Nghỉ hưu không nghỉ việc

Thứ Ba, 27/09/2022 00:01

. Thái Kiên - Yên Bình
 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến-Bộ Tổng tham mưu vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa hay làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Dù ở đâu, đảm nhiệm cương vị nào, ông cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao cho.

Chương trình Hỗ trợ sửa chữa nhà cho nạn nhân bom mìn ở tỉnh Quảng Ngãi, trao 20 hộ, mỗi hộ 15 triệu đồng (tháng 4-2021). Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ký ức đêm cuối năm

Phạm Ngọc Khóa sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1967, đang học cấp 3, cậu học trò Khóa lúc đó chưa tròn 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện xung phong lên đường ra trận. Sau mấy tháng huấn luyện cấp tốc, bổ sung cho chiến trường, Binh nhì Phạm Ngọc Khóa được điều động về Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong (Quân đoàn 1). Những năm đầu trong quân ngũ, ông trực tiếp tham gia chiến đấu 2 chiến dịch: Khe Sanh và Đường 9 Nam Lào. Năm 1971, sau kết thúc chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Phạm Ngọc Khóa được cấp trên cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân, ra trường về công tác tại Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông được cấp trên cử đi học… rồi lại tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam và tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Trong cuộc đời binh nghiệp, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa có hơn 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, từ “cối xay thịt” Quảng Trị đến biên giới Tây Nam. Mỗi trận đánh là một kỷ niệm, trong đó trận đánh đêm cuối năm 1978 là kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức của vị tướng già. Ông chậm rãi kể: “Đêm 30 rạng ngày 31-12-1978, tôi cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiếm lĩnh trận địa xong khu vực xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc), huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nơi đây, được coi như là “vùng đất chết”, bởi Tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã sát hại hàng nghìn người dân Việt Nam vô tội. Khi đó, đơn vị được giao nhiệm vụ mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, nếu hiệp đồng không chặt chẽ sẽ bị “phơi áo” và dễ thương vong. Quả thật, đó là lần đầu tiên đơn vị mở cửa đánh chiếm đầu cầu ở vùng sông nước (Đồng bằng Sông Cửu Long). Ở đây, địa hình trống trải, chủ yếu là cánh đồng ngập nước và kênh, rạch nên không có vật che chắn, dễ bị lộ. Đúng 6 giờ sáng 31-12-1971, nhận được lệnh của cấp trên, bộ đội xung phong. Lần thứ nhất mở cửa đánh chiếm đầu cầu, quân địch phản kháng quyết liệt buộc quân ta phải tạm dừng. Dù bộ đội dùng hỏa lực bắn ác liệt song sau ba lần xung phong nhưng không thành công, bộ đội đã thấm mệt. Ai nấy, từ chân đến đầu, đều lấm lem bùn đất, quần áo ướt sũng…”.

Kể đến đây, giọng Trung tướng Phạm Ngọc Khóa trùng xuống. Hít hơi thật sâu, ông kể tiếp: “Nắm được tình thế khó khăn, để trấn an tinh thần bộ đội, tối hôm đó, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 (sau này thủ trưởng là Thượng tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) điện xuống chỉ thị đơn vị không sử dụng cách đánh mở cửa thông thường, mà dùng B40, B41, súng máy phòng không 12,7mm khai hỏa. Với cách đánh đó, đơn vị đã mở cửa đánh chiếm đầu cầu thành công, đánh chiếm được “đầu cầu” bờ Tây kênh, tạo điều kiện để lực lượng công binh của Sư đoàn 304 bắc cầu phao cho xe tăng, xe thiết giáp tiến vào bên trong”. “Trong trận chiến đêm 30 rạng ngày 31-12-1978 tôi bị thương vào mắt, máu chảy đầm đìa, mất vài ba tuần mới gỡ băng bó”, vị tướng lấy tay chỉ vết thương ở đuôi mắt, đồng thời nhấn mạnh “như thế còn may mắn hơn những đồng đội khác đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Hết lòng vì nạn nhân bom mìn

Năm 1983, đồng chí Phạm Ngọc Khóa được cử học tại Học viện Lục quân, sau đó đi học ở Liên Xô (cũ), trước khi về bổ túc cấp chiến dịch, chiến lược ở Học viện Quốc phòng. Sau này, ông từng đảm nhiệm cương vị Phó sư đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Quân đoàn 2 (năm 2000). Tháng 2-2004, ông được cấp trên bổ nhiệm Cục trưởng Cục tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) và công tác đến năm 2010 thì nghỉ hưu. Từ năm 2014, ông tham gia công tác tại Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) và giữ cương vị Phó chủ tịch thường trực.

Thăm hỏi, tặng quà Tết cho nạn nhân bom mìn tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: VŨ BÌNH.

Ông chia sẻ: “Ngày 11-3-1971, đơn vị tôi có nhiệm vụ tấn công địch từ điểm cao 311 xuống đường 9 để chia cắt quân địch hướng Lao Bảo và Bản Đông. Trận chiến ác liệt này khiến đơn vị tôi tổn thất nặng nề về người”. Chiến tranh cũng đã cướp đi một trong những người bạn thân nhất của ông là Thiếu úy Đặng Đình Hải (con trai duy nhất của Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Đặng Đình Hội, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 2). Thiếu úy Đặng Đình Hải, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 hy sinh ngay trước trận đánh ngày cuối năm 1978. Chính điều đó đã thôi thúc ông tham gia vào công tác xã hội sau khi nghỉ hưu như một hành động tri ân, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh.

Gần 7 năm qua, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa đã đồng hành với Ban lãnh đạo Hội VNASMA đi vận động các nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ gần 6.000 người sinh kế là nạn nhân bom mìn (NNBM) của các địa phương trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, ông cùng các đồng chí trong Hội còn thăm, tặng quà đột suất những trường hợp bị tai nạn bom mìn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Bình, Khánh Hòa, Kon Tum…

Trên cương vị Phó chủ tịch thường trực VNASMA, đã nhiều lần ông cùng cán bộ, hội viên tức tốc lên đường không mỗi khi nhận tin khẩn. “Trưa 18-8-2017, khoảng 9 giờ, tôi nhận được thông tin có vụ tai nạn nổ bom mìn thương tâm ở Khánh Hòa. Ngay lúc đó, tôi gọi điện vào Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Khánh Hòa để kiểm chứng thông tin, đồng thời liên lạc với Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch VNASMA. Sau hội ý chớp nhoáng, tôi đặt vé máy bay và chiều hôm đó có mặt tại Khánh Hòa. Sáng hôm sau, chúng tôi cùng với các đồng chí đại diện một số ban, ngành và Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa tới thăm hỏi gia đình nạn nhân. Tai nạn không may xảy ra đúng vào 2 gia đình thông gia, ai đến thăm, viếng cũng không cầm được nước mắt. Trước tình cảnh thương tâm trên, Hội VNASMA đã quyết định hỗ trợ gia đình nạn nhân và người bị thương nặng, mỗi gia đình 10 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng là sự động viên an ủi kịp thời”, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa chia sẻ.

Theo Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, NNBM đa số có hoàn cảnh khó khăn, họ đều là lao động chính trong gia đình; có một số trường hợp là học sinh đi vào rừng lấy củi không may gặp nạn. Vì vậy, chủ trương của Hội là giúp NNBM trên tinh thần hỗ trợ “cần câu”, chứ không phải “cho con cá”. Cụ thể, Hội chủ yếu tặng bò sinh sản với những đồng bào miền núi, còn những gia đình khó khăn ở thành phố, thị xã thì giúp học có công ăn, việc làm mở cửa hàng tạp hóa để buôn bán sinh kế cho bà con. Trong thời gian qua, các chi hội ở Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi… đã giúp các hộ bị NNBM thoát nghèo. Có không ít gia đình được tặng bò hội tụ 3 thế hệ (bò mẹ, con và cháu) sung túc, khỏe mạnh, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống.

Cách đây một năm, tháng 4-2021, Hội VNASMA trao hỗ trợ sinh kế cho dân nghèo. “Chương trình đã trao 20 suất sinh kế gia đình là 20 con bò giống cho các hộ trị giá 12 triệu đồng/hộ; trao 20 suất hỗ trợ sửa chữa nhà ở trị giá 15 triệu đồng/suất cho 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh; tặng các em học sinh 40 chiếc xe đạp. Đồng thời, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người thuộc diện chính sách, người nghèo, nạn nhân bom mìn, chất độc da cam địa phương. Các địa phương nhận được hỗ trợ gồm huyện Ba Tơ, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh và Bình Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi…”, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa chia sẻ.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh có thể gây ra, VNASMA phối hợp với các đơn vị bộ đội Công binh, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, cơ quan quân sự địa phương thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng, tránh bom mìn cho người dân, đặc biệt là bà con, học sinh ở vùng sâu, vùng xa… bằng hình thức trực quan sinh động như video-clip, mô hình vật liệu nổ thực tế. “Phần lớn anh em trong Ban chấp hành VNASMA và các chi hội từng có thời gian chiến đấu trên chiến trường. Vì vậy, ai cũng mong muốn được góp phần công sức nhỏ bé để tri ân tới các anh hùng, liệt sĩ, tới các NNBM. Cá nhân tôi, còn khỏe ngày nào, tôi sẽ tận hiến hết mình để giúp đỡ NNBM. Hội VNASMA sẽ là “cánh tay nối dài” để hỗ trợ, động viên, chia sẻ khó khăn với những NNBM”, Phó chủ tịch thường trực VNASMA Phạm Ngọc Khóa tâm nguyện.

T.K – Y.B

VNQD
Thống kê