Kỉ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), sáng 15/12 Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề: Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để chia sẻ những thước phim, hình ảnh lịch sử, câu chuyện cũng như nhấn mạnh vai trò của báo chí trong chiến dịch này.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà báo lão thành, những người trực tiếp trải qua những ngày tháng hào hùng ấy, bên cạnh đó còn có sự góp mặt của những nhân chứng lịch sử, những phi công trực tiếp tham gia chiến dịch và bắn rơi máy bay B-52 của quân đội Mĩ.
Các nhà báo, phóng viên, quay phim ở các cơ quan báo chí khi ấy đã không ngại hiểm nguy để góp phần không nhỏ vào sự kiện quan trọng. Trong một thời gian dài họ đã xung kích, không ngại hiểm nguy, hòa mình vào cuộc chiến lịch sử của dân tộc để thông tin, cổ vũ những chiến thắng, tham gia mạnh mẽ vào việc động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia đấu tranh, cũng như góp phần quan trọng vào việc đối ngoại, tác động vào việc giành chiến thắng trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao.
Tọa đàm là dịp để công chúng được nghe các nhà báo và các nhân chứng của sự kiện lịch sử "Hà Nội 12 ngày đêm" kể lại những câu chuyện chân thực nhất.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi nói: Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong việc tổ chức cuộc tọa đàm và trưng bày kỉ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nhiều ý nghĩa này. Qua các tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày và qua các phát biểu sâu sắc, tâm huyết tại tọa đàm, các nhân chứng, các nhà báo, chuyên gia, sau năm 50 chúng ta lại có cơ hội tiếp cận rõ hơn, thấy được chính xác hơn những giá trị lớn của câu chuyện kì tích lịch sử này, từ đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo đến những đóng góp của các nhà báo, sự xông pha quyết liệt của những cơ quan báo chí, của các nhà báo lớp trước với vũ khí thông tin sắc bén trong tay đã khiến 12 ngày đêm khói lửa 50 năm trước thực sự trở thành một bài ca chiến thắng về nghề báo, một cống hiến lớn cho sự nghiệp báo chí nước nhà…
Phi công Vũ Đình Rạng, được biết đến là phi công đầu tiên của Việt Nam bắn bị thương “Pháo đài bay B-52” của Mĩ. Ông kể, tháng 7/1969, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô, ông và 12 phi công khác bắt đầu tổ chức tập bay đêm. Việc bay đêm thực sự rất khó khăn, bởi phi công không thể dùng mắt thường để quan sát, hoàn toàn phụ thuộc vào sở chỉ huy mặt đất. Đêm 20/11/1971, ông trực sân bay Dừa ở Anh Sơn - Nghệ An và được lệnh cất cánh. Vũ Đình Rạng bay về hướng có B-52 và bật ra-đa, phát hiện mục tiêu cách khoảng 6km. Với khoảng cách này, việc sử dụng tên lửa không đối không sẽ không hiệu quả nên ông tiếp tục tiến sát mục tiêu. Ông điều khiển chiếc MiG-21 bám sát B-52, khi khoảng cách chỉ còn 2km, ông nhấn nút phóng tên lửa… Năm 1973 đồng chí Phạm Tuân vào nhà tù Hoả Lò lấy lời khai thì phi công Mĩ khai vào thời điểm đó, ngày giừo và địa điểm đó, chiếc B-52 đầu tiên của Mĩ đã dính tên lửa, bị thương và không thể sử dụng được nữa, họ coi ông là người đầu tiên bắn hạ B-52. Năm 2018 khi có cuộc giao lưu giữa hai đoàn phi công Mĩ và Việt Nam, họ nói đêm đó họ không liên lạc được với nhau, người phụ trách ngủ gật nên không biết MiG-21 tấn công, sau đó họ dừng hoạt động 4 tháng để nghiên cứu lại tình tình hình vì họ vốn xem B-52 là không thể công phá. Trong bối cảnh đã có đến 61 nước sử dụng MiG-21, nhưng chưa nước nào làm được điều đó thì Việt Nam là nước đầu tiên làm được.
Kí ức của Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng LLVTND, người đầu tiên bắn rơi B-52 trong 12 ngày đêm Hà Nội, (ông cũng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều máy bay nhất) về những ngày tháng Chạp năm 1972 gần như còn nguyên vẹn. Ông chia sẻ: Chúng tôi được giao bảo vệ những địa điểm trọng yếu của Hà Nội như Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi Bác Hồ yên nghỉ… Tôi từng là chiến sĩ từ Điện Biên Phủ mặt đất nên rất hiểu các loại vũ khí. Trong mọi trận đánh tôi đều tâm niệm làm thế nào để phát huy cao độ nhất khí tài. Qua thực nghiệm chiến đấu tôi nhận thấy không loại vũ khí nào ưu việt tuyệt đối cả mà ta phải biết nó mạnh yếu chỗ nào để khoét sâu vào điểm mạnh điểm yếu đó. Chính điều đó đã giúp chúng tôi hạ được nhiều B-52 của Mĩ. Chúng ta không chỉ cần lòng dũng cảm mà còn cần sự mưu trí, thông minh…
Ông Việt Tùng, người làm phim về B-52 và Hà Nội 12 ngày đêm xúc động chia sẻ: “Không giống như các loại hình khác, làm phim phải có được hình ảnh thật, đây là điều mà chúng tôi trăn trở nhất. Tôi đã từng thất bại trong việc quay lại hình ảnh của máy bay B52, nhưng nhiệm vụ và trách nhiệm không được lùi bước, cuối cùng đã ghi lại được những khoảnh khắc mà đến thời điểm này tôi không thể quên trong 12 ngày đêm rực lửa. Lực lượng làm phim thời đó rất mỏng, vì phải chia ra, một nhóm sẵn sàng tác nghiệp tại Hà Nội và một nhóm đi sơ tán để bảo vệ máy móc thiết bị. Việc đi sơ tán nhằm bảo toàn lực lượng, nếu phóng viên quay phim ở chiến trường không may hi sinh thì còn có người khác thay thế”. Đó là những ngày mà một người làm phim như ông đã xông pha nơi lửa đạn và trở thành một chiến sĩ thực sự, bởi nơi nào có chiến sự là ông có mặt để làm phim với suy nghĩ giản dị, mong được đóng góp nho nhỏ vào sự kiện lịch sử của dân tộc.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai - nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không - Không quân cũng có những câu chuyện của riêng mình. Nhớ lại thời kì tác nghiệp đầy gian khó, hiểm nguy ấy, ông kể: “Ngay sau khi máy bay tấn công vào sân bay Gia Lâm, tôi và đồng nghiệp đã có mặt ở địa bàn, hình ảnh chúng tôi chứng kiến tận mắt và ghi nhận lại là Mĩ dùng máy bay F111 bắn liên tục để phá sân bay, ngay sau khi đạn ngừng, chúng tôi lại trở về toạ soạn đưa tin. Cũng trong đêm, chúng tôi nhận được thông tin máy bay B-52 bị bắn rơi tại Phủ Lỗ, phóng viên được toà soạn cử đi ngay lập tức và yêu cầu khi tác nghiệp phải chụp ảnh bằng được phù hiệu và xác ảnh máy bay rơi, các phóng viên đã hoàn thành nhiệm vụ…”
Những hình ảnh trưng bày cho thấy phần nào đóng góp của các phóng viên, nhà báo trong trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Phần trưng bày gồm 18 vách, kể lại câu chuyện về Bác Hồ với Lực lượng Phòng không - Không quân, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của Mĩ. Các tác phẩm được trưng bày đã thể hiện sự xông pha của các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử như phóng viên Vũ Ba (Báo Quân đội nhân dân), Trịnh Hải, Đỗ Quảng, Phạm Thanh (Báo Nhân Dân), Chu Chí Thành, Minh Lộc (TTXVN)...
Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 15/12/2022 đến hết tháng 1/2023.
HOÀI PHƯƠNG
VNQD