Nhà số 4 là nơi luôn được các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Quân đội ưu ái dành cho những tình cảm và sự quan tâm trìu mến… Câu chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một một dịp tết.
Nhà số 4 - Lý Nam Đế chẳng những hấp dẫn với các cộng tác viên, các văn nghệ sĩ từ lớp tiền chiến đến lớp kế tiếp, mà Văn nghệ Quân đội cũng thường hay được một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của quân đội tới chơi. Tôi dùng từ “chơi” với ý những lúc rảnh việc, lúc nghỉ ngơi hay tạt vào với anh em tòa soạn, ngoài những dịp kỉ niệm, có lễ lạt, đến để tham dự, động viên và chỉ thị công tác.
Người hay đến nhất là đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đến bất ngờ và không báo trước, với bộ bà ba nâu, rất nông dân, rất dung dị. Những bài mà tạp chí Văn nghệ Quân đội viết về tòa soạn đăng hoặc phỏng vấn đồng chí Thanh đều không phải ở hội trường Tổng cục Chính trị mà chính là tại ngay Tạp chí, trong căn phòng đồng chí Văn Phác khi đại tướng đến chơi. Còn nhớ một lần, không báo trước đồng chí Thanh lững thững cuốc bộ đến chơi. Ngày đó đường Lý Nam Đế còn có trạm gác ở hai đầu. Muốn vào Văn nghệ Quân đội phải qua trạm ở ngay đầu nhà số 2. Thấy một người quần áo nâu sáng, rất nông dân muốn vào thăm Văn nghệ Quân đội, chiến sĩ gác hỏi giấy tờ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lục túi nói: “Mình không có giấy chứng chỉ chi cả!”
- Thế thì không được! Bác muốn gặp ai, tí nữa có ai qua tôi nhắn cho.
- Ô! Thế nhờ đồng chí nhắn tôi là Nguyễn Chí Thanh muốn gặp thủ trưởng Văn Phác của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chỗ số 4 gần kia.
Biết tin, anh Văn Phác vội chạy ra đón và mời lên phòng chủ nhiệm. Chúng tôi ùa theo sau và cùng theo lên gác. Hồi đó anh Thanh vừa viết mấy bài vè “Chống chủ nghĩa cá nhân” đăng báo Quân đội nhân dân. Vừa bước lên cầu thang, anh nói: “Chống cái gì, chống thứ gì đều phải chống từ trên xuống dưới. Ví như các cậu quét cầu thang này. Ai mà lại đi quét từ bậc dưới quét ngược lên. Vậy sao sạch hết rác rưởi. Phải quét từ trên quét xuống chứ! Phàm làm việc gì cũng vậy. Đầu đi đuôi mới lọt”.
Câu nói đó hẳn ai trong tòa soạn có mặt hôm đó chắc đều nhớ hết. Thật là dung dị, thật chí lí và cũng rất kinh điển. Rất đúng với mọi nơi, mọi lúc, mọi chốn trên thế gian này. Lúc ra về anh Thanh còn nói đùa - “Giờ Văn Phác phải đưa mình ra, kẻo trạm gác bắt phải quay vào thì mình gay!”
Nhà số 4 trước thềm xuân Quý Mão. Ảnh: Xuân Thuỷ
Lại nhớ vào một dịp Tết. Đó là tối mồng một, không biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi chúc Tết hoặc mừng xuân ở đâu về ngang qua nhà số 4 - Lý Nam Đế. Thấy đèn các phòng sáng trưng, lại vẳng tiếng nhạc dặt dìu bài “Đa-nuýp xanh”, Đại tướng bảo dừng xe và nói với mọi người: “Ta ghé vào Văn nghệ Quân đội xem họ ăn Tết! Nhạc hay thế, chắc vui...”.
Mọi người vào. Phòng khách sáng trưng. Trang trí cành đào rất to. Trên bàn bày đủ mứt kẹo. Cả rượu nữa. Ngoài thềm xác pháo đỏ lung. Nhưng vắng vẻ chẳng có một ai. Ngắm nghìn cành đào nở thắm, đồng chí Giáp bảo bí thư: “Cậu lên gác xem. Chắc họ đang mải vui!”.
Đồng chí bí thư lên gác thấy phòng nào cũng bật đèn sáng trưng và đều vắng vẻ không người. Tới phòng cuối cùng, nơi phát ra tiếng nhạc liền gõ cửa. Khi cửa mở chỉ có mỗi nhà văn Hà Mậu Nhai với cái máy quay đĩa mở to hết cỡ (cái máy này của hãng Suprafon do đồng chí Nguyễn Chí Thanh thăm hữu nghị với Tiệp Khắc, họ tặng đồng chí liền cho luôn tạp chí Văn nghệ Quân đội với mấy chục đĩa nhạc classique.)
- Ôi! Có mình anh thôi à?
Hà Mậu Nhai cười:
- Anh em về ăn Tết với gia đình. Tui miền Nam tập kết nên xung phong trực Tết luôn. Cơ quan vắng hoe! Nhớ quê thúi ruột! Tui bật nhạc, mở đèn cho nhà rôm rả với hàng phố.
Khi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới đang chờ dưới phòng khách, Hà Mậu Nhai “Chu cha” một tiếng, rồi cùng đồng chí bí thư chạy vội xuống. Ngày hôm sau anh em đến tòa soạn, Nhai khoe được tiếp Đại tướng ai cũng tiếc. Nhiều nơi ước mong được đón tiếp Đại tướng đến mừng năm mới chẳng được. Tạp chí mình lại bỏ lỡ dịp may đầu xuân hiếm có.
Đồng chí Lê Quang Đạo cũng là người hay đến với Tạp chí. Có lần sau kì ở chiến trường ra, một buổi chiều đồng chí đến Văn nghệ Quân đội chơi. Lúc đó anh Thanh Tịnh thường hay ở căn buồng nhỏ phía đầu tầng dưới. Anh Thanh Tịnh say sưa giới thiệu với anh Lê Quang Đạo những đồ vật trưng bày trong phòng, từ quả bom bi, quả dứa, quả ổi đến chiếc lược, cái điếu cày thuốc lào bằng xác máy bay Mĩ. Cả những hòn cuội, viên đá anh lấy ở dọc suối hoặc dọc nơi trận địa pháo. Anh Đạo cười rất thích thú.
Hôm nay, Nhà số 4 khang trang hơn xưa nhiều. Hội trường rộng. Phương tiện làm việc, mọi tiện nghi nội thất sang đẹp. Cái hay là dáng vẻ mặt tiền của ngôi nhà vẫn như xưa. Vẫn cây đại già nua trầm mặc. Vòm cửa, mái ngói, màu tường nguyên hình thuở thời có nó. Êm đềm, lặng lẽ ấp ủ nhiều kỉ niệm khó thể phai mờ.
HẢI HỒ
VNQD