Người gắn bó với chặng đường phát triển của Trường Sĩ quan Lục quân 1

Thứ Năm, 16/06/2022 10:49

. CHU HUYỀN

Một ngày đầu năm 2022, tôi được nghe Trung tướng, phó Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Viết Toản - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 kể về những câu chuyện của ông trong những năm gắn bó với Nhà trường; ông đã cùng với Ban Giám hiệu phát huy bề dày truyền thống, đoàn kết, gắn bó xây dựng Trường Sĩ quan Lục quân 1 ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Năm 2013, khi đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, ông nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Lúc đó, cảm xúc trong ông trộn lẫn bâng khuâng, trăn trở, mừng và lo; mừng vì được Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ mới; lo vì bản thân sẽ phải làm gì để gánh vác trọng trách mà tổ chức tin tưởng phân công. Những điều đó cứ hiện hữu trong suy nghĩ của ông, đan xen giữa tình cảm và trách nhiệm. Ông xác định, không thể phụ lòng tin của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí, đồng đội bằng cách tập trung tâm sức, trí tuệ và nhiệt huyết để cống hiến cho sự nghiệp đào tạo cán bộ của Nhà trường. Thời gian đó, toàn trường đang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XV, với cương vị Hiệu trưởng, ông nhanh chóng hòa nhập môi trường mới, chủ động nắm tình hình, lắng nghe tiếp thu ý kiến của chỉ huy các cơ quan, khoa, đơn vị và cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Từ đó xác định vấn đề trọng tâm định hướng tiếp tục sự phát triển của nhà trường.

Trải qua nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Nhà trường lần thứ XVI và hiện nay Nhà trường đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, gắn với thực hiện phương châm của Bộ Quốc phòng: “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, ông cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Trong đó, chú trọng bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, hoàn chỉnh chuẩn đầu ra cho các đối tượng; tích cực bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng, nâng cấp thao trường, bãi tập; tập trung mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu: học viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu của công tác chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị.

Rèn luyện thể chất

Đối với các mặt công tác của Nhà trường, ông nghiên cứu, chỉ đạo cụ thể để cơ quan, khoa, đơn vị tiến hành triển khai đúng hướng, đạt chất lượng hiệu quả tốt. Trong đó thành công nhất là: Sửa đổi, bổ sung nội dung, chương trình, giảm thời gian lên lớp lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm. Đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực của người học; thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước chuẩn bị bài giảng; tăng cường giảng mẫu, giảng thử; kịp thời bổ sung kiến thức mới; ứng dụng công nghệ, các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quản lý và dạy học; nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, thể lực cho cán bộ, giảng viên, học viên. Tổ chức chặt chẽ, hiệu quả hoạt động hội thi, hội thao, giờ tự học, tiết thứ 9, giờ thể thao buổi chiều, hành quân rèn luyện; hành quân rèn luyện kết hợp trú quân dã ngoại. Kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu với bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất cần thiết cho học viên. Đổi mới nội dung, phương pháp diễn tập, thực tập, ôn thi tốt nghiệp cho các đối tượng; nâng cao năng lực thực hành, gắn lý thuyết với thực hành, nhà trường với đơn vị và thực tiễn huấn luyện, chiến đấu. Đồng thời, ông chỉ đạo kiên quyết việc tăng cường dự giảng, kiểm tra huấn luyện, diễn tập của chỉ huy các cấp; bổ sung các quy định cụ thể vào Quy chế giáo dục-đào tạo của Nhà trường để thực hiện tốt khâu đột phá: “Nâng cao chất lượng dạy - học; quản lý, rèn luyện học viên”.

Để nắm chắc tình hình thực tế giảng dạy của giảng viên, ông luôn sắp xếp thời gian cùng cán bộ các cấp đi dự giờ, kiểm tra huấn luyện. Qua đó, vừa bồi dưỡng kinh nghiệm giảng dạy cho giảng viên, vừa động viên học viên học tập. Khi kiểm tra huấn luyện, ông trực tiếp làm mẫu động tác, trao đổi với giảng viên phương pháp giảng dạy lý luận, duy trì thảo luận, phương pháp đạo diễn diễn tập, cương vị chỉ huy mà học viên đóng vai để phân tích đúng, sai, định hướng cách khắc phục.

Với tâm huyết của ông trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả giáo dục - đào tạo của Nhà trường đã chuyển biến tiến bộ, tích cực. Học lực của học viên hằng năm 100% đạt yêu cầu, có 80% trở lên đạt khá, giỏi; tỉ lệ tốt nghiệp có 70% trở lên đạt khá, giỏi (3 - 4% giỏi, xuất sắc). Học viên tốt nghiệp ra trường về các đơn vị trong toàn quân công tác đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên rõ rệt, 65% có trình độ sau đại học, 7 - 8% tiến sĩ và 0,3 - 0,5% phó giáo sư.

Giọng nói điềm đạm, nét mặt phấn chấn ông kể tiếp: Những lúc đi thao trường kiểm tra huấn luyện, diễn tập là lúc ông muốn dành tâm huyết trao đổi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, tư duy quân sự về chiến thuật cho cán bộ, giảng viên, học viên, bằng cách tạo tình huống giả định để các buổi tập thêm sinh động, gắn giữa huấn luyện ở nhà trường sát với huấn luyện ở đơn vị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ông rất đam mê môn chiến thuật, từ những ngày ông làm cán bộ, chỉ huy đơn vị sẵn sàng chiến đấu, những năm, tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, rồi là giảng viên tại Học viện Lục quân, trực tiếp huấn luyện chiến thuật nhiều đối tượng học viên đã tạo cho ông những trải nghiệm, kinh nghiệm quý. Vì vậy, 9 năm công tác tại Nhà trường, ông thấy nơi đây là đất “dụng võ” của mình, là nơi ông truyền thụ cho lớp lớp giảng viên, học viên những kinh nghiệm mình đã tích lũy được. Những buổi ở thao trường huấn luyện chiến thuật, ông được thể hiện đúng mình khi là học viên; có lúc là chỉ huy đơn vị; có lúc là giảng viên chiến thuật…

Học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ảnh NVCC

Mỗi đối tượng học viên, ông có phương pháp truyền thụ, trao đổi riêng. Với học viên đào tạo thạc sĩ khoa học quân sự, ông trao đổi kinh nghiệm về học thuật, về cách tư duy trong nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp bảo vệ chuyên đề, luận văn. Đối với học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu Lục quân, cấp phân đội trình độ đại học, ông bồi dưỡng về lập trường, bản lĩnh, về tư thế, tác phong, yếu lĩnh động tác, phương pháp kết hợp thành thục giữa nói và làm. Những buổi trò chuyện ân cần, thân thiết; những lời chia sẻ, động viên của ông đã thổi vào tâm hồn lớp lớp học viên hôm nay bao hoài bão để họ phấn đấu, tiếp nối xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ cán bộ được đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Trung tướng Đỗ Viết Toản còn tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều công trình có giá trị nghệ thuật quân sự. Trong đó, đề tài Khoa học Quân sự cấp Bộ Quốc phòng: “Sử dụng các loại vũ khí hiện có tiêu diệt xe tăng thế hệ mới của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” nghiệm thu năm 2016 đạt loại xuất sắc, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Đề tài đã được in thành sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành để các nhà trường, đơn vị nghiên cứu, học tập.

9 năm công tác ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trung tướng Đỗ Viết Toản đã cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu khơi dậy sức mạnh nội lực của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ toàn trường đóng góp trí tuệ, công sức vào bề dày truyền thống của Nhà trường. Với những thành tích đạt được, năm 2013 và năm 2014, Nhà trường được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2015, được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3; năm 2018, được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, Huân chương Itxala của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và năm 2021 được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng.

Điều Trung tướng Đỗ Viết Toản, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 mong muốn cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ ổn định tư tưởng chính trị, đoàn kết thống nhất vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo; giữ vững và phát huy truyền thống của Nhà trường anh hùng, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ có chất lượng cao; không ngừng đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới…

C.H

VNQD
Thống kê