Người Sài Gòn ngày 30/4

Thứ Bảy, 30/04/2022 09:44

. NGUYỄN TRỌNG LUÂN

 

Lâu nay khi kể về ngày đầu tiên giải phóng Sài Gòn tôi ít kể tới chuyện tôi đã gặp những người đầu tiên ở Sài Gòn thế nào, cảm giác của tôi ra sao với người Sài Gòn. Thời gian đã qua đi gần nửa thế kỉ nhưng những người tôi gặp trong ngày 30/4 và sáng 1/5 ở Sài Gòn thì tôi nhớ rất rõ và câu chuyện mới như ngày hôm qua.

Trưa 30/4 / 1975. Sau lúc quân ta đã cắm cờ trong dinh Độc Lập, tiểu đoàn của tôi rải quân dọc đường Phan Đình Phùng (đường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ) và đường Trần Quí Cáp (Võ Văn Tần bây giờ). Trung đoàn bộ đóng trong trường Lê Quí Đôn kề sát với dinh Độc Lập. Tiểu đội trinh sát của tôi đóng lại tại căn nhà 160 Phan Đình Phùng của một Luật sư tên là Lê Tất Hào đã di tản. Tôi nhớ vậy là vì ở cửa có cái biển đồng ghi như thế.

Đêm 30/4 thật là bình yên, thành phố thật đẹp và mát mẻ. Đêm ấy Sài Gòn chỉ những là bộ đội. Đêm ấy tiểu đội tôi thu về được 5 cái xe con đưa vào nhà thi đấu Phan Đình Phùng bây giờ. Con phố nơi chúng tôi ở có Đại sứ quán Nhật Bản mà cấp trên yêu cầu chúng tôi phải để ý vì có tin còn người Mĩ đang tá túc trong đó. Con đường Phan Đình Phùng rợp mát bởi hàng cây long não to. Bóng đèn nê ông loang lổ trên những dãy phố mà chúng tôi cứ ngỡ trong mơ.

Ngày 1/5 / 1975, mới mờ sáng đã xuất hiện từng đoàn học sinh, sinh viên cầm cờ đỏ sao vàng nhỏ trên tay đi khắp mọi nẻo đường phố hô vang những câu khẩu hiệu chào mừng giải phóng. Dọc các đường phố các chú bộ đội trẻ măng mặt mũi lấm lem ngây ngô ra vỉa hè đứng nhìn các thiếu nữ xinh đẹp trên đường. Sáng ấy tôi đứng trên ban công ngôi nhà 160 Phan Đình Phùng mải mê ngắm thành phố tinh khôi sau một đêm gần như thức trắng viết xong bài hát “Chúng con hát tên Người thành phố Hồ Chí Minh”. Thành phố rợp những cờ hoa và áo dài trắng tha thướt. Trước mặt tôi hàng cây long não đầy những tiếng ve kêu. Bên phải ngôi nhà tôi ở là một khu nhà 1 tầng mái ngói rất rộng có tiểu đoàn bộ ở. Trước cửa tiểu đoàn bộ, các cô gái quần Jean áo pul đang vây quanh mấy anh lính anh nuôi của tiểu đoàn. Họ hỏi chuyện, họ tíu tít vây lấy bộ đội và rộ lên tiếng cười vui vẻ trong nắng sớm. Các cô gái hỏi nhiều lắm mà các chú lính nhà ta chỉ cười và gãi tai. Tôi chạy xuống nhà nghe thấy các cô gái hỏi bọn anh nuôi, anh ơi anh học lớp mấy? Anh ơi anh có biết bài thơ “Bến My Lăng” không? Anh ơi anh có đọc “ Lá ngọc cành vàng” chưa? Ngoài Hà Nội có nhiều “Hông đa” không? Có người ra hiệu cho cô gái vừa hỏi. Cô ta vội hỏi thêm, à anh ơi anh ở Hà Nội có đọc Hemingway không? Nhìn những gương mặt lính trẻ thật hiền các cô gái càng cười rộn ràng. Chết cha rồi, họ cứ tưởng bộ đội ta cái gì cũng biết. Tôi đoán ngay đây là sinh viên đại học. Tôi bước ra cửa. Bọn anh nuôi ồ lên, kia kìa các cô hỏi anh kia kìa. Thế là họ bu lại quanh tôi. Sao mà thanh niên trong này thơm thế không biết. May mắn ba năm học đại học trước khi đi lính mình cũng đọc khá nhiều sách nên trả lời không đến nỗi. Trong lúc chúng tôi tíu tít cười nói với các cô gái thì cách đó vài mét ở bên số nhà 158 Phan Đình Phùng có hai người đàn ông đứng nghe chúng tôi trò chuyện. Khi đám sinh viên đi rồi thì tôi cũng vội vã chuồn ngay đi với một chú lính ở c24 ra cửa Hạ Viện chụp ảnh. Tám giờ sáng quay về, tôi lại nhận lệnh lên Trung đoàn (đóng trong trường Lê Quí Đôn) nhận nhiệm vụ giao lưu với giáo viên học sinh trường Lê Quí Đôn cùng 3 anh giáo viên cấp 3 là lính trên trung .

Chiều ấy tôi đứng ở cửa nhà 160 , một ông già chừng ngoài 50 tuổi bên nhà 158 rụt rè đến bên tôi và nói khẽ. Tôi mời anh sang nhà tôi xơi nước. Tôi ngước nhìn tấm biển trên cửa nhà có chữ Bách Khoa, bên dưới ghi dây nói .. trị sự gì gì đó mà tôi ít hiểu. Ngó quanh không thấy ai, tôi mới mạnh dạn bước vào nhà. Trong nhà có một người đàn ông nữa áo quần rất tươm tất và một bà chừng là chủ nhà. Ông Chủ nhà nói: - Thưa quí anh. Tôi vội nói luôn bác cứ gọi tôi là cháu. Bố cháu chắc ít tuổi hơn hai bác. Hai ông già nhìn nhau rồi thân thiện hơn. Ông chủ nhà nói:

- Tôi là Lê Ngộ Châu chủ bút tạp chí Bách Khoa.Còn đây là anh Nguyễn Huy Nhân quản lí Hành chánh tòa soạn. Sáng nay tôi có nghe anh nói chuyện với các cô sinh viên Sài Gòn, tôi đoán anh cũng có học hành chi đó hả? Tôi trả lời:

- Dạ vâng cháu học hết năm thứ 3 đại học Cơ Điện rồi mới đi bộ đội. Lúc này thì họ đưa mắt nhìn nhau và hỏi :

- Thế anh là cấp gì chứ?

Tôi cười:

Cháu là chiến sĩ thôi. Cả ba người đều ngạc nhiên.

Ngày hôm sau, 2/5/1975 tòa soạn Bách Khoa có đông người đến. Ông Lê Ngộ Châu lại sang mời tôi sang uống nước. Ông chỉ vào một người nhỏ, không mập, da mét giới thiệu với tôi, đây là Giáo sư Lê Văn Trung. Chỉ vào một người mập hơn giới thiệu đây là nhà văn Vũ Hạnh. Rồi có một người trẻ tuổi đẹp trai đưa cho tôi cái danh thiếp ghi tên Lê Văn Định. 108/3 Đồng Tâm 1 Gò Vấp. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái “cạc vi dít “ là ở đây. Hôm ấy là ngày đầu tiên các nhân viên công chức của Tạp Chí đến tập trung đầy đủ tại trụ sở Tòa soạn. Tôi nhìn ai cũng thanh tao lịch sự và không có nét gì sợ sệt hay lo lắng. Mỗi người hỏi tôi một câu về cuộc sống ngoài Bắc, về cuộc sống bộ đội thật bình thản hiền lành.

Có một điều rất vui. Bà vợ ông Lê Ngộ Châu một hôm chứng kiến tôi gọt mướp và nhặt rau giúp anh nuôi thuần thục nhanh nhẹn thì nể quá. Ông Châu hỏi tôi, anh ghi họ tên anh vô tờ giấy này cho tôi được không? Tôi vui vẻ viết tên mình và cả quê tôi Vĩnh Phú nữa. Ông ấy nói tôi cũng đã ở Phúc Yên đây. Rồi ông khen, chữ anh đẹp quá. Bộ đội Bắc Việt thật ... không ngờ.

Ngày 3/5 Ông Nhân phụ trách hành chánh Tạp chí Bách Khoa ngỏ ý đưa tôi về nhà thăm nhà cho biết nhà. Tôi đeo cả súng ngồi lên chiếc xe PC của ông về tận Phú Nhuận. Thấy tôi đến cả nhà ông Nhân túm lại hỏi chuyện miền Bắc, hỏi chuyện cha mẹ gia đình tôi. Tôi chỉ dám ở chơi nhà ông ấy 1 tiếng đồng hồ rồi về ngay. Ông Nhân đưa xe tôi đến đầu phố rồi tôi đi bộ về tiểu đội.

Chỉ tiếc chúng tôi ở trong Sài gòn đến 7/5/75 là rút ra Củ Chi. Sáng hôm lên đường rời Sài Gòn. Xe chúng tôi dàn hàng trên phố Phan Đình Phùng (bây giờ là Nguyễn Đình Chiểu) Ông bà Lê Ngộ Châu ra tận xe đưa cho tôi một gói nhỏ trong một chiếc khăn mùi soa . Ông bà nói khẽ, cháu mang mấy chỉ vàng đi mà tiêu dùng. Tôi cúi đầu cám ơn ông bà và nói rằng, như vậy cháu sẽ bị kỉ luật nhà binh đó. Ông Lê Ngộ Châu rụt tay lại. Xe chạy, ông bà Lê Ngộ Châu và ông Nguyễn Huy Nhân vẫy tay mãi. Vậy là Sài Gòn với tôi xa từ hôm ấy. Sau này tôi có nhiều dịp quay trở lại đây công tác, tôi thường đến khúc phố này ngắm nhìn những cây long não cổ thụ và những ngôi nhà xưa cũ và nhớ tới những người dân Sài Gòn xưa với biết bao thương mến chân thành. Những người Sài gòn lần đầu tiên tôi gặp và suốt đời tôi nhớ.

N.T.L

VNQD
Thống kê