Dòng chảy

Hội thảo quốc gia định vị giá trị đất nước, con người Việt Nam

Thứ Ba, 22/11/2022 17:33

Một năm sau khi diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc (24/11/2021), một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hoá những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định sẽ được 4 cơ quan (Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp tổ chức. Đó là hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới”. Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 29/11/2022, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 - Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Cùng với đó là các điểm cầu trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí thông tin về hội thảo sáng 22/11, Ban tổ chức cho biết Ban Chỉ đạo đã quyết định nâng cấp hội thảo từ Hội thảo Khoa học lên Hội thảo Quốc gia. Điều đó cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc hội thảo có thể nói là định vị giá trị đất nước, con người Việt nam lần này.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nói về mục tiêu của Hội thảo nhằm tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hoá; hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới, đồng thời Hội thảo cũng xác định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp uỷ, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân trong việc nghiên cứu, xác định và tổ chức thực hiện các hệ giá trị nói trên, góp phần để toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội thảo cũng sẽ xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3, năm 2021. Ảnh: VOV

PGS.TS Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thành viên Ban tổ chức Hội thảo, cho biết, hiện tại Hội thảo đã nhận được trên 80 tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, trong đó có 15 bài tập trung vào các hệ giá trị nói chung, 20 bài tập trung vào con người và chuẩn mực con người Việt Nam; 20 bài về hệ giá trị gia đình Việt Nam, còn lại là các tham luận về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá. Bước đầu thẩm định cho thấy, cơ bản các tham luận đảm bảo chất lượng. Các tham luận đã làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị, vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân, vai trò của các ngành, các cấp trong việc xây dựng và bảo tồn các hệ giá trị. Các tham luận cũng đi sâu phân tích, giải thích cặn kẽ các giá trị và đưa ra các giải pháp giữ gìn, phát huy các hệ giá trị đó. Hơn 80 tham luận dù có góc độ tiếp cận, kiến giải khác nhau nhưng tựu chung đều thống nhất nêu bật các thành tố căn bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới. Ban tổ chức Hội thảo đã tập hợp các tham luận, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật biên tập, in ấn thành cuốn kỉ yếu phục vụ Hội thảo.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc tổ chức Hội thảo Quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới” nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra trong bài phát biểu kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3, năm 2021. Đây cũng là dịp để nhìn nhận các giá trị văn hoá trong thời kì hội nhập phát triển đã được gìn giữ, bảo tồn và phát huy như thế nào. Đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị trong thời điểm hiện nay, xác định rõ trọng tâm để hướng tới việc thực hiện có hiệu quả. Đó cũng là nhu cầu bức thiết đặt ra trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cùng với 3 đơn vị đồng tổ chức, phối hợp với một số cơ quan đơn vị chuẩn bị khá đầy đủ cho Hội thảo quan trọng này với sự vào cuộc của hàng trăm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hoá, nhà quản lí, các nhà lãnh đạo và đại diện UNESCO tại Việt Nam, đó là một sự nỗ lực lớn.

Có thể nói, phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3, năm 2021 đã khẳng định: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hoá là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Việc xây dựng và phát triển văn hoá cần phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021. Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngay từ chuẩn bị khi thành lập Đảng, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá trong sự phát triển của đất nước, của dân tộc, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến việc phải phát triển văn hoá. Đến năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra Đề cương văn hoá Việt Nam xác định văn hoá là một trong ba mặt trận để chủ trương phát triển theo hướng Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Đến năm 1946, ngay khi nước nhà vừa giành độc lập được một năm, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói thêm rằng: "Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lí của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lí tưởng tự chủ, độc lập. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình". Đến năm 1948, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 đã được tổ chức. Từ đó đến nay, sau hơn 70 năm, một Hội nghị Văn hoá toàn quốc mới lại được tổ chức ở thời điểm mà công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì hội nhập đặt ra những đòi hỏi khách quan và cấp thiết cần nhìn nhận cụ thể và khoa học về nền văn hoá Việt Nam. Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 3 diễn ra, Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kì mới” được tổ chức lần này sẽ như một hoạt động nhằm định vị lại các giá trị của đất nước, con người Việt Nam.

Đứng trước thời cơ và thách thức mới, trong tầm nhìn phát triển đất nước, chúng ta phải tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển, văn hoá thực sự soi đường cho quốc dân đi nhằm phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, phát huy tiềm lực con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)