Rồng trong quan niệm tâm linh người Thái

Thứ Ba, 10/05/2022 07:33

. HỮU VI


Trong quan niệm tâm linh của người Thái, rồng thường trú ngụ ở những khúc sông và thường gây họa cho con người. Và hình hài của rồng ở mỗi vùng miền cũng rất khác nhau.

Rồng trên váy thêu của người Thái

Hình hài của rồng

Núi Pú Pỏm thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An) có ngôi đền tên gọi Chín Gian là chốn thờ chín mường cổ của cộng đồng người Thái xứ Nghệ. Các thầy mo đều cho rằng ngôi đền này linh thiêng nhất của người Thái ở Nghệ An. Cũng không ít người nghĩ rằng địa vực ngôi đền còn có lối vào cõi trời. Đền mới được xây dựng lại là một tòa kiến trúc mô phỏng ngôi nhà sàn người Thái. Lối lên là những bậc thang bê tông, hai bên đắp hai con rồng. Chúng khá bắt mắt nhưng khó mà nhận ra đây là rồng theo phong cách thời Lý, Trần, Nguyễn, hay một phong cách lai căng nào đó mà chúng ta thường thấy ở chốn chùa chiền. Nếu muốn bàn kĩ về đôi rồng này, có lẽ phải cần đến những người có chuyên môn sâu hơn. Còn theo quan niệm của cộng đồng người Thái xứ Nghệ, việc đưa rồng về ngôi đền thiêng có vẻ không hợp lí. “Chẳng ai đem rồng đến chỗ đền thờ cả.” - ông Sầm Văn Bình, nghệ nhân chữ Thái, cũng là người có nhiều nghiên cứu sâu sắc về văn hóa Thái cho hay. Không chỉ có ông Bình mà nhiều người khi đến viếng thăm ngôi đền cũng có ý kiến cho rằng việc đắp rồng ở một ngôi đền của người Thái là việc làm dư thừa, thậm chí là không phù hợp với tập tục cộng đồng.

Trên thực tế thì rồng rất quen thuộc với quan niệm tâm linh của người Thái. “Ngược” hay “nghiệc” là tên gọi của linh vật này. Dẫu vậy thì hình ảnh cụ thể về linh vật này còn khá mơ hồ. Rồng chỉ tồn tại trong cổ tích, thực tế hơn một chút là cầu vồng trong cơn mưa hay hoa văn trên váy Thái.

Một hình ảnh thực tế hơn về rồng trong quan niệm của cộng đồng người Thái xứ Nghệ đó là cầu vồng. Người Thái gọi cầu vồng là “rồng uống nước” và không ít người cảm thấy e sợ khi ngắm cảnh tượng thiên nhiên thú vị đó. Cầu vồng là một loài trong dòng họ nhà rồng, theo quan niệm của cư dân bản địa.

Người Thái gọi cầu vồng là “ngược hung”. Ngoài ra còn có “ngược lạnh” - rồng hạn hán. Loài rồng này không có những căn cứ về hình hài cụ thể, chỉ biết rằng nó uống rất nhiều nước.

Hình ảnh rõ ràng nhất về rồng trong văn hóa bản địa của người Thái xứ Nghệ thể hiện trên hoa văn thổ cẩm. Ở đó quy tụ những quan niệm chung về con rồng trong văn hóa Thái. Trên chân váy của người Thái, rồng hiện lên với những gam màu như cầu vồng gồm xanh, đỏ, tím vàng và trắng... Chúng có những chiếc gai trên lưng như gai cây xương rồng và có một hàm răng dài mềm mại. Đôi khi những con rồng trên váy Thái được thêu chỉ duy nhất bằng chỉ trắng. Những nghệ nhân và người sưu tầm về văn hóa chúng tôi có dịp hỏi đều đồng ý rằng, trong quan niệm của người Thái xứ Nghệ, rồng đáng sợ hơn là linh thiêng và chỉ có thể xuất hiện trên hoa văn chân váy Thái. Trong quá khứ, rất hiếm khi xuất hiện ở nơi thờ tự.

Rồng không chỉ xuất hiện trên những hình thêu thổ cẩm. Với trí tưởng tượng của người dân vùng cao, rồng có lẽ xuất hiện nhiều nhất trong kho tàng cổ tích. Có khá nhiều những chuyện kể lưu truyền dọc lưu vực sông lớn ở miền núi Nghệ An liên quan đến chuyện tình giữa rồng với rồng và giữa rồng với người. Cũng có những trận chiến giữa người và rồng mà ở đó những chàng trai thường trở thành anh hùng bảo vệ bình yên cho làng bản.

Lễ cúng đền trong lễ hội đền Chín Gian

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi của rồng sông Lam

Từ trước khi có Nhà máy thủy điện Bản Vẽ vào năm 2009, sông Nậm Nơn là chi lưu của sông Lam vốn có nhiều thác ghềnh và những vực nước. Trong đó có vực Văng Tan nay thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương được cho là nơi rồng ở. Người dân sống dọc lưu vực sông Nậm Nơn thuộc hai huyện Kỳ Sơn và Tương Tương trước kia tuyền tụng câu chuyện kể rằng: Dưới đáy sông có gia đình nhà rồng. Trong nhà có chàng trai rồng đã đến tuổi lấy vợ. Mùa xuân nọ, chàng rồng hóa thân thành anh con trai đi chơi hội và nhìn thấy cô gái xinh đẹp nên đem lòng yêu mến. Nàng là con gái của một gia đình nhà rồng ở vực nước Văng Cụa. Vực nước trên khúc sông Lam qua xã Chi Khê, huyện Con Cuông ngày nay. Khi nhận ra hai bên cùng là rồng hóa thân nên tình cảm càng thêm sâu nặng. Chàng trai nhận lời về thăm nhà nàng rồng ở Văng Cụa. Chàng trai rồng sau đó nhanh chóng về thưa chuyện với cha mẹ và đám cưới của họ đã diễn ra rất vui vẻ. Có cả một hội đua thuyền của rồng và của người trên sông để mừng đám cưới hai người. Thế nhưng mối lương duyên thì thật ngắn ngủi. Nhân lúc chàng trai dong thuyền đi buôn, ở nhà, cô dâu bị mẹ chồng đay nghiến, hành hạ nên tìm cách bỏ về nhà mẹ đẻ. Nàng biến thành cô gái trẻ và xin đi nhờ thuyền nhưng có 6 chiếc thuyền đã từ chối nhận chở. Cuối cùng thì hai cha con người lái buôn nghèo cho cô gái đi nhờ. Để trả công ơn, cô gái rồng mời hai cha con nọ xuống thủy cung chơi. Khi về còn đem biếu một chiếc lồng và bảo là có nhốt gà giống. Nàng dặn hai người phải đem về nhà mới được mở ra xem. Vì quá háo hức, khi đi qua bản Xiềng Tắm (nay thuộc xã Mỹ Lý - Kỳ Sơn), họ bèn mở ra xem. Thì ra trong lồng đầy tôm giống. Một nửa số tôm trong lồng đã nhảy xuống sông ra sinh sôi nảy nở tại đây.

Đó là cách giải thích của người dân về vùng nước có rất nhiều tôm trên sông Nậm Nơn chảy qua bản Xiềng Tắm.

Người dân vùng cao cùng giải thích cho hiện tượng như mưa giông, lũ lụt là do những lần giận dữ của chàng trai rồng. Sau chuyến buôn, chàng rồng trở về và hay tin vợ đã bỏ đi liền trút giận gây ra thác lũ khiến dòng Nậm Nơn trở nên hung hiểm, lắm thác nhiều ghềnh. Mỗi lần nhớ vợ, chàng rồng lại nổi giận vì thế mà lưu vực sông Nậm Nơn thường xuyên xảy ra lũ quét.

Trò khắc luống trong lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong - Nghệ An

Những mối tình và cuộc chiến của rồng với người

Bản Xăng xã Châu Bính huyện Quỳ Châu có địa thế dưa lưng vào núi, hướng mặt ra sông. Từ nhiều thế hệ nay, cộng đồng người Thái này đã cư ngụ cạnh sông Nậm Hạt và núi Phá Xăng. Cư dân nơi đây cũng lưu truyền câu chuyện về mối tình của chàng trai rồng sông Nậm Hạt với một cô gái xinh đẹp tên gọi Nang Đòn.

Chuyện rằng, Nang Đòn thuộc dòng họ Lang, là những người đầu tiên đến lập bản ở Phá Xăng. Sắc đẹp của nàng khiến nhiều trai tráng trong vùng mê mẩn, trong đó có một thanh niên tuấn tú mà nhiều người nghĩ do rồng hóa thành. Trong khi đó Nang Đòn lại đem lòng mến mộ chàng trai. Để vạch mặt chàng rồng, người dân bèn cho nhiều ớt vào thức ăn của anh ta. Chàng rồng cay quá liền há rộng miệng để lộ hàm răng đỏ và dài. Để tránh cho Nang Đòn bị rồng bắt về làm vợ, người dân đem nàng lên núi Phá Xăng giấu biệt. Từ đó chàng rồng không còn tìm được người đẹp nữa và nàng cũng chết hóa thành một bức tượng đá. Một câu chuyện khác cũng kể rằng, sau khi chết đi, linh hồn của Nang Đòn đã hóa thành rồng và kết hôn với rồng sông Nậm Hạt.

Ngoài những mối tình thì giữa người và rồng còn xảy ra những cuộc chiến. Đó là việc những anh hùng, chủ yếu là thầy mo đánh nhau với “phi ngược” - ma rồng. Những bản người Thái ở các xã Tà Cạ, Na Loi của huyện Kỳ Sơn còn lưu truyền câu chuyện về các cuộc chiến khi rồng sống ở sông suối đã giúp những toán giặc đến cướp phá bạn làng.

Những “biến tấu” của hình hài rồng

Hình ảnh rồng trên những nhũ đá trong các hang động ở miền núi Nghệ An cũng được ghi nhận bởi cư dân bản địa. Thằm Mẹ Mọn thuộc xã Quang Phong, huyện Quế Phong là một hang động như thế. Cư dân bản Chiếng kể đây là nơi cư ngụ của thần Thợ Săn là một tù trưởng lập nên Mường Quàng thuộc vùng đất thuộc các xã Quang Phong và Căm Muộn (Quế Phong) ngày nay. Hang động cũng được nhắc đến trong nhiều bài dân ca và nơi đây cũng là không gian của một lễ hội cổ đã mai một. Tuy nhiên, khi người viết bài này tìm đến hang động thì những nhũ đá hình rồng đã bị người địa phương phá đi. Dân bản cho hay, những người săn tìm đá cảnh đã tìm đến lấy đi. Vòm hang giờ đây chỉ còn là những nhũ đá bị đạp vỡ nham nhở.

Ngày nay, hình ảnh rồng đã xuất hiện khá nhiều trong kiến trúc đền chùa ở miền núi xứ Nghệ. Đó chủ yếu là những ngôi đền được xây mới bởi những dự án gọi là tôn tạo, phục dựng nơi thờ tự từng xuất hiện trong truyền thuyết và trong đời sống. Thậm chí những dòng họ gia thế khi xây đền thờ tổ tiên cũng đắp rồng trên mái hoặc lối đi lên đền. Họ chấp nhận những du nhập, mặc dù như đã nêu ở trên là theo quan niệm chung của cộng đồng người Thái xứ Nghệ thì rồng là một linh vật đáng sợ hơn là linh thiêng và không mấy phù hợp cho thờ tự.

Ngoài đền Chín Gian thì đền Mương Chiêng Ngam, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu cũng là một trong những nơi thợ tự có sự xuất hiện của rồng. Ngôi đền nằm trên núi Tẻn Bọ cạnh Di tích Văn hóa - Lịch sử Quốc gia Hang Bua. Đền thờ những người có công khai khẩn bản mường gồm 3 vị “Xiêu” gọi là Xiêu Bỏ, Xiêu Ké và Xiêu Luông. Người dân cho hay ngôi đền vốn có kiến trúc nhà sàn truyền thống của cộng đồng người Thái bản địa. Nhưng vì là nhà gỗ không kiên cố nên sau nhiều năm các lễ hội bị bãi bỏ thì ngôi đền cũng mục nát. Gần đây, chính quyền địa phương cho “phục dựng” lại nhưng kì thực là xây mới một ngôi đền mang một dáng dấp lạ lẫm. Đó là một tòa kiến trúc trệt trên có mái rồng. Hàng tháng cư dân bản địa vẫn đến hương khói. Nhiều người được hỏi không mấy quan tâm đến ý nghĩa của những con rồng được đắp trên mái. Họ đến đây chủ yếu vì nhu cầu tâm linh.

Hình ảnh rồng còn có tại đền Choọng (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp). Đây cũng là ngôi đền thiêng của người Thái ở huyện miền núi này và vốn được xây dựng lại theo những nghiên cứu của chính quyền địa phương và lời kể của người cao tuổi lân cận. dòng họ Vi ở xã Yên Hòa (Tương Dương) cũng đắp rồng trên đường lên đền thờ họ tại bản Xiềng Líp. Đó là một trong số không nhiều dòng họ ở miền núi Nghệ An đã xây cất được nơi thờ tự tổ tiên nom khá bề thế.

H.V

VNQD
Thống kê