Thêm chất xanh cho ngòi bút

Thứ Hai, 17/10/2022 00:10

. PHẠM DUY NGHĨA
 

Tôi mệnh mộc. Chẳng biết có phải vì thế mà tôi rất yêu cây.

Cuộc đời tôi cũng gắn liền với cây cối. Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi, có đồi. Lúc ra trường đi công tác lại lên một tỉnh miền núi khác cao hơn, có núi. Thời sinh viên thì ở một trường đại học nằm bên một dải đồi trồng toàn bạch đàn quanh năm xao xác gió u hoài. Khi về thủ đô thì sống trong ngôi nhà cổ rợp bóng cây, cạnh một con phố cũng xanh đặc cây, đêm nghe tiếng lá sấu rơi lạt xạt trên hè vắng.

Quãng đời đẫm màu xanh thảo mộc nhất của tôi vẫn là những năm tháng tuổi thơ. Nhà ở vùng đồi, sáng dậy mở mắt ra là thấy cây thấy rừng. Trên nương sau nhà có hai cây dổi, những buổi chiều mùa hè tôi thường ngồi trên chạc cây đọc sách. Cứ nhớ về hai cái cây có hạt đỏ tươi rụng quanh gốc đó, tôi lại nghĩ tới hai cây phong trên đồi cao lộng gió của Aitmatov, trong truyện Người thầy đầu tiên.

Từ hai cây dổi đi thẳng lên đến gần đỉnh đồi sẽ gặp cây sồi phảng. Tôi nhớ cái ngọn vút cao trong nắng của nó với những chiếc lá xôn xao phơi mặt trái màu gỉ sắt. Quả cây chín rụng vào mùa hè, hơi giống quả cau, màu nâu nhạt. Hồi ấy đọc văn học nước ngoài, tôi rất yêu những loài cây xứ lạnh như phong, sồi, bạch dương… nên nghe người già trong xóm gọi cây này là sồi phảng thì thích lắm nhưng không biết nó có phải là cây sồi thật không. Cũng chẳng dám tin ở nước mình, thậm chí ở ngay đằng sau nhà mình lại có một cây sồi “bằng xương bằng thịt”. Về sau tôi mới tìm hiểu và biết sồi phảng chính là một loại sồi.

Cũng trên quả đồi sau nhà, đi chếch về phía trái sẽ thấy một cây dọc to xòe tán xanh ngời giữa vạt nương trồng cọ. Các cành của nó chắc khỏe và đâm ngang như cành bứa, ngồi trên cây có ngủ quên cũng chẳng sợ rơi xuống đất. Giữa trưa hè nóng bức mà trốn lên đó thì tuyệt thú, vừa kín vừa mát rượi như ngồi trong một cái phòng xanh. Loài cây này còn có quả mọng, vị chua, dùng để nấu cá.

Lại nhớ, thuở bé hầu như đứa nào cũng có lần giận mẹ giận cha và thấy thương thân mình tới mức muốn tự tử. Tự tử cho bố mẹ biết tay. Một cách tự tử nhẹ nhàng mà đứa nào cũng nghĩ ra được là treo cổ lên cây. Nhưng trèo lên cây rồi, cái cây nghiêng ngả, gió thổi ù ù thì lại sướng mê đi, thấy cuộc đời vẫn còn chất thơ và thôi không tự tử nữa.

Hay những lần bị cô giáo mắng, thể nào cũng có đứa lên đồi chui vào một hốc cây cổ thụ ấm ức cả buổi chiều. Lúc ấy sẽ nghĩ con người thật độc ác còn cây cối lúc nào cũng hiền, và để tìm một chốn bình yên, chẳng cách nào hơn là đến với rừng mà nghe tiếng rì rào ấm áp của nó.

Trong kí ức tôi còn ngăn ngắt màu xanh của những đồi cây Yên Bái. Có lúc lẩn thẩn nghĩ, nếu làm một tấm huy hiệu tượng trưng cho thời thơ ấu của mình thì mình sẽ đúc nổi lên đó cây nào, cây dổi hạt đỏ, cây dọc xanh tươi, đồi sở ngào ngạt hoa hay hàng bạch đàn trước nhà cứ sáng trắng lên trong mỗi buổi chiều giông bão? Bây giờ tất cả đã thành than trong lòng đất, nhưng hình bóng của chúng trong tôi vẫn còn thiêng liêng lắm, và chọn cây này tôi lại thấy mình có lỗi với cây kia.

Những năm sống ở Lào Cai, điều tôi thích nhất là rong ruổi xe máy vào các huyện chơi. Thích vào phố huyện Mường Khương câu cá uống rượu với nhà thơ Pờ Sảo Mìn, bên đường đi có những cánh rừng sa mu trải dài xanh ngát. Hay rủ anh bạn nhà báo tỉnh lên ngọn núi Ma Cha Va thuộc huyện Bát Xát, cùng ngắm hoa hồng trà đỏ mọng giữa một đêm trăng. Trong rừng khuya, nhìn những đốm hoa đỏ lập lòe trên vòm lá thẫm mới thấm thía hết vẻ liêu trai và cả cái rét kinh hồn ở độ cao hơn hai nghìn mét.

Từ ngày về Hà Nội, trên những chuyến xe khách ngược núi đèo, cứ vào cuối năm tôi lại thích thú nhìn những quả đồi ở quãng đường tiếp giáp giữa hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai. Ven triền sông nhàn nhạt khói sương, những dãy đồi liên tiếp nối nhau cứ ngời lên chín rực một màu vàng, khi lấm tấm rụt rè, khi tràn trề bát ngát. Màu vàng của lá trẩu mùa đông. Cái màu vàng ấm này đôi lúc được điểm thêm chút vàng tươi mát bên đường của lá chuối lá xoan, cùng làm nên một bức tranh đông vừa xa xôi mơ hồ vừa dịu dàng thương nhớ. Chợt nghĩ, nếu sau này chết đi được táng lên một trong những trái đồi vàng óng đó, quanh năm nghe gió mênh mang và lá rơi xào xạc, thì còn gì thú vị bằng.

Khi viết mà không đưa thiên nhiên vào tác phẩm của mình, dù chỉ một chút thôi, thì tôi không thể nào viết được. Cái tạng của tôi là thế. Cũng bởi vậy mà các trang viết của tôi khó lòng thoát li khỏi không gian miền núi, và cho dù có viết về không gian nào khác thì tôi cũng cố tình thả vào trong đó một ít cây. Về điểm này tôi thích Nguyễn Tuân, khi ông đòi thiên nhiên phải có vị trí xứng đáng trong văn học. Trong tùy bút Cây Hà Nội, ông chất vấn, “không có một bóng cây nào trên đường đi của lũ nhân vật, thì cái phong cảnh tiểu thuyết ấy có nên đưa ra làm mẫu mực không?”. Nguyễn Minh Châu cũng từng kêu gọi Sống mãi với cây xanh, và truyện ngắn ấy của ông đã đề cập một vấn đề “về lâu dài hết sức quan trọng”, đó là tình yêu thiên nhiên gắn liền với vẻ đẹp tâm hồn con người. Quả vậy, thiên nhiên chính là thứ nghệ thuật kì diệu của tạo hóa góp phần cứu rỗi tâm hồn con người, đem cái tươi mát đầy vô tư, hào phóng của mình mà bồi đắp phù sa cho tâm hồn con người. Tôi tin, những người có tâm hồn bao giờ cũng là những người biết rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, và những người sống thiếu thiên nhiên từ nhỏ cũng sẽ là những người không có hoặc ít có tâm hồn.

Xưa nay miền núi luôn là vùng lãnh thổ sở hữu một thiên nhiên đặc sắc và đa dạng hơn so với những miền đất khác. Do đòi hỏi của công việc nghiên cứu, tôi đã đọc gần như toàn bộ các tác phẩm văn xuôi miền núi trong nước và thấy tiếc rằng, thiên nhiên ở khu vực văn học này chưa được như mình mong đợi. Trong nhiều tác phẩm, thiên nhiên còn mờ nhạt, chìm khuất sau sự kiện và con người. Viết về miền núi mà không thấy cái tươi xanh hùng vĩ, không gợi ra được cái hồn man mác của vùng cao, là tự tước đi cái phong vị rất riêng của nó.

Tôi thích những nhà văn biết ưu ái, trân trọng thiên nhiên. Dù viết về miền núi, miền biển hay miền xuôi, thì vẫn phải làm sực lên cái mùi của chim thú, cỏ cây một vùng đất.

Người lính trẻ và cây Phong ba trê đảo Sơn Ca. Ảnh: Lê Khanh

Năm 2014, tôi ra Trường Sa. Trong nỗi nhớ của tôi về những hòn đảo giữa đại dương đầy nắng gió ấy, có những loài cây độc đáo không thấy mọc ở đất liền.

Trên bãi vụn san hô trắng ven đảo Trường Sa Lớn, tôi đã mải mê ngắm những bụi cây bão táp mọc um tùm, cao lút đầu người. Đôi chỗ, bị gió biển thiêu đốt từ mùa trước, những cành bão táp héo khô, đâm lên trời lủa tủa như những dẻ xương trắng. Nhưng ở phần gốc teo tóp chưa khô hẳn, đã mọc lên những cụm lá mơn mởn xanh. Một màu xanh thật ngọt ngào, tươi mát. Ở những nơi bão táp mọc thành vùng tươi tốt, nếu để mắt vào những kẽ lá xanh mỡ màng như lụa, sẽ thấy lấm tấm những bông hoa trắng nhỏ năm cánh, tinh khiết và dịu dàng.

Cây bão táp là vậy, phủ xanh đảo, chắn sóng, chắn gió và che mắt kẻ thù. Gió muối tàn bạo không giết nổi chúng.

Scaevola taccada, với cái tên khoa học rất dễ thương, cây bão táp sống được cả trên đất núi lửa đầy đá, và ở Trường Sa, loài cây đã để lại trong tôi ấn tượng về một sức sống thật mãnh liệt tiềm tàng.

Như để minh chứng thêm về sức sống trong môi trường khí hậu khắc nghiệt, cây tra cũng có mặt ở nơi này, sóng đôi cùng bão táp. Khi sống trong khu nhà của lính và dọc đường băng đảo Trường Sa Lớn, cây tra nào cũng lực lưỡng, cường tráng, nhưng ở ven biển, gió muối độc ác đã biến nó thành khóm cây tiều tụy với cành khô nhiều đốt. Nhưng cây tra không chịu khuất phục. Ở gần gốc đã bật ra những lá non màu đỏ nâu, rừng rực như những giọt lửa. Lá tra khô ngả vàng, rụng xuống đất rồi vẫn cứng cáp, tưởng có thể dùng để cạo râu được, thật bướng bỉnh và can trường.

Đặc sắc nhất vẫn là phong ba, loài cây chỉ nghe cái tên đã thấy kiêu hãnh và sang trọng. Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi đã yêu say đắm loài cây nom rất cổ quái này. Vỏ đen sì, nứt nẻ rạch những đường sắc sảo và đẹp như tranh vẽ, phong ba cuồn cuộn vươn tỏa tán rợp mênh mông, có cây ngả rạp xuống cát như một con trăn đang gồng mình trước bão. Ở ven đảo Trường Sa Lớn, tôi bắt gặp một cây phong ba kì lạ như thế. Thoạt nhìn, nó như một con rồng đen kịt từ biển bò lên, rúc đầu vào bụi bão táp và ngủ quên, từ triệu năm về trước. Bao mùa bão đi qua, nó phơi những cành khô quắt giữa trời xanh. Nhưng con rồng không chết. Trên phần thân già cỗi xù xì đã trổ ra những cụm lá mới, mặt phủ lông óng ánh bạc, nom như những đóa hoa xanh.

Điều đặc biệt là ở những thân phong ba đổ rạp, vươn ngang, lại đâm chồi và trổ rễ phụ cắm sâu vào cát, như bàn tay bấu giữ chặt lấy đảo, một li không bỏ, một tấc không rời. Vừa bám trụ, cố thủ đến kiệt cùng, vừa quyết liệt nảy nở, hồi sinh. Giữa biển khơi, tôi chưa thấy cây nào đẹp và giàu ý nghĩa như thế.

Đó cũng chính là con người ở Trường Sa, là khí phách Trường Sa.

Văn hào Lev Tolstoy có kể lại trong một cuốn sách rằng, một lần đi trên cánh đồng, ông bắt gặp một cây tatacnhia (còn được dịch là cây ngưu bàng) xơ xác đang cố giành giật sự sinh tồn trên đất cằn khô. Hình ảnh ấy ám ảnh ông - nó gợi nhớ đến người anh hùng Khadji Murad, vị thủ lĩnh quả cảm miền Dagestan đã chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ quê hương. Và ông đã nảy ý viết truyện dài Khadji Murad.

Khi đi trên những bờ sỏi trắng có dây muống biển bò lan và những bụm cỏ vàng nâu như bờm ngựa dưới cái nắng hoang hoải của Trường Sa, tôi đã triền miên nghĩ về con người ở đây, nghĩ đến những liệt sĩ năm xưa đã quyết hi sinh đến người cuối cùng để bảo vệ đảo. Cây phong ba kiêu hùng gợi thêm cho tôi ý nghĩ ấy. Đệ nhất chịu hạn, chịu mặn, sống được trên cát sỏi san hô và quật cường trong bão tố, phong ba mang cốt cách của bậc đế vương giữa mọi loài cây xứ biển.

Cũng trên quần đảo này, con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau, nương tựa vào nhau sâu sắc, bền chặt. Đảo Nam Yết rợp bóng dừa, đảo Trường Sa Lớn đẫm sắc tra, Song Tử Tây hùng vĩ dáng phong ba và Sinh Tồn nhỏ xinh được bọc trong màu xanh của mù u, phi lao, đa, bàng, bão táp. Dừa và tra là những loài giữ nước, cây bão táp dùng làm thuốc, lá phong ba chữa rắn cắn và lá bàng vuông thay thế lá dong cho lính gói bánh chưng khi tết đến xuân về… Trong một buổi tối trên đảo Trường Sa Lớn, dưới tán cây bàng vuông, người chỉ huy trưởng của đảo đã nói với tôi một câu làm tôi nhớ mãi: “Môi trường nơi đây tạo cho con người ý thức phải soi mình vào thiên nhiên, hòa quyện với thiên nhiên, nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên để từ đó bản thân mình cũng có phong cách đẹp, nét sống đẹp. Ở trên hòn đảo này, con người và thiên nhiên luôn hài hòa, tác động biện chứng với nhau”. Tôi thực sự bất ngờ khi nghe anh nói. Xưa nay người ta chỉ lấy con người làm gương cho con người, không ai nói con người lấy thiên nhiên làm gương. Sự trân trọng vẻ đẹp, giá trị của thiên nhiên cùng ý thức sống hòa hợp với môi trường tự nhiên sâu sắc đến nhường ấy chỉ có được ở những tâm hồn tinh tế.

Sống hòa hợp với tự nhiên, điều này có vẻ cũ rồi, nhưng không phải ai cũng nghĩ đến. Đô thị hóa và công nghiệp hóa cần đi liền với xanh hóa đời sống, và các nhà văn thì cần thêm chất xanh cho ngòi bút của mình. Tôi nghe một nhà phê bình than phiền rằng, trong sáng tác của nhiều cây bút trẻ hiện nay, thiên nhiên bị chặt lìa khỏi trang viết.

P.D.N
Hà Nội - Lào Cai, 1-2022

VNQD
Thống kê