Cao điểm 428

Thứ Sáu, 16/12/2022 16:32

Tôi được điều lên chốt 428 vào khoảng giữa năm tám ba, tháng sáu hay tháng bảy cũng không nhớ rõ. Sáng hôm đó đại đội trưởng Xuân bảo tôi lên gặp tiểu đoàn trưởng H.H.H. Hơi ngạc nhiên tôi hỏi:
- Có chuyện gì mà tiểu đoàn gặp tôi?
- Ông cứ lên gặp rồi biết.
Tiểu đoàn trưởng H. niềm nở đón tôi vào nhà ban chỉ huy tiểu đoàn, bảo công vụ pha trà tiếp khách và nói với tôi, giọng thân mật:

- Phương đợi mình tí nhé!

Có một chút khác thường trong chuyện một tiểu đoàn trưởng làm việc với một chiến sĩ. Tiểu đoàn trưởng H. nguyên là đại đội trưởng của đại đội 12 li 7, được điều về làm tiểu đoàn phó, rồi lên tiểu đoàn trưởng. Tôi chỉ mới gặp ông vài lần. Đáng nhớ nhất là lần gần đây, khi ông về kiểm tra đơn vị huấn luyện, đến trung đội 12 li 7, lúc tôi đang lên lớp bài tam giác đường đạn và tam giác bắn đón cho toàn trung đội. Ông ngồi dự luôn suốt buổi. Tôi có ấn tượng rất tốt về ông, bởi cách ông chăm chú theo dõi, và phát biểu cuối buổi học. Ông nói với tôi: “Mình là lính mười hai li bảy gần mười năm, được học và trực tiếp lên lớp về bài này rất nhiều lần, nhưng bây giờ, mới thực sự hiểu hết”. Chẳng biết điều đó có đúng là sự thật không, nhưng cách ông nói vậy để thu phục nhân tâm thì quả là bậc thầy tâm lí.
Không để tôi đợi lâu, chỉ vài phút sau thủ trưởng H. đã quay lại, ông thân mật hỏi thăm sức khỏe và nguyện vọng của tôi, rồi mới bắt đầu bằng tình hình và nhiệm vụ của đơn vị.

Ông nói nhiều về chốt 428, rằng nhiệm vụ chính của tiểu đoàn là khóa chặt biên giới, không cho địch từ Thái Lan đưa người và vũ khí, lương thực vào nội địa Campuchia để hoạt động. Muốn vậy cao điểm 428 phải được giữ vững. Quân trên chốt, kể cả chỉ huy chỉ có chín người, nhưng để đánh được chốt này địch phải huy động ít nhất là một tiểu đoàn có pháo cối yểm trợ. Làm điều này không dễ, vậy nên từ trước đến giờ, địch chưa một lần tổ chức đánh chiếm 428 dù rất muốn. Sở dĩ địch không dám đánh, vì ba mặt của cao điểm này dốc đứng rất hiểm trở, bộ binh không thể lên được. Mặt tiếp giáp với Thái Lan dốc thoai thoải, bộ binh địch có thể tràn lên từ hướng này thì ta đã bố trí một bãi mìn dày đặc. Khẩu 12 li 7 cũng được đặt tại đây để khống chế hướng chính diện này. Nói vậy không có nghĩa đây là điểm chốt bất khả khuất phục. Địch có thể dùng lực lượng lớn bao vây dài ngày, hoặc đánh mật tập. Lường trước khả năng bị bao vây, trên chốt luôn dự trữ lương thực, nước uống và đạn dược đủ dùng cho một tháng. Còn để chống lại mật tập kiểu đặc công, chỉ trông chờ vào sự tỉnh táo và cảnh giác cao độ của chiến sĩ trên chốt thôi.

Giọng tiểu đoàn trưởng H. có vẻ quan trọng:

- Vì vậy tiểu đoàn rất lo khi sắp tới phải hội quân toàn trung đoàn đánh căn cứ địch ở Bắc 428. Lẽ ra phải để một đại đội trưởng có kinh nghiệm ở lại chỉ huy, nhưng anh biết đấy, quân số của tiểu đoàn đã hao hụt nhiều, cán bộ các cấp đều đang thiếu nên chỉ có thể giao cho Trung, một trung đội trưởng của c5 ở nhà giữ chốt. Anh em cán bộ trung đội của tiểu đoàn mình đa phần là lính nhập ngũ năm tám mươi, kinh nghiệm trận mạc chưa nhiều.

Tôi yên lặng ngồi nghe. Vẫn chưa nắm được mục đích của buổi gặp này là gì. Ngừng một chút, nhấp một ngụm trà, thủ trưởng H. nói tiếp:

- Sơ lược tình hình nhiệm vụ của tiểu đoàn để anh biết. Và cũng nói rõ, hôm nay tiểu đoàn mời anh đến để giao nhiệm vụ lên chốt 428, phụ trách khẩu đội 12 li 7, phối hợp cùng anh Trung chỉ huy anh em giữ chốt. Ý anh thế nào?
- Báo cáo thủ trưởng tôi chỉ là chiến sĩ…
- Tiểu đoàn biết rất rõ anh là chiến sĩ, nhập ngũ bảy tám, nhưng để giao nhiệm vụ cho một chiến sĩ thì cần gì tôi, tiểu đoàn trưởng, trực tiếp gặp động viên anh. Cũng nói thẳng để anh rõ, đây là nhiệm vụ cuối cùng tiểu đoàn giao cho anh. Hoàn thành nhiệm vụ, tiểu đoàn sẽ cố gắng giải quyết chính sách để anh về tiếp tục đi học đại học.
Thực ra, chẳng cần hứa hẹn gì, với quyền hạn của một tiểu đoàn trưởng, ông chỉ cần ra lệnh cho cán bộ đại đội điều động tôi làm mọi nhiệm vụ mà tiểu đoàn yêu cầu. Nhưng ông đã không làm thế, ông làm theo cách của riêng ông, cái cách mà khiến cho cán bộ, chiến sĩ dưới quyền vui vẻ phục tùng.
Chào thủ trưởng H. ra về.

Sáng sớm hôm sau, tôi cùng Xô và Ngà, hai lính mới của trung đội, nhập ngũ tám hai, cùng lên chốt. Đường lên chốt chỉ mấy cây số nhưng ba anh em đi khá lâu, vì vừa đi vừa cầm cần câu dò mìn. Khu vực biên giới này, máu của lính tiểu đoàn 2 đổ ra không ít. Khoảng cuối năm tám mươi, lúc mới nhận bàn giao địa bàn này từ quân Hai Trăm Mười, lính Pôn Pốt còn tung hoành khắp nơi, quân ta tăng cường tuần tra, đụng trận hằng ngày. Tiểu đoàn 2 hao binh tổn tướng khá nặng, vì đánh nhau trực tiếp với địch một phần, nhưng phần nhiều nữa là vì mìn. Chưa có cuộc chiến nào, ở đâu, mà quân ta lại phải đối phó với mìn của địch nhiều như thế. Đủ các loại mìn. Từ mìn K58; mìn KP2; mìn Claymore của Mĩ, địch sử dụng khi phục kích, đến các loại mìn zip: 65-2A, 65-2B rải dày đến mức phải dùng cào cỏ để cào. Lính ta vẫn lạc quan gọi loại mìn này là mìn hạnh phúc. Hạnh phúc vì chỉ mất một chân, còn có ngày về.

Tôi nhận bàn giao khẩu 12 li 7 cùng một vọng gác. Chốt có chín người, ba vọng gác, trực chiến suốt ngày đêm. Không khí trên chốt yên tĩnh nhưng không căng thẳng như tôi nghĩ, ngoài ba người yên vị tại ba vọng gác, sáu người còn lại ai lo việc nấy, nghiêm cấm tụ tập ba người một chỗ. Đi lại, nói năng bình thường như ở chốn bình yên. Trung nói với tôi:

- Trước đây ngày nào nó cũng giã cả ngàn quả cối pháo các loại, cao điểm có ngày hứng chịu ngàn rưỡi quả. Nay thì ngày có, ngày không, mật độ cũng thưa hơn. Bọn này biết điều lắm, đánh có quy luật hẳn hoi, sáng đợi cơm nước xong mới đánh, đến khoảng mười giờ là nghỉ. Chiều ngủ trưa dậy mới đánh, đến gần giờ cơm nghỉ. Tôi cười:
- Thiệt vậy à?
- Thiệt chứ anh, mà nó bắn tùm lum chứ có mấy quả lọt vào chốt đâu anh, có lọt vào thì mình cũng ở trong hầm rồi, chỉ chịu tức ngực chút thôi.

Trung bảo tôi về hầm lấy mũ sắt, rồi dẫn tôi đi một vòng quanh chốt để chỉ cho tôi vị trí các hầm, bố trí hỏa lực và phương án tác chiến khi địch tấn công. Anh nói thêm:

- Phòng vậy thôi, chứ ăn gan hùm bọn Pôn Pốt cũng không dám đánh đâu. Phía trước khẩu 12 li 7 của anh là hướng chính diện, ở đó có một bãi mìn dày đặc chiều sâu hơn trăm mét, nhiều loại mìn nhưng nhiều nhất là mìn Ba Lan rất nhạy, đã gài là khỏi gỡ luôn, công binh trung đoàn mình và cả công binh sư gài, có để lại sơ đồ chỗ em, đã nổ khá nhiều rồi, phần do thú rừng, phần do cây khô rớt xuống.
Đỉnh của cao điểm 428, nếu chỉ kể phần chóp bố trí quân, rộng dưới trăm mét vuông, toàn là đá tảng. Công sự, hào giao thông đều được đắp nổi bằng bao cát và bê tông đúc sẵn. Với cái chóp nhọn này thì quả thật pháo cối khó lòng rơi vào đỉnh, nhất là khi bắn với tầm bắn xa.

Sau ba ngày yên bình trên chốt, tôi dã dần quen với nhịp sinh hoạt nơi đây: Ăn, ngủ và gác. Đang là mùa mưa nên chuyện tắm giặt khá thuận tiện. Phía đối diện với Thái Lan, cách vọng gác của chúng tôi chừng hai mươi mét có một cái giếng đá, sâu chừng bảy mươi phân, miệng giếng tròn quay như được đo đạc cẩn thận, đường kính chỉ chừng ba mươi phân. Chẳng biết bằng cách nào mà giữa một tảng đá khổng lồ lại sinh ra được cái giếng nước trong mát này. Tắm rất thích. Nhưng chỉ được từng người một xuống tắm, quần đùi, mình trần và phải xách theo khẩu AK. Rất có thể địch đang quan sát bằng ống nhòm và một phát đạn bắn tỉa chính xác sẽ tiễn bạn về bên kia thế giới khi đang tắm. Cũng có thể pháo cối sẽ bất thần ụp xuống khi ta đang phơi mình trên đá. Vì vậy trong mọi trường hợp, phải tắm thật nhanh, không có động tác thừa.

Ngày thứ tư trên chốt, địch phá quy luật, pháo cối dội xuống từ mờ sáng. Cấp tập trong ba mươi phút, rồi bắn cầm canh đến chín giờ thì dứt hẳn. Có đến vài trăm quả, nhiều nhất vẫn là cối 120 li, chẳng quả nào trúng đích.

 Ảnh minh hoạ.

Lần đầu tiên tôi thấy con heo chạy pháo. Nó chạy trước nhất vì hình như nó nghe được tiếng đề pa. Hôm đầu tiên đến chốt tôi đã rất ngạc nhiên và thú vị khi thấy nó lững thững đi dạo quanh chốt. Ở cái chốn lửa đạn dội xuống hàng ngày này mà lính ta còn nghĩ đến chuyện chăn nuôi thì thật lạ. Trung kể với tôi, mẹ nó là con heo anh em tăng gia c5 nuôi, bị xổng chuồng chạy vào rừng, tưởng đã mất, ai dè mấy tháng sau dẫn một bầy con về, lính trên chốt xin một con con nuôi cho vui. Nó khôn lắm, chỉ quanh quẩn trong chốt, nghe tiếng đề pa của cối pháo là chạy rất nhanh về hầm, nhìn nó ục ịch vậy chứ chạy còn nhanh hơn mình. Căn hầm làm riêng cho nó nay đã quá chật so với thân hình to lớn của nó. Tôi hỏi Trung:
- Cho nó ăn gì?
- Mình ăn gì nó ăn nấy. Nó cũng thèm rau như lính vậy, nhưng nó còn ăn được cỏ. Mỗi lần anh em đi bẻ măng đều tranh thủ bứt về cho nó ít cỏ.
- Định nuôi nó đến tết thịt hả?
- Đại đội cũng đã mấy lần giục làm thịt nó chứ để tiểu đoàn biết có nuôi heo trên chốt là không xong đâu.
- Tiểu đoàn cấm à?
- Có biết đâu mà cấm, nhưng chắc chắn là không được. Anh biết rồi đó, gạo nước cho lính trên này đều do anh em gùi lên, tiếng là cho nó ăn cơm thừa, nhưng thực ra mình phải nấu thêm. Khẩu phần của nó còn nhiều hơn mình. Gạo trong kho dự trữ chỉ được thay chứ không được đụng đến, nước cũng vậy. Mùa này chứ mùa khô nước gùi lên chỉ để uống và nấu cơm, muốn tắm giặt phải thay nhau về đơn vị. Hơn nữa, biết đâu nó lại chẳng ra bãi mìn ủi bậy. Mình thì nghĩ là nó khôn nhưng cấp trên không bao giờ chấp nhận có rủi ro trong tác chiến. Lính trên này hay chơi với nó chỉ cần kêu Heo! Là nó chạy lại nằm lăn ra đợi gãi lưng, rồi biểu diễn mấy trò lăn vòng cho lính coi. Nó còn biết nhảy lam-ba-đa, lấy đàn ra chơi là nó nhảy, lắc lia lịa cái mông, buồn cười lắm.
- Vậy nếu đại đội ra lệnh phải thịt nó thì tính sao?
- Chắc là phải cho lính ở đơn vị lên khiêng về làm, chứ anh em ở chốt không làm đâu.
Mấy hôm sau có tin trung đoàn sẽ trực tiếp lên chốt kiểm tra phương án tác chiến. Đại đội trưởng Chín đã cho lính lên khiêng Heo xuống. Lính chốt buồn như có đồng đội vừa hy sinh.
Trận Bắc 428 thắng lớn. Quân ta thu được một cối 120 li, một cối 106.7 li, mấy khẩu cối 82 li và nhiều vũ khí cá nhân nữa. Thương vong gần như không có, chỉ hai chiến sĩ bị thương nhẹ. Vậy mà nghe quân c19 nói mình đã chuẩn bị đến bốn trăm túi nilon đựng xác tử sĩ.
Những ngày sau trận đánh, chốt 428 bình yên không một quả pháo cối. Lính có phần chủ quan hơn, mặc dù đại đội và tiểu đoàn liên tục điện lên nhắc nhở. Trung nói với tôi:

- Sẽ phải tổ chức liên hoan mừng chiến thắng, lần này làm bún bò.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Làm bún à?
- Mình có đồ nghề rồi, anh em sẽ ngâm gạo rồi giã bằng nón sắt. Ở đây có chuyên gia mà, đã từng làm rất thành công.
- Còn thịt bò?
- Đợi bãi mìn cung cấp. Hôm trước một đêm nổ hai quả được hai con mang. Mấy bữa nay mình vẫn ăn thịt mang khô đấy.

- Thú rừng có thường vào bãi mìn không mà đợi?
- Thường xuyên. Lâu thì mười ngày, có khi liên tiếp mấy đêm liền, lính c5 cũng nhờ chốt này mà có thịt ăn đều.

Tôi không phải đợi lâu, hai hôm sau, mờ sáng đã có hai quả mìn nổ. Trung dẫn lính ra kiểm tra, khiêng vô một con mang và một con heo rừng khá lớn.
Lính c5 lên lấy thịt, mang cho lính trên chốt ít rau muống, anh em kiếm thêm rau càng cua để làm rau sống. Vậy là có bữa bún bò thật ngon, dù chỉ có xương heo rừng, xương mang và thịt, chẳng có thêm bất cứ loại gia vị nào ngoài muối.
Tôi còn ở thêm trên chốt một tháng nữa. Sau trận thua tơi bời, địch có vẻ đã hết hơi, không còn những trận pháo quấy phá. Tiểu đoàn đã giữ đúng lời hứa, mấy tháng sau tôi ra quân, giã từ những tháng ngày triền miên chiến trận.

Kí ức chiến tranh tưởng đã ngủ yên sau mấy mươi năm bỗng bùng dậy khi đọc mấy dòng trên trang kí ức cựu binh trung đoàn 95 nói về chốt 428: “Tháng 8 năm 88, sau khi sư 307 giao toàn bộ tuyến biên giới cho quân bạn, chốt 428 đã bị quân Pôn Pốt đánh chiếm. D5 của E94 đã phải hi sinh gần hết để lấy lại chốt.
Bao nhiêu người lính gần đến ngày về đã phải vĩnh viễn nằm lại nơi ấy.

TRẦN NGỌC PHƯƠNG                                                                                                                            

 

 

VNQD
Thống kê