Ngã tư số một của Thủ đô

Chủ Nhật, 17/04/2022 00:43

1. Mới đây, tôi đã tìm được tạp chí Ogoniok (Nga) số 35, ra tháng 8/1970, với nội dung chào mừng Quốc khánh của Việt Nam.

Anh hùng phi công Mai Văn Cương (Ảnh 1)

Ngoài bìa là ảnh Anh hùng phi công Mai Văn Cương và một ảnh phong cảnh Việt Nam (Ảnh 1). Trong ruột có bài báo Đất nước của những anh hùng, với ảnh minh họa là bức ảnh chụp ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, cận cảnh số nhà 93 Đinh Tiên Hoàng, nơi hiện nay là Nhà triển lãm thông tin thành phố (Ảnh 2).

Trong ảnh, mặt tiền số nhà 93 treo một pano cỡ lớn, thể hiện chân dung V.I.Lenin và dòng chữ số 1870 - 1970. Có thể hiểu bức tranh này kỉ niệm 100 năm ngày sinh vị lãnh tụ của giai cấp công nhân toàn thế giới. Phía dưới có dòng khẩu hiệu: “Tất cả để đánh thắng”.

Với vị thế đắc địa ở ngay trung tâm Thủ đô, mặt tiền số nhà 93 thường được sử dụng cho mục đích thông tin tuyên truyền. Ảnh 4 là bức ảnh cho thấy ở vị trí đó là tấm thiệp “Chúc mừng năm mới”. Khi này, khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng” đã thay bằng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Có phải bức ảnh này được chụp sau năm 1975?

Từ năm 1978, vị trí mặt tiền này đã được thay bằng bức tranh của họa sĩ Từ Thành và tồn tại cho đến ngày nay. Đó là tranh Bác Hồ bế một cháu gái, phía dưới có khẩu hiệu “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn” (Ảnh 3).

Bức tranh của họa sĩ Từ Thành trên cửa vào triển lãm (Ảnh 2)

2. Tôi bỗng tò mò muốn tìm hiểu xem cái toà nhà nơi có nhà số 93 Đinh Tiên Hoàng có lịch sử ra sao. Tra cứu thì biết nó được xây dựng năm 1934, trên nền một khách sạn hai tầng cũ. Khi xây xong, toà nhà này được nhiều doanh nhân thuê. Họ mở Tửu quán Hoàng gia (Taverne Royale - ảnh 6). Cũng trong toà nhà này có một trong những phòng trà ca nhạc đầu tiên của Hà Nội...

Trước nay, tôi vẫn biết Rạp Tháng Tám phố Hàng Bài thời Pháp là Rạp Majestic. Nhưng khi xem kĩ các bức ảnh của Pháp, mới nghi ngờ trong toà nhà 91-93 Đinh Tiên Hoàng (Boulevard Francis Garnier) có một rạp cinema cũng có tên là Majestic. Một bức ảnh chụp năm 1950 cho thấy áp phích quảng cáo phim Tire au flanc sản xuất năm 1950 (Ảnh 7). Đó là năm bao nhiêu? Nhìn kĩ thì tôi thấy bên dưới chỗ hay ghi tên phim có ghi: “...le D’amour”. Tên đầy đủ của nó là L’ile D’amour, sản xuất năm 1944, với sự góp mặt của tài tử Tino Rossi (Ảnh 5). Như vậy, có thể phỏng đoán được bức ảnh được chụp vào năm 1944. Và như vậy, có thể biết thêm là ngoài rạp Majestic ở Hàng Bài còn có thêm rạp cùng tên tại 91 - 93 Đinh Tiên Hoàng nữa.

Đấy, từ một bức ảnh Lenin mà tìm hiểu ra được kha khá thông tin.

Rạp cinema Majestic tại 91 - 93 Đinh Tiên Hoàng (Ảnh 3)

3. Phần cuối, xin giới thiệu bản dịch bài báo đăng trên tạp chí Ogoniok số 21/1969 do tôi thực hiện, viết về ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài:

“... Ngã tư thức dậy rất sớm. Bóng đêm vẫn còn chưa kịp tan đi trong ánh sáng ngày nhưng nơi đây đã vang lên những tiếng chuông xe đạp. Chuyến tàu điện hối hả chạy dọc theo phố Hàng Bài để ra ngoại ô Hà Nội. Tàu điện chạy qua Hồ Hoàn Kiếm, qua tấm bảng thông tin mà mới ngày nào còn thông báo số lượng máy bay Mĩ bị bắn rơi, còn giờ đây treo những tấm áp phích tuyên truyền về Triển lãm thành tựu công nghiệp Thủ đô. Trên đường, chiếc xe hơi biển số ngoại giao bấm còi lịch thiệp đang khéo léo vượt lên dòng xe đạp vô tận.

Tửu quán Hoàng gia - Taverne Royale (Ảnh 6)

Chạy rất từ từ, chiếc xe phun nước mác Liên Xô làm dịu cơn nóng đường phố bằng những dòng tia nước mát. Một tốp lính trẻ khoác súng trường đi theo đội ngũ. Gần trưa, tung tăng qua ngã tư là những cô bé cậu bé học trò xách cặp sách, vừa mới kết thúc giờ học ở một ngôi trường gần đó. Tiếp theo sẽ là quãng giờ nghỉ trưa, ngã tư trở nên tĩnh lặng để rồi mấy tiếng đồng hồ sau sẽ lại trở nên sôi động, nhộn nhịp. Và khi đó, cô gái cảnh sát áo vàng sẽ rời bục và bắt đầu dùng gậy điều khiển giao thông, để ý kĩ đến những ai phạm luật.

Khi chiều buông, những quầy hàng trong cửa hàng Bách hóa tổng hợp sáng rực, người dân nhộn nhịp đến Phòng triển lãm và Nhà hát gần đó.

Một ngã tư nhỏ ven Hồ Hoàn Kiếm có một cuộc sống thật sôi nổi và mãnh liệt. Như Hà Nội. Như Việt Nam”.

PHAN VIỆT HÙNG

VNQD
Thống kê