Vượt núi, băng đèo, đạp rừng, lội suối… ba mươi năm qua, những cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập mộ liệt sĩ 192 vẫn miệt mài giữa núi rừng Trường Sơn, trên đất nước bạn Lào để tìm đồng đội. Họ ra đi với nỗi mong muốn cháy bỏng là tìm cho bằng được những đồng đội đã hi sinh đang nằm lại giữa những cánh rừng bạt ngàn của hai tỉnh Sa-la-van, Xê-công, trên nước bạn Lào…
Trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, hàng vạn thanh niên nối tiếp nhau lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong số những thanh niên nhiệt huyết đó, có một bộ phận không nhỏ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam được phân công làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, sát cánh cùng quân đội và nhân dân Lào chiến đấu chống kẻ thù chung. Nhiều người con của Tổ quốc đã anh dũng hi sinh và đang nằm lại trên chiến trường xưa. Đưa các anh về đất mẹ, đó là nhiệm vụ thiêng liêng nhưng hết sức nặng nề của Đội quy tập mộ liệt sĩ 192 (Bộ CHQS Thừa Thiên Huế).
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (bên phải hàng đầu) và lãnh đạo tỉnh Sa-la-van (Lào) trong Lễ an táng hài cột liệt sĩ tháng 6 năm 2022.
Đội được thành lập năm 1992, đến nay đã tròn ba mươi năm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Bước chân những cán bộ chiến sĩ Đội 192 đã in dấu khăp các cánh rừng Sa-ra-van, Xê Công, Xiêng-Khoảng, Khăm-muộn.... Những nơi ngày xưa cha anh từng hành quân chiến đấu thì bây giờ các anh có mặt, lật từng hốc đá, moi từng rễ cây tìm cho bằng được đồng đội đưa về đất mẹ. Công việc hết sức gian khổ, khó khăn, nguy hiểm. Các anh thường phải hành quân bộ hàng chục cây số trong rừng, trên vai mang nặng 30 đến 40 kg, nào là lương thực, thực phẩm, tăng võng, ni lông, cuốc xẻng, rượu cồn, nến, hương... chỉ mong sao khi trở về sẽ mang thêm được những bộ hài cốt liệt sĩ. Địa hình nơi đây rất hiểm trở, các đỉnh núi cao chìm trong mây, dốc dựng đứng, nhìn thấy đã rùng mình. Nhiều vị trí một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ sẩy một chút là đánh đổi cả tính mạng. Nguy hiểm thế nên anh em phải cẩn trọng, lợi dụng dây rừng làm thang bám nối nhau leo lên, nhích từng bước một. Đá nhọn lởm chởm, bàn chân, bàn tay tứa máu rát rạt. Độ dốc lớn, gót chân người trước chạm mặt người sau. Tất cả những căng thẳng, mệt nhọc đó anh em phải gồng mình vượt qua.
Thượng tá Nguyễn Tiến Chương, Đội trưởng Đội 192, người đã có “thâm niên” 16 năm đi tìm đồng đội tâm sự: “…Gian khổ ư, nhiều không kể hết, nhưng chúng tôi nghĩ, công sức này có thấm gì đâu so với máu xương của cha anh đã ngã xuống. Vì vậy, nên anh em trong Đội luôn động viên nhau quyết tâm vượt qua tất cả.”
Cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đang tiến hành cất bốc mộ liệt sĩ trên nước bạn Lào. Ảnh: Đội 192 cung cấp.
Điều khó khăn nhất trong công tác quy tập mộ liệt sĩ là việc thông tin, địa điểm về các phần mộ không chính xác, hồ sơ lưu trữ thất lạc, nhiều ngôi mộ đã bị bom đạn, mưa gió, thời gian xóa nhòa tất cả. Thêm vào đó, rừng Lào hiểm trở, thời tiết phía tây Trường Sơn vào mùa khô thường trên dưới 40 độ C; sự bất đồng ngôn ngữ và phong tục tập quán các bộ tộc Lào khác với dân tộc ta; đặc biệt, nhiều loại bom mìn, chất độc hóa học còn sót lại sau chiến tranh khiến cho công việc đã khó khăn lại càng khó khăn gấp bội.
Thượng úy QNCN Cao Thọ Huy, 6 năm đi tìm đồng đội tâm sự: Mùa khô năm 2018, khi đến dốc Phò Giang, Bản Thuông Cà Hăng (Sa-la-van), nơi đây trước kia là kho vũ khí của Quân đội ta, rất nhiều các loại vật nổ còn sót lại. Vì vậy, khi đến đây cả đội phải dừng lại dò mìn, người đi trước dẫm lên bước chân của người đi sau vì chỉ cần sơ sảy là nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ khoảng 1km đường nhưng cả đội phải mất hơn một ngày mới qua được an toàn. Trung tá Hồ Văn Chức, Phó đội trưởng, người đã có nhiều kinh nghiêm ở rừng chia sẽ: "Anh em trong đội hầu như ai cũng đã bị sốt rét rừng, tay chân bầm đỏ vết muỗi đốt, vắt cắn, có đồng chí phải xin nằm lại trạm xá của bạn hàng tháng trời để điều trị, vậy mà khi vừa khỏi bệnh, là xin được trở lại đơn vị để cùng Đội tiếp tục nhiệm vụ”. Có những lúc đang hành quân bất chợt gặp mưa rừng xối xả, nước suối đột ngột dâng cao, mọi người phải chặt dây rừng buộc vào gốc cây nối từ bên này qua bên kia cây để vượt suối. Quần áo, tư trang bị lũ cuốn mất, nhưng hài cốt liệt sĩ vẫn được các anh giữ vẹn toàn. Trong quá trình cất bốc, có những ngôi mộ khi đào lên vẫn còn nguyên thi hài. Anh em tỉ mẩn cắt từng lớp thịt, nhặt từng mẩu xương, cố gắng làm sao đưa các liệt sĩ về quê nhà vẹn nguyên nhất.
Thời gian đi tìm mộ thường bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau nên anh em trong Đội đều phải đón tết xa nhà. Đêm giao thừa, giữa rừng Lào mênh mông nhiều cán bộ chiến sĩ nhớ gia đình, nhớ vợ con không cầm được nước mắt. Nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng anh em đã đùm bọc, động viên nhau vượt qua tất cả.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngoài sự cố gắng khắc phục mọi khó khăn của toàn Đội, có một yếu tố rất quan trọng đó là các anh đã làm tốt công tác dân vận với nhân dân các bộ tộc Lào. Trong những năm đi tìm đồng đội, cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đã giúp nhân dân nước bạn làm đường, xây dựng trường học, trạm xá, giúp họ xóa đói, giảm nghèo. Năm 2011, Đội nhận được thông tin có hài cốt liệt sĩ ở huyện Tà Ổi (tỉnh Sa-la-van). Khi đến đây, chính quyền địa phương ngăn đội không nên vào, vì trong bản đang có dịch tả nên sợ lây nhiễm. Chỉ huy Đội đã quyết định đưa anh em vào bản để giúp đỡ nhân dân dập dịch. Đội đã triển khai công tác tổng dọn vệ sinh, triển khai quân y chữa bệnh cho dân làng, phun thuốc chống dịch, tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà con, sau 3 ngày bản làng đã hết dịch. Cảm động trước tấm lòng của bộ đội Việt Nam, nhân dân trong bản đã phát động phong trào giúp đỡ, ủng hộ Đội 192 đi tìm mộ liệt sĩ như một lời tri ân nghĩa tình. Bây giờ, mỗi lần trở về thăm bản, các anh lại được các mẹ, các chị, các em ùa ra chào đón như những người con của bản đi xa lâu ngày trở lại…
Công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt luôn được lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm. Hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ đã được tìm kiếm, quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.
Ba mươi năm qua, những bước chân của cán bộ, chiến sĩ Đội 192 đã hành quân qua hơn một ngàn bản thuộc tỉnh Sa-la-van và 300 bản của tỉnh Xê-công, vượt qua hàng ngàn kilomet đường rừng, đào bới trên 12 ngàn vị trí với khoảng 30 ngàn mét khối đất đá. Đến nay, Đội đã tìm kiếm quy tập được 3.060 hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 100 liệt sĩ có tên tuổi đưa về an táng tại quê hương. Riêng mùa khô năm 2022, Đội quy tập được 20 mộ, trong đó có 16 mộ ở nước bạn Lào.
Với những thành tích đạt được, Đội 192 đã được Đảng, Nhà Nước ta tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kì đổi mới và Nhà Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Riêng năm 2022 Đội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bẳng khen.
Khi tôi đang viết bài này, những cán bộ chiến sĩ Đội tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ 192 đang chuẩn bị hành quân lên điểm cao 82 thuộc chiến khu Hoà Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế để tiếp tục tìm kiếm mộ liệt sĩ. Và chẳng bao lâu nữa, khi mùa khô đến, các anh lại hành quân giữa đại ngàn Trường Sơn, trên đất nước Triệu Voi để tiếp tuc tìm đồng đội. Và tôi biết, ngày nào chưa tìm hết đồng đội ngày đó các anh vẫn còn lên đường.
Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH THĂNG
VNQD