quân đội số 1000

Thứ Hai, 31/10/2022 15:34

Số 1000. Hẳn bạn đọc cũng nhận ra một sự đặc biệt. Một con số xứng đáng để cùng nhìn lại đôi chút về hành trình của Văn nghệ Quân đội, con đường mà chúng tôi đã đi qua với 1000 số tạp chí đến tay bạn đọc kể từ tháng 1 năm 1957, khi Văn nghệ Quân đội chính thức được thành lập.

Có gì ở số tạp chí đặc biệt này? Chúng tôi sẽ dừng lại một chút, tạm gác qua một bên những “món ăn truyền thống” để ngoái về quá khứ xa và gần. Bạn sẽ không gặp những truyện ngắn, những bài thơ, bài phê bình văn học nghệ thuật quen thuộc như thường thấy trên Văn nghệ Quân đội, thay vào đó bạn sẽ gặp những dấu chân trải dài theo năm tháng của những người đã và đang gắn bó với Tạp chí qua mạch chuyện kể xuyên suốt Văn nghệ Quân đội - Trên những dấu chân thời gian... như phần Thư toà soạn đề cập.

Nếu bạn chưa biết thuở ban đầu Văn nghệ Quân đội đã vận hành toà soạn và thực hiện những số tạp chí đầu tiên như thế nào thì trong phần hồi ức của Thiếu tướng, nhà văn Văn Phác - Tổng biên tập đầu tiên của Văn nghệ Quân đội ở bài viết Buổi đầu của Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ cho bạn cùng sống lại không khí làm báo tại ngôi nhà số 4, Lý Nam Đế những ngày tháng đó. Cùng với phần hồi ức của nhà văn Hải Hồ bạn sẽ có một hình dung sinh động về ngôi nhà số 4 khi các nhà văn về tiếp quản, nơi là trụ sở của Văn nghệ Quân đội suốt 65 năm qua.

Ở số 1000 này, trong bài viết Văn nghệ Quân đội, từ những tin yêu, kì vọng…, nhà phê bình Đoàn Minh Tâm cũng sẽ điểm lại những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của các thế hệ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội dành cho đội ngũ các nhà văn ở số 4 - Lý Nam Đế, dành cho Văn nghệ Quân đội. Những tên tuổi của các vị tướng lừng lẫy như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Quang Đạo... ở thời kì trước gắn với những câu chuyện vô cùng sinh động, cùng những thế hệ lãnh đạo, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Tổng cục Chính trị sau này như Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Đại tướng Lương Cường… đều hiểu và trân trọng, dành cho Văn nghệ Quân đội những sự quan tâm, động viên với tình cảm chân tình, gần gũi.

Cụm bài viết, hồi ức của nhà văn Nguyên Ngọc; Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình; nhà phê bình Ngô Thảo là những trang viết xúc động tái hiện một phần lịch sử và “sứ mệnh văn học” của Văn nghệ Quân đội trong những năm chiến tranh. Văn nghệ Quân đội đã vào chiến trường, thành lập những “chi nhánh” trong rừng Trà My, Quảng Nam, rừng Lộc Ninh, Bình Phước sẽ cho thấy một mô hình tiến công vào tuyến lửa của đội quân văn nghệ, nơi mỗi nhà văn ra đi từ Nhà số 4 như mang theo một “toà soạn” thu nhỏ. Nhà văn Nguyên Ngọc, trong hồi ức của mình đã kể về những ngày ở Văn nghệ Quân đội và những năm “mang Văn nghệ Quân đội vào chiến trường Khu 5”, cùng một ngày, cùng một chuyến đi với nhà văn Nguyễn Thi. Cũng như vậy, Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình đã kể về việc nhà văn Nguyễn Thi đã “mang Văn nghệ Quân đội vào chiến trường miền Nam” cũng như đội ngũ nhà văn quân đội đã được tập hợp và vào chiến trường từ mái nhà Văn nghệ Quân đội. Những phiên bản của Văn nghệ Quân đội đã được thiết lập, hình thành trên các chiến trường để xuất bản Văn nghệ Quân giải phóng Khu 5; Văn nghệ Quân giải phóng miền Nam. Qua những bài viết ấy, bạn đọc sẽ thấy rằng, đằng sau việc các nhà văn từ Nhà số 4 đi B để có những sáng tác cá nhân đồng hành cùng người lính, cùng dân tộc thì còn là việc “tải văn ra tiền tuyến”. Văn nghệ Quân đội đã toả đi khắp các chiến trường theo cách như thế.

Cỗ máy Văn nghệ Quân đội đã vận hành ra sao, việc làm báo ở Văn nghệ Quân đội đã được tiến hành thế nào suốt 1000 số qua? Câu hỏi đó cũng sẽ phần nào được trả lời qua các phần hồi ức, bài viết của một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, những người, ở những thời kì khác nhau đã có gắn bó và nhập cuộc tại địa chỉ đỏ về văn học học nghệ thuật, số 4 - Lý Nam Đế như bài viết của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà phê bình Nguyễn Hòa, nhà văn Đỗ Bích Thúy…

Lấp ló trong các trang viết là những gương mặt, những cái tên mà chỉ nhắc đến họ thôi người đọc đã có thể mở ra trong mình những bức chân dung văn học đa sắc, mặc dù tên của họ ít khi hiện diện trên những số tạp chí nhưng họ là một phần của Văn nghệ Quân đội. Đó cũng là một đặc thù của bộ phận sáng tác, mảng sáng tác, như một nghĩa vụ hiển nhiên của mỗi nhà văn áo lính dưới mái nhà Văn nghệ Quân đội từ khi thành lập. Đọc Văn nghệ Quân đội số 1000 bạn cũng sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ đặc thù này.

Bên cạnh đó là những bài viết, kỉ niệm, chia sẻ về nghề, về công việc hậu kì làm báo của các nhà văn, phóng viên, biên tập viên Văn nghệ Quân đội trong quá trình làm tạp chí với hướng đi riêng biệt của một tờ tạp chí văn.

Bạn đọc cũng sẽ gặp những tác giả, những cộng tác viên có nhiều duyên nợ với Văn nghệ Quân đội cả hôm qua và hôm nay, cùng ôn lại mối duyên ấy trong nghiệp văn của họ.

Nếu là người yêu mến và đồng hành với tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng như quan tâm đến đời sống văn học Việt Nam, bạn nên có trong tay cuốn Văn nghệ Quân đội số 1000 để hiểu hơn, yêu hơn tờ tạp chí mà mình gắn bó.

Văn nghệ Quân đội số 1000 phát hành đầu tháng 11 năm 2022.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Trang bìa tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1000

 

CÁC BÀI VIẾT TRONG VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI SỐ 1000

Trên những dấu chân thời gian

- Văn nghệ Quân đội

Những dấu chân dài theo đất nước…

Buổi đầu của Tạp chí Văn nghệ Quân đội - Thiếu tướng, nhà văn Văn Phác; Văn nghệ Quân đội, từ những tin yêu, kì vọng... - Đoàn Minh Tâm; Có một “Văn nghệ Quân đội” giữa chiến trường miền Nam - Ngô Vĩnh Bình; Chúng tôi làm “Văn nghệ Quân đội” giữa rừng Khu 5 - Nguyên Ngọc; Nguyễn Thi - người tạc tượng các anh hùng - Ngô Thảo; Những kỉ niệm với ngôi nhà số 4 - Hải Hồ.

Từ ngôi nhà cong cong mái ngói...

Tôi viết Thư mùa đông từ trên chốt - Hữu Thỉnh; Hai chuyến đi thực tế chiến trường - Nguyễn Trí Huân; Đường về Nhà số 4 - Vương Trọng; Kí ức Trường Sa - Sương Nguyệt Minh; Con đường dẫn tôi đến với người lính và trở thành người lính - Trần Đăng Khoa; Tạp chí Văn nghệ Quân đội và giải thưởng văn chương đầu tiên của tôi ­- Nguyễn Quang Thiều; Lần đầu vào cổng Nhà số 4 - Bảo Ninh; Bén duyên và chín cùng Nhà số 4 - Y Ban.

Hoa dọc đường văn

Nhà văn đoạt giải thưởng Văn nghệ Quân đội: Ngày ấy - Bây giờ (với sự tham gia của nhà văn Trần Đức Tiến, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm; nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa) - Nguyễn Thanh Tâm; Mộc miên đỏ một trời biên viễn... - Nguyễn Linh Khiếu; Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền - Nguyễn Thanh Mừng.

Những lối rẽ…

Nhớ một thời làm Phụ san Văn nghệ Quân đội - Nguyễn Hòa; Chúng tôi làm website vannghequandoi.com.vn - Đỗ Bích Thúy.

Bước chân hôm nay…

“Chất lính” của tờ tạp chí văn - Đỗ Tiến Thụy; Kỉ niệm chuyến đi về vùng lũ - Đinh Phương; Truyện ngắn, món ngon không dễ nấu - Uông Triều; Biên tập thơ trên Văn nghệ Quân đội - Người Biên tập; Vui buồn người đi “làm trại” - Nguyễn Mạnh Hùng; A lô! Đi trại nhé! (với sự tham gia của nhà thơ Vũ Ngọc Thư, nhà thơ Hồ Minh Tâm, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, nhà phê bình Văn Giá, nhà văn Trần Thị Tú Ngọc, nhà văn Vũ Thanh Lịch, nhà văn Nguyễn Anh Vũ) - Nhóm PV.

Đồng hành với chúng tôi…

Chữ tình trong từng nét vẽ (với sự tham gia của các họa sĩ: Nguyễn Đăng Phú, Đỗ Phấn, Tô Chiêm, Tào Linh, Lê Anh, Trương Đình Dung, Phạm Hà Hải) - Nguyễn Thị Kim Nhung; Nơi lưu giữ hình ảnh bộ đội - Vũ Văn Tiền; Văn nghệ Quân đội đã và đang gắn bó với ba thế hệ gia đình tôi - Trần Điền; Tôi đã đưa Văn nghệ Quân đội về lại làng mình - Thái Huy Lĩnh; Ông già ngồi xe lăn bên gốc đại Nhà số 4 - Đoàn Văn Mật; Đồng hành với người lính - Vũ Thành Duy.

Bìa 1: Nắng về Nhà số 4

Ảnh, thiết kế và trình bày: Duy Quang

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)