Những ánh đèn hi vọng

Thứ Tư, 23/11/2022 00:28

. NGUYỄN THỊ THUÝ
 

Ai cũng bảo, nghề cạo mủ cao su lắm vất vả, thế nhưng, có đến tận lô cao su thức đêm, tự tay cầm con dao cạo lên thân cây cao su giữa màn đêm buốt giá mới thấm hết nỗi nhọc nhằn của những người thợ cạo. Hơn ai hết, chúng tôi - những người lính thời bình làm kinh tế, hiểu công sức, mồ hôi và cả những giọt nước mắt của những người công nhân bỏ ra để chắt chiu từng giọt mủ trắng tinh khiết. Họ miệt mài lao động không chỉ để làm giàu cho gia đình, quê hương mà hơn thế, những người thợ cạo mủ ở công ty 732 - Binh đoàn 15 còn đóng góp công sức nhỏ bé của mình giữ gìn sự bình yên cho mảnh đất biên cương đầy nắng gió này.

Công nhân Binh đoàn 15 cạo mủ cao su đêm

Chúng tôi đến đơn vị đội 10 đứng chân trên địa bàn xã SaLoong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cách cơ quan bộ gần 20km với chủ yếu là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, K Dong. Trên con đường cấp phối ngoằn ngoèo uốn lượn với những con dốc lúc thoai thoải, khi dựng đứng, trời về đêm lạnh buốt, cái lạnh thấm qua bộ quân phục dã ngoại len lỏi vào da thịt khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Đứng trên triền cao nhìn về, những thôn làng của người đồng bào Xê Đăng, Kdong ẩn hiện dưới ánh trăng bàng bạc mờ ảo, sương mù đặc quánh như ôm ấp núi, ôm ấp những cánh rừng cao su, giăng mắc trên những nóc nhà ngói lợp. Khung cảnh giao hòa rất đỗi bình yên khiến cho tôi cứ mê mải, tần ngần. Đi hết đoạn đường cấp phối, chúng tôi vòng qua con đường ghồ ghề đất sỏi chừng 20 phút thì đến lô cao su của đơn vị. Trong màn đêm mờ ảo, trước mắt chúng tôi hiện ra những quả đồi hình bát úp, san sát, nối nhau bằng những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Đường sá xa xôi, vất vả là thế, nhưng khi chúng tôi vừa tới nơi, cũng là lúc tiếng xe máy của những người công nhân chở nhau ra vườn cạo mủ. Tiếng nói, cười, tiếng gọi nhau í ới… xua tan sự tĩnh mịch, vắng vẻ nơi vùng biên giới xa xôi. Đúng 2 giờ sáng, những ánh đèn lúc mờ, lúc tỏ lập lòe dưới tán rừng cao su, chỗ này chỗ kia, tiếng nói chuyện lúc gần lúc xa rồi tắt hẳn, chỉ còn tiếng dao cạo cứa vào thân cây cao su nghe rột rột, tiếng sương rơi tí tách lẫn với tiếng thở nhẹ của những người công nhân Xê Đăng cần mẫn càng khiến không gian tĩnh mịch, im ắng hơn.

Đại tá Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty 732 tham gia phong trào thức đêm cùng người lao động

Chúng tôi đi loanh quanh vài vườn thì gặp đồng chí Nguyễn Thanh Bình, đội trưởng đội 10 đang đi để kiểm tra vườn cây và quân số cạo. Vừa bắt tay anh vừa cười pha trò: “Chắc hôm nay bà con biết có cán bộ công ty vào kiểm tra nên quân số đi đủ không thiếu một ai”. Dẫn chúng tôi đi sâu vào các vườn, anh chia sẻ, mấy năm gần đây, bà con Xê Đăng chăm chỉ và biết làm việc hơn trước rất nhiều, chỉ khi gia đình có việc hoặc đau ốm mới xin nghỉ, bình thường thì ngày nắng cũng như ngày mưa, họ vẫn đi cạo và trút mủ đều đặn. Hàng tháng được nhận lương cao nên bà con phấn khởi lắm.

Nhớ lại thời điểm những năm 2000 trở về trước, anh tâm sự, hồi đó mình đang là đội phó phụ trách kỹ thuật. Khi công ty tuyển dụng bà con đồng bào Xê Đăng, Kdong vào làm công nhân, lúc đầu, bà con không chịu. Mà cũng phải thôi, vì đã bao giờ cầm con dạo mủ đâu, họ chỉ biết cầm gậy chọc tỉa, đeo gùi lên nương, lên rẫy, hái lá mì, trỉa ngô, xuống suối bắt con cá, con cua về ăn qua ngày. Coi sự đói nghèo là do Giàng định đoạt, nên thay đổi nếp nghĩ của họ còn khó hơn dời cả quả núi. Cán bộ công ty và cả ban chỉ huy đơn vị phải chia nhau đi vận động, thuyết phục, giải thích cho bà con từng li từng tí về lợi ích của công việc mới để bớt nghèo, bớt khổ, rồi còn cho gạo cứu đói, cho thuốc chữa bệnh... vận động mãi, đồng bào mới nghe theo. Ngày đầu làm quen với cây cao su, bà con không biết làm gì hết, công ty mở lớp dạy cạo mủ cả tháng mà không ai biết cạo, người biết cầm dao thì cạo chưa chuẩn nên mủ không đều, đã thế lại còn thích thì đi, không thích rủ nhau nghỉ, có khi cả tuần, rồi đi cạo không có giờ giấc, đi muộn, phụ nữ thì đẻ nhiều, bận bịu, con cái đau ốm là nghỉ, đàn ông uống rượu say cũng nghỉ. Khổ nhất là khi làng có đám cưới, đám ma, hầu như cả làng ai cũng say, mà say rồi nghỉ tới vài ba ngày. Anh em trong công ty, lúc nào đi lô cũng phải mang sẵn con dao để cạo choàng cho những công nhân tự ý bỏ cạo.

Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, giờ thì bà con đã tin, đã nghe theo bộ đội rồi. Nói đến đây, giọng anh hồ hởi hẳn, anh bảo, làm việc với bà con mà không bám ruộng lội đồng, cầm tay chỉ việc, đi từng ngõ, gõ từng nhà thì bà con chả tin, chả theo mình đâu. Nhìn nụ cười rạng rỡ lấp lánh dưới ánh đèn trên gương mặt đen sạm vì cháy nắng của anh, tự nhiên tôi thấy thương và cảm phục anh một người cán bộ đội có tâm, có tấm lòng, tận tụy, coi bà con như người thân ruột thịt, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, hiểu họ đến “từng chân tơ kẻ tóc” giúp cho bà con thông cái tai, sáng cái dạ, làm ăn phát triển kinh tế. Tôi bất giác nhớ đến câu nói của đồng chí Nguyễn văn Hùng - Giám đốc công ty trong một lần đi dân vận ở thôn làng. “Làm cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên phải nhẫn nại, kiên trì, không được nóng vội và phải chịu đựng gian khổ”. Quả đúng như vậy.

Chúng tôi đến vườn của vợ chồng chị Y Hiền, vừa thoáng thấy ánh đèn của anh chị, chúng tôi đã lên tiếng chào chị từ xa để họ khỏi giật mình vì tưởng người lạ vào vườn. Nghe tiếng người quen, anh chị chào lại bằng nụ cười rạng rỡ. Giọt mồ hồi lấp lánh trên gò má, lưỡi dao nhỏ xíu trong bàn tay chai sần uốn lượn quanh thân cây thành một đường vòng xoắn ốc, tách đi từng sợi vỏ thanh mảnh, đều đặn vừa đủ để không chạm vào gỗ. Dòng mủ ứa ra, trắng xóa chảy xuống chiếc chén phía dưới gốc. Anh chị cứ thế thực hiện đường cạo của mình chuẩn xác từ cây này đến cây kia.

 

Đi bộ qua tiếp một quả đồi, chúng tôi đến vườn của A Thinh. Anh đang lúi húi cạo, tiếng dao cạo cứa vào thân cây nghe sắc lạnh, anh Thiết đi cùng đoàn hỏi, đêm nay lạnh chắc là mủ lên nhiều, anh cười bảo, nhát trước trời cũng lạnh thế này, mình thu được ba can mủ, vườn này được 500 cây cạo. Vợ chồng trẻ đi làm từ đêm thì con gửi cho ai, đi đêm thế này có quen không? Nghe tôi hỏi, A Thinh bảo, buổi đêm thì có bố mẹ, ngày có nhà trẻ của công ty, không lo. Đi làm lúc đầu chưa quen nhưng miết rồi quen. Mà không đi lấy đâu ra tiền. Vậy lương của anh được bao nhiêu? Sáu triệu à. Thinh còn cho biết, nhà mới mua thêm 500 cây cao su nên vừa cạo vườn của công ty vừa tranh thủ buổi chiều cạo vườn nhà. Tôi trêu, nhà A Thinh nhiều tiền thế, anh cười bảo tiền lương tiết kiệm rồi vay mượn thêm mới mua được.

Chúng tôi đi lòng vòng thêm vài vườn nữa tới nhà Y Chi, Y Tuyên, Y Ly, A Thao, Y Nhưng, Y Xít…đi đến đâu chúng tôi cũng thấy cường độ lao động vất vả của những người thợ cạo, những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, những làn da đen xạm vì nắng gió, sương đêm… thế nhưng đổi lại, họ có cuộc sống sung túc, lương hàng tháng đều đặn để mua gạo, cho con cái ăn học đàng hoàng, có nhà xây, mua thêm rẫy nương phát triển kinh tế gia đình…Tôi đã từng được nghe Già làng A Pú kể lại rằng, trước đây người Xê Đăng chỉ biết du canh du cư, phát rừng làm rẫy mà cái ăn vẫn chẳng đủ, chủ yếu là ăn cái lá, cái củ của rừng, bắt được con gì ăn nấy. Đi hết rừng này đến rừng khác, làng cứ đói miết, trẻ con oặt ẹo, đàn bà xác xơ, ủ rũ, làng không đèn không điện sáng như bây giờ, toàn đốt củi thay đèn. Mãi sau này, bà con mới chịu định canh định cư, tất cả là nhờ ở bộ đôi 732.Nghe câu chuyện của già, chứng kiến được những sự đổi thay trong cuộc sống và cả trong nếp nghĩ của người đồng bào nơi đây, tôi càng trân quý và tự hào hơn về những gì mà người lính công ty 732, Binh đoàn 15 đã và đang gây dựng trên mảnh đất này. Không phải chỉ một vài tháng hay một vài năm, mà suốt cả chặng đường bốn mươi tám năm đầy thử thách. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, CN&VCQP, người lao động công ty đã hợp sức chung lòng, quyết tâm thay đổi diện mạo mảnh đất Ngọc Hồi, xây dựng được một cộng đồng gắn kết, tiến bộ và phát triển trên vùng đất phên dậu của Tổ quốc, giúp thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giúp bà con giữ đất, giữ rừng để làm ăn phát triển kinh tế. Rồi công ty làm đường, kéo điện, cùng với địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới...

Với dung lượng bài viết này, khó có thể kể hết hành trình đầy thử thách, gian nan, với biết bao công sức, mồ hôi, trí tuệ, thậm chí cả nước mắt và máu xương của các thế hệ cán bộ chiến sỹ người lính Binh đoàn 15 đã phải đổ trên những vạt đồi, những cánh rừng hoang vắng. Họ đến với mảnh đất và con người Tây Nguyên bằng cả một tình yêu tổ quốc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, để khơi dậy và làm hồi sinh những vùng đất, vùng rừng núi hoang sơ, chữa lành những vết thương do chiến tranh để lại. Những thế hệ cán bộ, chiến sỹ bước ra từ cuộc chiến tranh, từ máu lửa của đạn bom, từ sự thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của lạc hậu và đói nghèo…với bản lĩnh kiên cường, lòng quả cảm, tinh thần chịu đựng gian khổ, hi sinh bám đất, bám dân, đã gieo lên mảnh đất Tây Nguyên những mầm nhựa sống, để hôm nay, có một Tây Nguyên xanh rộn rã tiếng cười - không chỉ là tiếng cười của những người lính, những công nhân lao động của Binh đoàn, mà vui hơn, tự hào hơn chính là nụ cười của đồng bào dân tộc, của già làng, trưởng bản, của những cô thiếu nữ, những em bé Xê Đăng, mới hôm nào còn nhọc nhằn đè nặng, hôm nay đã có cuộc sống no đủ, ấm cúng. Người đồng bào Tây Nguyên là vậy, khi chưa hiểu, chưa tin thì nhất định chưa làm; khi đã hiểu, đã tin thì gắn bó đến cùng.

N.T.T

VNQD
Thống kê