Dòng chảy

Những bước đi của phố

Thứ Hai, 26/12/2022 13:15

 Chiều 25/12/2022 họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) đã khai mạc triển lãm Nhịp Phố kỉ niệm mười năm hành trình sáng tạo và suy tưởng về đề tài phố của anh.

Chọn phố để bắt đầu, để dấn thân và khao khát đi đến tận cùng với phố là một lựa chọn đầy mạo hiểm, táo bạo nhưng cũng cho thấy sự đam mê thực sự của Nguyễn Minh với đề tài này.

Trong mười năm gắn bó với đề tài phố, Nguyễn Minh suy tư với từng bước đi, từng nhịp thở của phố. Anh nhận ra, phố không chỉ là hình khối bề mặt mà là di sản là văn hóa từ trong sâu xa những vỉa tầng của tâm thức và vô thức con người. Triển lãm Nhịp Phố sẽ thể hiện sự trưởng thành của anh cả trong con người tư tưởng và con người nghệ thuật.

Nhịp Phố cho thấy những bước đi đầy nội lực, sáng tạo và khác biệt của Nguyễn Minh.

Triển lãm Nhịp phố bao gồm hơn 50 tác phẩm với chất liệu đa dạng từ hội họa sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước, điêu khắc gỗ, thép hàn, nhôm…, và đặc biệt là một sắp đặt biệt vị mang tính tiếp diễn hết sức độc đáo.

Chia sẻ về triển lãm Nhịp Phố, họa sĩ Nguyễn Minh cho biết: “Đây là triển lãm cá nhân thứ hai và đánh dấu hành trình mười năm kể từ khi tôi trình làng những tác phẩm vẽ phố đầu tiên. Mười năm vừa đủ cho thử nghiệm và trải nghiệm để tôi định vị được mình trên con đường đã chọn. Hành trình không ngừng mở rộng, khám phá, tìm kiếm, khao khát làm mới tâm tưởng và nghệ thuật thông qua nghiên cứu và thực hành được chia làm ba giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn ấy, chủ thể phố là điểm khởi đầu cũng như mạch trung tâm cho suy tư và sáng tác. Tôi thể hiện nghệ thuật bằng hơi thở của thời đại cũng như tiếng nói giàu cảm xúc và đầy lạc quan của thế hệ mình.”

Nguyễn Minh đã trải qua một hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ mà anh chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, Nguyễn Minh quan sát đô thị hóa, mang vác những suy tư và hoài niệm phổ biến của thời đại chứng kiến quá khứ bị mất mát và thay thế trong quá trình phát triển. Phố phát triển xóa bỏ làng, những cây cầu được xây cao trên những thân cây bị chặt xuống, những phận người co lại chật hẹp trong những hộp xi măng nơi thành thị đông đúc… tất cả được thể hiện trong tranh của Nguyễn Minh. Vào thời kì này, anh sử dụng chủ yếu là các khối hộp lập thể và các hình kỉ hà có cạnh sắc nét, vuông vắn, đậm tính lí trí. Không gian mang nhiều gợi ý về chiều sâu phối cảnh truyền thống. Tuy nhiên, sự lạc quan và lãng mạn đã hiện ra đong đầy…

Giai đoạn thứ hai, Nguyễn Minh đưa thêm cảm xúc và suy tư về gìn giữ di sản vào sáng tác. Một mặt, anh mở rộng phong cách tạo hình với những nét cọ và kết cấu chất liệu hiển lộ, chiều sâu phối cảnh trở thành thứ yếu và thay vào đó, nhấn mạnh không gian hai chiều của bề mặt tranh vẽ, nét và hình dạng mờ dần - đẩy cao tính biểu cảm của màu. Mặt khác, Nguyễn Minh quan tâm hơn tới tồn tại của phố trong làng - làng trong phố, kể chuyện bảo tồn di sản giữa lòng đổi mới. Các di tích lịch sử như nhà thờ, đình, chùa, cổng làng… và cả kí ức tuổi thơ vừa như "hóa thạch" trong những dạng khối hợp giờ đã trở thành khối tâm tưởng, vừa chừng như đòi phá bỏ những cái hộp ấy để bước trở lại vào đời sống thường nhật.

Giai đoạn thứ ba, Nguyễn Minh hướng quan sát từ bên ngoài vào bên trong, kiến tạo di sản cá nhân. Anh làm chủ việc vận dụng các cặp tương phản tạo nên hài hòa tổng thể: nét - mảng, hình học - hữu cơ, trong - đặc, mờ - rõ, tĩnh - động, sáng - tối, hiện thực - trừu tượng... tinh tế và mạnh mẽ. Những cặp tương phản trong tạo hình phản ánh các cặp đối lập trong suy tưởng: cũ - mới, truyền thống - đương đại, di sản - tiến bộ, tập thể - cá nhân. Rời bỏ không gian thường nhật, anh tìm tới di sản sâu xa hơn của Việt Nam được thể hiện qua hình tượng hạt gạo. Gạo biểu trưng cho văn hóa lúa nước - nguồn cội của người Việt nói chung và Nguyễn Minh nói riêng. Nhưng trong tranh của anh, hạt gạo cũng đại diện cho bản ngã nghệ sĩ, vừa là hạt nhân vừa bao trùm.

Chia sẻ về hình tượng hạt gạo trong tranh của Nguyễn Minh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: tinh thần Nguyễn Minh, hội họa Nguyễn Minh đang đi cùng nhịp của đời người, nhịp của thời đại. Nguyễn Minh đi qua từng "giai đoạn phố". Giai đoạn mới nhất anh đưa hạt gạo vào phố. Giữa chập chùng của một thế giới kiến trúc hiện đại với những đường, những khối "thô cứng" và một nhịp sống hậu hiện đại (động) thì việc đưa hạt gạo (tĩnh) vào là một thách thức quá lớn. Nhưng anh đã tạo ra một nhịp điệu mới cho cái của đương đại (đô thị) và cái của ngàn năm (hạt gạo). Hạt gạo chứa đựng trong nó văn hoá Việt. Đó là sự giản dị, tinh khiết, thiêng liêng và phủ ngập đời sống Việt. Hạt gạo vừa hiện diện trong đời sống thường nhật vừa hiện diện trong mọi nghi lễ linh thiêng của người Việt. Hoạ sĩ Nguyễn Minh thấu hiểu điều đó và anh thực hiện một "nghi lễ" trong nghệ thuật sáng tạo của mình.

Ở giai đoạn thứ ba, Nguyễn Minh tiếp tục những thử nghiệm điêu khắc đã bắt đầu từ giai đoạn một và kết hợp với hình tượng hạt gạo - đưa nghệ thuật của mình từ thế giới hội họa hai chiều vào không gian điêu khắc ba chiều. Không dừng ở đó, anh tạo ra một sắp đặt toàn diện và biệt vị, mang tính thể nghiệm cao. Tại đây, anh đan cài tương tác của hội họa, điêu khắc, không gian triển lãm và cả chiều kích phù du của thời gian, để lại nhiều suy tư cho khán giả.

Triển lãm Nhịp Phố kéo dài đến ngày 29/12/2022 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)