Tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm tranh Anh Em vol.2 của nhóm các hoạ sĩ: Vũ Thái Bình, Cấn Mạnh Tưởng, Nguyễn Cao Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Lê Thế Anh.
Có xuất phát điểm chung từ ngôi trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội, năm hoạ sĩ với năm cá tính, phong cách khác nhau làm nên những dấu ấn riêng nhưng họ gặp nhau ở quan niệm nghệ thuật.
Gần 40 bức tranh được trưng bày ở triển lãm đã cho thấy, với mỗi hoạ sĩ, họ đều vẽ bằng sự trải nghiệm sâu sắc với đời sống và sự gắn bó với con người. Dù lựa chọn phong cách, đề tài nào thì các hoạ sĩ cũng hướng đến sự biểu đạt chân thực nhất cảm xúc của chính mình qua mỗi tác phẩm.
Họa sĩ Vũ Thái Bình cho thấy sự giản dị nhưng đầy tình cảm trong chất liệu giấy dó. Những không gian thuần khiết, trong veo, tĩnh lặng đã cuốn hút anh. Những tác phẩm như Cái vó bè, Ngày mới trên Mù Căng Chải, Chiều dần buông, Ngày mới đã phần nào cho thấy đề tài mà anh quan tâm. Không phải là những câu chuyện mới nhưng anh đã kể cho công chúng nghe theo một cách riêng trong từng nhát cọ, trong sự tinh tế đến nôn nao của các vệt mầu. Vũ Thanh Bình hoà sắc cho các tác phẩm một cách rất dịu êm, tự nhiên và đầy lắng đọng.
Cấn Mạnh Tưởng một lần nữa khẳng định mình với chất liệu sơn mài. Am hiểu sâu sắc văn hoá miền núi, anh đi sâu vào những vẻ đẹp của tự nhiên và con người nơi đây với những khám phá riêng biệt để có một miền núi của riêng mình. Đó không chỉ là một miền núi đặc trưng qua vẻ bề ngoài mà ai cũng có thể quan sát thấy, mà còn là một miền núi đã được cảm nhận, được trải nhiệm và phóng chiếu nhiều lần qua tâm hồn người nghệ sĩ. Sự chắc chắn trong hình, mảng; sự tính toán kĩ lưỡng trong nhịp điệu, trong tuyến tính của nét; sự chỉn chu, kì công trong kĩ thuật sơn mài mang đến cho những tác phẩm của anh một sự dày dặn, nội lực, lộng lẫy.
Nguyễn Cao Hoàng coi hội hoạ như là sự trở về. Trở về với niềm đam mê đích thực, trở về với những dự định dở dang và trở về với nguồn cội của một gia đình giàu truyền thống hội hoạ. Với sự trở về mang nhiều ý nghĩa ấy, qua những tác phẩm như Quỳnh, Vườn chiều, Chiều Sơn La, Hoa loa kèn đỏ, Chiến mã... anh cho thấy được diện mạo hội hoạ của mình. Là người có kĩ thuật sơn dầu vững vàng cùng một tư duy sáng tác độc lập nên dù đang ở chặng đường mới thì anh vẫn khẳng định được nét riêng. Tranh của anh thiên về sự nội tâm, triết lí mà ở đó ta thấy có sự dữ dội của bản thể kết hợp với lối vẽ siêu thực đầy ấn tượng.
Với bộ 4 bức tranh mang tên Sớm vùng cao, hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn cho thấy một sự bao quát khung cảnh bằng góc nhìn riêng, tạo ra không gian mênh mông, vô tận. Tranh của anh thiên về cảm giác nội tâm khi anh tái hiện lại cảm xúc của mình trong khoảnh khắc rung động trước tự nhiên. Mỗi tác phẩm đều gợi lên nhiều suy ngẫm về thời gian, không gian, sự biến đổi của cảm quan con người trước mỗi thời khắc nhất định. Nguyễn Ngọc Tuấn rất tinh tế trong việc tạo ra không khí cho tác phẩm của mình. Về bút pháp, anh quan tâm đến tính mảng miếng, sự chập chờn, không rõ ràng được anh sử dụng một cách hài hoà. Phong cách hiện thực pha trộn ấn tượng được anh thể hiện một cách rất hiện đại cho dẫu đề tài và cách thể hiện lại mang tính trữ tình, truyền thống. Điều này, vô hình chung lại tạo ra một cảm giác rất mới khi ta quan sát những bức tranh của anh.
Hoạ sĩ Lê Thế Anh là người vẽ nhiều về đề tài và chân dung miền núi với những tác phẩm ấn tượng như: Đôi chim vành khuyên, Mùa đông sắp qua, Khúc đồng dao màu lam, Hoa mộc miên của núi. Với phong cách hiện thực nhưng hoạ sĩ đã vẽ bằng trí tưởng tượng đầy sáng tạo, không phụ thuộc vào khuôn mẫu. Mỗi đường nét của nhân vật được tạo tác bằng một hình dung độc đáo với sự hình tượng hoá cao. Mỗi tác phẩm đều toát lên những tình cảm vừa sôi nổi, vừa lắng sâu trong từng đường nét, sắc màu…
Triển lãm Anh Em vol.2 kéo dài đến ngày 23/11/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
HOÀI PHƯƠNG
VNQD