Dòng chảy

‘Vì những người không được bảo vệ’: Còn lại gì sau thảm họa?

Thứ Năm, 17/11/2022 09:46

Nằm trong danh sách những bộ phim chính kịch được công chiếu tại Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam năm 2022 vào thời gian vừa qua, Vì những người không được bảo vệ - In the wake là thước phim đầy nhân bản về nỗi bất lực của con người trước thảm họa. Nhưng dẫu có nhỏ bé đến đâu, đớn đau thế nào, lầm đường lạc bước ra sao, người ta cũng không cô đơn, vì sau tất cả, tình người vẫn còn mãi.

Poster phim tại Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam.

Thảm họa động đất sóng thần xảy ra tại phía Đông nước Nhật đã biến một khu đô thị thuộc tỉnh Miyagi thành bình địa, làm hàng ngàn người mất đi tất cả, nhà cửa, gia đình, người thân… 9 năm sau thảm họa, khu vực này dần lấy lại được nhịp sống vốn có, thiên tai kinh hoàng năm nào, chỉ còn là kí ức. Nhưng đúng thời điểm đó, xuất hiện hai vụ án mạng bí ẩn mà điểm chung nạn nhân đều là nhân viên thuộc phòng phúc lợi xã hội, cùng bị trói và bỏ đói cho đến khi tử vong. Nghi phạm được xác định, một kẻ có tiền án phóng hỏa và hành hung có tên Yasuhisa Tone, song phía điều tra lại không đủ chứng cứ để kết tội hắn. Giữa lúc ấy, án mạng thứ ba lại sắp xảy đến…

Bi kịch sau thảm họa

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nakayama Shichiro, bộ phim Vì những người không được bảo vệ lấy bối cảnh miền Đông nước Nhật, cụ thể là một khu thành thị thuộc tỉnh Miyagi 9 năm sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng năm 2011. Thảm họa qua đi, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhưng vật chất, theo thời gian cũng có thể dần gây dựng lại được trên nền đống đổ nát hoang tàn xưa kia. Chỉ có di chứng đau thương và những mất mát của con người là còn mãi. Để rồi, người ta như nhận ra, sau thảm họa, thứ bi kịch đời sống, bi kịch đời người mới thật sự bắt đầu, kéo dài đằng đẵng.

Người ta mất đi tất thảy những gì họ trân quý nhất, người thân lẫn cuộc sống bình nhật. Người ta chỉ còn là một cá thể như đánh mất một phần tâm hồn, lặng lẽ, cô độc giữa dòng đời. Như cách thanh tra Tomashino Seiichiro, sau cái chết của vợ con, luôn nhìn vào chiếc đồng hồ của cậu con trai quá cố mà sống một đời khắc kỉ tới mức cay nghiệt với bản thân lẫn cả đồng nghiệp xung quanh. Hay như cô bé Kiyohara Kaya bơ vơ, thứ duy nhất còn lại, chỉ là chiếc áo khoác vàng mẹ cô bé mua cho.

Đó còn là bi kịch của ý thức hệ khi người ta đau đớn mà nhận thức rằng, con người nhỏ bé trước tạo hóa đến thế nào. Người ta bất lực trước thảm họa, thiên tai, cũng bất lực trước việc cứu chuộc sinh mệnh cho từng cá nhân riêng lẻ sống trên cõi đời. Và còn gì đau xót hơn, khi những người trực tiếp làm công việc cứu vớt các mảnh đời gian khó, lại phải “chọn lựa” để cứu ai hay từ bỏ ai. Kiyohara Kaya, trong hiện tại đã thấm thía nỗi bất lực ấy cũng như những nạn nhân của vụ án mạng liên hoàn vốn đã hay đang làm việc tại phòng phúc lợi xã hội, đã thấm thía điều đó từ quá khứ 9 năm trước rồi.

Bi kịch trong thảm họa, bi kịch sau thảm họa và bi kịch buổi hôm nay, trước thứ niềm tin vỡ vụn, trước thứ lòng tốt cân đo đong đếm khiến người ta chỉ thấy nửa vời, trước thứ hiện thực chính con người đang lợi dụng lòng tốt của con người. Nên có lẽ chăng, xuyên suốt thời lượng 134 phút của bộ phim Vì những người không được bảo vệ, thảm họa chỉ là duyên cớ để biên kịch Tamio Hayashi cùng đạo diễn Takahisa Zeze khắc họa mặt trái về những con người, vẫn luôn yếu đuối trước tự nhiên và đồng loại.

Bởi thế, án mạng xảy đến, cũng chỉ là hệ quả tất yếu của tất thảy dồn nén bi kịch nhân sinh, bi kịch bao kiếp đời yếu đuối, bé mọn ở dưới đáy cùng xã hội đấy.

Hận thù và bảo vệ

Mang hình thức một bộ phim trinh thám điều tra phá án lấy bối cảnh một vùng miền nước Nhật hậu thảm họa, Vì những người không được bảo vệ là một thước phim được tạo dựng chặt chẽ trên cấu trúc lớp lang truyện lồng truyện.

Giữa quá trình điều tra án mạng liên hoàn hôm nay, là quá khứ bi kịch xưa kia. Trong kí ức của người này, lại lưu dấu cả bóng hình của người khác. Dòng thời gian 9 năm quá khứ có những đứt gãy từ thảm kịch tới hơi ấm của những kẻ cùng khổ đến ngày sự ấm áp của quá khứ bị hiện thực nghiệt ngã chôn vùi. Để khi mọi chuyện đã ngã ngũ, người ta mới lặng người đi, vì tất thảy, tựa một sự sắp xếp đầy trêu ngươi của tạo hóa. Hoặc chính con tạo xoay vần như vậy, để thử thách lòng người chăng?

Nếu như Yasuhisa Tone và Kiyohara Kaya vốn từ thảm họa mà quen biết rồi dần trở nên thân thuộc qua cây cầu nối có tên bà lão Kei Toshima thì với thanh tra Tomashino Seiichiro hai con người đó, lại chỉ là những mảng kí ức lướt qua. Nhưng cuối cùng, họ đều gặp nhau nơi giao điểm: nạn nhân sau thảm kịch cùng nỗi hằn thù với cuộc đời lẫn bản thân. Hận thù cuộc đời bất công, hận thù những kẻ đi cứu giúp người khác bằng thứ lòng tốt nửa chừng, hận thù chính mình bất lực...

Mà chính sự hằn thù ấy, khiến người ta lạc lối rồi lần nữa, đẩy người ta tới bi kịch cuộc đời. Vì tất thảy sự thù địch, đều xuất phát từ trái tim con người mong manh, khổ đau, hối hận khi chẳng thể bảo vệ được người mình yêu quý. Cho nên, người ta chỉ còn biết phong kín tình cảm hay trút sự giận dữ đến những cá nhân, họ coi là ngọn nguồn bi kịch. Như cách thanh tra Tomashino cô độc bao năm hay như cách, Tone phóng hỏa cả trụ sở của phòng phúc lợi xã hội hoặc chính là những án mạng liên hoàn đang diễn ra.

Là một bộ phim thuộc thể loại điều tra phá án nhưng ở Vì những người không được bảo vệ, chất trinh thám lại không quá mạnh mẽ bởi không khó để khán giả nhận biết danh tính hung thủ lẫn động cơ gây án của hắn. Tuy nhiên, hơn cả một câu chuyện trinh thám được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh, thước phim Vì những người không được bảo vệ bao chứa bao vấn đề nhân sinh nhức nhối.

Về mặt trái của công tác phúc lợi xã hội, ai mới thật là người, cần nhận sự giúp đỡ đây? Con người bé nhỏ, sức người có hạn, có thể làm gì cho những số phận bất hạnh khác? Giữa cuộc sống còn nhiều cay đắng, những trái tim cô độc tìm đến nhau để nhận về hơi ấm. Nhưng khi ấm áp qua đi, thậm chí là bị tước đoạt, họ có quyền gì cướp đi hơi ấm những số kiếp khác?

Ngôn ngữ điện ảnh trong bộ phim

Tập hợp dàn diễn viên giàu thực lực của xứ sở hoa anh đào, qua tay một đạo diễn kì cựu và bản thân diễn viên Takeru Satoh (vai Yasuhisa Tone) đã từng làm việc với đạo diễn Takahisa Zeze trong bộ phim điện ảnh Cô dâu đợi chờ 8 năm trước đấy; có thể nói, 134 phút của thước phim Vì những người không được bảo vệ đã chuyển tải một cách trọn vẹn nhất ngôn ngữ văn chương của tác giả Nakayama Shichiro bằng lợi thế của ngôn ngữ điện ảnh.

Điều đó, thể hiện rõ ngay từ màu phim thường rất tối cho một tác phẩm vừa là trinh thám, lại vừa lấy bối cảnh hậu thiên tai. Nhưng khi mọi chuyện qua đi, Tomashiro và Tone có thể đối diện với nhau trước sóng biển vỗ ì ào, sắc tươi sáng đã trở về ẩn hiện giữa biển khơi như gánh nặng quá khứ đè trên vai những người vẫn mãi sống trong khổ đau, có thể hạ xuống.

Chất điện ảnh, còn thể hiện ở hàng loạt cảnh quay, trường đoạn trong bộ phim Vì những người không được bảo vệ. Sự phối kết hợp giữa góc máy rộng, thu về toàn cảnh thảm họa bên cạnh góc máy hẹp di chuyển liên tiếp giữa những không gian “trong nhà”: trại tập trung, ngôi nhà lụp xụp của bà Toshima Kei, hiện trường vụ án, bãi đỗ xe, phòng phúc lợi, phòng thẩm vấn... thu về những nét đặc tả nhân vật. Trong không gian hẹp, những tiếng khóc trần trụi của các kiếp người cùng khổ lại càng thêm nhức nhối. Tất thảy, thực sự đã tái hiện lên cả một không khí đầy bí bách khi mà thảm họa đã qua đi, con người vẫn không thôi sống trong bi kịch.

Nhiều cảnh quay mang tính ẩn dụ mạnh mẽ như bóng hình cô gái lặng lẽ múa dưới ánh đèn sáng tối trước những băng ghế trống trơn; chỉ có Tone và Kaya ngồi quay lưng lại với nhau. Tựa kiếp người cô độc, tựa ranh giới đúng sai mong manh và tựa như những con người từng thân thiết, nay đã không còn chung đường sau sự tan vỡ của niềm tin.

Đặc biệt, lối dựng phim song song quá khứ và hiện tại, kí ức nhân vật này chồng lấn lên kí ức nhân vật kia bên cạnh cách dựng nối tiếp truyền thống quả thực, là sự tận dụng tối đa lợi thế điện ảnh của đạo diễn Takahisa Zeze trong việc triển khai tình tiết, phát triển cốt truyện. Nhất là qua những trường đoạn sắp xếp đan xen giữa các đứt gãy thời gian, khoảng trắng xuất hiện để khán giả dần ý thức, mỗi cá nhân trong câu chuyện điện ảnh dài 134 phút đó, ai cũng đều mang nặng khổ đau cùng một phần kí ức khó thể sẻ chia. Vì những người không được bảo vệ, và vì những kiếp đời cô độc, lầm lũi bước đi giữa dòng đời nhiều cay nghiệt này.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)