. La Văn Minh
Ngày mùng 2 tháng 6 năm 1962, tại căn cứ Cà Mau, chấp hành chỉ thị của Ban Quân sự T3 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Quân khu 9) về việc thành lập Ban Quân khí, hệ thống kho quân khí được tách khỏi Xưởng Quân giới, chính thức ra đời với phiên hiệu S301(tức Kho 301ngày nay). Trải qua chặng đường 60 năm thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, cấp phát vũ khí trang bị kỹ thuật và đạn dược cho lực lượng vũ trang Quân khu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Kho đã phát triển không ngừng, lập nhiều thành tích, viết nên truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo, chính xác, kịp thời, phục vụ đánh thắng”.
Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật thăm và kiểm tra Kho (2019)
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ nhiệm vụ ban đầu là tiếp nhận hàng chi viện từ miền Bắc vào do Xưởng Quân giới sản xuất để bảo quản, giữ gìn và cấp phát cho các đơn vị, “dài theo kháng chiến” lực lượng vũ trang Quân khu ngày càng lớn mạnh, nhiệm vụ, quy mô của Kho Quân khí cũng phát triển không ngừng. Trong điều kiện chiến đấu với kẻ thù có vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại, diễn biến chiến trường nhanh và ác liệt, cán bộ, chiến sĩ Kho 301 vừa tổ chức tiếp nhận, cấp phát cho lực lượng vũ trang Quân khu chiến đấu, vừa cùng với đơn vị bạn và nhân dân địa phương chiến đấu, bẻ gãy các đợt tiến công, càn quét của địch, bảo vệ an toàn khu căn cứ kho tàng của đơn vị, lập nên nhiều chiến công oanh liệt. Năm 1964, Ban Quân khí và hệ thống kho trong đội hình Cục Hậu cần Khu đã kịp thời di chuyển từ xã Nguyễn Huân, huyện Tư Kháng lên xã Khánh Lâm, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), bố trí dọc theo sông Cái Tàu, bảo đảm kỹ thuật vũ khí, đạn dược phục vụ Quân khu mở chiến dịch tiến công quy mô lớn vào chi khu Vĩnh Thuận (Rạch Giá), tiêu diệt căn cứ huấn luyện biệt kích của địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang Quân khu xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng. Năm 1972, cán bộ, chiến sĩ của Kho vừa làm nhiệm vụ bảo đảm vừa trực tiếp tham gia nhiều trận đánh vang dội. Tiêu biểu là trận tập kích do đồng chí Nguyễn Văn Đầy chỉ huy, tiêu diệt hai tiểu đoàn địch ở chi khu Bà Thầy, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên, bắn chìm hai tàu chiến; trận đánh tàu chở hàng của địch, bắn cháy hai tàu cùng hàng tiếp tế của địch; trận phục kích đánh tiểu đoàn 4 của sư đoàn 21 ngụy có máy bay yểm trợ ở cây Bã Đậu, loại khỏi vòng chiến đấu 30 tên địch,... Từ năm 1973, theo yêu cầu chiến trường, các đơn vị bộ binh, pháo binh, cao xạ của ta phát triển nhanh cả về số lương và chất lượng, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã vượt lên chính mình, kịp thời làm chủ kỹ thuật, bảo đảm cho lực lượng lượng vũ trang Quân khu 9 đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Mùa Xuân năm 1975, ngay trong niềm vui đại thắng, những người lính “thủ kho quân khí” lại nhanh chóng và lặng lẽ làm tiếp nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, nguy hiểm: Tiếp nhận, thu gom, xử lý vũ khí, đạn dược do địch bỏ lại trên khắp địa bàn Quân khu, đồng thời vận chuyển số lượng rất lớn vũ khí, đạn dược của ta từ các đơn vị, vùng căn cứ và các kho dã chiến ở Rạch Giá - Hà Tiên, Năm Căn - Cà Mau, Duyên Hải - Trà Vinh về kho của Quân khu, tiến hành phân loại, bảo quản, bảo dưỡng và đưa vào quản lý, niêm cất, đảm bảo an toàn.
Đại tá Trương Quang Sỹ, Chủ nhiệm Kho kiểm tra chuyên môn tại đơn vị
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, để đáp ứng nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Quân khu, từ năm 1978, Kho Quân khí 301 được tăng cường lực lượng, điều chỉnh tổ chức biên chế và thành lập bộ phận tiền phương (gọi là Tiền phương Hậu cần). Giai đoạn này nhiệm vụ của Kho 301 cũng hết sức nặng nề, vừa cùng lúc phải bảo đảm vũ khí, đạn dược cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên ở nội địa, vừa bảo đảm vũ khí, đạn dược cho các đơn vị chiến đấu ở tiền tuyến. Từ tháng 1.1979 đến tháng 8.1989, Kho đã tiếp nhận và cấp phát hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược; thu gom, vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược hư hỏng của ta trong chiến đấu và chiến lợi phẩm thu được của địch về Kho bảo đảm an toàn. Tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên kỹ thuật sửa chữa, cơ động phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cũng trong giai đoạn này, Cục Kỹ thuật Quân khu được thành lập (ngày 24 tháng 2 năm 1979), Kho 301 trở thành đơn vị trực thuộc Cục Kỹ thuật cho đến ngày nay.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia trở về Tổ quốc, Kho 301 tiếp tục bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố đơn vị trong điều kiện mới. Vừa đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành, từng bước sắp xếp quy hoạch vũ khí, đạn dược ổn định đi vào nền nếp theo quy định của ngành vừa thành lập các đội sửa chữa, bảo dưỡng cơ động trực tiếp đến các đơn vị để bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ và xuống cấp nghiêm trọng cho hàng ngàn tấn đạn dược, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật của vũ khí trang bị, duy trì được các chế độ ngày giờ kỹ thuật và quản lý sử dụng đúng quy định.
Công việc hàng ngày của nhân viên thủ kho quân khí
Tháng 11 năm 2000, Quân khu tách Kho ra làm 2 bộ phận. Kho 301B được thành lập và xây dựng ở tỉnh Hậu Giang1, lực lượng còn lại của Kho 301 được bố trí tinh gọn. Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên của Kho đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong đó số có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ 31%, cán bộ chủ trì có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 87%. Những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Kho phát triển mạnh mẽ, trong đó có những sáng kiến nổi bật, được vận dụng có hiệu quả như: Sáng kiến bàn tẩy gỉ cánh đuôi các loại đạn cối; băng chuyền cơ động vận chuyển vũ khí trang bị; bộ xử lý liều phóng B40, ĐKZ; xe đẩy cấp phát súng bộ binh; quy trình quản lý đạn dược bằng phần mềm vi tính; giá, khuôn ép thùng đạn súng bộ binh...
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Kho còn tích cực tham gia xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; đầu tư bổ sung, xây dựng, sửa chữa nhà làm việc, nhà kho, nơi ăn, ở sinh hoạt của bộ đội từng bước đi vào chính quy, thống nhất; đẩy mạnh tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội; nội bộ đoàn kết thống nhất cao, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên an tâm tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
60 năm - một chặng đường, với những chiến công, tập thể Kho 301 vinh dự được Đảng, Nhà nước và thủ trưởng các cấp tặng nhiều phần thưởng cao quý, một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Kho 301 đã xây đắp và tiếp tục tô thắm thêm truyền thống “Đoàn kết, sáng tạo, chính xác, kịp thời phục vụ đánh thắng.”
L.V.M
——————————-
1. Cuối năm 2005, Kho 301B giải thể, nhân sự và vũ khí đạn dược được chuyển về nhập vào Kho 302 ở tỉnh Tiền Giang
VNQD