Trong ảnh là tượng đài Công tước Richelieu ở thành phố Odessa được xếp những bao cát xung quanh cao gần kín để bảo vệ khỏi các trận oanh kích của quân Nga dự kiến sẽ dội xuống thành phố này trong các đợt tấn công của Nga vào Ukraine. Bên cạnh đó, trong một diễn biến khác, từ năm 2016, hàng loạt tượng đài thời Xô viết cũng ở thành phố Odessa đã bị phá hủy theo lệnh của Thống đốc thành phố. Không chỉ những tượng đài các nhà lãnh đạo thời Xô viết như Lenin, Shchors, Frunze, Kirov, Kalinin, Dzerzhyncky, Kotovsky… mà cả những biểu tượng thời đó như hình ảnh búa liềm, hình tượng công nông, tranh tượng cổ động thời Chiến tranh vệ quốc… đều bị tháo dỡ, gỡ bỏ. Tượng các lãnh tụ cộng sản quốc tế như Karl Marx, Engels, Dimitrov… và những danh nhân văn hóa như Maxim Gorky cũng chịu chung số phận. Hình ảnh Hồng quân và nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức cũng đều bị đục bỏ.
Đây được coi như hành động thể hiện sự rũ bỏ quá khứ gắn với thời kì Liên Xô của nhà lãnh đạo Odessa. Tuy nhiên, hành động trên ngay lập tức cũng gặp phải nhiều ý kiến chỉ trích trong dư luận thành phố cũng như trên mạng xã hội. Theo các nhà bình luận nước ngoài khi đó thì đây là hành động “bắn đại bác vào quá khứ”.
Trong xu hướng ngả theo phương Tây, hồi đầu năm 2015, Quốc hội Ukraine đã thông qua điều luật về việc cấm các biểu tượng thuộc về chủ nghĩa cộng sản trên toàn bộ lãnh thổ nước này. Tổng thống Petro Poroshenko khi đó cũng đã kí sắc lệnh về việc cải danh những đường phố, thành phố, thị trấn, làng mạc mang tên các nhà lãnh đạo, các danh nhân thời Xô viết hoặc các anh hùng thời chiến tranh vệ quốc.
Được mệnh danh là Hòn ngọc của Biển Đen, Odessa là thành phố cảng quan trọng của Ukraina. Sau thời kì của đế chế Otoman là giai đoạn người Nga làm chủ vùng đất này. Năm 1794, Nga hoàng cho mời các nghệ sĩ lớn từ châu Âu đến để xây dựng thành phố theo phong cách châu Âu. Công tước Richelieu (Armand-Emmanuel de Vignerot du Plessis - Duc de Richelieu) đến từ nước Pháp, là cháu nội Hồng y giáo chủ Richelieu - nhân vật quan trọng trong câu chuyện Ba người lính ngự lâm. Là một người bạn của Sa hoàng Czar Alexander I, ông đã đến nước Nga sau những biến cố chính trị và được bổ nhiệm thống đốc Odessa, sau đó Richelieu đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, quy hoạch thành phố này. Năm 1828, người dân Odessa góp tiền dựng tượng đài ông bằng đồng và đặt ở vị trí đẹp nhất thành phố. Hiện bức tượng đang bị đe dọa sự toàn vẹn bởi chiến tranh, và người dân Odessa đã nghĩ ra cách chặn các bao cát xung quanh để bảo vệ nó.
Trọng Thái tổng hợp
VNQD