Nụ cười Sơn Mỹ

Thứ Ba, 12/04/2022 00:51

Vậy là năm năm kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân đến thôn Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê - Thành phố Quảng Ngãi) - Nơi mà cách đây hơn nửa thế kỉ, vào ngày 13 tháng 6 năm 1968 lính Mỹ đã đốt phá nhà cửa và tàn sát 504 thường dân. Năm năm có thể là khoảng thời gian khá dài để một người Quảng Nam như tôi về lại Sơn Mỹ, nhưng biết làm sao được khi đến hôm ấy, trong dịp dự trại viết Văn nghệ Quân đội tổ chức tại Đà Nẵng, tôi mới có đủ tâm thế quay lại vùng đất mà với tôi, nó vốn là “cái rốn đau thương của nhân loại”.

Người dân Sơn Mỹ thắp hương tưởng nhớ 504 thường dân bị sát hại

Năm 2011, tỉnh đội Quảng Ngãi đăng cai hội thi Báo cáo viên, cán bộ giảng dạy Chính trị giỏi Quân khu 5, tôi phụ trách đưa cán bộ của đơn vị từ Bình Định ra thi. Trước khi bế mạc, Ban tổ chức cho đi tham quan khu chứng tích vụ thảm sát Mỹ Lai. Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc đó, nếu không tận mắt thấy, tận tai nghe, tôi nghĩ không một ai trên thế giới này có thể tưởng tượng ra những tội ác kinh hoàng như thế. Bạn cảm thấy thế nào khi trước mắt mình là những xác người nằm chết la liệt, chủ yếu là phụ nữ và em thơ vô tội? Bạn cảm thấy thế nào khi cạnh bước chân mình là vũng máu người trên con đường quê hương thân thuộc? Bạn sẽ thế nào khi chứng kiến những tên lính Mỹ to cao lực lưỡng hãm hiếp những người phụ nữ nhỏ bé chân lấm tay bùn yếu đuối? Bạn thấy thế nào khi xung quanh mình là những ngôi nhà tranh tre vách nứa của làng quê mình bị đốt cháy? Tôi thì khóc - như một đứa trẻ, khóc theo từng lời kể của chú Phạm Thành Công, giám đốc khu bảo tàng chứng tích, cũng là một nạn nhân, một nhân chứng sống của vụ thảm sát. Có nỗi đau nào hơn thế nữa khi từng ngày chú phải tự mình đấu tranh với những ký ức đau thương, phải kể lại nó với một giọng rõ ràng và mạch lạc. Tôi rời Sơn Mỹ với nỗi ám ảnh tội ác vượt quá tưởng tượng của một anh “lính pháo thành phố”, như người từ cõi khác lạc chân đến cùng cực đau thương, như không thể bước qua ngưỡng cảm xúc này.

Cũng trong chuyến đi đó, tôi kết thân với anh bạn là người con của thôn Mỹ Lai. Cũng vì bị những cảm xúc đau buồn chế ngự nên trong tâm tưởng tôi bao giờ cũng dành sự chia sẻ, cảm thông với anh bạn được sinh ra trong “cái rốn đau thương” ấy. Cho đến một ngày, anh bạn nói với tôi: “Sự quan tâm của mi làm tao cảm thấy tự ái”. Sợ anh bạn nghĩ mình thương hại, tôi kể hết những cảm nghĩ của mình sau lần về Sơn Mỹ, không ngờ bạn cười rồi phẩy tay: “Mi đừng bao giờ mang tâm thế bi lụy khi đến những khu chứng tích để rồi mang chúng về nhà, chính người dân Sơn Mỹ cũng đã gạt đi nước mắt để vươn lên xây dựng quê hương từ lâu lắm rồi”.

Các nhà văn tham gia trại sáng tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi thực tế tại Sơn Mỹ

Nụ cười của bạn đã thôi thúc tôi trở lại Sơn Mỹ, dù đã nhiều lần anh mời nhưng tôi từ chối vì sợ cảm giác của lần đầu kia. Xe đến Sơn Mỹ, bon bon chạy trên con đường bê tông thẳng tắp, những cánh đồng lúa tốt tươi hai bên đường rì rào trong nắng ấm, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những đoàn xe du lịch ra vào tấp nập, lũ trẻ con vui đùa đuổi nhau tươi cười tưng bừng khắp thôn xóm… Ngồi sau tay lái của bạn, tôi tự nhiên thấy mình lạc hậu như một dị nhân từ thế kỉ thứ lâu lắm được bước qua cánh cửa thời gian lọt thỏm vào Sơn Mỹ.

Nhà bạn hai tầng, mái ngói đỏ, hàng rào cửa sắt kín bưng, mẹ già nghe tiếng xe máy chạy ra mở cửa, tươi cười hồ hởi: “Đưa bạn về chơi hả con?” - nụ cười của người mẹ quê mới tròn trịa và phúc hậu làm sao. Bạn là con cả trong gia đình, lúc xảy ra thảm sát ba bạn mới 10 tuổi, lính Mỹ xông vào xả súng, ông cố, ông bà nội và mấy cô chú bạn lần lượt bị trúng đạn, ngã gục, ba bạn thoát được ra cửa sau nhà, nằm vào đống xác người giả chết và may mắn sống sót. Bạn lớn lên trong cảnh túng bần giữa mảnh đất mà diện tích của hố bom nhiều gấp mười lần ruộng lúa. Bạn bảo chính những bữa cơm độn khoai, độn sắn đã hun đúc cho anh em bạn một quyết tâm mạnh mẽ: phải học để thoát khỏi đau thương và nghèo đói.

Cụ bà ngồi bán ngô luộc ngay đường vào khu chứng tích, miệng món mém nhai trầu chào mời khách tham quan. Tôi kéo bạn ngồi xuống thưởng thức món ăn khoái khẩu, nhận từ tay cụ bà trái bắp còn nóng hổi, xuýt xoa vừa ăn vừa thổi, bắp Sơn Mỹ ngọt thơm rất dễ chịu: “bắp của cụ ngon thế này chắc khách tây thích lắm phải không?” - Cụ bà món mém trả lời: “Ừ, họ mua nhiều lắm cháu, hồi xưa ghét mấy thằng tây nên bà không bán, nhưng chừ cũng hết giận rồi nên tây hay ta đều phục vụ nhiệt tình”. Cụ bà cười khoe hàm răng nhuộm trầu đỏ chói… tự nhiên tôi thấy tiếc, bấy lâu nay mình đã bỏ qua những trái bắp xanh ngọt tự nhiên ở Sơn Mỹ để đi gặm những trái bắp ỉu xuội ở thành phố, rồi tự cho đó là hạnh phúc?

Một nhóm các em học sinh đang tụ tập quanh những vị khách tây cao lớn, thi xì xồ tiếng Anh. Bạn bảo cũng nhờ những “tiết học ngoại khóa” thế này mà thanh niên ở Sơn Mỹ học tiếng anh rất giỏi, nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học đã về quê làm hướng dẫn viên trong khu chứng tích, nhiều người được trọng dụng ở các công ti nước ngoài. Không biết những vị khách tây nói gì mà tụi nhỏ phá lên cười vang trời rồi chuyển sang bắt chuyện với tốp khách khác…

Tôi lang thang một vòng quanh khu chứng tích, khách tây, khách ta lúc nào cũng đông đúc, nhưng tuyệt nhiên không có sự ồn ào, xô bồ chen lấn mà rất trật tự và trang nghiêm, ai cũng chăm chú quan sát, lắng nghe, đâu đó có tiếng sụt sùi khóc, có lẽ sự thật đau thương đã chạm vào lòng trắc ẩn. Tôi tin những giọt nước mắt sẽ vẫn còn rơi mãi vì sự thật lịch sử sẽ không thể mất đi, giọt nước mắt của lịch sử cho dù có bi thương đến chừng nào cũng không bao giờ chất chứa trong nó sự bi lụy mà ngược lại nó chính là nguồn động lực để người dân Sơn Mỹ và những ai đã từng đến Sơn Mỹ vươn đến những nụ cười rạng rỡ của hôm nay và mai sau.

Bạn đã làm được, Sơn Mỹ quê bạn đã thực sự hồi sinh. Tôi đứng giữa cánh đồng lúa cố vươn căng lồng ngực để hưởng trọn mùi thơm lúa mới, hưởng trọn những niềm vui phơi phới được gầy dựng từ lòng vị tha, sự bao dung và ý chí kiên cường. Nụ cười đã trở lại Sơn Mỹ, nụ cười lưu giữ trọn vẹn những sự thật của lịch sử nhưng cũng đầy niềm kiêu hãnh để bước đến tương lai.

NGUYỄN HỒNG PHONG

VNQD
Thống kê