Trung đoàn trưởng Hoàng Nam Hải: “Tây Tiến viễn chinh”

Thứ Sáu, 01/07/2022 12:05

. KIỀU MAI SƠN
 

Ông Hoàng Nam Hải (1923 - 2003) sinh tại bản Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1941, để chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang sau này, một số thanh niên Cao Bằng giác ngộ cách mạng (Vũ Nam Long, Đàm Quang Trung, Mai Trung Lâm, Hoàng Long Xuyên, Hoàng Siêu Hải, Hoàng Ngọc Sơn, Vũ Lập, Hà Hưng Long, Thu Sơn…), trong đó có Hoàng Nam Hải được đưa sang Trung Quốc học quân sự tại phân hiệu Võ bị Hoàng Phố.

Khóa học kéo dài 3 năm, đến tháng 10-1944, Hoàng Nam Hải về nước tham gia huấn luyện tự vệ huyện Hà Quảng. Giữa lúc huấn luyện, Hoàng Nam Hải nhận được chỉ thị về tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ huy.

Trước khi Trung đoàn 52 (Trung đoàn Tây Tiến) được chính thức thành lập (2-1947) thì Trung đoàn trưởng Hoàng Nam Hải đã cầm quân chỉ huy Tây Tiến từ tháng 10-1945. Con đường “Tây Tiến” viễn chinh của một trong những Trung đoàn trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam đến nay ít được biết đến.

Ảnh 1-Thượng tướng Phùng Thế Tài và ông Hoàng Nam Hải – Tư liệu gia đình

Chi đội trưởng Chi đội 3 Sơn La

Trong ngày tiễn biệt ông Hoàng Nam Hải - nguyên Chánh tòa Hình sự (Tòa án Nhân dân tối cao), người con trai cả của ông (sau này là Đại tá, công tác tại Quân chủng Phòng không Không quân) thấy Thượng tướng Phùng Thế Tài đến viếng rất sớm. Đón thủ trưởng của mình, nguyên Tư lệnh Quân chủng PKKQ, anh hỏi nhỏ Thượng tướng Phùng Thế Tài: “Thưa bác, bác có quan hệ như thế nào với bố cháu?” Vị tướng vốn nổi tiếng “hét ra lửa” trong toàn quân nghẹn ngào: “Bố cháu từng là Trung đoàn trưởng trước tôi.”

Đó là Trung đoàn Sơn La - mà những ngày mùa thu năm 1945 được gọi là Chi đội 3. Trong phiếu lí lịch, ông Hoàng Nam Hải ghi về đơn vị do mình làm chỉ huy trưởng như sau: Chi đội trưởng Chi đội 3 (Quân khu 2). Chi đội theo cách gọi khi đó tương đương trung đoàn. Ngày nay đơn vị này mang phiên hiệu Trung đoàn 148 - Sư đoàn 316 (Quân khu 2).

Sách Lịch sử Trung đoàn 148 (1945 - 2005) viết: “Chi đội 3 Sơn La, sau đổi tên thành Trung đoàn 39, đến giữa năm 1946 đổi thành Trung đoàn 97 Sơn La, đến tháng 1 năm 1948 lấy phiên hiệu là Trung đoàn 148 cho đến ngày nay” (tr. 15). Cuốn này cũng khẳng định: “Đồng chí Nam Hải được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng (sang đầu năm 1946 đồng chí Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng” (tr. 15).

Ngược dòng thời gian, các tư liệu lịch sử cho thấy, việc giành chính quyền ở Tây Bắc trong Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra rất phức tạp. Do chưa có cơ sở Đảng, chưa tổ chức được các đoàn thể cứu quốc, nên ở Lai Châu, Mặt trận Việt Minh chưa nắm được chính quyền. Ở Sơn La, Mặt trận Việt Minh phải điều bộ đội từ Sơn Tây, Phú Thọ lên phối hợp với tự vệ địa phương giành chính quyền. Nhưng không bao lâu, Thổ ty Đèo Văn Long dẫn hai tiểu đoàn Pháp chạy sang Vân Nam (Trung Quốc) từ ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), quay trở về chiếm thị xã Lai Châu làm bàn đạp đánh xuống Sơn La, Mộc Châu, Hòa Bình. Các tổ chức phản động được quân đội chính quyền Tưởng Giới Thạch từ Trung Quốc sang cũng lôi kéo các thổ ty chống lại cách mạng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc (11-1945) và Bộ Quốc phòng đã điều động một bộ phận Giải phóng quân lên chi viện cho Mặt trận Tây Bắc. Đây chính là những đơn vị đầu tiên trong đoàn Tây Tiến viễn chinh để sau này đã đi vào lịch sử, được thi sĩ Quang Dũng khắc tạc trong lời thơ bất hủ Tây Tiến!

Đó là Đại đội Giải phóng quân tỉnh Hoà Bình do ông Đinh Công Đốc chỉ huy, tiến lên Mộc Châu. Trong lúc đó, Đại đội Giải phóng quân tỉnh Phú Thọ do ông Nguyễn Duy Phiên chỉ huy cũng nhận được lệnh Tây Tiến. Đơn vị lên tới Mộc Châu trung tuần tháng 10-1945, cuối tháng lên tới thị xã Sơn La. Đây cũng là đơn vị Giải phóng quân miền xuôi đầu tiên có mặt tại thị xã Sơn La. Đến tháng 11-1945, nhân dân các dân tộc Sơn La đón tiếp Chi đội 3, do các ông Hoàng Nam Hải và Lê Trọng Tấn chỉ huy, lên đến thị xã. Chi đội trưởng Hoàng Nam Hải là cán bộ quân sự được đào tạo bài bản, một trong những người chỉ huy của Giải phóng quân Trung ương.

Vừa lên tới Sơn La, Chi đội 3 phải mau chóng tổ chức lực lượng chiến đấu chống lại đội quân của Thổ ty Đèo Văn Long khi đó đã thành lập được một tiểu đoàn do Đèo Văn Phát (con trai Thổ ty Đèo Văn Long) chỉ huy. Tiếp đó, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng ở Thượng Lào sang, từ đó quân Pháp bắt đầu mở các cuộc hành quân mở rộng địa bàn, đánh chiếm các châu trong tỉnh Sơn La. Để hỗ trợ Chi đội 3, Bộ Quốc phòng tiếp tục điều thêm lực lượng từ miền xuôi lên chi viện: Đại đội Lê Thám từ Hà Nội lên đến thị xã Sơn La vào chiều hai mươi chín Tết, ngay sau Tết âm lịch Đội vũ trang tuyên truyền của Cao Bằng do ông Hoàng Đông Tùng làm Đội trưởng lên đến thị xã Sơn La. Tháng 2-1946, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) cử 1 đại đội do ông Kim Anh chỉ huy (sau trở thành Tiểu đoàn 71), 1 đại đội do ông Bế Văn Sắt chỉ huy (sau trở thành Tiểu đoàn 90); tỉnh Ninh Bình cử 1 đại đội do ông Lê Duy Xương làm Đại đội trưởng và 1 đại đội do ông Trần Độ là Đại đội trưởng; tỉnh Hà Nam cử 1 đại đội do ông Nguyễn Quang Kỳ làm Đại đội trưởng…

Đầu tháng 3-1946, ông Hoàng Sâm - Tư lệnh Chiến khu 2 sau khi sang Sầm Nưa (Lào) thăm và uý lạo bộ đội giải phóng Sầm Nưa, đã về Mường Hét dự cuộc họp với Lào, bàn việc thành lập khối Liên minh chiến đấu Việt-Lào. Trở lại Sơn La, ông Hoàng Sâm triệu tập cán bộ chủ chốt của Chi đội 3, đại diện Ban cán sự và Ủy ban Hành chính (nay là UBND) tỉnh Sơn La, công bố quyết định thành lập Ban chỉ huy Trung đoàn Sơn La, gồm: ông Hoàng Nam Hải - Trung đoàn trưởng, ông Lê Trọng Tấn - Trung đoàn phó, ông Hoàng Mười - Chính trị viên, ông Hoàng Đông Tùng - Phái viên chính trị của Khu kiêm Bí thư Trung đoàn ủy.

Tư liệu của ông Quý Bảy - nguyên Đại đội trưởng và sau đó là Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 148, được đăng trên tạp chí Lịch sử Quân sự (2002) cho biết: Tháng 9-1946, ông Phùng Thế Tài lên thay ông Hoàng Nam Hải làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La. Đến tháng 11-1946, ông Lê Trọng Tấn lên Sơn La lần thứ hai thay ông Phùng Thế Tài. Trước đó, Trung đoàn phó Lê Trọng Tấn trở về xuôi chữa bệnh, lên lại Sơn La lần này, ông Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng cho đến đầu năm 1948.

Ông Hoàng Nam Hải (bên cạnh người cầm cờ) cùng các chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân báo công trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22-12-1996 – Tư liệu gia đình

Huấn luyện quân sự

Phiếu lí lịch của ông Hoàng Nam Hải cho biết, thời gian ông làm Chi đội trưởng Chi đội 3 từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1946. Tiếp đó, từ tháng 8 năm 1946 đến tháng 1 năm 1947, ông Hoàng Nam Hải được điều động làm Giám đốc Trường Quân chính Quân khu 2. Cuộc đời ông có nhiều lần gắn bó với công tác huấn luyện quân sự: từ tháng 6-1949 phụ trách Trường Bổ túc đại đội Liên khu 3 (nay là Trường Quân sự Quân khu 3), công tác ở Trường Văn hóa Quân đội 5 năm… Trước đó, giữa năm 1945, với vốn kiến thức quân sự được đào tạo chính quy từ phân hiệu trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), ông Hoàng Nam Hải được điều động làm cán bộ huấn luyện quân sự Trường Quân chính kháng Nhật (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1 hiện nay). Nhớ lại sự kiện này, ông Hoàng Nam Hải chia sẻ:

“Lúc ấy tôi đang chỉ huy một đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên), thì có lệnh gọi về Trường Quân chính kháng Nhật làm cán bộ huấn luyện quân sự… Chương trình huấn luyện lúc ấy chỉ có hai môn: chính trị và quân sự. Học viên ở đây là những cán bộ, học sinh từ các tỉnh miền núi, miền xuôi gửi đến. Về trường, tôi gặp lại đồng chí Hoàng Văn Thái - Hiệu trưởng, đồng chí Thanh Phong - Hiệu phó, đồng chí Lương đều là bạn cùng học ở Trường Quân sự Nam Ninh, Trung Quốc năm 1941. Anh em tay bắt mặt mừng” (Thiếu tướng Hoàng Nam Hải, “Kỉ niệm ở trường Quân chính kháng Nhật”, in trong sách Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 245).

Đại đội học viên (gồm ba trung đội) Trường Quân chính kháng Nhật do ông Khang (sau này là Đại tướng Hoàng Văn Thái) làm Đại đội trưởng. Thành phần học viên đa số là Cứu quốc quân các chiến khu Bắc Sơn, Võ Nhai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Chiêm Hóa, Yên Thế. Một số đoàn viên thanh niên miền xuôi lên chiến khu cũng được chọn đi học. Là học sinh, sinh viên các thành phố nên số đoàn viên này khá nhanh nhẹn, hoạt bát, được chia ra xen kẽ vào các tiểu đội Cứu quốc quân người dân tộc thiểu số để tiện làm quen và giúp nhau học tập. Trường Quân chính kháng Nhật lại phân ra các chuyên khoa học tập: đào tạo cán bộ quân sự, đào tạo cán bộ chính trị và đào tạo cán bộ phụ trách hành chính cấp dưỡng. Ổn định tổ chức xong, Đại đội trưởng Khang phổ biến: “Theo chỉ đạo của cấp trên, đây là Trường Quân chính kháng Nhật. Khóa đầu tiên này nhằm đào tạo những cán bộ chỉ huy lãnh đạo cho Quân giải phóng. Thời gian học có hạn, nên các đồng chí phải nỗ lực nhiều để tiếp thu đầy đủ những điều phổ biến mới làm được nhiệm vụ sau này” (Nhiều tác giả, Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011).

Đào tạo xong khóa 1, tiếp tục đào tạo khóa 2, vừa khai giảng được một thời gian thì Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra, thầy và trò của Trường Quân chính kháng Nhật tỏa về các địa phương lãnh đạo giành chính quyền.

K.M.S

VNQD
Thống kê