50 năm trước, để tránh cuộc tập kích bằng B52 vào Thủ đô Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã thực hiện kế hoạch sơ tán về các vùng nông thôn để đảm bảo an toàn. Toà soạn Văn nghệ Quân đội khi ấy đã sơ tán về xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Tây, một địa phương cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km.
50 năm đã trôi qua, nhưng những người dân Hương Ngải vẫn nhớ những câu chuyện về các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội khi về với nhân dân, duy trì toà soạn trong một làng quê nông thôn với sự đùm bọc chở che của những người dân chân chất mộc mạc nhưng luôn đậm đà tấm chân tình.
Nhà phê bình Ngô Thảo, người khi ấy vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, vừa mới được điều về Văn nghệ Quân đội đã nhanh chóng bồng bế gia đình cùng cơ quan về Hương Ngải sơ tán. Hôm nay, ông cùng với các nhà văn Văn nghệ Quân đội về lại Hương Ngải trong sự bồi hồi.
Các nhà văn của Văn nghệ Quân đội ngày ấy như Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Khải, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Thị Như Trang… đều đã đưa cả gia đình về Hương Ngải tạm cư vài tháng. Mỗi gia đình được gửi vào một nhà dân, sinh hoạt quây quần cùng bà con trong các xóm nhỏ. Hôm nay, sau 50 năm, đại đa số những nhà văn, nhà thơ ngày ấy đã về với thế giới người hiền, chỉ còn nhà phê bình Ngô Thảo trở về bồi hồi bên những kỉ niệm xưa. Ông đọc to những trang sách mình viết về những ngày ở Hương Ngải cho lãnh đạo và đại diện các ban ngành của xã cùng nghe và ôn lại những kỉ niệm của quê hương.
Nhà phê bình Ngô Thảo đọc lại một số đoạn trong cuốn sách ông viết về những ngày ông và các nhà văn, nhà thơ Văn nghệ Quân đội ở Hương Ngải tại Hội trường UBND xã với thế hệ lãnh đạo Hương Ngải hôm nay.
Theo chia sẻ từ đại diện lãnh đạo xã Hương Ngải, ngày ấy Hà Nội có 60 vạn dân, đã tổ chức sơ tán 30 vạn về các vùng quê để tránh các đợt tập kích bằng B52 của Mĩ vào trung tâm Thủ đô. Và trong những cơ quan về Hương Ngải, xã có vinh dự được đón các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội về sinh hoạt, sáng tác và công tác.
Trong đoàn về Hương Ngải cùng chúng tôi có sự hiện diện của Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cũng là một người con của Hương Ngải. Năm 1972, Trung tướng Phí Quốc Tuấn còn là một cậu bé, thấy các cán bộ, nhà văn, nhà thơ về địa phương đã rất ngưỡng mộ và thấy vinh dự khi quê hương mình là nơi dừng chân của các cơ quan trung ương. Nói về việc Văn nghệ Quân đội về Hương Ngải 50 năm trước ông cho rằng, “nói là sơ tán cũng đúng mà nói là đơn vị đã đóng quân trên địa bàn cũng đúng”. Trung tướng Phí Quốc Tuấn cũng bày tỏ mong muốn quan hệ giữa địa phương và Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày thêm gắn bó, và nếu có thể tổ chức một hoạt động văn hoá, văn học nào đó để tăng cường sự kết nối và hiện diện của các nhà văn với thế hệ trẻ địa phương, như là gây dựng một điểm đọc sách tại nhà văn hoá hay tại các trường học.
Anh Vũ Minh Hải - Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, Hương Ngải có diện tích 479 ha, trong đó có hơn 100 ha đất ở với 10 nghìn dân. Theo sự phân chia trước đây, Hương Ngải gồm 9 thôn, khi sơ tán về Hương Ngải, các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội chủ yếu ở thôn 6. Từ năm 2021, theo địa giới hành chính mới, xã phân thành 5 thôn. Hương Ngải có 10 chi bộ với 280 đảng viên. Trường THCS của xã đạt chuẩn mức 2, trường tiểu học và mầm non đạt chuẩn mức 1. Trong các cuộc kháng chiến, Hương Ngải có 180 liệt sĩ, 31 mẹ Việt Nam anh hùng. Xã cũng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kì chống Pháp năm 2002. Năm 2014 Hương Ngải được công nhân là xã Nông thôn mới. Năm 2021, xã được công nhân là xã Nông thôn mới nâng cao, là 1 trong 2 xã đạt danh hiệu này của toàn huyện Thạch Thất. Hiện nay tổng thu nhập đầu người của xã Hương Ngải đạt 74 triệu đồng/ người/ năm.
Còn Bí thư Đảng uỷ xã Hương Ngải Vương Thị Thảo bồi hồi nói về những năm tháng các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội về với Hương Ngải. Đó là những câu chuyện mà cho đến hôm nay, sau 50 năm dân làng vẫn còn nhắc mãi.
Nhà phê bình Ngô Thảo tặng tác phẩm cho đại diện lãnh đạo xã Hương Ngải, chị Vương Thị Thảo - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch và anh Vũ Minh Hải - Chủ tịch UBND, Phó Bí Thư Đảng uỷ.
Chúng tôi đến thăm một ngõ nhỏ, nơi từng có nhiều nhà văn Văn nghệ Quân đội từng lưu trú những ngày về Hương Ngải. Nhà văn Ngô Thảo bùi ngùi khi gặp lại những cố nhân xưa. Ông bồi hồi nhớ về những con đường làng quanh co, nơi ngày ngày ông đạp xe chở con gái đi học. Cũng chiếc xe đạp ấy đã giúp ông đi về chặng đường mấy chục cây số giữa Hà Nội và Hương Ngải. Đặc biệt hơn, dù lâu không về lại nhưng những người dân nơi đây vẫn nhớ từng nhà văn đã từng ở nhà mình. Chị Thảo cho biết, ngày ấy chị còn chưa ra đời, nhưng nghe các cụ kể lại, khi các nhà văn Văn nghệ Quân đội về địa phương các gia đình đều nhường nhà trên cho khách còn gia chủ lui xuống nhà ngang. Xóm Đông cũng là xóm mà các nhà văn của Văn nghệ Quân đội ở nhiều nhất, sau đó đến xóm có nhà thơ Thanh Tịnh ở.
Ngôi nhà xưa của gia đình cụ Nghiêm Thiện Giảng là một gia đình như thế. Gia đình cụ ngày ấy vẫn được gọi với cái tên nôm là cụ giáo Bô. Hiện nay con cháu cụ, theo thời thế đã sinh cơ lập nghiệp, làm ăn ở trung tâm Hà Nội, nhưng ngôi nhà xưa vẫn được giữ nguyên nếp nhà, một ngôi nhà hiện đại được xây dựng liên kề để con cháu tiện bề sinh hoạt khi về quê hương. Một người cháu của cụ mở cửa mời chúng tôi thăm lại ngôi nhà mà các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội từng ở, giờ đây, dù không còn sử dụng vẫn được gia đình gìn giữ như một vật chứng. Cách đó vài bước chân là gia đình cụ Phó Ba. Bà Vương Thị Lục, 85 tuổi, khi xưa là con dâu của gia đình cụ Phó Ba cho biết, khi đó nhà văn Nguyễn Khải của Văn nghệ Quân đội cùng vợ con đã ở gia đình bà. Dù nửa thế kỉ đã trôi qua, các cụ chủ nhà cũng đã khuất núi, nhà văn cũng đã về bên kia thế giới nhưng cụ vẫn nhớ những ngày các nhà văn về với Hương Ngải.
Thăm lại xóm xưa, nơi có các gia đình mà các nhà văn, nhà thơ về sinh sống.
Năm 1972, khi các nhà văn Văn nghệ Quân đội sơ tán về Hương Ngải, những người dân nơi đây đã sẵn sàng chia sẻ nơi ăn chốn ở, giúp các nhà văn, nhà thơ ổn định để sáng tác và phục vụ nhiệm vụ chính trị, đảm bảo duy trì từng số tạp chí đều đặn đến với bạn đọc Quân đội và cả nước. Nhà văn Vũ Cao khi ấy ở nhà ông Vũ Văn Thọ, là bác ruột của ông Vũ Duy Tường - Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Hương Ngải ngày nay.
Ông Tường cũng vẫn còn nhớ mối thâm tình giữa Hương Ngải và Tạp chí Văn nghệ Quân đội khi những lần xã có công to việc lớn, ông thường được phân công đại diện ra Lý Nam Đế mời đại diện Văn nghệ Quân đội về dự lễ chia vui cùng địa phương. Ông Tường còn nhớ, khi ra toà soạn Văn nghệ Quân đội còn được các nhà văn nhà thơ Nhà số 4 dẫn ra bia hơi vỉa hè chiêu đãi, rất dân dã nhưng cũng đầy tình cảm.
Chiều muộn ở Hương Ngải, chúng tôi cùng chị Thảo dạo qua đình làng, ghé Võ chỉ, Văn chỉ và thăm quán Nghinh Hương nơi đầu làng nằm bên con đường có hàng cây xà cừ cổ thụ chạy dọc cánh đồng bát ngát. Quán Nghinh Hương là nơi đón các sĩ tử đỗ đạt về làng. Đây là di tích văn hoá cấp Thành phố của Hương Ngải. Di tích này đã chứng tỏ một điều, Hương Ngải rất trọng chữ và trọng hiền tài. Địa phương có truyền thống lâu đời rất trọng nghề giáo. Ở đây từ xưa vẫn tồn tại quan niệm “nếu đỗ quan sang thì tốt, không thì về làm nhà giáo”, bởi thế tỉ lệ người làm giáo viên ở Hương Ngải cũng rất cao, trong đó có nhiều người giữ các cương vị hiệu trưởng, hiệu phó các trường học. Chị Vương Thị Thảo tự hào cho biết, người Hương Ngải xưa đỗ đạt ra làm quan cũng rất nhiều, đến nỗi nơi đây còn tương truyền câu ca như một niềm tự hào: Hương Ngải ông nghè nhiều như lá tre.
Trước khi chia tay, Bí thư Đảng uỷ Hương Ngải đã đọc cho chúng tôi nghe 4 câu thơ mà người dân Hương Ngải vẫn lưu truyền đến hôm nay để nói về truyền thống hiếu học của con em xã nhà các thế hệ:
Hương Ngải có quán Bảy Cây
Có gò Nhật Tự đời đời mở mang
Muốn cho học giỏi quan sang
Thì năng bồi đắp bờ ngang cho đầy
Trên đường về, Thượng tá Nguyễn Công Hải - Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất nói với chúng tôi, Hương Ngải là địa phương giàu truyền thống cách mạng của huyện Thạch Thất, cũng là xã luôn đi đầu trong mọi phong trào, công tác quân sự của địa phương. Đảng uỷ, UBND xã với Ban Chỉ huy quân sự huyện luôn có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác để hoàn thành mọi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nhà phê bình Ngô Thảo và đại diện Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch Thất tặng sách cho địa phương.
Về Hương Ngải, sau 50 năm, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự chân chất, mộc mạc của những người dân nơi đây, những người đã sẵn sàng sẻ chia với các nhà văn, nhà thơ, sẵn sàng dành những điều kiện tốt nhất để đãi khách văn về làng cách đây tròn nửa thế kỉ.
Hà Nội và cả nước đang có nhiều các hoạt động kỉ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Khắp mảnh đất Thủ đô và khu vực xung quanh Hà Nội vẫn còn nhiều dấu tích về chiến thắng, nhiều kỉ niệm về những ngày quân và dân miền Bắc đối mặt với pháo đài bay. Và ở một góc làng quê yên bình Hương Ngải cũng đã trở thành nơi lưu giữ những kỉ niệm về những ngày bộ đội và nhân dân góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vang dội ấy.
Một số hình ảnh quê hương Hương Ngải hôm nay:
Trẻ em Hương Ngải hôm nay.
Trước cổng gia đình cụ Phó Ba, nơi khi xưa gia đình nhà văn Nguyễn Khải từng ở. Bà Vương Thị Lục (giữa) , dù đã 85 tuổi vẫn nhớ những ngày các nhà văn về Hương Ngải ở trong các gia đình, trong đó có gia đình bà.
Dù đã 50 năm, Hương Ngải vẫn giữ được những nét truyền thống của làng quê xưa với những bờ tường đá ong, những mái ngói âm dương xen kẽ màu xanh cây lá.
Ngôi nhà của cụ Nghiêm Thiện Giảng vẫn được con cháu giữ lại khi xây dựng nhà mới, hiện vẫn được bảo tồn như một chứng tích.
Quán Nghinh Hương ở đầu làng Hương Ngải, biểu thị cho truyền thống hiếu học của người dân nơi đây. Khi xưa, quán được xây dựng để nghênh đón các sĩ tử đỗ đạt trở về làng.
Các em học sinh Hương Ngải hôm nay vẫn lui tới Quán Nghinh Hương như một địa chỉ văn hoá.
Bên di tích Võ chỉ tại Hương Ngải.
Bà Vương Thị Lục bâng khuâng nhớ những ngày 50 năm trước khi nhắc về thời gian các nhà văn về Hương Ngải trong giây phút tiễn các vị khách văn.
NGUYỄN XUÂN THUỶ
VNQD