Dòng chảy

'Tro tàn rực rỡ' giữ được hồn cốt văn chương Nguyễn Ngọc Tư

Thứ Hai, 05/12/2022 13:02

Vừa được trao tặng giải thưởng cao nhất Kinh khí cầu vàng của Liên hoan phim Ba Lục Địa tại Pháp, Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được ghi nhận bởi giới chuyên môn. Đây cũng là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải ở hạng mục chính của Liên hoan phim Quốc tế Tokyo.

Được chuyển thể từ 2 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong tập truyện Đảo (2015) là Củi mục trôi vềTro tàn rực rỡ, tác phẩm sau hơn một thập kỉ quay lại với điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên có nhiều yếu tố đem đến thành công. Một trong số đó là nguyên tác quá hay của Nguyễn Ngọc Tư, ngoài ra còn cân bằng được yếu tố nghệ thuật cũng như đại chúng, tuy thế vẫn rất đậm dấu ấn riêng biệt của đạo diễn.

Kể về 3 cặp nhân vật ở xóm Thơm Rơm thuộc vùng đất hư cấu Thổ Sầu, bộ phim cho thấy thân phận, cuộc sống cũng như các mối quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà Tây Nam Bộ. Liệu một gia đình hoàn hảo như Tam - Nhàn có luôn hạnh phúc? Và liệu cô gái từng bị cưỡng hiếp, và rồi hóa điên như Loan có thể quên đi quá khứ và rồi bao dung với tên phạm nhân đã biết quay đầu?

Hơn 2 giờ phim, Tro tàn rực rỡ bằng 2 mạch truyện và 3 tuyến nhân vật đã khai thác được những nghịch lí này trong chuyện tình yêu. Từ đó mở ra một góc nhìn khác về bài học chấp nhận, tha thứ cũng như bao dung… trong ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Ngọc Tư và chất điện ảnh của Bùi Thạc Chuyên.

TÁC PHẨM KIỆM LỜI

Dù được chuyển thể từ khoảng 30 trang sách, thế nhưng dấu ấn của Nguyễn Ngọc Tư trong tác phẩm này vẫn được bảo toàn. “Đồng hội” cùng với phong cách “chỉ nói khi cần”, nên lời thoại trong Tro tàn rực rỡ đã được tiết chế đến mức tối đa. Nhân vật trong tác phẩm này có khi không nói câu gì, gần như im lặng (như Dương, như Khang) hoặc chỉ độc thoại nội tâm (như Hậu)… Tuy thế qua đó các biểu cảm, hình thể… dần đóng vai trò chủ chốt, giúp cho khán giả được dẫn sâu hơn vào trong hạt nhân, nơi đó mỗi người sẽ tự theo đuổi suy tư của riêng chính mình.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cân bằng được tính đại chúng cũng như nghệ thuật có phần ấn tượng. Xuyên suốt bộ phim những khung cảnh đặc tả vị thế nhỏ bé của con người trong cuộc sống này khá độc đáo. Như khi Dương leo trèo trên những dây căng lưới xa tít ngoài biển, hay khi Hậu chạy ghe ra tới biển lớn… tạo được một sự hoang hoải, một niềm hi vọng tưởng chừng vô vọng, trong việc tái lập sự đối đầu giữa cái mênh mông và thân xác nhỏ bé.

Lê Công Hoàng và Bảo Ngọc Doling có hai vai diễn ấn tượng trong Tro tàn rực rỡ. 

Nếu cặp Dương - Hậu lấy nhau chỉ vì sai lầm trong cuộc tiệc rượu, đại diện cho nước, Loan - Khang như khúc củi mục lang thang vô định, thì Tam - Nhàn là một hạnh phúc rực cháy, thể hiện cho lửa. Khác với nguyên tác, Bùi Thạc Chuyên tìm được sợi dây giao cắt của hai tuyến nhân vật, từ đó thêm phần kịch tính cho câu chuyện, khiến nó thu hút và dễ theo dõi hơn.

Mối quan hệ của hai nhân vật nữ ban đầu tưởng chừng có phần quen thuộc với Cánh đồng bất tận, khi đầy ghen ghét cũng như đố kỵ, nhưng càng về sau, tác phẩm của Bùi Thạc Chuyên sẽ lại đi sâu vào các ngã rẽ tâm lí, với các phức cảm khó bề nhận định một cách rõ ràng.

Trong sắc lam lạnh của màu bộ phim, bên cạnh tính kiệm lời thiên về biểu cảm, ngôn ngữ hình thể… thì tính mập mờ cũng như “đục lỗ” kịch bản cũng được Bùi Thạc Chuyên giữ đến cuối cùng. Bằng phương pháp này, khán giả sẽ làm chủ được suy tư của mình, mà không bị dẫn theo các sắp đặt sẵn đã tính toán trước.

Kế thừa vẻ đẹp trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, Tro tàn rực rỡ tìm thấy vẻ đẹp ở trong bi kịch, sự phá hoại và cái điên loạn của chính con người. Nhiêu lần phá nhà là bấy nhiêu lần ngọn lửa cơi lên, và chính khán giả là người cảm thấy sức nóng, thấy cái vô vị và không vững chắc trong cuộc đời này. Giả tạm như nước, vô định như củi, cuồng nhiệt như lửa… thế nhưng trường tồn mãi mãi hay sẽ chia lìa như trăm sông rồi cũng về biển?

Ngoài việc thể hiện được tính văn chương của Nguyễn Ngọc Tư với các hình tượng độc đáo, đẹp đẽ… thì dàn diễn viên của Tro tàn rực rỡ cũng đã có màn thể hiện ấn tượng. Trong đó Lê Công Hoàng (vai Dương), Bảo Ngọc Doling (vai Hậu) và NSƯT Hạnh Thúy (vai Loan) đã có những màn trình diễn thuyết phục, khi thể hiện được sự đa chiều cũng như nội tâm phức tạp của các nhân vật. Âm nhạc có sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và đàn dây phương Tây vào những giây phút cái đẹp của sự tự hủy lên ngôi, cũng đã hỗ trợ rất tốt cho bộ phim này.

“BỘI THỰC” TRỞ THÀNH HẠN CHẾ

Tuy thế tác phẩm vẫn còn hạn chế ở một vài chỗ. Có thể do bộ phim phải kêu gọi vốn và không có nhiều kinh phí casting, nên các cảnh quay đòi hỏi diễn viên quần chúng… cho thấy một điểm trừ lớn. Việc chưa bộc lộ được cảm xúc của các vai này khiến cho người xem bị dứt ra khỏi mạch cảm xúc chung. Chẳng hạn như khi đám cháy cuối cùng bùng lên ở nhà của Tam, khi máy lia cận vào từng khuôn mặt người dân, thì ánh mắt không có điểm nhìn, liên tục chớp mắt… của những vai phụ làm giảm dần đi sự thuyết phục, cũng như cảm xúc đáng nhẽ phải được truyền tải một cách xuyên suốt.

Bộ phim sở hữu kịch bản ấn tượng từ nguyên tác của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Thứ hai, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn chưa xử lí một cách thật tốt điểm chuyển của các tuyến truyện. Với kịch bản có phần phức tạp gồm 3 tuyến nhân vật và 2 cốt truyện chính, tuy thế những đoạn cắt cúp, chuyển cảnh lại được thực hiện hơi vội, khiến cho cảm xúc thường bị ngắt mạch. Điều này nhẽ ra nên được cải thiện, từ đó giúp cho tác phẩm trở nên thống nhất và xuyên suốt hơn.

Như thể trong Decision to leave vừa thắng toàn bộ đề cử ở giải Rồng xanh năm nay từ đạo diễn Park Chan-wook, ông đã tìm ra nhiều “hình tượng” chung để làm “chìa khóa” cho việc chuyển cảnh. Hoặc bằng những sự thay đổi có phần đột ngột ở trong kịch bản, những đoạn montage cực kì tương phản bằng sự phi lí và thiếu logic làm cho khán giả quên đi mình vừa “nhảy khỏi” không gian, mà chỉ còn lại ấn tượng theo đến cuối cùng.

Thứ ba, cái kết của phim cảm giác vẫn hơi dài dòng. Nếu ngưng ở đoạn nhà cháy một lần sau cuối, khi Dương lần đầu mở miệng nói với vợ mình, thì hẳn cảm xúc sẽ được đẩy lên cho đến cao trào. Tuy thế bộ phim vẫn tiếp tục với phân đoạn cuối, khi Hậu chèo ghe ra biển. Đáng nói đây cũng là cảnh “ăn tiền”, nhưng bị lu mờ bởi những cảm xúc chưa đủ thời gian ăn vào tiếp nhận của khán giả. Phải chăng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuyển cảnh thứ hai ra sau phần after credit, hoặc làm thêm một màn độc thoại dài nữa làm thành đoạn nghỉ của Hậu, thì hẳn cảm xúc đầu tiên có đủ thời lượng khuếch tán, từ đó có đủ “chỗ chứa” cho cảnh sau cùng, tránh được việc tuy rất đắt giá nhưng quá gần nhau dẫn đến hiệu ứng bị giảm nhiều phần.

Tuy thế có thể nói rằng với một bộ phim phải chủ động về tài chính và phải trải qua rất nhiều khó khăn trong khâu thực hiện bởi đại dịch và nguồn kinh phí hạn chế, thì Tro tàn rực rỡ là một tác phẩm đáng xem và đáng ủng hộ. Như Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ, bộ phim thai nghén gần 10 năm trời của Bùi Thạc Chuyên đã thể hiện được cái xương cái thịt ở chiều kích thứ ba mà văn chương của chị vẫn chưa làm được. Với kịch bản tốt, dàn diễn viên ấn tượng cùng phong cách độc đáo của Bùi Thạc Chuyên, đây là tác phẩm đáng xem.

NGÔ TUẤN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)